Chủ Nhật, 22/09/2024 11:29 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 05/10/2010 09:30 SA

Các nhà hàng hải người Pháp gọi núi Đá Bia là ngón tay Chúa (Le doigt de Dieu) do nhìn từ biển vào, tảng đá trên đỉnh núi giống hình ngón tay chỉ lên trời, có giá trị định vị cho tàu bè qua lại.

Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ trên đường về kinh đô (Huế) giữa thế kỷ XIX đã từng có bài thơ Vịnh Đá Bia: “Nhất phiến sơn đầu thạch” (Mảnh đá đầu non dựng). Dân gian Phú Yên gọi núi Đá Bia là núi Ông Bia. Địa danh dân dã ấy xuất phát từ lòng tôn kính bởi ở thôn Hảo Sơn (dưới chân núi) có di tích dinh Bà thờ Thiên Y Ana (bà mẹ xứ sở). Miếu thờ ấy là nơi mở đầu con đường cũ vượt đèo Cả sang Khánh Hòa mà bà con địa phương gọi là truông Gia Long – nơi lưu dấu ấn những cuộc hành quân quy mô lớn của cả hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thiên nhiên hùng vĩ của dãy Đại Lãnh và Đá Bia – đèo Cả soi bóng xuống Vũng Rô đã được vua Minh Mạng chọn khắc vào Tuyên Đỉnh (một trong 13 đỉnh đồng khắc các thắng cảnh quốc gia được đặt tại Thế miếu trong Đại nội kinh thành Huế.

 

Đá Bia được nền văn minh Chăm-pa tôn vinh là Linga đại sơn thần thì Vũng Rô – một tuyệt tác của thiên nhiên in bóng Đá Bia như một bức tranh sơn thủy hoàn chỉnh – xứng đáng được tôn vinh là Youni đại hải thần. Vũng Rô gắn với sự kiện mang tính huyền thoại về con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông trong kháng chiến chống Mỹ. Vũng Rô có 12 bãi tắm lý tưởng: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Bà Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Nhũ, bãi Nam. Vũng Rô có hòn Nưa tuyệt đẹp như cây trụ chia đôi cánh cửa vào Vũng Rô. Sách Đại nam Nhất thống chí gọi Hòn Nưa là Trụ Tự.

 

Đèo Cả, Vũng Rô đã đi vào thơ Hữu Loan và văn học sử ghi nhận bài thơ Đèo Cả là một trong trăm bài thơ hay nhất thế kỷ XX.

 

Đá Bia – đèo Cả – Vũng Rô, từ quá khứ đến hiện tại là một dòng chảy liên tục đẫm chất tráng ca và tình ca. Dòng chảy ấy đang tiếp sức cho tương lai với những dự án kỳ vĩ đã và đang triển khai: hầm đường bộ qua đèo Cả, cảng quốc tế Vũng Rô nối liền với Vân Phong… Cả một vùng kinh tế trọng điểm phía nam Phú Yên đang cựa mình chuyển động. Vẫn còn đó nét hoang sơ phơ phơ lau lách nhưng Đá Bia – đèo Cả – Vũng Rô đang ngời sáng vẻ đẹp dịu dàng thăm thẳm qua bề dày lịch sử. Hồn thiêng sông núi tiếp sức cho hiện tại xây dựng một Phú Yên giàu có và yên bình như nguyện ước của cha ông ta khi đặt tên cho mảnh đất này.

 

Phía đông Vũng Rô là Mũi Điện. Mũi Điện là cảnh quan kỳ thú phía nam tỉnh Phú Yên, nơi có doi đất liền của Tổ quốc vươn xa nhất ra biển Đông. Mũi Điện nằm trên triền núi Bà thuộc dãy Đại Lãnh (nhánh Trường Sơn đâm ngang ra biển tạo thành dãy núi bao quanh Vũng Rô).

 

Từ thời mở đất, Mũi Điện mang cái tên dân gian là Mũi Nạy, bởi từ xa ngoài khơi nhìn vào, Mũi Điện như một nhành cây đặt xuống biển. Trên các bản đồ của triều Nguyễn, ông cha ta gọi Mũi Nạy là mũi Đại Lãnh. Và toàn bộ dãy Đại Lãnh hùng vĩ được khắc vào Tuyên đỉnh thời Minh Mạng. Cuối thế kỷ XIX, đại úy hải quân Pháp Varella phát hiện và ghi dấu tầm quan trọng của mũi Đại Lãnh trên bản đồ hàng hải và người Pháp gọi là mũi Cap Varella.

 

Năm 1890, người Pháp xây dựng hải đăng trên đỉnh Mũi Nạy ở độ cao 86m so với mặt biển, tọa lạc tại tọa độ 12053’4" vĩ bắc, 109027’12" kinh đông. Ngọn hải đăng (đèn biển) này có tầm nhìn địa lý khá xa, là vật chuẩn giúp các tàu bè ngoài khơi định hướng bến bờ chính xác, giúp tàu bè lưu thông thuận lợi trên biển và vào cảng Vũng Rô.

 

Từ khi hải đăng được xây dựng và đi vào hoạt động, Mũi Nạy có tên là Mũi Điện.

 

Năm 1945, hải đăng Mũi Điện tạm ngưng hoạt động. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn khôi phục hải đăng nhưng hoạt động chưa lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Điện nằm trong khu vực căn cứ miền đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ ngụy ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng.

 

30 năm sau, Nhà nước xây dựng lại hải đăng Mũi Điện và chính thức đưa vào hoạt động ngày 3/7/1995, là một trong 45 đèn biển cấp một quốc gia. Hải đăng Mũi Điện hiện nay khang trang bề thế đối mặt với biển Đông, do đơn vị Bảo đảm an toàn hàng hải Khu vực 3 quản lý.

 

Từ chân tháp đến ngọn đèn biển cao 26m với 107 bậc cầu thang xoắn ốc. Hải đăng sử dụng thiết bị thu năng lượng mặt trời của Australia và đèn điện tử của Mỹ. Hải đăng có tầm nhìn địa lý 26,5 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng 24 hải lý, có đèn chính và đèn phụ với thiết bị hiện đại, bảo đảm chiếu sáng theo quy định (ánh sáng trắng chớp nhịp 3, chu kỳ 15 giây), tạo bờ nối giữa người đi biển và đất liền.

 

Mũi Điện cùng với ngọn hải đăng tạo thành cảnh quan kỳ thú, là một tuyệt tác của thiên nhiên cộng với bàn tay con người tô điểm. Cùng với việc xây dựng cảng Vũng Rô, xây dựng tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà gắn với khu công nghiệp Hòa Hiệp và TP Tuy Hòa, Mũi Điện là một trong những điểm hẹn hấp dẫn của du lịch Phú Yên. Du khách có thể đến Mũi Điện bằng đường bộ từ bãi Chính hoặc theo đường biển qua cửa Vũng Rô. Bãi Môn (chân Mũi Điện) nằm lọt giữa hai dãy núi tạo thành một vịnh nhỏ nước trong như ngọc.

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuyệt vời vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 03/10/2010 18:00 CH
Phú Yên - Âm vang 400 năm
Thứ Bảy, 02/10/2010 07:30 SA
Diên cách Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 01/10/2010 09:00 SA
Diên cách Phú Yên (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/09/2010 08:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek