Thứ Năm, 19/09/2024 23:05 CH
Hòa Quang thực hiện Nghị quyết 15
Thứ Sáu, 17/08/2018 10:07 SA

Đầu năm 1959, Tỉnh ủy Phú Yên cử đồng chí Công Minh (tức Bốn Giồ) về phụ trách huyện Tuy Hòa 2, trực tiếp hoạt động ở các thôn: Nho Hạnh Lâm, Đại Bình, Mậu Lâm để móc nối và xây dựng cơ sở.

 

Đồng chí Công Minh, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 trực tiếp xây dựng phong trào cách mạng xã Hòa Quang trong những năm 1959-1961

Các gia đình bà Võ Thị Truyền, ông Nguyễn May, ông Nguyễn Châu, ông Nguyễn Tòng, ông Lê Văn Bình và bà Nguyễn Thị Chí… đã tình nguyện nhận nuôi giấu cán bộ và làm liên lạc, vận động phong trào cơ sở. Phong trào cách mạng trong xã phát triển mạnh mẽ, lấy hình thức đấu tranh chính trị làm phương châm hoạt động chính với những nội dung: Đòi dân sinh dân chủ, chống khủng bố ức hiếp và vơ vét của ngụy quyền, ngụy quân trong xã, đòi tự do đi lại làm ăn, đặc biệt là việc lên núi hái củi, làm rẫy mà bấy lâu nay địch vẫn cấm ngặt, vì sợ dân lên liên lạc với cách mạng.

 

Sau khi có Nghị quyết 15, Trung ương Đảng điều động một số cán bộ từ Bắc vào Nam. Ở Phú Yên, giữa tháng 10/1959, đoàn đầu tiên gồm 29 cán bộ chính trị và quân sự của tỉnh, đi tập kết đã về tới tỉnh nhà.

 

Giữa tháng 11/1959, đội võ trang đầu tiên của tỉnh Phú Yên trong thời kỳ chống Mỹ được thành lập tại căn cứ Thồ Lồ. Và sau đó lực lượng vũ trang của ta đã đánh tan đại đội biệt kích ngụy lùng sục. Để đối phó phong trào cách mạng miền Nam đang hoạt động mạnh, Mỹ - Diệm âm mưu triển khai quốc sách ấp chiến lược, lập vành đai trắng hòng “tát cá ra khỏi nước”, tách cách mạng ra khỏi dân để tiêu diệt.

 

Núi Miếu ở trung tâm xã Hòa Quang, được địch chọn làm trọng điểm để xây dựng “Ấp chiến lược” kiên cố theo kinh nghiệm từ Mã Lai, hòng làm chốt án ngữ phía tây - bắc TX Tuy Hòa, bảo vệ cho Tỉnh đường Phú Yên.

 

Trần Thế Hùng, một tên ác ôn đội lốt công giáo ở nhà thờ Đồng Tre, đã từng theo Pháp trong chiến dịch Át - lăng, chỉ huy biệt kích cầm đầu 21 tên thuộc hạ, đã được đi thụ huấn kinh nghiệm xây dựng “Ấp chiến lược” tại Sài Gòn, trực tiếp về Hòa Quang để triển khai “quốc sách” của Diệm, và coi đây là một tiền đồn của phòng tuyến chống cộng sản thâm nhập vào TX Tuy Hòa.

 

Để phục vụ cho kế hoạch dồn dân “tát nước bắt cá”, chúng huy động một tiểu đoàn biệt động quân do Lê Hưng Phê chỉ huy đóng chốt tại núi Sầm (Hòa Trị), trong đó một số đại đội biệt động được chia ra án ngữ ở Cầu Đúc (Hòa Định) và Nho Lâm ở Hòa Quang. Hàng ngày, lính biệt động hành quân càn quét các vùng ven núi từ Dinh Ông (Hòa Định) dọc theo mương số 1 vùng ven Hòa Quang đến Phụng Nguyên (Hòa Trị), Thọ Vức (Hòa Kiến).

 

Để xây dựng ấp chiến lược núi Miếu, địch bắt dân đốn cây, đốn gai, đào hào, lập phòng tuyến 3 lớp 3 rào gai kiên cố. Trần Thế Hùng cầm đầu bọn thuộc hạ, hàng ngày bắt hàng trăm người dân Hòa Quang phải bỏ việc làm ăn để đi đào hào, chặt cây, vót chông, rào ấp. Khu “Ấp chiến lược” núi Miếu trải rộng 20ha, được rào chắn kỹ lưỡng với lớp ngoài cùng rộng 6,5m là gai bàn chải, bên trong là tua tủa lớp cây đầu ngọn cắm sát nhau theo kiểu nanh cá sấu, xen kẽ ở dưới thấp là một lớp dày đặc chông tre vót nhọn, trải rộng khắp một đường hào sâu 3m và rộng 8m, chạy bao quanh “ấp”, chỉ chừa có hai cổng ra vào, qua điếm canh của lính dân vệ. Bên trong ấp, chúng chia ra từng lô, cất nhà theo khu vực từng thôn và theo hệ thống liên gia.

 

Một đại đội bảo an đóng chốt ngay trên núi Miếu, còn hai đại đội bảo an khác cùng 5 tổng đoàn dân vệ tiến hành càn quét, lùng sục, bắt bớ để dồn dân 6 thôn phía bắc Hòa Quang về tập trung ở trong ấp Núi Miếu. Dân các làng: Đồng Hòa, Đồng Mỹ, Ngọc Lãnh, Ngọc Sơn, Cẩm Sơn và Thạnh Lâm phải chịu đựng đắng cay tủi nhục trong ấp chiến lược kiểu mẫu Núi Miếu. Nếu ai yêu cầu được sống trong ngôi nhà của mình, sẽ bị xem là cộng sản… Đồng chí Nguyễn Tự Đoan, bị chúng bắt đưa đi biệt tích, đồng chí Bùi Thúc bị chúng đánh đến tê liệt nửa người…

 

Tháng 9/1960, Đại hội tỉnh Đảng bộ Phú Yên được triệu tập để nghiên cứu Nghị quyết 15 của Trung ương. Đây là đại hội đầu tiên của tỉnh Đảng bộ trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

 

Sau đại hội, đồng chí Công Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 trực tiếp chỉ đạo phong trào ở Hòa Quang làm bàn đạp mở rộng phong trào các xã lân cận. Đồng chí Nguyễn Thành Trọng (Tám Trọng) được tăng cường về Hòa Quang cùng với đồng chí Công Minh triển khai thực hiện Nghị quyết 15. Chấp hành lệnh điều động của cấp trên, các đồng chí Trịnh Tấn Lực, Trần Khánh, Nguyễn Châu (Hạnh Lâm), Nguyễn May (Mậu Lâm) đã chính thức thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng.

 

Đầu tháng 10/1960, có thêm các đồng chí Nguyễn Tế (Nho Lâm) và Trần Văn Minh (Đại Phú) thoát ly lên căn cứ. Mũi công tác đầu tiên của xã Hòa Quang được thành lập, gồm 4 đồng chí: Lê Văn Bình, Trần Văn Minh, Nguyễn Tế và Nguyễn Châu, do đồng chí Lê Văn Bình làm mũi trưởng. Địa bàn hoạt động của mũi công tác được phân công là ở thôn phía nam của xã gồm: Phú Thạnh, Thạnh Lâm, Mậu Lâm, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Đại Bình, Quang Hưng và Đại Phú. Mũi công tác có nhiệm vụ xâm nhập vùng địch chiếm đóng để nắm tình hình hoạt động của địch, xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng trong quần chúng, vận động quần chúng đóng góp lương thực, thực phẩm tiền bạc để nuôi dưỡng lực lượng, chuẩn bị thực lực, tạo điều kiện và thời cơ cho công tác diệt ác, phá kèm. Ngoài các đồng chí hoạt động trên địa bàn xã trong mũi công tác, đồng chí Trịnh Tấn Lực và đồng chí Trần Khánh được trên điều động bổ sung vào lực lượng vũ trang của huyện, đồng chí Nguyễn May được cử đi tăng cường cho tỉnh bạn Đắk Lắk, đồng chí Trần Thị Tâm làm công tác Hội phụ nữ… Riêng địa bàn 6 thôn phía bắc xã Hòa Quang giao cho mũi công tác của xã Hòa Trị để làm bàn đạp.

 

Ngày 10/10/1960, đồng chí Công Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về việc tổ chức giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch quản thúc tại TX Tuy Hòa. Từ Hòa Quang, đồng chí trực tiếp chỉ đạo mũi công tác của hai xã Hòa Quang, Hòa Trị phối hợp với cơ sở trong nội thị cùng an ninh thị xã thực hiện kế hoạch giải thoát Luật sư. Do cơ sở bị địch bắt nên kế hoạch giải thoát cho Luật sư không thành. Địch có nghi ngờ nên chuyển Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên thị trấn Củng Sơn.

 

Tháng 11/1960, hai đồng chí Nguyễn Thành Trọng (cán bộ tăng cường) và Nguyễn Quang Minh (là cơ sở hợp pháp) trên đường công tác bị địch phục kích đã hy sinh tại xóm Tý Đức, thôn Mậu Lâm. Hai đồng chí này là những liệt sĩ đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ của xã Hòa Quang trong chiến tranh đặc biệt.

 

Cũng trong tháng 11/1960, tại Sài Gòn xảy ra cuộc đảo chính Diệm nhưng không thành của đại tá ngụy Nguyễn Chánh Thi. Tình hình trở nên khẩn trương, báo hiệu một thời kỳ khủng hoảng đối với chính quyền của Diệm.

 

Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức ra đời, đòi hỏi một “Chính quyền Liên hiệp dân tộc dân chủ rộng rãi dốc lòng vào công cuộc cải cách và hòa bình”. Mặt trận ra đời, đã tập hợp mọi lực lượng và tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam công khai đấu tranh với Mỹ - Diệm dưới hình thức ba mũi giáp công: đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, đấu tranh binh vận.

 

Ở trong tỉnh, đêm 22/12/1960 nổ ra Đồng Khởi Hòa Thịnh. Khí thế cách mạng của quần chúng được lực lượng võ trang của ta hỗ trợ ngay từ đầu đã áp đảo địch, làm cho chúng không kịp trở tay. Tên xã đoàn phó dân vệ có hành động chống lại, bị ta diệt tại chỗ. Đến 24 giờ, cuộc mít tinh lớn của quần chúng được tổ chức ngay tại trụ sở ngụy quyền xã ở thôn Mỹ Xuân. 40 thanh niên của xã Hòa Thịnh đã tình nguyện gia nhập lực lượng võ trang ngay trong đêm khởi nghĩa.

 

Đêm 26/12/1960, mũi công tác Hòa Quang phối hợp với lực lượng an ninh bắt và đưa ra xử trị trước nhân dân tên Bách, Trưởng Ban quản trị thôn Thạnh Lâm - một tên ác ôn khét tiếng từng giết hàng chục cán bộ kháng chiến của ta.

 

Tiếp sau đó, mũi công tác của xã Hòa Quang do đồng chí Lê Văn Bình chỉ huy, đã quyết định phải diệt bằng được Phan Cẩm, Trưởng Ban quản trị thôn Phú Thạnh, do Cẩm có nhiều nợ máu. Đêm ấy, được quần chúng báo cho biết tại nhà riêng của tên Phan Cẩm có tổ chức ăn nhậu. Mũi công tác đã bí mật đột nhập vào, bắn chết tên Phan Cẩm ngay tại chỗ; Lê Bỉnh Khiêm - đại diện xã Hòa Định, có quan hệ họ hàng với Cẩm cùng với Tô Trọng Mân có mặt tại bữa nhậu, đã hốt hoảng bỏ chạy.

 

Ngụy quyền xã và đoàn tố cộng hoang mang lo sợ. Chúng sợ bị cách mạng trừng trị phải lẩn tránh, không dám ngủ ở nhà.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek