Thứ Hai, 25/11/2024 17:59 CH
Vai trò của Phú Yên và Nam Trung Bộ trong quá trình phôi thai hình thành chữ quốc ngữ
Thứ Sáu, 20/07/2018 10:23 SA

Nhà thờ Mằng Lăng - nơi lưu giữ tác phẩm đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của giáo sĩ Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651

Đôi nét về bối cảnh lịch sử

 

Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng được cử làm Tổng đốc Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam).

 

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Tri huyện Tuy Viễn Lương Văn Chánh làm trấn biên quan, tổ chức lực lượng vượt đèo Cù Mông, đèo Mục Thịnh và khai khẩn vùng Bà Đài, Đà Diễn.

 

Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng chính thức thành lập phủ Phú Yên trực thuộc Thừa tuyên Quảng Nam (đơn vị hành chính cấp tỉnh) trải dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cả.

 

Thời điểm này, cả nước có 13 thừa tuyên, còn gọi là 13 xứ. Đàng Ngoài có 11 xứ, Đàng Trong gồm 2 xứ là Thuận Hóa và Quảng Nam.

 

Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng mất, trối trăng với người con là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng cơ nghiệp Xứ Đàng Trong.

 

Năm 1627, nổ ra cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh.

 

Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đoạn giao với Đàng Ngoài, xây dựng Xứ Đàng Trong (từ đèo Ngang đến đèo Cả) thành 7 dinh (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Phú Yên được tách ra từ dinh Quảng Nam trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh với danh xưng mới là dinh Trấn Biên tồn tại 69 năm (1698) đến khi mở đất Đồng Nai - Gia Định.

 

Từ năm 1611-1629, dinh Chiêm, còn gọi là dinh trấn Quảng Nam là thủ phủ của Xứ Quảng Nam (ngày nay là TP Đà Nẵng và 4 tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú).

 

Xứ Quảng Nam thời ấy phát triển rực rỡ, người nước ngoài tôn xưng là Quảng Nam Quốc.

 

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chủ trương xây dựng và phát triển Hoài Phố (người phương Tây phiên âm là Faifo và nay là Hội An) cho người nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh… vào buôn bán và mở thương điếm (đại lý thương mại). Hoài Phố trở thành hải cảng thương mại sầm uất và quan trọng bậc nhất ở xứ Đàng Trong. Lúc này, xứ Đàng Trong có 3 thương cảng lớn là Thanh Hà (Huế), Hoài Phố (Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn).(1)

 

Công lao của các giáo sĩ Dòng Tên trong việc phôi thai hình thành chữ quốc ngữ ở Xứ Đàng Trong (Nam Trung Bộ ngày nay)

 

Ngày 18/1/1615, giáo sĩ Francisco BuZomi (người Italy) và Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) là các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến truyền giáo ở Xứ Đàng Trong, lập giáo xứ đầu tiên ở Đà Nẵng.

 

Đầu năm 1617, Tòa thánh La Mã cử thêm giáo sĩ Fraicisco de Pina (người Bồ Đào Nha). Thời điểm này tại Hội An có một số tín đồ đạo Thiên Chúa đến sinh sống, trong đó có 3 linh mục Dòng Tên người Nhật Bản. Giáo sĩ Francisco de Pina đã từng truyền đạo ở Nhật rất rành tiếng Nhật nên đã đến Hội An giảng đạo cho các tín đồ người Nhật. Không chỉ giỏi tiếng Nhật, Francisco de Pina dày công học tiếng Việt và phương ngữ Quảng Nam, là giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ người Việt bằng tiếng Việt.(2)

 

Trong thời gian hoạt động và truyền giáo tại Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm từ 1621-1625, Francisco de Pina đã biên soạn tài liệu đầu tiên về “phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”.

 

Cuối năm 1624, giáo hội La Mã cử đến Xứ Đàng Trong giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người pháp) và Antonio de Fonte (người Bồ Đào Nha).

 

Tại Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm, giáo sĩ Francisco de Pina đã dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ mới được cử đến là Alexandre de Rhodes và Antonio de Fonte.

 

Tại dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam), giáo sĩ Francisco de Pina mở trường dạy ngôn ngữ phương Tây đầu tiên ở Việt Nam đào tạo thông dịch viên tiếng Bồ Đào Nha để giúp cho các giáo sĩ giảng đạo và truyền đạo.

 

Ngày 16/12/1625, giáo sĩ Francisco de Pina - người đặt nền móng cho việc phôi thai hình thành chữ quốc ngữ bị chết đuối khi đi một chiếc thuyền nhỏ ra thăm một tàu buôn Bồ Đào Nha bị mắc cạn ở cửa Đại (Quảng Nam).

 

Góp phần Latinh hóa tiếng Việt còn có công của giáo sĩ Gaspar d’Amral- người biên soạn Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha xuất bản khoảng năm 1631-1645 tại Ma Cao và Từ điển Bồ Đào Nha - An Nam của giáo sĩ Antonio Barbosa (người Bồ Đào Nha) biên soạn trong những năm 1636-1645.

 

Do nhu cầu truyền đạo, giảng đạo, các giáo sĩ Francisco de Pina, Gasparo de Amarial, Antonio Barbosa trở thành những nhà nghiên cứu Việt ngữ học, đặt nền móng vững chắc cho sự phôi thai, hình thành chữ quốc ngữ.

 

Kế thừa những thành quả trên, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes, tên thuần Việt là Cố Tràng) biên soạn từ điển Việt-Bồ-La và cuốn sách “Phép giảng tám ngày” được in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ xuất bản ở Roma năm 1651, hiện nay nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An, Phú Yên) còn lưu giữ bản chính của bộ sách này.

 

Công lao của các quan chức người Việt góp phần phôi thai, hình thành chữ quốc ngữ

 

Trên mỗi thuyền buôn Bồ Đào Nha có một giáo sĩ chuyên lo việc đạo cho thuyền viên và hành khách. Khi thuyền buôn cập bến, giáo sĩ còn truyền giáo cho người địa phương.

 

Thuyền trưởng thuyền buôn Bồ Đào Nha Ferdinanol de Costa sau khi cập bến Hoài Phố (Hội An) về lại Ma Cao đã báo cho Bề trên Dòng Tên là tại Hoài Phố có nhiều thương gia nhập giáo người Nhật nhưng chưa có linh mục chăm lo phần hồn. Ngày 18/1/1615, Bề trên Dòng Tên đã cử linh mục Francisco BuZomi (Italy), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) đến Cửa Hàn Đà Nẵng, sau đó tới Hoài Phố chăm lo việc đạo cho thương gia Nhật Bản là tín đồ Thiên Chúa giáo.(3)

 

Quan trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Kỳ (con trai trưởng của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) tạo điều kiện thuận lợi cho các linh mục xây dựng một nhà nguyện tại dinh Thanh Chiêm Quảng Nam.

 

Năm 1617, Xứ Đàng Trong bị hạn hán, mất mùa. Bà con xứ Quảng Nam cho rằng các thừa sai truyền đạo, nhiều người bỏ đạo thờ ông bà tổ tiên theo đạo Thiên Chúa nên bị tổ tiên quở phạt. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và con trai - quan trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Kỳ - dưới sức ép của dân chúng đã quy trách nhiệm cho các giáo sĩ thừa sai, không còn mặn mà như trước, buộc phải trục xuất.

 

Vào thời điểm ấy, quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa công cán ở Đà Nẵng quý các giáo sĩ đang khốn đốn nên động lòng thương, cho phép các giáo sĩ được về Quy Nhơn lập nhà nguyện Nước Mặn.

 

Giáo sĩ Berri tường thuật rằng: “Chúng tôi rời Hội An, cha Francisco BuZomi, cha Francisco de Pina và tôi đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế”.

 

Trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa chấp nhận thỉnh nguyện của các giáo sĩ, cho phép họ được xây dựng một nhà thờ tại cảng thị Nước Mặn - một trong ba thương cảng lớn của xứ Đàng Trong vào thời điểm ấy. Các bản phúc trình chính thức của nhà thờ Nước Mặn hiện lưu giữ ở Văn khố Dòng Tên.(4)

 

Những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có khoảng năm 1616-1618 do công lao của giáo sĩ Francisco de Pina.

 

Với sự trợ giúp của các sĩ phu Quy Nhơn, trong vòng vài năm, Pina đã hoàn chỉnh việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự Nôm thành mẫu tự Latinh tương thích với cách phát âm và thanh điệu của tiếng Việt, biên soạn tài liệu đầu tiên về “phương pháp Latinh hóa tiếng Việt” và “Ngữ pháp tiếng Việt”.

 

Sách Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong, được linh mục Borri viết bằng tiếng Ý, nhưng trong bản tường trình này có một vài câu bằng chữ quốc ngữ, chứng tỏ rằng trong những năm 1618-1620 đã có việc khởi đầu phôi thai hình thành chữ quốc ngữ ở cơ sở truyền giáo Nước Mặn.

 

Quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa là bà đỡ cho các giáo sĩ được truyền giáo và phiên âm chữ quốc ngữ. Nếu không có sự giúp đỡ của quan trấn thủ Quy Nhơn, chắc chắn các nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi xứ Đàng Trong năm 1618 bởi lệnh cấm đạo của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.

 

Năm 1629, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp Phú Yên thành dinh Trấn Biên (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Quan trấn thủ dinh Trấn Biên (Phú Yên) Nguyễn Phúc Vinh để đẹp lòng vợ là Công Chúa Ngọc Liên (Trưởng nữ của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, là một tín đồ Thiên Chúa giáo), cho phép giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) lập một nhà nguyện trong khuôn viên dinh Trấn Biên (khu vực Thành cũ Phú Yên, nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Nơi đây, giáo sĩ Đắc Lộ (mà bà con địa phương quen gọi bằng từ thân thương là Cố Tràng) đã dày công biên soạn từ điển Việt-Bồ-La, thuyết giảng đạo Kitô bằng tiếng Việt, thu nhận nhiều học trò, trong đó học trò tâm đắc nhất của ông là thầy giảng An Rê Phú Yên - vị thánh tử vì đạo đầu tiên của giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam.(5)

 

Với hai quyển sách “Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh” (gọi tắt là Việt-Bồ-La) và “Phép giảng tám ngày” bằng chữ quốc ngữ được tòa thánh La Mã xuất bản năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) được hậu thế coi trọng là người có công lao trong việc chế tác chữ quốc ngữ.

 

Linh mục Thanh Lãng - một trong ba người đã dịch quyển Từ điển Việt - Bồ - La (Annam - Lusitanium - Latinum) nhận xét: “Việt phiên âm chữ quốc ngữ được tiến hành trước Đắc Lộ (Alexan dre de Rhodes) đến Việt Nam. Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ bằng việc đã để lại hai quyển sách được coi như tài liệu duy nhất về chữ quốc ngữ.

 

Giáo sư Lý Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam trong bài viết “Mấy suy nghĩ bước đầu về vai trò của tiếng Quảng Nam trong việc hình thành chữ quốc ngữ” đã nhận định đầy thuyết phục: “Nếu nhìn suốt cả quá trình chế tác và hoàn chỉnh chữ quốc ngữ gần hai thế kỷ, thì giai đoạn đầu tiên (sơ khởi, phôi thai) đã diễn ra ở Đàng Trong (Nam Trung Bộ) và chủ yếu trên mảnh đất Quảng Nam (từ đèo Hải Vân đến đèo Cả). Trong quá trình tiếp tục hình thành, phát triển và hoàn tất sau này của chữ quốc ngữ, dấu ấn của tiếng Quảng Nam (về mặt phát âm và từ ngữ) thể hiện khá rõ trong từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A.de Rhodes và ở đây đang rất cần có những nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn về diện mạo tiếng Việt nói chung và tiếng Quảng Nam nói riêng ở thế kỷ XVII, để từ đó có được một cái nhìn đầy đủ hơn, khoa học hơn về vai trò vị trí của mảnh đất Quảng Nam (từ Hải Vân đến đèo Cả) đối với lịch sử chữ quốc ngữ”.

 

Có thể kết luận rằng, chữ quốc ngữ hình thành bởi công lao của các giáo sĩ trong quá trình Latinh hóa tiếng Việt phục vụ việc truyền giáo và giảng đạo ở xứ Đàng Trong (Nam Trung Bộ) nửa đầu thế kỷ XVII.

Quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ có hai giai đoạn là giai đoạn phiên âm và giai đoạn cấu tạo câu.

 

Rất nhiều địa danh Nam Trung Bộ được thể hiện trong từ điển Việt-Bồ-La như Annam: An Nam, Tunchim: Đông Kinh, Kemoi: Kẻ Mọi, Quamguya: Quảng Nghĩa, Quignin: Quy Nhơn, Cả Chăm (Kẻ Chăm), Ra Rang (Đà Rằng)…

 

Ngoài công lao của các giáo sĩ Dòng Tên, vai trò của mảnh đất và con người vùng Nam Trung Bộ với hai tiểu vùng phương ngữ Nam - Ngãi và tiểu vùng phương ngữ Bình Phú đã đóng góp vai trò rất lớn trong quá trình phôi thai, hình thành chữ quốc ngữ.

 

________________

Tài liệu tham khảo:

(1). Quốc sử quán Triều Nguyễn, Viện Sử học phiên dịch (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học, Hà Nội.

(2). A. Alexandre d Rhodes (1854), Voyages et Missions, Nowvelle e’dition, Paris, tr 83.

(3). Nguyễn Đình Đầu (2010), “Dinh trấn Quảng Nam với sự sáng tạo chữ quốc ngữ: Hành trình của một trí thức dấn thân”, Tạp chí Xưa và Nay, NXB Thời đại, tr. 157-161.

(4). Nguyễn Thanh Quang (2014), “Quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa với việc hình thành chữ quốc ngữ”, Tạp chí Xưa và Nay, số xuân Giáp Ngọ, tr 37-39.

(5). Nguyễn Quốc Lộc (chủ biên) - Nguyễn Đình Đầu - Lê Xuân Đồng (2009), Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

PHAN THANH BÌNH - TRẦN THỊ NHƯ HUYỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuy Hòa 2 chống “Việt Nam hóa chiến tranh”
Thứ Sáu, 06/07/2018 10:00 SA
Hòa Đồng sau Hiệp định Paris
Thứ Sáu, 22/06/2018 11:50 SA
Hòa Quang năm 1951-1952
Thứ Sáu, 11/05/2018 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek