Thứ Năm, 19/09/2024 23:25 CH
Hòa Quang năm 1951-1952
Thứ Sáu, 11/05/2018 16:00 CH

Ở Hòa Quang tháng 2/1951, hội nghị đại biểu Đảng bộ toàn xã Hòa Quang được tổ chức tại Mậu Lâm (nhà đồng chí Trường). Tổng số đảng viên của xã sau 3 năm phát triển lên đến 520 đồng chí.

 

Nhà giáo Ưu tú Lê Thông - Chiến sĩ thi đua toàn quốc - Ảnh tư liệu

 

Ở mỗi thôn, làng trong xã đều có một ban cán sự Đảng hoạt động. Ban cán sự gồm 5 người: một đồng chí bí thư, một ủy viên phụ trách thôn đội, một ủy viên phụ trách nông hội, một ủy viên phụ trách công an, một ủy viên trưởng thôn.

 

Về dự hội nghị đảng viên xã Hòa Quang có đồng chí Lê Xuân Huyên, Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa. Hội nghị đã bầu đồng chí Trần Văn Ngọc là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Quang. Đồng thời hội nghị cũng đã bầu ra bí thư ở các ban cán sự thuộc 13 làng của xã Hòa Quang.

 

1. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Đại Phú là đồng chí Bùi Khắc Minh.

 

2. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Đại Bình là đồng chí Nguyễn Tử Tiện.

 

3. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Nho Lâm là đồng chí Phan Lưu Bích.

 

4. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Quang Hưng là đồng chí Trần Côn.

 

5. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Phú Thạnh là đồng chí Biện Bỉnh.

 

6. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Thạnh Lâm là đồng chí Lê Năng Đắc.

 

7. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Mậu Lâm là đồng chí Nguyễn Khoa Trường.

 

8. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Ngọc Sơn là đồng chí Nguyễn Tấn Bộ.

 

9. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Ngọc Lãnh là đồng chí Lê Công Thạnh.

 

10. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Đồng Mỹ là đồng chí Trần Đắc.

 

11. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Hà Bình là đồng chí Đỗ Ngọc Quế.

 

12. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Hà Trung là đồng chí Phạm Phất.

 

13. Bí thư Ban cán sự Đảng làng Hạnh Lâm là đồng chí Trịnh Trác.

 

Từ khi chi bộ A ở Nho Lâm được thành lập với 5 đảng viên mà đồng chí Trần Hào là người cộng sản đầu tiên của mảnh đất Hòa Quang đến tháng 2/1951 thời gian đã trôi qua 16 năm. Đây cũng là thời điểm phát triển lớn mạnh nhất của Đảng bộ xã, thể hiện thực chất đây là Đảng của những người lao động.

 

Mặc dù Hòa Quang là một vùng hậu cứ ổn định nhưng mọi hoạt động ở đây vẫn khẩn trương theo nhịp điệu của hơi thở kháng chiến. Các công tác phục vụ, tăng gia sản xuất, giảm tô, tòng quân giết giặc, dân công hỏa tuyến, đóng góp “đảm phụ” được đảng viên và quần chúng xã Hòa Quang huy động vốn đến mức cao nhất với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng”.

 

Nhưng đáng kể nhất là thời điểm năm 1951 - năm thứ bảy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là năm thứ sáu của cuộc trường kỳ kháng chiến. Ở Hòa Quang, sự nghiệp phát triển giáo dục của xã đã lên tới đỉnh cao sau hơn 4 năm phấn đấu (từ 1947-1951).

 

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông của con em nhân dân lao động trong toàn xã, Ủy ban Kháng chiến hành chính xã phối hợp với Ban Bảo trợ nhà trường lựa chọn, giới thiệu, nâng tổng số giáo viên ở Hòa Quang lên 21 người được đào tạo các lớp sư phạm cấp tốc do Ty Giáo dục tỉnh Phú Yên mở.

 

4 trường phổ thông của xã Hòa Quang do thầy giáo Nguyễn Châu làm Liên Hiệu trưởng đã tiếp nhận trên 1.000 học sinh vào các lớp. Trường Đại Bình, Đại Phú, Nho Lâm, Quang Hưng được phát triển lên từ Trường Hạnh Lâm cũ đã có 12 giáo viên, mở 12 lớp cho 720 học sinh. Trường Phú Thạnh và Trường Đồng Lãnh - mỗi nơi đều có lớp học và giáo viên tiếp nhận mỗi trường được 150 học sinh.

 

Liên trường Hòa Quang với 21 cán bộ và 18 lớp học phổ thông đã liên tục 3 năm liền (1949-1951) phấn đấu cho sự nghiệp phát triển giáo dục nên được Ty Giáo dục Phú Yên, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ và Bộ Giáo dục khen thưởng.

 

Cùng với sự nghiệp giáo dục phổ thông, cấp ủy và chính quyền xã Hòa Quang còn rất quan tâm tới công tác “bình dân học vụ”. Giáo viên bình dân phần lớn do thanh niên xung phong đảm nhiệm. Các lớp này thường được mở tại nhà hoặc ở các đình, lẫm hầu khắp các thôn, làng, lịch học văn hóa được duy trì liên tục, mỗi năm học đều có tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, hội đồng coi thi và chấm thi đã đánh giá đúng chất lượng học tập của các lớp học ban đêm này. Lớp đông nhất có đến 40 học viên, lớp ít nhất cũng có 10 học viên, tổng cộng trong toàn xã có đến 300 học viên bình dân.

 

Tháng 3/1951, nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và hậu phương vững chắc được phổ biến rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Công tác xây dựng làng chiến đấu đã được triển khai ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến tỉnh Phú Yên tự do. Lực lượng vũ trang được chấn chỉnh và tăng cường theo hướng thành lập tiểu đoàn tập trung ở cấp tỉnh, đại đội độc lập ở cấp huyện và dân quân du kích được phát triển ở các thôn, xã.

 

Cuộc kháng chiến càng trở nên gay go quyết liệt - sức lực của toàn dân được động viên dốc vào cuộc kháng chiến càng lớn. Vì vậy, bắt đầu từ năm 1951, Chính phủ ban hành sắc lệnh thuế nông nghiệp và coi đây là nguồn thu chính của quốc gia thay thế cho các hình thức quyên góp thiếu công bằng từ trước đến nay gọi là “đảm phụ”.

 

Tháng 4/1951, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên triệu tập đại hội liên hoan bầu chiến sĩ thi đua trên các lĩnh vực hoạt động kháng chiến như: giết giặc, đi dân công hỏa tuyến, sản xuất nông nghiệp, giáo dục và y tế.

 

Thầy giáo Lê Thông, Hiệu trưởng Liên trường Hòa Quang (năm 1950) trong phong trào xây dựng nền giáo dục mới trở thành một tấm gương sáng trên mặt trận chống giặc dốt, đã được đại hội bầu đi dự đại hội Liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc năm 1951 và được Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Thành tích của thầy giáo Lê Thông đã làm vẻ vang cho sự nghiệp giáo dục của xã Hòa Quang trong những năm kháng chiến đầy gian khổ. Ngày nay, thầy Lê Thông là Nhà giáo Ưu tú Việt Nam.

 

Tháng 3/1952, Đảng bộ Phú Yên lần thứ 5 được triệu tập tại thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến. Có 160 đại biểu về dự đại hội, biểu dương những thành tích đáng kể trong việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất và huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến và xây dựng hậu phương. Đại hội cũng kiểm điểm tình hình thực hiện động viên nhân tài, vật lực cung ứng cho chiến trường, chuẩn bị chuyển sang phản công ở các huyện, xã. Huyện Tuy Hòa đạt thành tích cao nhất, xã Hòa Quang cũng vượt chỉ tiêu trên giao.

 

Ngày 6/6/1952, địch cho máy bay phá sập cầu Máng, suối Cái, làm cho hàng vạn hecta lúa có nguy cơ chết khô. Không thể ngồi nhìn trước cảnh đồng lúa cháy, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định đắp đập suối Cái, đào kênh Cẩm Thạch thay cho cầu Máng. Nhân dân Hòa Quang cùng các xã bạn, hăng hái đến công trường đắp đập đào kênh.

 

Đảng ủy xã Hòa Quang cử đồng chí Nguyễn Thành Trọng, một đảng ủy viên phụ trách tại công trường. Không quản ngày đêm mưa nắng, gạo và thức ăn không đủ bữa, mọi người được phân từng tổ, dốc sức đào, đắp, mong sớm đưa nước về cứu vãn đồng lúa. Tỉnh còn cử đồng chí Nguyên Hồ, cán bộ văn nghệ tỉnh cùng với Ban chỉ huy công trường theo dõi, đôn đốc, sáng tác thơ, ca, vè để giải trí cổ vũ dân công. Ngày nay trong nhân dân còn lưu truyền.

 

Kênh Cẩm Thạch vừa đào xong, địch lại ném bom phá hỏng. Nhân dân ta lại tiếp tục vượt khó, ra sức đào ao, vét giếng, đắp bổi ngăn suối… tìm giống lúa ngắn ngày phù hợp, có khả năng chống hạn, chú trọng mở rộng diện tích trồng màu: sắn, lang, bắp, đậu… ở khắp nơi.

 

Qua phong trào sản xuất chống hạn trong địa phương đã xuất hiện nhiều cá nhân lao động sản xuất giỏi như cụ: Lê Quang Huy (thôn Mậu Lâm), cụ Nguyễn Hoàng, Nguyễn Non, bà Nguyễn Thị Mỹ (thôn Đại Bình), bà Lý Thị Luận (thôn Quang Hưng), ông Nguyễn Vỹ (thôn Nho Lâm)…

 

Tháng 7/1952, Đảng ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Hòa Quang mở hội nghị tại Gò Nổng, Mậu Lâm để phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh. Hội nghị đã thống nhất bầu cấp ủy mới, Ban Thường vụ được phân công cụ thể như sau:

 

1. Đồng chí Trần Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy kiêm chính trị viên xã đội du kích.

 

2. Đồng chí Phạm Học, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã.

 

3. Đồng chí Nguyễn Lợi, Phó Bí thư phụ trách xã đội trưởng du kích.

 

4. Đồng chí Đặng Điểm, Ủy viên Thường vụ phụ trách Đảng vụ (tổ chức).

 

5. Đồng chí Nguyễn Tấn, Ủy viên Thường vụ phụ trách nông hội.

 

Phong trào nhân dân du kích chiến tranh được Đảng ủy thường xuyên phát động, thực hiện nên cán bộ và nhân dân đều thấm nhuần chiến thuật du kích chiến tranh:

Lấy ít đánh nhiều

 

Lấy yếu đánh mạnh

 

Giặc lui ta chặn đánh

 

Giặc tiến mạnh ta lui

 

Giặc yên vui ta quấy rối…

 

Các đội dân quân tự vệ cũng được củng cố đội ngũ, những thôn lớn như Phú Thạnh, Nho Lâm, Cẩm Sơn mỗi thôn có đến 2 trung đội.

 

Đại đội du kích xã Hòa Quang lúc đầu với 40 đội viên, gồm những đội viên thanh niên khỏe mạnh, tinh thần chiến đấu cao, thường xuyên được luyện tập về chiến thuật, phương án tác chiến. Mặc dù ban đầu chỉ được trang bị vũ khí thô sơ tự tạo như: dao găm, mã tấu và được trên cấp vài cây súng trường với ít quả lựu đạn, sau dần dần được bổ sung.

 

Đồng chí Nguyễn Lợp, một thường vụ đảng ủy viên là xã đội trưởng đầu tiên của Hòa Quang. Qua nhiều năm chiến đấu, lực lượng du kích Hòa Quang được trưởng thành cả về chất và lượng. Đại đội du kích xã chẳng những làm nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, đánh địch càn quét, lấn chiếm ở địa phương, mà còn thường xuyên đi phối hợp chiến trường cùng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trên các mặt trận núi Hiềm, đèo Cả, Hóc Diêm (đèo Cả), Suối Trai, Cà Lúi… Nhiều đợt đại đội còn hành quân vào Tu Bông - Khánh Hòa để bảo vệ cho dân công gặt lúa vùng tạm chiếm đưa về mật khu.

 

Đại đội còn thường xuyên đi hộ tống dài ngày cho các đoàn dân công tải gạo ở các chiến trường tận Tây Nguyên, Khánh Hòa…

 

Đi đôi với việc xây dựng lực lượng tại chỗ, trong năm 1952, xã còn vận động được 42 thanh niên xung phong lên đường tòng quân nhập ngũ, phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân Hòa Quang.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek