Chủ Nhật, 22/09/2024 11:38 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 09/10/2010 09:00 SA

Vua Bảo Đại và Hoàng hậu mặc gấm Phường Lụa do một người thợ tên Xuân dệt. Cảm thấy hài lòng, nhà vua lệnh truyền xuất kho đóng cho ông Xuân một khung dệt, đồng thời ban tặng tấm biển “Hoàng hậu ân tứ” treo trước khung dệt. Khung dệt này chỉ dùng dệt gấm cho nhà vua, không được dùng dệt gấm cho khách hàng. Nhà vua còn phong cho ông Xuân tước cửu phẩm và một huy chương vàng.

 

Cách các di tích văn hóa lịch sử quốc gia ở Tuy An 20 cây số là vịnh Xuân Đài - một cảng biển tuyệt đẹp mà giáo sư Trần Văn Giàu đã sánh với vịnh Subic của Philippin.

 

Tại vịnh Xuân Đài đã xảy ra trận quyết chiến giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn, nơi ghi chiến công đầu tiên của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ năm 1775. Theo lịch sử, thì vịnh Xuân Đài còn là nơi Nguyễn Ánh tập kết thủy binh đánh vào Phú Yên, là nơi dưỡng quân trên đường tiến ra đánh phủ Quy Nhơn.

 

Xuân Đài còn là nơi đặt kho để thu nạp lúa gạo từ các nơi khác trong vùng chuyển đến để cung cấp cho quân Nguyễn Ánh. Vì vậy tại nơi này còn có một địa danh gắn liền đến sự kiện này, đó là đèo Vận lương cách phía bắc Sông Cầu khoảng 6 cây số.

 

Vịnh Xuân Đài có một vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự, nên trong thế chiến thứ hai, Xuân Đài là một trong những địa điểm “nhân chứng” của cuộc chiến tàn khốc này. Đó là vào tháng 4/1945 tàu hải quân của Nhật Hoàng tiến vào vịnh đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng đã bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh. 

 

Soi bóng xuống Xuân Đài là tỉnh lỵ Sông Cầu - một thời là thủ phủ tỉnh Phú Yên và nay đã trở thành thị xã. Tại Sông Cầu có di tích hành cung Long Bình.

 

Thành Long Bình là nơi đặt bộ máy nhà nước Phong kiến tỉnh Phú Yên từ năm 1899 đến năm 1945. Hành cung trong thành Long Bình là hành cung của chính quyền phong kiến Nam Triều được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX và sử dụng dưới các triều vua cuối cùng của triều Nguyễn. Đây là di tích có giá trị lịch sử văn hóa, một trong số ít những di tích của triều đại Phong kiến nhà Nguyễn để lại dấu ấn khá rõ nét trên địa bàn Sông Cầu.

 

Hành cung là một công trình lớn, được thiết kế ở vị trí trung tâm của khu thành, quay mặt về hướng nam, hướng thẳng ra cột cờ, khoảng giữa cột cờ và hành cung có đào hồ hình mặt nguyệt, trồng sen để tôn thêm vẻ đẹp hài hòa của công trình kiến trúc này. Ở các phía tả, hữu và bên hậu hành cung là những dinh thự, công sở làm việc của bộ máy chính quyền Phong kiến. Tất cả các công trình đó đều quay mặt hướng về hành cung và lấy hành cung làm trung tâm. Theo lời những người cao tuổi ở địa phương, nguyên trước tòa chính điện của hành cung có hình vuông, một gian bốn mái lợp ngói âm dương, bộ khung cột chắc chắn làm bằng loại gỗ rất tốt, giữa tòa nhà có xây bục cao, trên bục là ngai vàng bằng gỗ sơn son thếp vàng.

 

Vua Bảo Đại đã hai lần về ngự tại hành cung tỉnh Phú Yên. Lần thứ nhất vào tháng 3/1933, khi đó Bảo Đại mới trở về từ Pháp và tổ chức cuộc tuần du vào các tỉnh phía nam. Trong chuyến đi này, vua Bảo Đại dừng chân ở lại hành cung Long Bình và tiếp tục đi thăm các cảnh vật trong tỉnh, trong đó có công trình thủy lợi đập Đồng Cam (lúc đó tên là đập Bảo Đại) vừa mới hoàn thành công cuộc xây dựng kéo dài 9 năm (1924 - 1932). Lần thứ hai vua Bảo Đại đến ngự tại hành cung Long Bình để chủ trì lễ khánh thành nối ray đường sắt xuyên Việt Bắc Nam tại ga Hảo Sơn ngày 2/9/1936.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng tiếp quản toàn bộ công sở dinh thự này. Cuối năm 1946, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã tiêu hủy toàn bộ các công trình  này trong đó có khu hành cung để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến.

 

Phía tây Phú Yên là các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như đền thờ Bác Hồ gắn với căn cứ Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Gò Thì Thùng. Phú Yên có suối nước nóng Phú Sen, Trà Ô, Triêm Đức đã được người Pháp đưa vào danh mục khai thác từ thời Pháp thuộc. Phú Yên có hàng trăm hang đá nổi tiếng như hang Vàng, hang Đá Lợp, hang Thuồng Luồng (hang Võ Trứ), nhiều thác nước, vực nước đẹp như tranh: đập Hàn, vực Phun, thác Thá, thác Hêly. Hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai là những nơi lý tưởng để tổ chức du lịch sinh thái.

 

Một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú ở Phú Yên là Hòn Vọng Phu. Cả nước có 5 Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định nhưng chỉ có Hòn Vọng Phu Phú Yên với hai khối đá Granit khổng lồ giống như người mẹ đang bồng con ngóng chồng nơi biển xa. Bởi vậy Hòn Vọng Phu Phú Yên còn có tên là Mẹ Bồng Con (người Pháp gọi là La Merè et L’enfant). Hòn Vọng Phu Phú Yên là một trong những biểu tượng của Phú Yên, là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Lê Thương sáng tác 3 bài Hòn Vọng Phu sống mãi cùng năm tháng.

 

Phú Yên có ba di chỉ khảo cổ đã khai quật. Đó là di chỉ khảo cổ Gò Ốc (thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) phát hiện hàng loạt các loại rìu đá dạng ngắn bằng đá granit, màu gan gà, lốm đốm những hạt trắng và rìu lưỡi lệch, được chế tác từ một mảnh diệp thạch màu xám xanh.

 

(Còn nữa)

PHAN THANH BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek