Chủ Nhật, 22/09/2024 11:43 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 10/10/2010 10:00 SA

Di chỉ hang Beo cách đó 600 mét và di chỉ khảo cổ Cồn Đình (thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) cách di chỉ Gò Ốc 1km cũng khai quật được 51 hòn ghè là đá cuội tròn, nhẵn, 25 hòn kê có vết lõm trên mặt là dấu vết của quá trình ghè, đẽo. Tất cả các hiện vật bằng đá thu được ở các di chỉ trên được chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo cổ truyền. Cùng với các hiện vật bằng gốm hiển lộ trong hố khai quật, các di sản văn hóa bằng đá ở các di chỉ khảo cổ nêu trên nói lên một điều, cách đây khoảng 3000 năm đã có con người sinh sống trên vùng đất này. Đó là thời kỳ văn minh đồ đá mới. Họ đã biết trồng trọt và chăn nuôi với những công cụ sản xuất thô sơ là rìu đá, cuốc đá.

 

Tương tự, di chỉ khảo cổ học ở Sơn Thành (huyện Tây Hòa) chứng minh rằng đây là một xưởng chế tác công cụ sản xuất bằng đá có quy mô lớn của các cư dân vùng đất này thời kỳ tiền sơ sử và di chỉ Khe Ông Dậu (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa) phát hiện nhiều hiện vật của văn hóa Nam Sa Huỳnh.

 

Từ các di sản văn hóa đá cụ thể (rìu đá, cuốc đá) chúng ta đi đến kết luận rằng, có một nền văn hóa đồ đá mới ở Phú Yên, đó là nền văn hóa Sa Huỳnh mà không gian của nó trải rộng khắp mảnh đất miền Trung.

 

Các di sản văn hóa đá khai quật được góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử văn hóa của vùng đất Phú Yên thời kỳ tiền sơ sử.

 

Các di sản văn hóa thời kỳ tiền sơ sử trên đất Phú Yên có hai nhạc cụ độc đáo là đàn đá và kèn đá Tuy An.

 

Đàn đá Tuy An là một nhạc cụ bằng đá gồm 8 thanh được phát hiện năm 1992 tại núi Một thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An có niên đại hơn 2500 năm. Đây là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đàn đá được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay. Hai di sản văn hóa nhạc cụ bằng đá này là bảo vật quốc gia. Ngoài giá trị âm nhạc vô cùng độc đáo, hai di sản văn hóa nhạc cụ bằng đá này tôn vinh những chủ nhân đã chế tác ra nó, thể hiện một nền văn minh thời đồ đá mới khá rực rỡ trên đất Phú Yên.

 

Kèn đá được phát hiện năm 1995 tại thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An. Các nhà khoa học xác định đây là một loại nhạc khí cổ có niên đại cách đây 2500 năm. Kèn đá có lỗ thổi hơi vào và lỗ thoát hơi ra. Phía trong ruột lỗ có gờ hình xoắn ốc, khi thổi tạo nên âm thanh có cao độ khác nhau. Chất liệu chế tác kèn đá là đá bazan sẵn có ở địa phương.

 

Đàn đá và kèn đá Tuy An đã vang lên trong các ngày hội văn hóa quốc gia, là tiết mục đặc sắc chào mừng Festival Huế 2008 để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Trên cơ sở chất liệu những thanh đá kêu hiện có ở Tuy An, các nhà văn hóa đang phối hợp với khách sạn 5 sao CENDELUXE chế tác một bộ đàn đá 25 thanh có hệ thống thang âm hoàn chỉnh nhất để đưa hồn đá Phú Yên bay cao bay xa bằng ngôn ngữ âm nhạc.

 

Phú Yên còn lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống như làng bánh tráng, trồng hoa, rau xanh, đồ gốm, cây cảnh và những làng chài ven sông, biển. Với sản vật đồng bằng, biển, rừng, hồ nước ngọt... đa dạng, Phú Yên có nhiều đặc sản để vinh danh văn hóa ẩm thực mang nét đặc trưng vừa dân dã vừa sang trọng.

 

Phú Yên còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc văn hóa Việt, đặc biệt là các đình làng nơi sinh hoạt cộng đồng - như một thiết chế tín ngưỡng dân gian có nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người dân.

 

Chỉ riêng tại TP Tuy Hòa có nhiều ngôi đình, đền để thờ phụng những nhân vật lịch sử, những ông tổ mở làng lập ấp, những nhân vật huyền thoại được tôn kính, thành hoàng của làng. Qua khảo sát thực tế tại các địa phương của Bảo tàng Phú Yên, hầu như phường nào cũng có đình. Các đình đều có sắc phong, một số đình còn giữ lại được, một số đình thì mất do chiến tranh, loạn lạc. Các sắc phong cho thấy đình làng ở TP Tuy Hòa có cách đây trên 100 năm, như đình làng ở các phường 1,3,4,5,6, Phú Lâm và thôn Ngọc Lãng. Nhìn chung, các ngôi đình đều mang đậm kiến trúc người Việt, đó là kiểu nhà 2 gian, 3 chái, hình chữ lập, nhà vuông có 4 cột cái rất to gọi là tứ trụ hay tứ trượng. Đây là loại nhà kiến trúc mở. Ngoài ra, còn có những ngôi đình 10 cột (4 vuông 6 tròn) đầu cột và kèo âm vào nhau. Các chi tiết chạm khắc trang trí bên trong ngôi đình đều bằng gỗ. Đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo nên những hình ảnh độc đáo như: rồng, phượng, mai, lan, cúc, trúc...

 

Ngoài ngôi đình chính ra, xung quanh còn có hệ thống lẫm làng, vỏ ca (nơi phục vụ cho tế lễ). Điểm nổi bật của đình làng ở TP Tuy Hòa là mặt đều quay về hướng Đông Nam, thể hiện nguồn gốc và sự sống. Trước đình làng có vỏ ca. Muốn vào đình phải qua một cổng xây bằng đá. Cổng thường có hình vòm, trang trí đắp nổi hình lân rồng, gắn mảng, có hai hàng chữ Hán chạy dọc hai bên trụ cổng. Tiếp đó là bệ thờ xây bằng gạch đá vôi nằm bên trong cổng gọi là bình phong.

 

Trước đây, đình làng tổ chức cúng tế lễ hằng năm, vào xuân kỳ thu tế. Thời gian cúng kéo dài 3 ngày 2 đêm và các phường thường tổ chức hát bội. Trong những năm gần đây, đình làng mới được bà con chú trọng, quyên góp tu sửa lại, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, đình làng vẫn giữ được vai trò của nó trong đời sống tinh thần của người dân, không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, bàn việc làng việc nước, mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử có giá trị.

 

Phú Yên sâu lắng mà hoang sơ. Phú Yên chứa đựng âm vang 400 năm trong mạch ngầm mở nước, dựng nước của dân tộc. Chắc chắn sẽ đọng lại niềm cảm hoài và dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Dấu ấn 400 năm, âm vang 400 năm mở ra cho Phú Yên cơ duyên mới, vận khí mới để cất cánh bay cao bay xa trong thời hội nhập và phát triển.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek