Được tin Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị có tác dụng chỉ đạo rất kịp thời phong trào đấu tranh giành chính quyền trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trương Kiểm (Trương Chí Cương, Trương Thuận) - người lãnh đạo cao nhất cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Phú Yên |
Ở Phú Yên, ngoài khơi, tàu Hải quân Nhật thường bị đánh đắm, thậm chí có chiếc nấp vào vịnh Xuân Đài, Vũng Rô cũng bị quân Đồng minh tấn công, đánh chìm rất gần bờ; xác lính Nhật chết nhiều, cùng đồ quân sự ngày ngày trôi tấp vào bờ biển. Trên không, hầu như máy bay Đồng minh tự do hoạt động, các cầu lớn ở La Hai, Tuy Hòa bị ném bom sập; nhiều cầu khác bị đánh hư hỏng nặng. Nhiều đoàn xe lửa chở vũ khí, lương thực của Nhật bị đánh cháy, lính Nhật chỉ dám chuyển quân vào ban đêm một cách chậm chạp.
Do sức ép phong trào đấu tranh của nhân dân Phú Yên và nhân dân cả nước, sau đảo chính phát xít Nhật phải thả tù chính trị ở căng an trí Trà Kê và các nhà lao; ở một số nơi, tù chính trị tự phá nhà lao ra. Nhiều đồng chí từ các nhà tù đế quốc thoát ra đã về Phú Yên hoạt động như: Trần Quỳnh, Nguyễn Hoằng, Trần Đình San…
Tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Nguyễn Hữu Dực thay mặt Đảng ủy nhà lao Buôn Ma Thuột giới thiệu 4 đồng chí về Phú Yên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, đó là các đồng chí: Trương Kiểm (Trương Chí Cương), Lê Mẫn (Lê Cấp), Đoàn Văn Sửu (Đoàn Văn Sơ), Hoàng Văn Xuân (Hoàng Văn Phúc).
Trong một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của các đồng chí Nguyễn Thái, Lê Duy Trinh, các đồng chí được phân công về Phú Yên liên lạc được với các thành viên cơ sở cách mạng ở Phú Yên như: Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Huỳnh Nựu, Đỗ Tương, Lê Tấn Thăng, Nguyễn Văn Nguyên, Phan Thanh Cưu, Huỳnh Lưu, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Nhọn…
Sau hội nghị thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời ở Hòa Đa tháng 6/1945, cơ quan Tỉnh ủy đóng ở làng Phước Hậu (nay là phường 9, TP Tuy Hòa). Chỉ riêng phong trào cách mạng ở làng Phước Hậu cũng đủ minh chứng về sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và dân, sự tài tình của Đảng bộ Phú Yên trong công tác dân vận, phát động xây dựng và phát triển lực lượng Việt Minh để giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chi bộ Đảng Phước Hậu gồm các đảng viên cũ: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương được Tỉnh ủy khôi phục do đồng chí Nguyễn Quốc Thoại làm Bí thư Chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đầu tháng 6/1945, Ủy ban Việt Minh và Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Học sinh cứu quốc xã được thành lập. Các làng Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh có tiểu đội tự vệ cứu quốc và đến ngày 15/6/1945, trung đội tự vệ cứu quốc đầu tiên ở tỉnh (gồm Phước Hậu - Liên Trì) được thành lập.
Ngày 17/7/1945, Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh họp tại nhà ông Nguyễn Quốc Thoại, làng Phước Hậu (nay là phường 9, TP Tuy Hòa). Tham dự đại hội có 19 đại biểu, số đại biểu các khu, phủ, huyện gồm: Khu Sông Cầu có ông Hoàng Văn Phúc, huyện Đồng Xuân có các ông Phan Thanh Cưu, Nguyễn Ngọc Cầu. Phủ Tuy An có các ông Trương Kiểm, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại. Khu Tuy Hòa có các ông Lê Duy Trinh, Nguyễn Ý. Khu Đồng Bò có ông Hoàng Văn Thái. Huyện Sơn Hòa có ông Đoàn Văn Sơ. Ủy ban Việt Minh lâm thời do Đinh Nho Khôi làm thư ký, cử 4 đại biểu dự đại diện cho khu và phủ Tuy Hòa.
Đại hội Việt Minh tỉnh làm việc trong 3 ngày, nội dung tập trung thảo luận báo cáo tình hình chung trong tỉnh, bàn việc khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa và bầu Ủy ban Việt Minh tỉnh. Đại hội Việt Minh tỉnh nhất trí khẩu hiệu hành động “đánh đuổi phát xít Nhật”, thông qua dự thảo báo cáo tình hình và đề án công tác, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa.
Đại hội đã bầu ông Nguyễn Văn Nguyên giữ chức thư ký, ông Trương Kiểm giữ chức phó thư ký, ông Đinh Văn Ngộ, Ủy viên thường vụ; Ủy Ban Việt Minh tỉnh gồm các ông: Nguyễn Phúc, Đoàn Văn Sơ, Nguyễn Chấn, Trần Suyền, Lê Duy Trinh, Nguyễn Thái, Phan Thanh Cưu.
Những ngày tiền khởi nghĩa là những ngày hội lớn của nhân dân Bình Kiến. Các hội: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Học sinh cứu quốc, Tự vệ cứu quốc gần như đêm nào cũng họp ở nhà ông Nguyễn Kha (trụ sở thứ hai của Tỉnh ủy) ở Phước Hậu. Có người gần như quên ăn, quên ngủ mà vẫn tỉnh táo, không thấy mệt mỏi. Vì ai nấy đều thấy đã đến lúc phải đứng lên cởi ách nô lệ và cuộc sống lầm than, đói khổ, giành độc lập tự do.
Sau Đại hội Việt Minh tỉnh, Tỉnh ủy Phú Yên lãnh đạo các tổ chức quần chúng đẩy mạnh phong trào tẩy chay học tiếng Nhật, vạch mặt và tẩy chay các tổ chức thân Nhật như Đại Việt, Tân Việt Nam… Ở Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa thành lập lực lượng tự vệ chiến đấu. Việc trang bị vũ khí cho đơn vị được tiến hành khẩn trương. Vũ khí lúc này chủ yếu là gậy gộc, giáo mác…, trên mỗi cây gậy của các đội viên tự vệ đều vẽ hình ngôi sao.
Các tổ chức cứu quốc đi sâu vào xóm làng tuyên truyền phát động cao trào chống Nhật sôi nổi, rộng khắp. Các hội viên, đoàn viên cứu quốc xuống sát từng gia đình vạch tội ác của phát xít Nhật, phát động lòng căm thù phát xít; kêu gọi mọi người đoàn kết, hăng hái tham gia chống Nhật, cứu nước, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Các đoàn thể trong tỉnh tổ chức cho hội viên, đoàn viên nòng cốt nghiên cứu chương trình Điều lệ Việt Minh, Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc; tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, đọc báo, nghe báo cáo thời sự…
Ngày 13/8/1945, khi được tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tiến hành những cuộc biểu tình vũ trang thị uy để nâng cao uy thế cách mạng của quần chúng, hạ uy thế của bọn phản động và tập dượt cho quần chúng đấu tranh trên quy mô lớn; đội ngũ trùng điệp của quần chúng nhân dân, tay dao, tay gậy, tay cờ và biểu ngữ, phấn khởi hợp thành đội ngũ xuống đường đấu tranh.
Tại Phủ Tuy Hòa từ ngày 18/8/1945, đồng bào các tổng Hòa Tường, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Đa tổ chức vũ trang biểu tình thị uy. Ngày 20/8/1945, đồng bào và quần chúng cách mạng, có hơn 3.000 người mang theo băng cờ, giáo mác, rầm rộ kéo qua Tỉnh đường đến sân vận động Sông Cầu mít tinh, nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết.
Tại Đồng Xuân, hàng ngàn đồng bào từ La Hai, Gò Duối, Vũng Lắm cũng xuống đường vào ngày 21/8/1945, biểu tình vũ trang tại huyện lỵ Đồng Xuân. Tại phủ Tuy An, trên 1.000 người ở các tổng An Vinh, An Phú mang theo cờ, băng rôn, khẩu hiệu, gậy tập trung tại chợ Xổm mít tinh chuẩn bị khởi nghĩa rồi biểu tình tuần hành ở các tổng An Sơn, An Đức, An Hải; quần chúng cách mạng tập trung tại Chí Thạnh kéo vào phủ đường, sau đó vây nhà tri phủ tại Ngân Sơn. Lực lượng biểu tình đã thu một số súng, nhiều tài liệu và một kho nông sản của Liên nông thương đoàn.
Ngày 23/8/1945, nhân dân các vùng ven phủ Tuy Hòa biểu tình, tập trung tại sân bay Chóp Chài - Tuy Hòa, mở mít tinh và kéo đi tuần hành thị uy trên đường phố.
Sau những cuộc biểu tình rầm rộ của lực lượng quần chúng, bộ máy chính quyền bù nhìn của Nhật từ tỉnh đến xã hầu như tê liệt, tan rã. Các tổ chức, đoàn thể cứu quốc các phủ, huyện cũng nhanh chóng tập hợp lực lượng vào tổ chức, xây dựng những đội tự vệ hỗ trợ đắc lực cho các cuộc mít tinh, biểu tình thị uy.
Ngày 23/8/1945, khi được phái viên liên lạc Xứ ủy truyền đạt mệnh lệnh khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phú Yên đã hăng hái vùng lên để giành thắng lợi quyết định. Với lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng, Ban khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Trương Kiểm làm Trưởng ban đã lãnh đạo giành chính quyền thắng lợi ở Tỉnh lỵ Sông Cầu.
23 giờ ngày 24/8, đội tự vệ Nhà máy điện Sông Cầu do đồng chí Bách chỉ huy cùng các đơn vị tự vệ, trong đó đội tự vệ từ La Hai xuống triển khai chốt giữ các ngã đường quan trọng, bao vây dinh tỉnh trưởng, các công sở. Tại đồn bảo an, cai nhì Nguyễn Văn Thuận và một số lính khố xanh đã được giác ngộ khống chế đồn trưởng và mở cửa đồn đưa các đồng chí Trương Kiểm, Nguyễn Văn Nguyên, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Thái và lực lượng tự vệ vào đồn. Đồng chí Trương Kiểm thay mặt Ủy ban Việt Minh phát biểu về tình hình khởi nghĩa cả nước, mục đích của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi binh lính đi theo cách mạng và Ủy ban Việt Minh. Nguyễn Văn Thuận thay mặt binh lính khố xanh giao toàn bộ vũ khí, đạn dược cho Ủy ban Khởi nghĩa.
Vào lúc 0 giờ ngày 25/8, đồng chí Nguyễn Thái được Ủy ban Khởi nghĩa cử làm đại diện đến nhận ấn tín, tài liệu do Hồ Ngận, Tỉnh trưởng chính quyền Nam triều giao. Sáng 25/8, trước Tỉnh đường cờ đỏ sao vàng được kéo ở cột cờ. Sau lễ chào cờ, đồng chí Trương Kiểm thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân - phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng.
Ở phủ Tuy Hòa, Nhà máy đường Đồng Bò, huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa trong thời gian này nhân dân cũng đứng lên giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, Việt Minh khu Tuy Hòa tổ chức quần chúng biểu tình tuần hành và vào đồn Khố xanh hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng. Sáng 24/8/1945, một lực lượng tự vệ cứu quốc từ Phước Hậu và một số làng khác vào đồn Khố xanh Tuy Hòa chiếm giữ đồn. Việc chiếm đồn không đổ máu, do người cầm đầu đồn này đã được Việt Minh tuyên truyền và về với nhân dân, lính khố xanh trong đồn tê liệt, tự vệ lấy được nhiều súng đưa về cất giữ ở làng Phước Hậu và làng Hòa Đa. Ngày 25/8/1945, lực lượng tự vệ cứu quốc do đồng chí Nguyễn Quốc Thoại chỉ huy chiếm phủ đường Tuy Hòa. Tri phủ Tuy Hòa là Nguyễn Thọ Duật bỏ trốn, tự vệ thu giữ các tài liệu còn lại ở phủ đường.
Tại phủ Tuy An, (các đồng chí Huỳnh Lưu, Nguyễn Hữu Nhọn, Nguyễn Sung, Nguyễn Tuân, Lê Duy Tường…) dưới sự chỉ huy của Mặt trận Việt Minh, nhân dân các tổng An Sơn, An Đắc, An Hải rầm rộ kéo về Chí Thạnh bao vây, chiếm giữ phủ lỵ, chi nhánh Liên nông thương, Bệnh xá Tuy An. Ngày 25/8/1945, Tri phủ Phan Đình Chi và Lại mục Lê Tấn Cầu run rẩy giao ấn tín cho Ủy ban Khởi nghĩa huyện.
THÀNH VIỆT