Chủ Nhật, 22/09/2024 11:54 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 04/10/2010 07:31 SA

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Nhà nước xây dựng cầu Đà Rằng mới (2005) trên tuyến tránh Quốc lộ 1A, cầu Sông Ba trên tuyến dọc miền Tây Phú Yên (2008), cầu Hùng Vương nối đôi bờ thành phố Tuy Hòa.

 

Sông Ba (và các phụ lưu) là dòng sông ánh sáng được các nhà khoa học quy hoạch xây dựng 9 công trình thủy điện với tổng công suất 657 MW tạo một sản lượng điện cho quốc gia 2847,8 triệu Kwh.

 

Dọc đôi bờ sông Ba là những nhà máy đường công suất lớn, chất lượng cao ở An Khê, Ajunpa, Sơn Hòa, Tuy Hòa..., là vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước.

 

Dọc đôi bờ sông Ba là quốc lộ 25 (liên tỉnh lộ 7 cũ) và quốc lộ 29 nối Phú Yên với Gia Lai và Đăk Lăk. Người Pháp đã quy hoạch tuyến đường sắt lên Tây Nguyên dọc theo sông Ba nối Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột và từ đó nối với Lộc Ninh - Sài Gòn. Những huyết mạch giao thông ấy đã và đang khởi động trong chiến lược phát triển đất nước.

 

Sông Ba đi vào lịch sử mở nước và giữ nước với dấu ấn con đường tây tiến của dân tộc (thế kỷ XVII) ở Nam Trung bộ, chiến thắng Sông Ba - Trường Lạc bảo vệ vùng tự do Phú Yên trong chống Pháp và là dòng sông chứng kiến sự tháo chạy tán loạn của kẻ thù trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.

 

Sông Ba là nguồn cảm hứng vô tận của thơ, ca, nhạc, họa... được khắc họa sắc nét qua câu chuyện “Thanh gươm ông Tú” trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, những “Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon” trong âm nhạc thời chống Mỹ... và nhiều tác phẩm có giá trị bền vững với thời gian.

 

Sông Ba lãng đãng chút sương khói Đường thi với những cánh buồm ngư phủ chìm ẩn trong sương ngược dòng trong mùa xuân biêng biếc, trải rộng trong nắng vàng xào xạc gió Nam cồ, e ấp trong trời thu thăm thẳm và mênh mông sóng nước, cuồn cuộn trải phù sa cho đời trong mùa đông tím ngắt của quê nhà.

 

Thành phố trẻ Tuy Hòa trải rộng đôi bờ sông Ba đang thay da đổi thịt hàng ngày là kết tinh những giá trị kỳ vĩ của dòng sông trong chiều sâu cội nguồn.

 

Phú Yên nằm trên điểm trung lộ của con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung. Đèo Cả là cữa ngõ phía nam của tỉnh Phú Yên.

 

Đèo Cả xuyên qua dãy núi Đại Lãnh (ngọn núi lớn) có tên chữ là đèo Hổ Dương, hàm ý chỉ địa danh này có nhiều cọp xuất hiện, người xưa muốn qua đèo phải chờ đông người. Giai thoại dân gian Phú Yên cũng từng thêu dệt có những “Võ Tòng” đã từng đả hổ trên con đèo này.

 

Nơi đây, tháng tư năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm biên cảnh, “Chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) sai cai cơ Hùng Lộc đi đánh, chiếm lấy vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông Phan Rang”, đặt dinh mới là Thái Khang, ngày nay là tỉnh Khánh Hòa.

 

Kể từ năm 1611, khi Phú Yên có tên chính thức trên bản đồ Đại Việt với danh xưng là phủ và sau đó 18 năm – năm 1629 – được nâng cấp là dinh Trấn Biên, mở đầu cho sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, sự kiện Hùng Lộc Hầu đưa quân vượt đèo Cả năm 1653 ghi dấu một cái mốc quan trọng của dân tộc mở nước về phương nam.

 

Đèo Cả trải dài từ chân núi Đá Bia vượt qua dãy Đại Lãnh dài hơn 12 cây số. Ngay từ thế kỷ IV, tấm bia Chăm khắc ở chân núi Nhạn (hiện lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam) gọi núi Đá Bia là Lingaparvatha (Linga đại sơn thần – tức thần Siva). “Đường thư Chiêm Thành truyện” đời nhà Đường Trung Quốc gọi núi Đá Bia là Lăng già bát bạt đa (phiên âm Lingaparvatha).

 

Ông cha ta phong núi Đá Bia là “thiên nam đệ nhất trụ” (cây trụ kỳ vĩ nhất trời nam) gắn với sự tích và cả huyền tích vua Lê Thánh Tôn chọn đỉnh núi này phân định ranh giới Việt – Chiêm năm 1471.

 

Ngược dòng lịch sử, thời Phú Yên còn thuộc vương quốc Chăm-pa, bà con người Chăm xem núi Đá Bia là ngọn “Núi thiêng” tượng trưng cho vị Đại Sơn Thần (thần Siva). Đá Bia với tảng đá lớn cao vút trên đỉnh núi tượng trưng cho linga (sinh thực khí nam) tự nhiên. Trong các bia ký cổ, người Chăm gọi núi Đá Bia là ngọn núi thiêng Lăng-già-bát-bạt-đa (Lingaparvata) được quan niệm như một ranh giới giữa những tiểu vùng (mandala). Núi Đá Bia có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Chăm.

 

Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn mở đất về phương Nam, lấy hòn núi này làm mốc ranh giới phân định hai nước Việt - Chăm. Bởi sự kiện này, ngọn núi được mang tên Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia), bởi ý nghĩa lịch sử về sự kiện khắc chữ vào tảng đá trên đỉnh núi để phân ranh giới. Suốt mấy thế kỷ Trịnh - Nguyễn phân tranh, núi Đá Bia là một trong ba biểu tượng xứ Đàng Trong: nam thiên đệ nhất động (động Phong Nha - Quảng Bình), thiên hạ đệ nhất hùng quan (đỉnh đèo Hải Vân), nam thiên đệ nhất trụ (núi Đá Bia). Cây trụ số một trời nam còn gắn với sự kiện trồng cột đồng của Mã Viện (tướng nhà Hán - Trung Quốc). Theo bảy quyển sử của Trung Quốc còn lưu giữ đến hôm nay (Quảng Châu Ký, Tùy Thư, Thông Điển, Tân Đường Thư, Tần Thư địa lý chí, Nam Việt Chí, Thái Bình ngự lãm). Mã Viện có trồng một trụ đồng ở núi Đá Bia có tên là Đồng Trụ Sơn để phân chia ranh giới quận Nhật Nam (vùng Phú Yên ngày nay, bị nhà Hán cai trị trong những năm đầu công nguyên) và nước Tây Đồ Di ở phía nam, sử Tàu gọi là Nhật Nam ngoại khiếu (ngoài cõi Nhật Nam). Đồng Trụ Sơn - cây cột hùng vĩ nhất trời nam được vua Lê Thánh Tôn đổi lại là Thạch Bi Sơn nhằm xác lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.         

 

(Còn nữa)

PHAN THANH BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuyệt vời vịnh Xuân Đài
Chủ Nhật, 03/10/2010 18:00 CH
Phú Yên - Âm vang 400 năm
Thứ Bảy, 02/10/2010 07:30 SA
Diên cách Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 01/10/2010 09:00 SA
Diên cách Phú Yên (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/09/2010 08:45 SA
Diên cách Phú Yên (*)
Thứ Tư, 29/09/2010 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek