Chủ Nhật, 22/09/2024 11:56 SA
Diên cách Phú Yên (*)
Thứ Tư, 29/09/2010 10:00 SA

Gần suốt hậu bán thế kỷ XIV, đã nhiều lần (1371, 1377, 1383, 1388, 1389, 1390) Chiêm Thành đem quân đánh phá nước ta, gây bao thiệt hại về người và của, khắp từ Thanh Nghệ đến Thăng Long.

 

Lần thứ nhất (1371), “người Chiêm Thành sang cướp,… vua phải qua sông lánh nạn, quân giặc vào thành đốt phá cung điện, bắt bớ con gái, lấy ngọc lụa đem về” (1). Nhưng lần sau cùng (1390), người hùng Chế Bồng Nga bị Trần Khát Chân bắn hạ, quân Chiêm Thành phải rút chạy và từ đó không sang quấy phá Đại Việt nữa.

 

thap-nhan100929.jpg

Tháp Nhạn - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Năm 1402, “Hồ Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành… được dâng đất Chiêm Động… và Cổ Lũy. (Hán Thương) chia đất ấy ra làm bốn châu Thăng – Hoa – Tư – Nghĩa” (2), sau thành phần đất nam Quảng Nam và bắc Quảng Nghĩa.

 

Từ năm 1407 đến năm 1427, Nhà Minh viện cớ họ Hồ tiếm ngôi họ Trần, đem quân sang xâm chiếm nước ta, bỏ quốc hiệu An Nam chỉ đặt quận Giao Chỉ, cai trị dân ta vô cùng tàn bạo. May nhờ có Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, gian khổ mà dũng mãnh mười năm trời (1418-1427) mới giải phóng xong đất nước và dựng nên triều đại Hậu Lê làm cho dân no ấm, quốc gia hưng thịnh bậc nhất trong cõi Đông Nam Á. Chiêm Thành không dám gây hấn gì nữa. Nhưng đến “tháng 8 năm Hồng Đức thứ 1 (1470), vua Chiêm Thành là Trà Toàn thân đem quân thủy bộ voi, ngựa hơn mười vạn đánh úp Hóa Châu. Tướng thủ biên ở Hóa Châu là Phạm Văn Hiến đánh lại không nổi, dồn cả dân vào thành, rồi chạy thư cấp báo” (3). Trước khi đem quân chinh phạt Chiêm Thành ngày 6/11, Lê Thánh Tông xuống chiếu: “Trà Toàn là người hung bạo,… dối thần ngược dân,… kiêu ngạo tự cho mình là giỏi,… làm nhục sứ thần ta,… xâm nhiễu dân biên giới, nói vu đánh lừa người Minh để xin viện trợ mà sang cướp bóc” (4).

 

Ngày 27/2 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Thánh Tông “thân đem đại quân đánh phá thành Thị Nại… Ngày 28, vua tiến vây thành Chà Bàn… Ngày 1 tháng 3, hạ thành Chà Bàn… Những kho tàng của cải đều phải niêm phong canh giữ không được đốt cháy. Trà Toàn vua Chiêm Thành thì đưa sống đến cửa quân, không được giết chết” (5). Thánh Tông thực là nhà vua khoan dung nhân đạo. Sau khi “Trà Toàn bị bắt, tướng là Bô Trì, Trì chạy đến Phiên Lung (Phan Rang), giữ lấy đất ấy, xưng làm vua Chiêm Thành tuy đất đai chỉ còn 1 phần 5, sai sứ đến tiến công. Vua phong cho làm vương. Vua lại phong vương cho Hoa AnhNam Bàn (gồm Thủy Xá – Hỏa Xá), làm ba nước, để ràng buộc” (6). Thánh Tông nói: “Hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, đời gần đây bị mất vào đất Chiêm, nay lấy lại được hết”, rồi ngày 11, cho Đỗ Tử Quy làm tri châu Đại Chiêm (Chiêm Động cũ) và Lê Ỷ Đà làm tri châu Cổ Lũy, cùng với mấy viên quan Chiêm Thành hợp tác cai trị. Sau khi trở về Thăng Long, “tháng 6 (Thánh Tông) lấy đất Chiêm Thành dặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát… và đặt ba ty ở Quảng Nam”(7).

 

Sách Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Phú Yên (NTC) chép hơi khác về giai đoạn lịch sử trên: “Đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đánh Chiêm Thành mở đất đến đây (tức Phú Yên), lấy núi Thạch Bi làm giới hạn, nhưng từ núi Cù Mông vào nam còn thuộc man lèo. Qua triều Nguyễn đời chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) năm Mậu Dần (1578), vua ủy nhiệm ông Lương Văn Chánh làm Trấn Biên quan, chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn đất hoang ở Đà Diễn” (8). Tuy thời điểm sai lệch 4 năm (1471-1475), nhưng nội dung đoạn văn cho biết từ đèo Cù Mông tới núi Thạch Bi còn thuộc man lèo, thì có lẽ đây là tiểu vương quốc Hoa Anh chăng! Về Lương Văn Chánh, sách Đại Nam liệt truyện ghi: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Tiên tổ là người Bắc Hà. Lúc trước làm quan nhà Lê đến chức… Đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558) theo (Nguyễn Hoàng) vào nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp. Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Hồ thành (xã An Nghiệp)… Chánh chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài (Xuân Đài), cho dân di cư đến đây. Lại mộ dân khai hoang ở trên dưới triền sông Đà Diễn, chia lập thôn ấp, ngày dần đông đúc”(9). Sau khi chết có đền thờ nay thuộc xã Định Phú, TP Tuy Hòa, Lương Văn Chánh được tôn thờ như một phúc thần cho cả người Thượng lẫn người Kinh và như một vị tiền hiền có công khai khẩn đất Phú Yên.                                                       

 

(Còn nữa)

---------------------------------------------------------------

(Tài liệu hội thảo khoa học “Xác định mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên”, tháng 4/2003)

* Diên cách: Biến đổi địa danh hành chính trong lịch sử

1) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (SKTT). Bốn tập, Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, NXB KHXH. Hà Nội, 1971-1972 (In lần thứ hai). Tập II, trang 179.

2) Như trên, trang 232, 233 và chú thích (81), trang 324.

3) -4) -5) -6) -7) như trên, tập III, trang 228 – 229 – 236 – 237 – 239.

8) Quốc sử quán, Đại Nam nhất thống chí (NTC), Quyển 10-11, Phú Yên – Khánh Hòa, NXB Nha Văn Hóa (bộ VHGD). Sài Gòn, 1964, trang 7.

9) Quốc sử quán, Đại Nam liệt truyện (LT). Tập I. Đỗ Mộng Khương dịch. Viện Sử học. NXB Thuận Hóa, Huế, 1993. Trang 89.

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xác định năm sinh của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 27/09/2010 08:30 SA
Thăm đảo Lao Mái Nhà
Chủ Nhật, 26/09/2010 19:30 CH
Người Phú Yên trong tôi (Tiếp theo và hết)
Chủ Nhật, 26/09/2010 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek