Chủ Nhật, 22/09/2024 11:30 SA
Diên cách Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 01/10/2010 09:00 SA

5. PHÚ YÊN CỦA VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (1945-1955)

 

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Phú Yên tạm thời giữ phân ranh hành chính cũ, song xóa bỏ cung cách cai trị nửa phong kiến nửa thuộc địa. Ngày 22/11/1945 đã có Sắc lệnh số 63 quy định việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh - thành phố - thị xã - xã. Hiến pháp năm 1946 đã xác định nguyên tắc hành chính đó. Chẳng được bao lâu, Pháp hành quân muốn tái xâm chiếm nước ta, nên ngày 19/12/1946, kháng chiến trên toàn quốc đồng khởi. Ngày 20/12/1946, Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh: “Tạm bỏ cấp kỳ, cả nước chia thành 16 chiến khu. Sau đó các chiến khu được sáp nhập lại thành 10 liên khu kháng chiến. Các chiến khu và liên khu kháng chiến đều trực thuộc Trung ương. Dưới chiến khu và liên khu là những đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã, thị xã... Bên cạnh các Ủy ban hành chính, từ khu đến xã đều thành lập Ủy ban bảo vệ”(16). Ủy ban bảo vệ cũng gọi là Ủy ban quân dân chính, sau đổi ra Ủy ban kháng chiến, rồi từ ngày 29/3/1948 lại gọi là Ủy ban kháng chiến - Hành chính (theo Sắc lệnh số 149).

 

tl101001.jpg

Khai hoang mở ruộng tại xã Bình Kiến (TX Tuy Hòa) sau ngày Phú Yên hoàn toàn giải phóng (4/1975).   Ảnh: T.K.QUANG

 

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Phú Yên đã trung thành tuân thủ nguyên tắc tổ chức nói trên.

 

6. PHÚ YÊN TỪ 1955 ĐẾN 1975

 

Hiệp định Genève năm 1945, chấm dứt cuộc xâm lăng của Pháp, lấy sông Bến Hải chia hai miền tập kết quân sự và sau hai năm thì hiệp thương bầu cử thống nhất đất nước. Phú Yên theo đúng chỉ thị của trung ương, lực lượng võ trang tập kết ra Bắc qua bến cảng Quy Nhơn và tạm công khai để sự vụ hành chính cho chính quyền Sài Gòn. Nhưng năm 1955, Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại, lập nước Cộng hòa Việt Nam trên phần nam Bến Hải, lấy Sài Gòn làm đô thành và chối bỏ hiệp thương thống nhất theo sách lược của Hoa Kỳ.

 

Chính quyền Sài Gòn, bằng Sắc lệnh 143 ngày 24/10/1956 phân ranh các tỉnh Nam phần và bằng Nghị định 263 BNV ngày 27/5/1958 ấn định đơn vị hành chính tỉnh Phú Yên, đã xác lập vị trí Phú Yên trên một bản đồ 1/200.000 với những chi tiết khá rõ ràng:

 

Diện tích: 4.978km2. Dân số: 326.785 người (số liệu cuối năm 1970).

 

Chia ra 6 quận (bỏ danh xưng phủ và huyện):

 

Quận Đồng Xuân gồm 6 xã, rộng 2.223,6km2, có 26.618 người dân.

 

Quận Hiếu Xương gồm 11 xã, rộng 1.097,4km2, có 88.947 người dân.

 

Quận Sông Cầu gồm 5 xã, rộng 446,2km2, có 37.372 người dân.

 

Quận Sơn Hòa gồm 14 xã, rộng 1.501,3km2, có 15.663 người dân.

 

Quận Tuy An gồm 12 xã, rộng 347,2km2, có 35.399 người dân.

 

Quận Tuy Hòa gồm 8 xã, rộng 362,3km2, có 122.781 người dân (trong đó thị xã Tuy Hòa rộng 6,1km2, có 65.154 người dân) (17).

 

Khi thấy quốc gia miền Nam bội ước, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam liền được thành lập để thực hiện chức năng của chính quyền Cách mạng (12/1960-6/1969). Năm 1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trốn thoát khỏi nơi giam lỏng ở Tuy Hòa ra vùng giải phóng và được bầu làm Chủ tịch Mặt trận. Mặt trận thứ hai là Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được thành lập ngày 20/4/1968. Mặt trận và Liên minh triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam vào các ngày 6,7,8/6/1969. Đại hội bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

Với pháp lý trên đây, Mặt trận rồi Chính phủ lâm thời giành phần quản lý và hành chính trên nhiều vùng rộng lớn gọi là vùng giải phóng. Vùng giải phóng trên địa bàn Phú Yên cũng rất đáng kể. Vì thế, trong bản thống kê 6 quận hành chính của bản đồ Phú Yên nêu trên, ta thấy phía quốc gia không kiểm tra được dân số của khá nhiều làng, đặc biệt trong các quận Sơn Hòa, Tuy An, Hiếu Xương... tiếc rằng tác giả bài này chưa có dịp nghiên cứu điền dã để trình bày cụ thể và tường tận hơn.

 

7. PHÚ YÊN TỪ 1975 ĐẾN NĂM 2000

 

Sau ngày 30/4/1975, đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Cho nên Nghị quyết ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh và Nghị quyết ngày 20/12/1975 về việc điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, rồi nghị định tháng 2/1976 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam - trong đó có phần liên quan đến Phú Yên: Tỉnh Phú Khánh gồm Phú Yên và Khánh Hòa, tỉnh lỵ đặt tại TP Nha Trang.

 

Từ đây cũng thống nhất danh xưng các đơn vị hành chính của cả nước: Toàn quốc gia chia ra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quận (đô thị), huyện (nông thôn), phường (đô thị), xã (nông thôn), thị trấn.

 

Trong 14 năm sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh, địa bàn Phú Yên cũ đã có một số thay đổi ranh giới và địa danh ở các cấp bậc huyện, xã và thị trấn.

 

Ngày 30/6/1989, Quốc hội ra Nghị quyết chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tỉnh Phú Yên có 7 đơn vị hành chính gồm TX Tuy Hòa và 6 huyện: Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu, Sông Hinh, Tuy Hòa, Sơn Hòa. Tỉnh lỵ đặt tại TX Tuy Hòa.

 

TX Tuy Hòa có 6 phường và 10 xã với 339km2 và 185.700 dân

 

Huyện Đồng Xuân có thị trấn La Hai và 10 xã với 1.221km2 và 56.100 dân.

 

Huyện Sông Cầu có thị trấn Sông Cầu và 9 xã với 484km2 và 85.400 dân.

 

Huyện Tuy An có thị trấn Chí Thạnh và 16 xã với 449km2 và 122.000 dân.

 

 

Huyện Sơn Hòa có thị trấn Củng Sơn và 11 xã với 938km2 và 40.800 dân.

 

Huyện Sông Hinh có thị trấn Hai Riêng và 8 xã với 939km2 và 28.600 dân.

 

Huyện Tuy Hòa có thị trấn Phú Lâm và 17 xã với 908km2 238.800 dân(18).

 

Sau đây là mấy số liệu thống kê của tỉnh Phú Yên năm 2000.

 

Gồm 1 thị xã, 6 huyện, 8 phường, 6 thị trấn, 87 xã.

 

Tổng diện tích: 504.500ha. Nông nghiệp 124.800ha. Lâm nghiệp 165.900ha. Chuyên dùng 17.400ha. Đất để ở 4.200ha                                                      

                                                                                                                           

Dân số 804.200 người. (Nông thôn 652.200. Thành thị 152.000). Công chức 18.200

 

Thu ngân sách (1999): 144,9 tỉ đồng. Chi ngân sách (1999): 318,5 tỉ đồng

 

Giá trị sản xuất nông nghiệp (1999): 882,4 tỉ đồng

 

Giá trị sản xuất lâm nghiệp: 94 tỉ đồng

 

Giá trị sản xuất thủy sản: 293,1 tỉ đồng

 

Giá trị sản xuất công nghiệp: 734,6 tỉ đồng

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (1999): 1.335,9 tỉ đồng

Số máy điện thoại (cuối năm 1999): 12.087 máy

 

Mẫu giáo có 909 lớp, 1.002 giáo viên, 20.238 học sinh.

 

Phổ thông có 251 trường (230 cơ sở, 21 trung học), 193. 105 học sinh.

 

Cao đẳng và đại học (1999): có 101 giáo viên và 1.281 sinh viên

 

Trường công nhân kỹ thuật có 81 giáo viên và 841 học viên.

 

Y tế có 333 bác sĩ, 461 y sĩ, 376 y tá, 164 nữ hộ sinh và 1.420 giường bệnh

 

Hoạt động nghệ thuật có 1 rạp hát, 2 rạp chiếu bóng v…v (19)

 

Những dữ kiện lịch sử và số liệu thống kê nêu trên giúp chúng ta hiểu biết Phú Yên - phần đất có nhiều thăng trầm nhưng là phần đất bản lề về địa lý và lịch sử của Tổ quốc ta. Hiểu biết để mến yêu và có tinh thần trách nhiệm. Cầu mong Phú Yên sẽ mãi là giang sơn gấm vóc, là nơi sản xuất giàu thịnh và cũng là nơi sinh sống yên vui hạnh phúc.

 

-------------------------------------------------

16) Viện Luật học, Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội, 1983. Trang 68.

17) Bản đồ Phú Yên 1/200.000 do Nha Địa dư thiết lập và ấn hành, 1971

18) Tổng Cục Thống kê, Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam. NXB Thống kê, Hà Nội, 1993. Trang 203. Bản đồ CHXHCN Việt Nam 1/2.200.000. NXB Tổng cục Địa chính. Tháng 10-1997

19) Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2000. NXB Thống kê. Hà Nội, 2001.

(Tài liệu hội thảo “Xác định mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên”, tháng 4/2003)

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Diên cách Phú Yên (tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/09/2010 08:45 SA
Diên cách Phú Yên (*)
Thứ Tư, 29/09/2010 10:00 SA
Xác định năm sinh của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 27/09/2010 08:30 SA
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 26/09/2010 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek