Thứ Hai, 25/11/2024 19:17 CH
Hòa Quang tham gia đánh bại chiến dịch Át-lăng
Thứ Sáu, 25/05/2018 09:55 SA

Tiếp tế lương thực cho bộ đội đánh bại chiến dịch Át-lăng - Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 20/1/1954, để thực hiện kế hoạch Na-va tại Nam Trung Bộ, nhằm mở rộng và chiếm đóng lâu dài vùng tự do của ta (gồm các tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú), củng cố miền Nam Đông Dương và đối phó với hoạt động Đông - Xuân của ta trên khắp các chiến trường làm cho Na-va phải tập trung một lực lượng gồm nhiều tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn cơ giới, phần lớn lấy ở chiến trường Nam Bộ ra, mở cuộc tấn công ra Tuy Hòa, Phú Yên. Đó chính là kế hoạch Át-lăng, bước thứ hai trong kế hoạch chiến lược Na-va 18 tháng.

 

Cuộc hành binh của Na-va ra Tuy Hòa, căn bản là một cuộc hành binh bị động. Vì vậy, quân ta ở Liên khu 5 được lệnh, chỉ để một bộ phận ở lại, đối phó với địch tại mặt trận Tuy Hòa, còn đại bộ phận chủ lực thì tập trung mở cuộc tấn công lên phía bắc Tây Nguyên, đánh thẳng vào hậu phương của địch.

 

Trong ngày mở đầu chiến dịch Át-Lăng, Na-va huy động một đơn vị lính dù nhảy xuống cùng với 1.000 quân đổ bộ từ đường biển vào TX Tuy Hòa. Đồng thời, một cánh quân có cơ giới yểm hộ, theo đường số 1, vượt đèo Cả tiến ra phía nam thị xã. Trong khi ở phía tây, một cánh quân khác của địch theo đường Cheo Reo tiến về phía Củng Sơn.

 

Ngay trong ngày đầu tiên đánh ra Tuy Hòa, quân địch đã bị quân và dân ta tiêu diệt 240 tên và thu hơn 20 dù, cánh quân phía nam, trên dọc đường tiến quân, cũng bị bộ đội và dân quân ta chặn đánh, đường lại bị phá hoại, nên mỗi ngày địch tiến quân không được 10km.

 

Ngày 31/1/1954, sau 10 ngày ồ ạt tung quân cả 3 mũi đánh vào Phú Yên, địch đã chiếm đóng được huyện lỵ Củng Sơn và khu vực TX Tuy Hòa. Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm tình hình và quyết định một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó vạch ra cho nhân dân thấy rõ về âm mưu chiếm đóng của địch, khó khăn thuận lợi, mặt mạnh và mặt yếu của ta và địch… Vận động nhân dân TX Tuy Hòa triệt để tản cư, còn ở những nơi khác thì vận động nhân dân tạm lánh cư, kết hợp với bố phòng tiếp tục sản xuất và chiến đấu.

 

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, bà con từ TX Tuy Hòa từ các làng Đông Bình, Đông Phước và lân cận trong vùng đã tản cư và lánh cư, lên tận bìa thổ chân núi Trường Sơn của xã Hòa Quang… Các đơn vị lính Âu Phi đi càn quét, cướp bóc của cải đã băng sông qua ấp Phong Niên, càn ra thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng) thọc vào các ấp Đại Bình, Đại Phú, Nho Lâm, Hạnh Lâm của xã Hòa Quang rồi tràn qua Hòa Trị. Chủ yếu trận càn này chúng định đánh bọc hậu phòng tuyến của bộ đội chủ lực ta xây dựng ở Đông Phước gồm các công sự và địa đạo nhằm chặn địch không cho chúng khai thông đường số 7 đi Sơn Hòa (Củng Sơn).

 

Cho đến ngày mùng 2 Tết Giáp Ngọ (tức ngày 4/2/1954), sau 15 ngày tiến quân, ba cánh quân tại núi Sầm, xã Hòa Trị; Phú Ân, Phong Niên, xã Hòa Thắng để thiết lập bộ máy tề ngụy, bình định vùng nông thôn.

 

Như vậy là vào năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, địch đã cho quân càn quét tới địa phận xã Hòa Quang, một vùng hậu cứ quan trọng của cả chiến trường Nam Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa. Và sau đó, tuy không đóng quân chốt giữ ở Hòa Quang, nhưng chúng đã thiết lập một hệ thống đồn bốt trên đất của 2 xã Hòa Trị và Hòa Thắng về phía đông nam của xã Hòa Quang, hình thành một thế bao vây phong tỏa vùng hậu cứ của ta.

 

Đại đội du kích xã Hòa Quang đã từng phối hợp với lực lượng du kích xã Hòa Trị và bộ đội địa phương huyện chặn đánh địch đi càn từ Đông Lộc (xã Hòa Thắng) dựa mương nhánh số 5 ra gò Tơ Đại Phú. Địch thiệt hại nặng rút chạy về đồn. Lực lượng du kích Hòa Quang còn đánh địch từ đồn núi Sầm đi càn lên các thôn Nho Lâm, Đại Bình, Mậu Lâm (xã Hòa Quang), địch đã bắn chết anh Huỳnh Tặc - một nhân viên giao liên và anh Kiều Tân - thanh niên du kích đang ngụy trang hầm chông. Chúng còn dã tâm hãm hiếp phụ nữ và cướp bóc gà, vịt của đồng bào mang theo.

 

Ngày 5/2/1954, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum và tập kích TX Pleiku. Trước đó hơn 10 ngày (26/1/1954), quân giải phóng Lào cùng với quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phong-xa-lỳ…

 

Sau khi quân giải phóng Campuchia đã nối liền khu giải phóng Đông Bắc với vùng giải phóng hạ Lào, địch hốt hoảng rút bớt 10 tiểu đoàn trong lực lượng đánh ra Tuy Hòa lên Tây Nguyên đối phó với ta. Hoạt động phối hợp của quân giải phóng Việt - Miên - Lào đã làm cho kế hoạch tập trung quân cơ động ở đồng bằng Liên khu 5 bị phân tán.

 

Một tờ báo tư sản Pháp lúc đó đã phải kêu lên: “Bộ tư lệnh Việt Minh cứ điều quân đội Pháp, hết chiến trường này sang chiến trường khác”. Còn trong thư khen, gửi ra mặt trận, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã nói: “Thắng lợi Kontum là thắng lợi đầu tiên của ta trên chiến trường miền Nam. Nó cũng là một trong những thắng lợi của ta, trong mùa xuân này trên chiến trường toàn quốc. Nó là một đòn đánh vào âm mưu của địch với miền Nam, nhất là trong lúc địch sa lầy ở Tuy Hòa”.

 

Ngày 16/2/1954, sau khi đã tạm chiếm giữ được Tuy Hòa và Củng Sơn, địch cho quân tiến ra phía bắc Phú Yên bằng hai mũi, mở đầu cho giai đoạn 2 của chiến dịch Át-lăng. Ngày 12/3/1954, địch tiếp tục chiến dịch Át-lăng bị bỏ dở, mở cuộc tấn công đổ bộ lên Quy Nhơn để hòng giành lại quyền chủ động nhưng lại bị thất bại nặng.

 

Ngày 17/3/1954, bộ đội và du kích Phú Yên tập kích diệt 150 tên địch tại Quán Cau. Ngày 22/3/1954, Tiểu đoàn chủ lực 365 trở lại chiến trường Phú Yên, đánh trận tập kích oanh liệt và thu 60 súng trường. Các trận đánh trên chiến trường Khu 5 trong tháng 3/1954 đã phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được mở màn vào ngày 13/3/1954.

 

Ngày 10/4/1954, du kích xã Hòa Quang lại cùng với du kích các xã Hòa Trị, Hòa Kiến phối hợp với các đơn vị bộ đội của huyện là C.377 chặn đánh cuộc hành quân càn quét của địch. Trận này, địch tập trung đến một tiểu đoàn từ các đồn Đồng Lộc, Phú Ân hành quân qua đèo Cẳng Cu, địch đánh bọc hậu đơn vị của Huyện đội (C.377) đóng ở thôn Cẩm Tú. Trung đội du kích thường trực của xã Hòa Quang do đồng chí Đinh Văn Hiến, xã đội trưởng, chỉ huy, đã bố trí chặn địch, chống càn tại Đồng Lãnh phối hợp với bộ đội địa phương của huyện, du kích các xã (Hòa Trị, Hòa Kiến) gây cho địch nhiều thiệt hại.

 

Trong suốt 9 năm kháng chiến, xã Hòa Quang vẫn luôn giữ vững là một vùng tự do. Ngay cả trong chiến dịch Át-lăng, địch đã tung quân càn quét nhiều lần, nhưng vẫn không đứng chân được một cứ điểm nào trên đất Hòa Quang.

 

Sau 3 tháng đánh trả chiến dịch Át-lăng của địch, Tỉnh ủy Phú Yên họp hội nghị đề ra chủ trương giữ vững và tăng cường thế tiến công địch, bảo đảm tiếp tế cho các mặt trận, phát triển mậu dịch lên vùng căn cứ, vùng mới giải phóng, tranh thủ xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa. Để dự trữ lương thực, thực phẩm cho lực lượng tỉnh, xã Hòa Quang đã huy động dân công vận chuyển giao 30 tấn lúa và 20 tấn muối lên địa điểm gò Sân.

 

Vào cuối tháng 3/1954, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên triệu tập Đại hội liên hoan mừng công toàn tỉnh. Đại hội đã biểu thị quyết tâm đánh bại chiến dịch Át-lăng nhằm giải phóng hoàn toàn phần đất Phú Yên còn bị giặc tạm chiếm đóng.

 

Ngày 7/5/1954, tại chiến trường chính của cả nước, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thắng lợi vĩ đại này đã đặt nửa triệu quân xâm lược Pháp và tay sai trên toàn chiến trường Đông Dương đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt và tan rã. Bọn địch ở Phú Yên ngày càng hoang mang dao động. Trong 2 ngày mùng 1 và 2 tháng 6/1954, các vị trí A-ê-riêng và Tuy Bình liên tiếp bị quân ta tiến công (một tiểu đoàn quân địch tại Tuy Bình bị diệt gọn).

 

Ngày 19/6/1954, do hoảng sợ, địch tháo chạy khỏi Sông Cầu, Triều Sơn, Gành Đỏ và khu vực Chí Thạnh, kéo vào đóng tại Màng Màng, cách TX Tuy Hòa 5km về phía bắc, và chúng liền bị quân ta tập kích đánh tan 3 tiểu đoàn.

 

Đêm 20/6/1954, thừa thắng, quân ta lại tập kích một số nơi trong TX Tuy Hòa, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy 150 xe quân sự.

 

Ngày 25/6/1954, quân ta chặn đánh một đoàn xe quân sự của địch trên đường đèo Cả, phá hủy 79 xe. Đoạn đường Hảo Sơn - Đại Lãnh bị cắt đứt. Toàn bộ chiến dịch Át-lăng trên phần đất Phú Yên bị thất bại. Tỉnh Phú Yên được giải phóng, địch chỉ còn lại trong TX Tuy Hòa và bị cô lập.

 

Cuộc kháng chiến của nhân dân Phú Yên đang trên đà giành được thắng lợi hoàn toàn thì ngày 20/7/1954 - Hiệp định Geneve về Đông Dương được ký kết. Ngay trước đó một tuần lễ, ngày 14/7/1954, các đơn vị thuộc LLVT huyện Tuy Hòa nhận được lệnh ngừng tiến công của Bộ tư lệnh Khu 5 “Hiệp định Geneve đã được ký kết, hai bên đình chỉ chiến sự”… và lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, đồng thời sử dụng cảng Hải Phòng và cảng Quy Nhơn trong vòng 300 ngày làm địa điểm tập kết quân đội của hai bên sau ngừng bắn, chuẩn bị tiến tới tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà.

 

Theo tinh thần hiệp định, tỉnh Phú Yên là một trong những khu vực phải bàn giao cho đối phương trước ngày 30/8/1954. Việc ngưng chiến sự trên đà thắng lợi của quân và dân Phú Yên trong thời điểm lịch sử này quả là một hy sinh lớn lao… Mọi công việc phải được tiến hành hết sức khẩn trương theo quy định hạn hẹp về mặt thời gian của hiệp định… Một số chủ trương công tác không kịp triển khai xuống cơ sở, như việc thành lập các chi bộ bí mật, tổ chức đường dây liên lạc… cũng như việc đổi vùng cán bộ để hoạt động hợp pháp…

 

Ngay trong tháng 7/1954, đồng chí Trần Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Quang nhận được quyết định hoạt động bất hợp pháp, lập tức lên đường ra Bình Định để đi tập kết. Còn lại hầu hết 520 đảng viên của toàn xã, vào thời điểm này đã nhận được chỉ thị, phổ biến tinh thần chuẩn bị ra hoạt động hợp pháp bằng các hình thức làm ăn tự do…

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek