Chủ Nhật, 22/09/2024 11:44 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 07/10/2010 08:18 SA

Nếu chưa một lần đến gành Đá Đĩa, sẽ khó cảm nhận được lời thì thầm của đá. Màu thời gian để lại trên nền đá như ma lực thu hút con người. Gành Đá Đĩa là nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước.

 

ganh-Da-Dia101007.jpg

Gành Đá Dĩa - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Ở gành Đá Đĩa, du khách có thể ngồi hàng giờ câu cá biển hoặc cạy “vú nàng” – một loài nghêu sống bám vào ghềnh đá, nướng muối ớt xanh tại chỗ để nhâm nhi ly rượu nhỏ, giao hòa với thiên nhiên.

 

Nằm ngay cạnh gành Đá Đĩa là một bãi cát trắng mịn hình vầng trăng lưỡi liềm, là một bãi tắm lý tưởng cho những người yêu biển.

 

Ngoài giá trị cảnh quan vô cùng kỳ thú, gành Đá Đĩa còn là một hiện tượng địa chất rất độc đáo ở nước ta, có giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn.

 

Gần gành Đá Đĩa là thành An Thổ - thủ phủ tỉnh Phú Yên triều nhà Nguyễn, nơi lưu dấu ấn cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương, tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương ở Nam Trung bộ. Thành An Thổ còn là nơi sinh Trần Phú - vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cạnh đó là nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng từ thế kỷ XIX, mà tiền thân là nhà nguyện của công chúa Ngọc Liên (con gái chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên) tại dinh Trấn Biên 1929. Nơi đây còn lưu dấu ấn bức họa đồ thủ phủ dinh Trấn Biên xưa, nơi giáo sĩ Đắc Lộ đã từng giảng kinh và hoàn chỉnh từ điển Việt - Bô-la xuất bản ở Roma 1651, nơi sản sinh vị thánh tử vì đạo đầu tiên của Việt Nam - thánh Anrê Phú Yên.

 

Gần đó là chùa Hội Tôn là nơi Tổ Liễu Quán đã “đồng chơn nhập đạo” năm lên 6 khi mẹ vừa qua đời. Theo ý nguyện của Ngài, cha bằng lòng cho xuất gia với Hòa thượng Tế Viên đang hoằng hóa đạo pháp tại đây. Dấu tích của chùa Hội Tôn vào giữa thế kỷ XVII, nay chỉ còn một ngôi tháp cổ cạnh nhà thờ Mằng Lăng.

 

Tổ Liễu Quán: họ Lê, húy Thiệt Diệu hiệu Liễu Quán người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, nay là thôn Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sinh giờ Thìn ngày 13 tháng 1 năm Đinh Vị (1667) đời vua Lê Huyền Tôn. Năm 6 tuổi mẹ mất, Ngài được thân sinh cho xuất gia với Tế Viên Hòa thượng tại chùa Hội Tôn. Năm Canh Thìn (1680), Ngài ra Huế thọ học với Hòa thượng Giác Phong ở chùa Hàm Long Huế, tức chùa Báo Quốc ngày nay. Năm Tân Mùi (1691), Ngài trở vào Phú Yên  để nuôi cha già yếu. Khi cha qua đời năm Ất Hợi (1695), ngài trở ra Huế thọ sa di với Hòa thượng Thạch Liêm và thọ cụ túc giới với Hòa thượng Từ Lâm vào năm Đinh Sửu (1697). Năm Kỷ Mão (1699), Ngài đi tham lễ cầu học ở các thiền môn, đến năm Nhâm Ngọ (1702) Ngài đến Long Sơn bái yết Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung, Tổ sáng lập chùa Am Tôn nay là Từ Đàm và được trao công án: Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xư (Muôn pháp quy về một, một quy về đâu).

 

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742) vào giờ Mùi, Ngài thị tịch với 76 tuổi đời, 43 hạ lạp. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ban hiệu là Đạo Hạnh Thụy là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng. Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743) mới nhập tháp ở phía Nam núi Thiên Thai thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà nay thuộc thành phố Huế.

 

Tổ Liễu Quán có 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất nhiều đệ tử tại gia. Ở Huế có 9 vị.

 

Ở Phú Yên có khoảng 10 đệ tử kế thừa đã khai sơn các chùa: Bảo Tịnh, Kim Cang, Bình Quang, Hồ Sơn.

 

Tổ Liễu Quán được lập đền thờ ở chùa Châu Lâm (phía Nam núi Aman tại làng Ngân Sơn) thôn Quảng Đức, xã An Thạch huyện Tuy An. Chùa nguyên thủy  đồng thời với chùa Hội Tôn vào cuối thế kỷ XVII.

 

Chùa ở trên độ cao 10m có chánh điện, nhà đông, nhà tây. Đền thờ Tổ Liễu Quán được sư Khế Tâm xây dựng trên núi Aman phía tây chùa ở độ cao 20m. Đền xây kiên cố có tầng lầu thờ tượng Tổ Liễu Quán tư thế ngồi. Tầng dưới thờ Bia Tổ chạm khắc bằng đá Non Nước cao 1.2m rộng 0,8m. Mặt trước khắc chữ Hán theo bản chính của Pháp điệt Thiện Kế. Mặt sau là phần dịch tiếng Việt và các đệ tử kế thừa đời thứ 36  ở Phú Yên.

 

Chùa Châu Lâm còn lưu giữ tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2.000 cân, cao 1,5m và bia bằng đá của 24 vị nữ đệ tử của thiền sư Pháp Lâm, đã hoằng hóa đạo pháp ở chùa Viên Thông tại Huế. Các đệ tử tưởng nhớ Tổ đường Châu Lâm nên đã khắc bia và cúng dường đại hồng chung lưu niệm. Đại hồng chung có sự chứng minh của hòa thượng các chùa sắc tứ Bảo Lâm, Từ Hiếu, Quốc Ân, Tường Vân ở Huế và các vị hoàng thân cùng công chúa… Hòa thượng Quảng Đức với “Quả tim bất diệt” là pháp điệt của thiền sư Hoằng Thâm đệ tử của Tổ kế thừa hiệu Pháp Lâm phái Lâm Tế, đời thứ 40.             

 

(Còn nữa)

PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuyệt vời vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 03/10/2010 18:00 CH
Phú Yên - Âm vang 400 năm
Thứ Bảy, 02/10/2010 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek