Chủ Nhật, 22/09/2024 11:46 SA
Phú Yên - Âm vang 400 năm
Thứ Bảy, 02/10/2010 07:30 SA

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2011 tại tỉnh Phú Yên nhân sự kiện kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển.

 

thap-Nhan-2101002.jpg

Tháp Nhạn - Ảnh: D.T.XUÂN

'

Mở đầu “Non nước Phú Yên” (1964) nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hạ bút: “Phú Yên là vùng đất khả ái của duyên hải miền Trung”. Phú Yên là hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ, có biển, hải đảo, bán đảo, đầm, vũng, vịnh, gành,… có đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa miền Trung, có trung du, có cao nguyên Vân Hòa, có núi cao như Vọng Phu, La Hiên. 4/5 diện tích là núi rừng, núi choài ra biển ghi dấu ấn những ngọn đèo nổi tiếng như đèo Cả, Cù Mông, Quán Cau, Gành Đỏ, Nại,… Phú Yên sơn thủy hữu tình, đẹp như tranh.

 

Con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung không thể không tính đến Phú Yên - một vùng đất sơn thủy hữu tình có đầy đủ các yếu tố của nước Việt Nam thu nhỏ - nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, ngày càng tỏa sáng qua bề dày thời gian và chiều sâu cội nguồn. Một Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn Hoàng với sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611 và lịch sử phát triển gần 400 năm, đã để lại một di sản văn hóa đa dân tộc phong phú phả hồn vào những sự kiện nhiều chiều tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo của một vùng đất. Di sản văn hóa ấy với 17 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đang tiếp sức cho hiện tại và hướng về tương lai.

 

Di sản văn hóa độc đáo của Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa của các tộc người đã chung tay xây dựng vùng đất này theo chiều dài lịch sử. Lịch sử Phú Yên không chỉ có lịch sử của tộc người chiếm đa số mà là lịch sử của các dân tộc anh em bản địa trên địa bàn, các giá trị văn hóa giao thoa tạo nét đặc trưng Nam Á.

 

Theo dòng lịch sử, vùng đất Phú Yên thuộc Vương quốc Chăm-pa xưa trải dài từ đèo Ngang đến Bình Thuận có nhiều bộ tộc, trong đó có hai bộ tộc lớn nhất là bộ tộc Dừa và bộ tộc Cau. Hán sử (Trung Quốc) và sách “Đại Nam nhất thống chí” Triều Nguyễn đều nêu rõ ràng: Năm thứ ba trước Công nguyên, Nhà Hán xâm lược và cai trị nước Âu Lạc, đặt thành ba quận cai trị là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Ranh giới phía nam quận Nhật Nam là núi Đá Bia cao 706 mét.

 

Các bộ tộc ở quận Nhật Nam hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (mùa xuân năm 40) và dần dần thoát khỏi ách thống trị nhà Hán. Các bộ tộc ven biển miền Trung, trong đó có hai bộ tộc lớn nhất là Dừa và Cau hợp quần hình thành nhà nước phong kiến cổ đại Chăm-pa.

 

Bộ tộc Dừa (bia ký chữ phạn là Narikela Vams’a) phân bổ từ bắc đèo Cù Mông trở ra. Bộ tộc Cau (bia ký chữ phạn là Kramuka Vams’a) từ Phú Yên trở vào.

 

Tiểu quốc bộ tộc Cau (Nam Chăm) có tên là Panduranga gồm hai xứ Panran và Kauthara. Chính sử Trung Quốc đã gọi tiểu quốc này vào các niên đại khác nhau là Làm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành.

 

Tại Phú Yên, tấm bia ghi bằng chữ Chăm cổ có niên đại khoảng giữa thế kỷ thứ IV được phát hiện tại làng Nhạn Tháp (nay là phường I - thành phố Tuy Hòa) được nhà khảo cổ học người Pháp L.Finot sắp xếp trong công trình nghiên cứu về hệ thống các bia Chăm xuất bản tại Hà Nội năm 1916 nêu rõ tấm bia này và nó được mang tên “Bia chợ Dinh”).

 

Đất Phú Yên ngày nay, thời xa xưa nằm trong địa bàn của bộ tộc Cau thuộc tiểu quốc Mundu (Môn Độc quốc) hay Aryaru. Trải qua nhiều biến động lịch sử, năm 1470 vua Chăm-pa Trà Toàn đem quân quấy nhiễu Hóa Châu. Vua Lê Thánh Tôn thân chinh soái lãnh 26 vạn quân đánh giặc, hạ thành Đỗ Bàn (Quy Nhơn) và lấy núi Đá Bia làm ranh giới hai nước Việt - Chăm năm 1471.

 

Sau khi thu phục vùng đất mới năm 1471, Vua Lê Thánh Tôn phong cho tướng Chăm Bô Trì Trì làm Chiêm Thành Vương (vùng Phiên Lung, tức Phan Rang ngày nay) đồng thời lập lại tiểu quốc và phong vương cho Hoa Anh (Phú Yên) sau này gọi là Thủy Xá, Hỏa Xá.

 

Các công trình nghiên cứu gần đây của giáo sư Nguyễn Quốc Lộc, giáo sư Trần Quốc Vương và tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đều thống nhất, Hoa Anh là tên Việt hóa của tiểu quốc Mundu hay Aryaru, tức vùng đất Phú Yên ngày nay.

 

Truyền thống văn hóa Chăm, để hình thành một tiểu quốc phải hội đủ ba yếu tố cơ bản: Tháp thiêng, núi thiêng và dòng sông thiêng. Đồng bằng Tuy Hòa hội đủ ba yếu tố đó: Tháp thiêng (tháp Nhạn), núi thiêng (Đá Bia), dòng sông thiêng (sông Ba - Đà Rằng). Phế tích các ngôi tháp cổ ở phường Phú Lâm, Hòn Bà, Dinh Ông và đặc biệt là Thành Hồ (Hòa Định) cho thấy một hệ thống thành quách đền đài hoàn chỉnh đối xứng nhau qua dòng sông thiêng (sông Ba) là dấu tích cơ bản thủ phủ một tiểu quốc.

 

Đất nước có Cửu Long như chín con rồng ra biển thì Phú Yên cũng tự hào có sông Ba - con rồng kỳ vĩ, hùng tráng và lặng lẽ, nối biển xanh với đại ngàn hùng vĩ. Dòng sông quê hương là một dấu nhấn đầy ấn tượng trong sâu thẳm tâm hồn của người Phú Yên từ thuở nằm nôi đến lúc bạc đầu. Sông Ba gắn với những sự kiện nhiều chiều của tỉnh Phú Yên qua bề dày thời gian, chiều sâu cội nguồn và bề rộng nhân thế.

 

Sông Ba chắt kiệt những giọt phù sa trải rộng màu xanh đôi bờ châu thổ để Tuy Hòa được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” - một giá trị mãi mãi không phai nhòa của nền văn minh nông nghiệp và vẫn còn lưu giữ giá trị hiện thực ấy trong chiến lược an ninh lương thực của thời kỳ công nghiệp hóa. 

 

(Còn nữa)

PHAN THANH BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Diên cách Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 01/10/2010 09:00 SA
Diên cách Phú Yên (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/09/2010 08:45 SA
Diên cách Phú Yên (*)
Thứ Tư, 29/09/2010 10:00 SA
Xác định năm sinh của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 27/09/2010 08:30 SA
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 26/09/2010 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek