Trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, địch thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo”, trước hết giành lại các vùng giải phóng trong năm 1972, các trục giao thông chiến lược.
Địch cắm thêm đồn bốt vào một số vùng quan trọng trong vùng căn cứ, vùng giải phóng ở Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, đồng thời thực hiện kế hoạch bình định mới, tăng cường kìm kẹp nhân dân vùng chúng kiểm soát.
Cuộc chiến tranh giành dân, lấn đất của địch ở Phú Yên được tiến hành trên diện rộng, rất ác liệt gây cho quân và dân Phú Yên nhiều tổn thất. Chúng đốt 590 ngôi nhà dân, bắn chết và bị thương hơn 100 đồng bào. Ở vùng địch kiểm soát, chúng ráo riết thực hiện kế hoạch bình định với nhãn hiệu “Cộng đồng tái thiết”, “Cộng đồng phát triển”, “Cách mạng hành chính từ cơ sở”. Chúng ra lệnh giới nghiêm, đàn áp những cuộc biểu tình mừng “Tết hòa bình”, “Tết hòa hợp dân tộc” của nhân dân Phú Yên. Địch mở hàng chục cuộc hành quân cảnh sát trong vùng tranh chấp và vùng chúng kiểm soát, “thanh lọc” hàng ngàn người, bắt giam, đánh đập hàng trăm người tình nghi là cơ sở cách mạng. Chúng quân sự hóa bộ máy hành chính cơ sở trong tỉnh, đưa sĩ quan ác ôn và cảnh sát về xã nắm bộ máy chính quyền, trang bị súng cho lực lượng phòng vệ dân sự, phát triển “Đảng Dân chủ”, tăng cường kìm kẹp nhân dân với chiêu bài “đoàn ngũ hóa, quân sự hóa, tình báo hóa”, nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (tháng 7/1973) về những vấn đề cơ bản trong đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới, Đảng bộ tỉnh Phú Yên tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh “nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”. Bên cạnh hoạt động vũ trang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác dân vận, thực hiện “bám trụ” - ba bám; xây dựng lực lượng cơ sở cách mạng; toàn dân tham gia chiến tranh du kích; diệt ác phá kèm giành quyền làm chủ cho nhân dân.
Bám trụ là sự có mặt của lực lượng cách mạng và đẩy mạnh hoạt động chống phá bình định ở ngay trong địa bàn mà địch đang kiểm soát. Nhờ vậy, mặc dù địch cố gắng đánh phá, nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi dân và khỏi địa bàn xã ấp, nhưng trong thực tế, cán bộ cách mạng vẫn bám địa bàn có dân để thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền, vận động cách mạng.
Bám trụ là vấn đề sống còn của sự tồn tại phát triển phong trào cách mạng từ cơ sở. Nhờ kiên cường bám trụ, lực lượng cách mạng ở Phú Yên đã đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, giành lại toàn bộ vùng làm chủ và tranh chấp. Cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã tự nguyện đi đầu tuyến trước, tiến công địch rất dũng cảm ngoan cường, có nhiều đồng chí suốt cả tháng trời không rời trận địa.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, cụ thể là đưa lực lượng cách mạng về bám trụ, xây dựng cơ sở, phát động chiến tranh du kích, tạo thế làm chủ cho nhân dân, tại các vùng giải phóng, quần chúng cách mạng đã hăng hái tham gia công tác chiếm lĩnh, cắm cờ giữ đất giành dân; đấu tranh đòi địch phải thi hành hiệp định nổ ra khắp nơi. Lực lượng quần chúng cách mạng đã đấu tranh chống lại chính sách bắt lính, chống đi phòng vệ dân sự… diễn ra liên tục bằng các hình thức: chống tập, bỏ gác, viện lý do đau bệnh, lo làm ăn để không tham gia vào phòng vệ dân sự.
Phong trào du kích chiến tranh ở Phú Yên, thực chất là một phong trào nhân dân, công tác dân vận giữ vai trò, vị trí then chốt. Vì trong phong trào du kích chiến tranh, không chỉ có lực lượng du kích chiến đấu đơn độc ở một số trận địa, mà còn có nhiều tầng lớp nhân dân đánh địch bằng ba mũi giáp công ở khắp mọi lúc, mọi nơi. Sức sáng tạo của phong trào du kích chiến tranh rất phong phú, thể hiện phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo trong công tác dân vận của Đảng. Giữa năm 1973, lực lượng du kích chỉ còn 900 đồng chí, các cấp ủy đảng đã phát động phong trào thanh niên chiến đấu, đến cuối năm có 1.594 đồng chí, chủ yếu là thanh niên các xã Xuân Sơn, Hòa Hiệp.
Kết hợp giữa phong trào du kích chiến tranh với diệt ác phá kèm, sau Hiệp định Paris, quân và dân Phú Yên liên tục tấn công và nổi dậy, giành quyền làm chủ. Các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 đã hỗ trợ đưa đồng bào về làng sản xuất, giữ vững vùng căn cứ. Đặc biệt lực lượng du kích mật đã phát triển ngay trong nội thị, các khu ấp chiến lược, ngay trong hàng ngũ lực lượng phòng vệ dân sự… đã tổ chức diệt ác phá kèm, làm đòn xeo cho phong trào quần chúng nổi dậy.
Trong hai tháng 2 và 3/1973, ta chủ trương chống lấn chiếm, lực lượng vũ trang kiên quyết đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, loại khỏi vòng chiến 1.911 tên địch, thu được 45 khẩu súng các loại. Trong đợt hoạt động này, lực lượng du kích nhiều xã Hòa Hiệp, Hòa Kiến, An Thạch, Xuân Lộc… đã tổ chức diệt được những tên ác ôn có nhiều nợ máu. Du kích mật TX Tuy Hòa đánh vào lô cốt địch tại phường 2. Ngoài ra, lực lượng thanh niên du kích còn phối hợp với các đơn vị vũ trang đánh phá giao thông, gây trở ngại cho địch trong việc vận chuyển trên đường quốc lộ 1, đường số 6.
Nhằm tạo cơ sở phát triển, Đảng bộ tỉnh phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất lương thực, sản xuất vũ khí tự tạo, tìm mọi biện pháp khai thác lương thực, thực phẩm và hàng nhu yếu phẩm ở vùng sâu. Để thu mua được lương thực ở đồng bằng, các đơn vị phải sử dụng cả đại đội thọc xuống vùng sâu, vừa đánh địch, vừa thu mua lương thực, thực phẩm. Trong năm 1973 đã thu mua được 536 tấn gạo và hàng chục tấn nhu yếu phẩm, vải mặc. Ngoài ra, tỉnh tổ chức tiếp nhận và vận chuyển 12 tấn súng đạn của trên cấp chi viện cho Phú Yên từ đường mòn Hồ Chí Minh về căn cứ Hòn Lúp an toàn.
Song song với các hoạt động quân sự, các hoạt động dân vận, như: phong trào đấu tranh chính trị, binh vận… cũng liên tục diễn ra ở thị trấn, thị xã. Ta đã vận động các tầng lớp nhân dân ở đô thị, nông thôn đứng lên chống Mỹ - Thiệu, chống tham nhũng, đòi hòa giải hòa hợp dân tộc; phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi đi lại làm ăn đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Trong tháng 4/1973, Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên đã tổ chức cầu siêu, cầu mong cho hòa bình lâu dài với sự tham gia của 64.000 người. Ngày rằm tháng bảy năm 1973, Tỉnh hội Phật giáo tổ chức lễ Vu Lan có 2.000 người tham gia với nội dung chống chiến tranh, đòi hòa bình.
Ngày 12/11/1973, ta lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị ở Hòa Vinh (Tuy Hòa 1) với sự tham gia của hàng ngàn quần chúng. Nhân dân nêu yêu sách đòi địch không được bắt lính, trừng trị bọn giết người. Ngày 16/11/1973, hơn 1.500 quần chúng ở xã Xuân Lộc (Sông Cầu) tổ chức đấu tranh chính trị đòi bọn địch phải trừng trị bọn ác ôn giết người, cướp của.
Về hoạt động binh địch vận, trong năm 1973, các tổ binh vận phân phát trên 10.000 tờ truyền đơn, 17.000 thư tranh thủ, 3.000 áp phích, 1.200 thư chức hòa bình, 800 lá cờ Mặt trận, phát loa kêu gọi 828 lần. Các tổ binh vận phát động 2.977 gia đình đau khổ (gia đình có binh lính ngụy chết trận), xây dựng các tổ binh vận tuyên truyền, giác ngộ làm rã ngũ 565 lính bảo an, 104 dân vệ và 1.163 phòng vệ dân sự, làm chuyển biến trung lập 6 đơn vị bảo an, 13 đơn vị dân vệ và nhiều toán phòng vệ dân sự.
Ở Xuân Sơn (Đồng Xuân), tổ binh vận xã do chị Cửu phụ trách đã vận động Đại đội Bảo an 203 án binh bất động và đưa một trung đội bảo an rã ngũ ra gặp cán bộ binh vận huyện. Năm 1974, ta xây dựng anh Tấn - Trung đội trưởng Dân vệ đóng ở chợ Lùng hỗ trợ quần chúng Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) phá khu dồn dân ở chợ Lùng, Phước Lộc để nhân dân trở về làng cũ. Trong 2 năm 1973-1974, bằng các cuộc đấu tranh chính trị, quần chúng buộc địch bồi thường 7 triệu đồng cho các nạn nhân và thả 32 người bị địch bắt giam vô cớ. Năm 1974, ta vận động quần chúng ủng hộ linh mục Trần Hữu Trang từ Sài Gòn ra Tuy Hòa diễn thuyết, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn tham nhũng, ngoan cố không chịu hòa hợp dân tộc.
THÀNH NAM