Chủ Nhật, 22/09/2024 11:57 SA
Diên cách Phú Yên (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/09/2010 08:45 SA

1. PHÚ YÊN DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN (1611-1773)

 

Năm 1611, bắt đầu đặt nền hành chính Phú Yên, như sách NTC ghi chép: Năm Tân Hợi, người Chiêm xâm lấn biên cảnh, vua (Nguyễn Hoàng) sai chủ sự là Văn Phong dẹp yên, lấy đất ấy làm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam và dùng ông làm Lưu thủ”(10). Như vậy từ đây mới xuất hiện những địa danh hành chính thuần Việt là Phú Yên, Đồng Xuân, Tuy Hòa... Còn những địa danh từ tiếng Chăm như Cù Mông thì để nguyên, hay Bà Đài, Đà Rằng thì Việt hóa một phần thành Xuân Đài, Đà Diễn... Dinh Quảng Nam, trước năm 1611, coi 3 phủ Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, thì nay coi thêm Phú Yên là phủ thứ tư.

 

Năm 1629, đặt dinh Trấn Biên sau gọi dinh Phú Yên, như NTC ghi: “ Đời Chúa Phước Nguyên thứ 16, Văn Phong phản nghịch, chúa sai võ tướng Nguyễn Vinh đánh dẹp rồi lập dinh Trấn Biên sau gọi là dinh Phú Yên, đặt quan tuần thủ, lại ở theo những chỗ bờ biển đặt làm 38 thuộc”(11). Thuộc cũng như tổng, song nhà nước thực trị, chưa để xã dân bầu cử cai tổng hay phó tổng. Từ đây dinh Phú Yên giữ một vị trí quan trọng: thống quản xứ Nam Bàn gồm Thủy Xá - Hỏa Xá và vùng thượng du, đó là sứ mạng tây tiến; kiểm soát và khai thác các quần đảo trong biển Đông, đó là sứ mạng đông tiến; làm bàn đạp để mở mang bờ cõi qua Chiêm Thành (cũng gọi Thuận Thành) xuống Bà Rịa - Đồng Nai, đó là sứ mạng nam tiến.

 

2. DINH PHÚ YÊN DƯỚI THỜI TÂY SƠN (1773-1799)

 

Sách NTC ghi: “Đời Nguyễn Phước Thuần năm thứ 9, đất này bị Tây Sơn chiếm cứ, đầu lúc trung hưng mới thu phục”(12). Nói rõ hơn thì 4 dinh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên và có lúc cả Khánh Hòa – Bình Thuận nữa đều thuộc quyền cai trị của Nguyễn Nhạc tức Trung ương hoàng đế với kinh đô là thành Hoàng Đế (gần Chà Bàn cũ).

 

3. TỪ DINH PHÚ YÊN ĐẾN TRẤN PHÚ YÊN RỒI TỈNH PHÚ YÊN (1799-1884)

 

Ở giai đoạn lịch sử này, Phú Yên chịu nhiều sự thay đổi nhất (theo NTC đã dẫn):

 

- Từ 1799 đến 1808, Phú Yên vẫn là dinh. Nếu kể từ 1629 đến 1808, thì Phú Yên ở đơn vị dinh suốt 179 năm.

 

- Từ 1808 đến 1826, dinh Phú Yên đổi thành trấn Phú Yên. Suốt hai năm 1815-1816, toàn trấn Phú Yên đo đạc xong ruộng đất và lập địa bạ cho từng thôn ấp. Với tư liệu khá chính xác, ta thấy trấn Phú Yên gồm 2 huyện là Đồng Xuân - Tuy Hòa, 6 tổng (mỗi huyện có 3 tổng Thượng-Hạ-Trung) và thuộc Hà Bạc. Huyện Tuy Hòa có trên 3.200 mẫu ruộng đất sử dụng trong số diện tích trên 15.406 mẫu. Còn huyện Đồng Xuân có trên 13.492 mẫu ruộng đất sử dụng trong số diện tích trên 22.133 mẫu đất (1 mẫu bằng 1/2ha). Huyện Tuy Hòa cai quản 80 xã - thôn - giáp - phường. Huyện Đồng Xuân cai quản 63 xã-thôn-phường-châu. Còn thuộc Hà Bạc coi 28 thôn-ấp-phường(13).

 

- Năm 1826 lại đặt làm phủ Phú Yên, đặt chức tri phủ. Năm 1831, đổi làm phủ Tuy An cho thuộc vào Bình Định.

 

- Năm 1832 phân hạt, thăng làm tỉnh Phú yên, đặt hai ty Bố Chánh - Án sát, thuộc tổng đốc Bình Phú thống hạt.

 

- Năm 1853 đổi làm đạo Phú Yên, đặt một Quản đạo, giấy tờ phải đặt ba chữ tỉnh Bình Định lên đầu.

 

- Năm 1876, lại đặt làm tỉnh Phú Yên vẫn do tổng đốc Bình Phú thống quản.

 

4. PHÚ YÊN DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC (1884-1945)

 

Dưới thời Pháp thuộc, Phú Yên cũng như các tỉnh khác phải để cho Pháp cai trị mọi mặt, kể cả nội vụ hành chính. Phú Yên vẫn còn chức đầu tỉnh là Tuần vũ nhưng Công sứ Pháp nắm hết quyền hành.

 

Năm 1899, Phú Yên chia ra 2 phủ và 2 huyện. Từ đây hầu như bỏ hệ thống phủ cai quản huyện. Phủ hay huyện là đơn vị hành chính như sau, dẫu vẫn giữ nguyên tắc “phủ thống hạt huyện”. Phủ hay huyện đều do Công sứ Pháp điều hành qua trung gian lý thuyết của Tuần vũ. Đó là phủ Tuy An coi 5 tổng: An Sơn, An Hải, An Vinh, An Đức, An Phú và 69 xã, thôn, phường. Huyện Đồng Xuân (do phủ Tuy An thống hạt) lãnh 3 tổng: Xuân Đài, Xuân Bình, Xuân Phong và 47 xã, thôn, phường, ấp. Phủ Tuy Hòa quản trị 6 tổng Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Lộc với 109 xã thôn phường ấp. Huyện Sơn Hòa (do phủ Tuy Hòa thống hạt) lãnh coi 4 tổng Sơn Lạc, Sơn Xuân, Sơn Tường, Sơn Bình với 43 xã thôn phường ấp(14). Tỉnh lỵ đặt tại Sông Cầu.

Cho tới Cách mạng 1945, phân ranh hành chính Phú Yên ít thay đổi. Năm 1943, có số thống kê như sau: diện tích rộng 3.700 km2 với dân số là 282.900 người(15).     

                                                       

(Còn nữa)

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Diên cách Phú Yên (*)
Thứ Tư, 29/09/2010 10:00 SA
Xác định năm sinh của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 27/09/2010 08:30 SA
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek