Chủ Nhật, 22/09/2024 11:45 SA
Phú Yên - âm vang 400 năm (tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 03/10/2010 10:00 SA

(Tiếp theo kỳ trước)

 

Sông Ba đi vào thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh,... tạo một không gian văn hóa đặc trưng phả hồn vào giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của một vùng đất trên con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung

 

Không gian văn hóa ấy gắn liền với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Dòng sông chính và các phụ lưu cần mẫn tạo dựng và chuyên chở những giá trị văn hóa vượt không gian và thời gian, để lại cho thế hệ sau những bộ sử thi huyền thoại của các tộc người anh em trên địa bàn.

 

DA-BIA101003.jpg

Đá Bia - Ảnh: ĐỨC THẮNG

 

Lưu vực sông Ba với hơn một triệu người sinh sống luôn được các nhà hoạch định chính sách giành sự quan tâm nghiêm túc. Những chiến lược phát triển kinh tế xã hội của không gian lưu vực sông Ba đều tính đến tác động và giá trị lớn lao của dòng sông này, đặc biệt là trong chiến lược phát triển tăng tốc mang tính đột phá của tỉnh Phú Yên.

 

Những dự án lọc dầu của vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên đều dựa vào nguồn nước ngọt sông Ba và xa hơn, dự án Vân Phong cũng đặc biệt coi trọng giá trị nguồn nước sông Ba trong chiến lược phát triển.

 

Sông Ba là xương sống, là động lực để tạo dựng một tiểu vùng kinh tế đầy ấn tượng của Nam Trung bộ, là nơi những thuyền con bơi ra biển lớn, đối mặt với sóng gió thị trường thời hội nhập, là cửa ngõ của Tây Nguyên và những con đường xuyên Á ở Nam Trung bộ trong chiến lược liên kết vùng và hội nhập kinh tế ASEAN.

 

Về mặt địa danh, sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng.

 

Người Chăm gọi sông Ba là sông Rarang, châu thổ sông Ba - đồng bằng Tuy Hòa - là vùng Rarang. Rarang là dòng sông lớn; Ra được biến âm Việt hóa là Đà - có nghĩa là lớn. Rang là con sông. Rarang hay Đà Rằng là con sông lớn. Quả thật vậy, Đà Rằng là con sông lớn nhất của vương quốc Chămpa cổ và cũng là con sông lớn nhất miền Trung.

 

Rarang (Đà Rằng) là dòng sông nối biển xanh với thượng nguồn, là gạch nối giữa đồng bằng và châu Thượng Nguyên của vương quốc Chămpa xưa

 

(Thủy Xá, Hỏa Xá - Tây Nguyên ngày nay). Bà con Ê Đê gọi sông Ba là Krôngpa (Krông: con sông, Pa: tên gọi).

 

Do giao thoa văn hóa Việt - Chăm, Việt - Ê Đê, sông Ba có hai tên gọi, từ đập Đồng Cam, nơi hợp lưu với dòng sông Hinh gần vị trí Thành Hồ (thành quân sự lớn nhất người Chăm ở Nam Trung bộ) - cửa ngõ châu Thượng Nguyên - trở về thượng nguồn được gọi là sông Ba (Krôngpa); từ đập Đồng Cam đến cửa biển được gọi là Đà Rằng (Rarang). Hai địa danh sông Ba và sông Đà Rằng cùng song song tồn tại như Mê Kông và Cửu Long ở Nam Bộ. Là con sông lớn nhất miền Trung, sông Ba dài hơn ba trăm cây số, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rô tỉnh Kon Tum. Sông Ba chảy qua huyện An Khê, Ajunpa (tỉnh Gia Lai) và chảy về biển Đông tại cửa Đà Diễn thành phố Tuy Hòa. Địa danh Đà Diễn bắt nguồn từ ngôi tháp Chăm cổ trên núi Nhạn thờ Thiên Y A Na (bà mẹ xứ sở - Việt hóa là Diễn Ngọc Phi). Tháp Thiên Y A Na hay Diễn Ngọc Phi chỉ là một và người Việt hay gọi ghép là tháp thờ “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”. Bởi vậy, địa danh cửa biển Đà Rằng đối diện với ngôi tháp có tên là cửa Đà Diễn. Sông Ba có nhiều phụ lưu lớn, nhỏ. Đó là dòng sông Ajunpa bắt nguồn từ huyện Măng Giang (Gia Lai) hợp lưu với sông Ba tại thị xã Phú Bổn; sông Krông Năng Đăklăk), sông Cà Lúi (Phú Yên) cùng hợp lưu với sông Ba tại xã Krôngpa (Sơn Hòa - Phú Yên), Sông Hinh (KrongHing) bắt nguồn từ núi Mẹ Bồng Con (Vọng Phu) hợp lưu với sông Ba tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Ngoài ra còn có sông Con (Sơn Hà), sông Bơ (đổ ra sông Chùa) hợp lưu sông Ba ở hạ nguồn cuối dòng sông.

 

Trên dòng sông Ba, có nhiều công trình quốc kế dân sinh tầm vóc. Năm 1924, người Pháp xây dựng đập Đồng Cam với một hệ thống thủy lợi tự chảy, cung cấp nước tưới cho cánh đồng Tuy Hòa 25.000ha. Trên dòng sông Ba, người Pháp xây dựng cầu sông Ba (An Khê) trên quốc lộ 19, cầu Lệ Bắc ở Ajunpa (liên tỉnh lộ 7 - nay là quốc lộ 25), cầu Đà Rằng trên Quốc lộ 1A - cây cầu dài nhất miền Nam trước năm 2000.                   

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Yên - Âm vang 400 năm
Thứ Bảy, 02/10/2010 07:30 SA
Diên cách Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 01/10/2010 09:00 SA
Diên cách Phú Yên (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/09/2010 08:45 SA
Diên cách Phú Yên (*)
Thứ Tư, 29/09/2010 10:00 SA
Xác định năm sinh của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 27/09/2010 08:30 SA
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek