Chủ Nhật, 22/09/2024 11:33 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 08/10/2010 08:00 SA

Gần chùa Hội Tôn là chùa Đá Trắng (chùa Từ Quang) di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

 

Từ Quang tự được xây dựng năm 1797 thời vua Quang Toản (nhà Tây Sơn) với sự khởi xướng của nhà sư Diệu Nghiêm dòng Lâm Tế thiền tông, pháp hiệu là Luật Truyền Hòa thượng. Chùa tọa lạc trên ngọn Bạch Thạch Sơn (núi Đá Trắng), tựa lưng vào một dãy núi cao và hướng mặt ra dòng sông Cái. Xung quanh ngôi chùa này có rất nhiều đá, toàn một màu trắng phau nên ngay từ khi được tạo lập, chùa Từ Quang có tên gọi dân dã là chùa Đá Trắng.

 

Cảnh trí của chùa rất đặc sắc, xung quanh là núi cao và rừng rậm, phía dưới là dòng sông lớn. Con đường thiên lý Bắc – Nam chạy ngang giữa cảnh núi, sông này. Khí thiêng sông núi tụ hội, chùa Từ Quang trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước. Những năm 1885 – 1887, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu yêu nước cùng mưu việc lớn. Tại Phú Yên, phong trào này do Lê Thành Phương lãnh đạo, các nhà sư chùa Từ Quang tham gia tích cực. Chùa trở thành pháo đài cho đạo quân của phó tướng Bùi Giảng ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu.

 

Sau khởi nghĩa Lê Thành Phương, vào những năm 1900, chùa Đá Trắng là căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ và Trần Cao Vân. Võ Trứ mặc áo nhà sư kêu gọi sĩ phu khởi nghĩa.

Chùa Đá Trắng còn vang danh với đặc sản xoài tượng.

 

Triều Nguyễn, sản vật này được gọi là “Bạch thạch yêm ba” hay “Nhị bảo ngự thiện”, là một trong những sản vật tiến vua.

 

Trên địa bàn Tuy An còn có chùa Cổ Thanh Lương, nơi có tượng phật Bà Quan Âm 2000 năm tuổi trôi trên biển, cơ duyên được rước về thờ ở chùa. Cách nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng và thành An Thổ không xa, thị trấn Chí Thạnh ghi dấu cuộc thảm sát dân thường đầu tiên của chính quyền Ngô Đình Diệm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, một di tích lịch sử quốc gia về một thời đau thương của dân tộc. Gần đó là hai làng nghề cổ tiêu biểu của tỉnh Phú Yên.

 

Làng gốm Quảng Đức thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về hướng bắc. Làng nằm ở ngã ba sông Ngân Sơn và sông Cái, phía bắc giáp sông Cái, phía nam giáp đầm Ô Loan. Ở đó có bến đò Lò Gốm và có cầu bắc qua sông Ngân Sơn gọi là cầu Lò Gốm.

 

Các nghệ nhân trong làng kể lại, làng gốm ở Quảng Đức có từ thế kỷ 17, phát triển rất mạnh vào thế kỷ 18. Đây được coi là một trong những làng nghề hình thành và phát triển sớm nhất tỉnh Phú Yên. Người dân trong làng đều sống bằng nghề làm gốm. Nguyên liệu để làm gốm ngoài đất sét ở An Thạch còn có loại đất sét khai thác từ vùng An Định nằm liền kề. Đất sét đem ủ, pha chế, sàng lọc, băm thật nhuyễn… mất thời gian khá lâu mới có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để làm nên sản phẩm gốm Quảng Đức. Gốm được chế tạo bằng cách vuốt tay, dải cuộn (be chạch) cà bàn xoay. Sản phẩm gốm chủ yếu có 2 loại: có men và không men, kiểu dáng khá phong phú như: chén, dĩa, bát, nồi, nậm, bình vôi, hũ, vò, chóe, ổ bịp, lục bình… Hoa văn trang trí gồm khắc vạch, in hoặc đổ khuôn in hoa văn gắn nổi lên sản phẩm, hình sóng nước, dãy hoa văn vòng tròn, hoa mai, văn vỏ sò, hoa văn rồng, lân, hạc, tùng… Khuôn in hoa văn gốm làm từ đất nung, có dạng hình tròn, hình chữ nhật, hình bầu dục…

 

Điểm nổi bật của gốm Quảng Đức chính là việc tráng men trên gốm bằng vỏ sò huyết, loại sò nổi tiếng ở đầm Ô Loan. Các nghệ nhân cho biết: Sau khi tạo dáng sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ đưa sản phẩm vào bao nung, bỏ đầy vỏ sò huyết được khai thác ở đầm Ô Loan. Sau 3 ngày, 3 đêm nung bằng củi bằng lăng, vỏ sò nóng chảy bám vào bề mặt xương gốm tạo thành một lớp men màu xanh ngọc. Trên lớp men có dính một ít mảnh vỏ sò trông khá đặc biệt.

 

Lò nung gốm Quảng Đức là loại lò bầu có hai ống khói dùng để nung cả hai loại gốm có men và không men. Khi nung gốm không tráng men, việc sắp xếp sản phẩm được chú ý, tạo sự hợp lý và tận dụng diện tích, sản phẩm lớn ở dưới, nhỏ ở trên, sản phẩm nhỏ nằm trong sản phẩm lớn. Khi nung gốm có men phải dùng bao nung và thời gian kéo dài 3 ngày 3 đêm, lò nung bằng củi cây bằng lăng, cây chành ngạnh… Nét đặc trưng của gốm Quảng Đức là loại hình đa dạng, phong phú, độc đáo, kiểu dáng trang trí trên sản phẩm gốm Quảng Đức phần nào ảnh hưởng cách trang trí trên gốm của người Chăm. Đặc biệt một số hoa văn trên sản phẩm hay khuôn in có phần giống với gốm Gò Sành ở Bình Định.

 

Gốm Quảng Đức sáng danh trong triển lãm các dòng gốm cổ Việt Nam được tổ chức ở cố đô Huế tháng 6/2009.

 

Cạnh làng gốm Quảng Đức là một làng nghề nổi tiếng: Phường Lụa. Tỉnh Phú Yên có hai nơi dệt lụa là Gò Duối (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) và Phường Lụa (thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An). Ngân Sơn nằm sát bờ sông Cái, thuận tiện cho việc trồng dâu nuôi tằm. Sản phẩm lụa của Phường Lụa vang danh một thời.

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek