Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được 4 bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự hội nghị (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) chính thức ký vào ngày 27/1/1973.
Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Với Hiệp định Paris, ta đã buộc “Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam” - thắng lợi lịch sử quan trọng, tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”. Tuy nhiên, về phía Mỹ, qua 2 tháng sau ngày ký Hiệp định Paris (29/3/1973) phải rút hết quân về nước, nhưng vì muốn “danh dự, uy tín” và vì quyền lợi, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ Việt Nam.
Tiếp tục nhận viện trợ của Mỹ và được cố vấn Mỹ chỉ huy, chính quyền Thiệu ngang nhiên phá hoại Hiệp định Paris. Với một kế hoạch tiếp tục chiến tranh được sắp đặt từ trước khi ký hiệp định, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu huy động gần như toàn bộ lực lượng, tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, liên tiếp mở những cuộc hành quân lấn chiếm các vùng do ta kiểm soát; tiến hành bao vây kinh tế, đẩy mạnh hoạt động gián điệp, biệt kích, chiến tranh tâm lý. Trong vùng do địch kiểm soát, chúng ráo riết “bình định”, “thanh lọc”, bắt lính, cướp bóc nhân dân, giết hại những người yêu nước, bắt bớ tù đày những người chống đối.
Tại Tuy Hòa, từ giữa tháng 3/1973, địch tập trung lực lượng quyết tâm chiếm lại những vùng đất đã mất. Lúc này, lực lượng của địch nhiều, lực lượng của ta ít, lại chiến đấu liên tục, sức khỏe giảm sút, vũ khí hao hụt. Mặt khác, về nhận thức, quan điểm có chỗ không đúng nên tư tưởng hòa bình chủ nghĩa nảy sinh, ảnh hưởng đến quyết tâm đánh địch. Cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang trên địa bàn xã Hòa Đồng có lúc mang tính chất chống đỡ, nên bị động, có nơi không giữ được tuyến phòng thủ, địch giải tỏa được nhiều nơi; địch nống ra chiếm Vinh Ba, Phú Diễn, Mỹ Thuận.
Đặc biệt, trong thời kỳ này, cùng với việc phục kích, lùng sục khu hầm bí mật, bắt bớ hàng loạt cơ sở cách mạng ở Hòa Đồng, địch còn đẩy mạnh chiến dịch phụng hoàng, kêu gọi chiêu hồi chiêu hàng. Sau khi Nguyễn Hùng (Bí thư xã) chiêu hồi đã kéo theo một số thành viên khác trong lực lượng xã đội của Hòa Đồng bỏ hàng ngũ, đầu hàng địch. Những phần tử chiêu hồi này đã đưa lính về truy lùng, mai phục, bắt bớ hàng loạt cơ sở cách mạng. Nhiều gia đình chỉ ủng hộ cho cách mạng một vài lon gạo cũng bị chúng khai báo, bắt bớ, đánh đập.
Tình hình này làm cho quần chúng cách mạng rất hoang mang. Khi đội công tác của xã về tiếp xúc với bà con, nhiều người đã tỏ rõ thái độ bất bình, không còn tin tưởng vào đội ngũ cán bộ của xã; thanh niên trong xã mặc dù rất muốn thoát ly, có ý định thoát ly từ trước đều chán nản, không dám bắt mối liên lạc với cách mạng.
Trước sự khó khăn, có tính chất thoái trào của phong trào cách mạng ở xã, cấp ủy chi bộ và đội công tác xã không còn con đường nào khác hơn là từng bước động viên, xây dựng lại từng cơ sở một. Lúc này lực lượng cán bộ xã phần lớn là chị em phụ nữ, như: Trần Thị Minh Thư, Trần Thị Hạnh, Võ Thị Lưu, Nguyễn Thị Cúc, Lê Thị Nở… phải liên tục bám làng, trước nhất là tranh thủ thuyết phục những người thân, bà con, sau đó mở rộng dần ra các cơ sở khác. Dần dần bà con cũng hiểu ra, việc một số cán bộ ta chiêu hồi chỉ là cá biệt, đó là những phần tử sợ gian khổ, sợ ác liệt, hy sinh nên phản bội đầu hàng địch. Trong khi đó, phần lớn cán bộ chiến sĩ cách mạng của xã, của huyện vẫn anh dũng bám trụ, bám làng đánh địch; tiêu biểu là đội nữ công tác của xã là một minh chứng. Nhờ vậy, từng bước đội nữ công tác của xã đã khôi phục, xây dựng lại các cơ sở cách mạng khắp các thôn trong xã. Nổi bật là đội nữ công tác xã đã xây dựng được cơ sở ở Phú Mỹ, tạo nơi đây thành địa bàn đứng chân cho đội nữ pháo thủ của tỉnh (do chị Lê Thị Tạo làm đội trưởng). Từ Phú Mỹ, đội nữ pháo thủ liên tục nã pháo vào đồn địch ở Cầu Cháy, Phú Thứ để đánh địch, tạo điều kiện cho xã mở ra phong trào cách mạng ở địa phương.
Từ ngày 10-12/5/1973, Đại đội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1 lần thứ 7 được tổ chức gần Suối Cát (Hòa Thịnh). Đại hội đã phân tích âm mưu mới và tình hình lấn chiếm của địch cùng với quyết tâm bám trụ của ta, qua đó đề ra nhiệm vụ: Đánh bại âm mưu lấn chiếm của địch, bảo vệ vùng giải phóng. Phát triển lực lượng, tiếp tục tấn công bằng 3 mũi giáp công, buộc địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris.
Trước tình hình địch đẩy mạnh chiến tranh lấn chiếm, chấp hành chỉ thị của trên, Huyện ủy sử dụng lực lượng bộ đội địa phương và du kích thay nhau đánh địch, lực lượng vũ trang tỉnh chỉ sử dụng bộ phận nhỏ còn đại bộ phận tập trung củng cố. Tuy lực lượng ta ít, nhưng với quyết tâm của anh em chiến sĩ, ta đã phần nào cản được bước lấn chiếm của địch.
Sau khi lấn chiếm nhiều thôn xã vùng giải phóng, địch ra sức đôn quân, bắt lính, củng cố hệ thống ngụy quyền cấp xã, liên tục mở các cuộc càn quét vào vùng giáp ranh để thăm dò và ngăn chặn lực lượng của ta, tạo thế ổn định cho bọn bên trong tiến hành bình định, nhằm đánh bật lực lượng cách mạng ngay ở cơ sở. Chúng xúc tiến việc xây dựng, tổ chức Đảng dân chủ, triển khai kế hoạch hậu chiến. Về kinh tế, địch tăng cường bao vây, lục soát, đánh phá hành lang cửa khẩu cản trở giao lưu giữa vùng ta và vùng địch. Địch càn quét vào vùng kiểm soát, quy định mức ăn cho từng gia đình, tịch thu số lương thực còn lại của nhân dân, vì sợ nhân dân cung cấp lương thực cho “Việt Cộng”.
Để đối phó kế hoạch “bình định” của địch, gây dựng lại cơ sở cách mạng, lãnh đạo xã Hòa Đồng chủ trương đánh địch ban ngày. Tháng 3/1973, được nhân dân che chở, lực lượng vũ trang của xã tập kích tiêu diệt 6 tên địch, thu một số vũ khí. Tháng 10/1973, cán bộ và du kích Hòa Đồng tập kích trụ sở của địch, làm cho chúng vô cùng hoang mang, lo sợ. Trên cơ sở phong trào phát triển, chi bộ Đảng cũng được củng cố.
Cuối năm 1973, Huyện ủy tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong huyện để học Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết của Khu ủy khu 5. Qua học tập, quan điểm, lập trường, ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên một bước, tạo điều kiện cơ bản cho việc hoàn thành nhiệm vụ năm 1974.
Trong năm 1974, cán bộ, du kích và nhân dân Hòa Đồng được sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là chi bộ xã, đã tham gia thực hiện tốt các chủ trương của huyện như: diệt ác, phá kèm, chống địch cướp lúa, bắt lính… Nhân dân trong xã kéo về làng cũ làm ăn, khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất. Nhờ vậy, ta xây dựng phát triển thêm nhiều cơ sở mới và liên tục tổ chức đánh địch làm cho địch lúng túng, hoang mang, buộc địch phải bỏ đồn Bà Khét - chúng mới chiếm lại sau Hiệp định Paris - về tập trung ở Cầu Cháy (Hòa Đồng).
Bước vào chiến dịch thu 1974, đêm 18 rạng sáng 19/7/1974, bộ đội ta pháo kích vào quận lỵ Phú Lâm, tập kích địch ở ngã ba Phước Lộc. Trong lúc này, du kích của Hòa Đồng cùng với du kích các xã bạn đột nhập vào làng diệt ác, rải truyền đơn, phát động quần chúng nổi dậy.
Sau thất bại năm 1974, địch rút bỏ một số chốt ở vùng giáp ranh, co về giữ quận lỵ Phú Lâm, trục quốc lộ 1 và một số địa bàn quan trọng. Địch tăng cường hành quân cảnh sát, bắt lính, đánh phá cơ sở cách mạng. Nhưng nhân dân ta, dù ở vùng giải phóng hay vùng địch kiểm soát vẫn hướng về cách mạng, tin tưởng cách mạng sẽ chiến thắng, nhiều người đã bí mật liên lạc, đóng góp ủng hộ cách mạng.
THÀNH NAM