Đầu năm 1964, cục diện chiến trường miền Nam có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng, chính quyền Sài Gòn của Mỹ - ngụy khủng hoảng bế tắc sau những cuộc đảo chính; ngụy quân, ngụy quyền phân thành nhiều phe phái, suy sụp từng mảng.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai với âm mưu bình định miền Nam trong vòng 18 tháng bị phá sản, chúng chuyển sang kế hoạch Mắc - Namara, nhằm bình định miền Nam trong vòng 2 năm.
Riêng các tỉnh đồng bằng Khu 5, chúng đặt kế hoạch bình định trong 12 tháng. Để thực hiện mục tiêu đó, ở Phú Yên, địch tập trung quân cơ động đánh phá khắp nơi, chuyển phòng ngự tại chỗ sang phòng ngự cơ động, tăng cường hoạt động của phi pháo, hỏa lực, càn quét đánh phá các đơn vị và các mục tiêu của ta. Địch ráo riết bắt lính để tăng quân số cho các quận, lỵ và đơn vị chiến đấu.
Trước tình hình đó, tỉnh Phú Yên mở hội nghị quân sự tại suối Mò O, xã Xuân Quang nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về chủ trương bám đồng bằng, phá ấp chiến lược, mở rộng hành lang các huyện, tổ chức cứu đói cho dân, phát động phong trào: “Thi đua giết giặc, phá ấp chiến lược, giành dân, xây dựng quân đội”. Thực hiện chủ trương đó, nhiều đơn vị LLVT tỉnh được củng cố, thành lập và chiến đấu đạt thành tích xuất sắc.
Ngày 20/2/1964, tại làng Phong Cao, xã Sơn Long, Đại đội Đặc công 202 tỉnh Phú Yên được thành lập với quân số 84 đồng chí, do Nguyễn Xuân (Bảy) làm đại đội trưởng, Nguyễn Thế làm chính trị viên với quyết tâm tiêu diệt những mục tiêu trọng yếu, quan trọng trong chiều sâu phòng ngự của địch bằng phương pháp luồn sâu, đánh hiểm.
Ông Nguyễn Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 202 lúc mới thành lập kể: Chọn lính đặc công rất khó, phải chọn người từng trải chiến đấu, gan lì, nhanh nhẹn, có sức chịu đựng…, lựa chọn nòng cốt trong trung đội đặc công tỉnh KG14, trinh sát tỉnh G18 và trinh sát các đơn vị bộ binh. Nhiệm vụ tỉnh giao sau khi thành lập là nhanh chóng tổ chức hợp luyện tinh thông phương pháp đánh đặc công cấp đại đội. Ông nói: “Trực tiếp Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội lúc đó là Hà Phùng (Dư Huy) giao nhiệm vụ cho tôi là: Huấn luyện đơn vị cho thật tốt, trận đầu ra quân nhất định phải thắng…”.
Thực hiện chủ trương của Tư lệnh Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên “Đưa lực lượng của địa phương đã có sẵn, mở đợt hoạt động xuống đồng bằng, đánh một số chốt quan trọng, đẩy mạnh nhiệm vụ phá ấp, giành dân, mở rộng vùng giải phóng… đưa phong trào và thế của ta phát triển lên một bước mới”, tỉnh chỉ đạo đánh khu ấp chiến lược Phú Cần (xã An Thọ).
Đây là khu ấp địch tập trung xây dựng kiên cố “Ấp chiến lược kiểu mẫu”, chúng dồn khoảng 2.000 dân với một đại đội bảo an, một trung đội biệt kích, một tổng đoàn dân vệ và bọn ngụy quyền xã, ấp chốt giữ nhằm chia cắt hành lang các huyện và cửa ngõ phía bắc TX Tuy Hòa. Tỉnh đội giao cho Đại đội 202 phối hợp với Tiểu đoàn Bộ binh 85 đánh tập kích vào mục tiêu này.
Ông Nguyễn Xuân nhớ lại: Vào ngày 6/7/1964, đồng chí Hà Phùng trực tiếp về vùng 6 xã An Lĩnh giao nhiệm vụ cho Đại đội Đặc công 202 và Tiểu đoàn Bộ binh 85 nghiên cứu tình hình, trinh sát thực địa, hạ quyết tâm tập kích ấp chiến lược Phú Cần.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại đội trưởng 202 chỉ huy 5 đồng chí mũi trưởng tiến hành trinh sát thực địa, sau 3 lần cắt rừng, lợi dụng đêm tối luồn sâu vào tận trung tâm mục tiêu; hai đơn vị (C202, D85) thống nhất báo cáo phương án phối hợp tấn công địch với Ban chỉ huy Tỉnh đội, đồng chí Hà Phùng đồng ý và trực tiếp theo dõi chỉ đạo trận đánh.
Theo trinh sát của ta nắm được, lực lượng của địch ở ấp Phú Cần có khoảng 150 tên, trang bị 1 cối 60, 2 đại liên, 6 trung liên và vũ khí cá nhân đầy đủ. Chúng bố phòng công sự, trận địa liên hoàn, khá kiên cố, có 5 lớp hàng rào kẽm gai và một lớp hàng rào cây phía ngoài cùng, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác rất cẩn mật.
Ta chọn hình thức chiến thuật bí mật tập kích, với cách đánh “Bí mật áp sát mục tiêu, bất ngờ nổ súng tiến công trên nhiều mũi, nhiều hướng, hiệp đồng chặt chẽ giữa đặc công và bộ binh đánh chiếm từng mục tiêu, chia cắt địch, hình thành thế bao vây tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch, làm chủ chiến trường, nhanh chóng rút lui bảo toàn lực lượng”. Theo ông Nguyễn Xuân, vì đây là trận đầu tiên của Đại đội Đặc công 202, tôi làm đại đội trưởng, tỉnh giao phải thắng, nên tôi rất tự hào xen lẫn những lo lắng bởi thấy đây là trách nhiệm rất nặng nề…
Sau 7 ngày đêm tích cực chuẩn bị tỉ mỉ, kiểm tra đi, kiểm tra lại từng công việc cụ thể đến từng chiến sĩ, chiều tối 14/7/1964, đơn vị được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa; trời tối và có mưa là thời cơ thuận lợi cho ta hành quân. Khoảng 21 giờ, các mũi của ta đã bố trí xong đội hình bám địch, bí mật cắt hàng rào đưa lực lượng vào bên trong ấp. Lúc 12 giờ 50, các mũi báo cáo đã vào tuyến xuất phát đúng ý định sẵn sàng nổ súng. Đúng 1 giờ ngày 15/7/1964, một pháo hiệu đỏ “lệnh nổ súng” vút lên, hỏa lực của ta đồng loạt nổ súng, lệnh xung phong.
Mũi chủ yếu của Đại đội 202 do đồng chí Mai Văn Triết làm mũi trưởng đánh thẳng vào khu chỉ huy đại đội địch ở xóm chợ. Mũi thứ yếu của Đại đội 202 do đồng chí Nguyễn Cần chỉ huy phối hợp với mũi một (Đại đội 1) của Tiểu đoàn 85 đánh từ rìa làng theo hướng đông - đông nam phát triển lên trung tâm. Tiểu đoàn 85 do đồng chí Phú (quê Quảng Ngãi), Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, chia làm ba mũi tiến công trên ba hướng (bắc - đông - đông bắc) hiệp đồng với Đại đội 202 vừa đánh địch bên trong vừa bao vây vòng ngoài không cho địch tháo chạy.
Ông Nguyễn Cần, nguyên Mũi trưởng mũi thứ yếu Đại đội 202 nhớ lại: “Khi ta nổ súng xung phong, bị bất ngờ lúc đầu địch hoảng loạn mươi phút; sau đó, chúng trấn tĩnh, chống cự rất quyết liệt. Do địa hình phức tạp nên trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch quần lộn với nhau, giành từng mét chiến hào, ta bám sát lưng địch nên hỏa lực của chúng không thể chi viện được…”.
Sau gần 5 giờ chiến đấu, quân ta tiêu diệt phần lớn địch; một số tháo chạy bị Tiểu đoàn 85 siết chặt vòng vây, địch dựa vào hàng rào, công sự co cụm kháng cự, Tiểu đoàn 85 dùng ĐKZ 57 tiêu diệt các mục tiêu địch cố thủ, bộ binh ta truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch bỏ chạy. Đến 8 giờ ta khép vòng vây, làm chủ trận đánh, tảo trừ, thu vũ khí, dẫn giải tù binh, lui quân theo lệnh của Tỉnh đội.
Trận đánh ấp Phú Cần, trận đầu ra quân của Đại đội 202 phối hợp tác chiến với Tiểu đoàn 85 kết thúc thắng lợi trọn vẹn, hiệu suất chiến đấu cao. Ta tiêu diệt gọn Đại đội Bảo an 945, 1 trung đội biệt kích, 1 tổng đoàn dân vệ, loại khỏi vòng chiến đấu 145 tên địch, thu toàn bộ vũ khí địch, có 1 cối 60 ly, 2 đại liên, 2 máy PRC-10 và hơn 10.000 viên đạn.
Giải phóng 2.000 dân, cổ vũ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, trở về làng cũ. Về ta, hy sinh 6 đồng chí, trong đó có đồng chí Đô, Đại đội trưởng hỏa lực Tiểu đoàn 85 và đồng chí Mai Văn Triết, người viết đơn bằng máu thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” xung phong làm Mũi trưởng mũi 1 (chủ yếu) thay thế vị trí của đồng chí Lê Trung Kiên được phân công trước đó.
Trận đánh kết thúc về tại vùng 2 xã An Lĩnh, đồng chí Hà Phùng đã khen ngợi: “Các đồng chí đánh giỏi thật, đây là bài học hay về tinh thần hiệp đồng chiến đấu cho các đơn vị sau này. Nó có sức cổ vũ to lớn cho tinh thần đấu tranh cách mạng đồng bào cả tỉnh nhà…”. Trận Phú Cần là một chiến thắng có ý nghĩa lớn của Đại đội Đặc công 202, đây là trận mở đầu thắng lợi, đánh dấu cho chuỗi những chiến công liên tiếp sau này của đơn vị Anh hùng LLVT đầu tiên của tỉnh Phú Yên.
Khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của các đơn vị LLVT địa phương có khả năng hiệp đồng tác chiến đánh bại các chốt cấp đại đội và quận lỵ, chi khu của địch. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên viết: “Chiến thắng ấp Phú Cần làm rung động cả hệ thống ấp chiến lược trong tỉnh, mở rộng hành lang hoạt động giữa các huyện và TX Tuy Hòa, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy giai đoạn 1960-1965…”.
Gần đến ngày kỷ niệm 65 năm thành lập Đại đội 202, 65 năm ngày diễn ra trận đánh thắng lợi ấp chiến lược Phú Cần, tôi được ông Nguyễn Xuân gọi lên để kể cho nghe và mong muốn tôi ghi chép lại trận chiến đấu ấy. Dù ước mong được về thăm lại chiến trường xưa để xem nơi đó giờ đây đã thay đổi thế nào, nhưng ông vẫn lắc đầu “không thể nào đi nổi nữa cháu ạ, tuổi cao sức yếu rồi. Cháu ghi chép lại trận đánh này để nay mai lịch sử khỏi quên…”, ông Xuân nghẹn ngào. Tôi thương mến ông, lòng cảm phục vô cùng tinh thần chiến đấu hy sinh quả cảm của thế hệ cha ông, biết ơn những sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.
NGUYỄN BÁ THUYẾT