Thứ Năm, 19/09/2024 23:23 CH
Hoạt động dân vận Phú Yên sau ngày giải phóng
Thứ Sáu, 13/04/2018 10:40 SA

Mít tinh mừng giải phóng Phú Yên và toàn miền Nam tại TP Tuy Hòa - Ảnh: TƯ LIỆU

Cuộc rút lui khỏi Tây Nguyên về đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ tháng 3/1975 của quân ngụy đã bị Sư đoàn 320 và quân dân Phú Yên tiêu diệt, làm tan rã, mà chiến thắng Đường 5 của quân dân Phú Yên là đoạn kết thúc, không chỉ là phát súng báo hiệu sự cáo chung của Quân khu 2 mà còn báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn 1 tháng sau đó.

 

Trong khí thế hừng hực chiến thắng, Khu ủy Khu 5 điện khẩn cho Tỉnh ủy Phú Yên với nội dung: “Nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng vào đánh chiếm TX Tuy Hòa, bàn với chủ lực cho một bộ phận cùng đánh vào. Hoàn thành xong thị xã thì chuyển lực lượng ra giải quyết phía bắc cùng với chủ lực”.

 

Ông Nguyễn Hữu Ái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tài Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên thời điểm tháng 4/1975

Ngày 28/3/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở chỉ huy tiền phương cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 hợp bàn phương án tiến công giải phóng TX Tuy Hòa. Sáng 1/4/1975, toàn tỉnh được giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân Phú Yên.

 

Do có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ từ trước nên việc tiếp quản các công sở, cơ sở vật chất của Mỹ - ngụy trong tỉnh diễn ra nhanh gọn, trật tự và an toàn. Ta đã thu được một số chiến lợi phẩm, tài liệu, hồ sơ của chế độ cũ để lại và cất giữ an toàn.

 

Ngày 3/4/1975, Ủy ban Quân chính tổ chức lễ mừng chiến thắng tại Trường trung học Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, TP Tuy Hòa) với hơn 3.000 quần chúng tham dự. Tại buổi lễ, Ủy ban Quân chính tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền ngụy; kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện; giao nộp vũ khí, tài liệu cho chính quyền cách mạng.

 

Phú Yên giải phóng được 3 ngày thì được lệnh của quân khu tổ chức các trạm liên lạc, đón tiếp các sư đoàn chủ lực từ miền Bắc vào theo quốc lộ 1. Phú Yên tổ chức 2 trạm liên lạc Cù Mông (quốc lộ 1), Mục Thịnh (đường số 6), và 3 trạm nghỉ chân: trạm số 1 ở Xuân Thọ, tập trung 70 tấn gạo; trạm số 2 ở An Hòa, An Chấn có 80 tấn gạo; trạm số 3 ở Hòa Vinh, Hòa Xuân có 100 tấn gạo. Lực lượng y tá, bác sĩ cũng được tăng cường thêm cho các trạm xá huyện đón tiếp thương bệnh binh.

 

Ban Kinh tài tiếp sức cho nhân dân 265 tấn gạo, 25 tấn muối, 22 tấn lúa giống, 465.000 đồng, hàng ngàn bộ quần áo, hàng triệu đồng tiền thuốc chữa bệnh... Đối với người già yếu mất sức, chính quyền cách mạng cứu tế, 1.892 người được giải quyết công ăn việc làm.

 

Chính quyền động viên nhân dân giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo, trang trải giống sản xuất, nông cụ, bò cày, tranh tre gỗ lạc xây dựng nhà tạm để ổn định nơi ăn chốn ở. Đồng thời nhanh chóng khôi phục lại các chợ ở nông thôn, mở rộng giao lưu hàng hóa, giải quyết nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Đời sống nhân dân ở 3 vùng nhanh chóng được ổn định. Ban Kinh tài còn cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cho 20.000 hàng binh từ tuyến Tây Nguyên rút chạy xuống thị xã. Tuyến đường sắt từ Tuy Hòa đến Diêu Trì được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và tiếp nối Bắc - Nam.

 

Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Phú Yên có vinh dự lớn là đón tiếp các binh đoàn Nam tiến sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Mùa xuân đại thắng 1975, Phú Yên lại được phân công đón tiếp các binh đoàn chủ lực từ miền Bắc vào Nam để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Do yêu cầu của nhiệm vụ mới, lực lượng quân, dân, chính, Đảng tỉnh đã lên tới 8.112 người, tỉnh tiếp tục mở một đợt huy động được 760 tấn gạo, 15 tấn lúa, 7 tấn bắp, 20 tấn sắn, 216 con bò và 60 triệu đồng để góp phần ổn định đời sống nhân dân trong lúc mới giải phóng, cùng cả nước thực hiện thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của quân và dân Phú Yên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là nhờ Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối chính sách của Đảng phù hợp với tình hình thực tế địa phương, trong đó có đóng góp to lớn của công tác dân vận.

 

Sau ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975), nhân dân Phú Yên khẩn trương bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và cải tạo kinh tế, xây dựng xã hội mới, nhanh chóng ổn định trật tự trị an và đời sống. Song, hậu quả của chiến tranh để lại hết sức nặng nề. 700.000 người dân bị tập trung trong 40 khu dồn trở về làng cũ làm ăn, gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống như xây dựng lại nhà cửa, khai hoang phục hóa ruộng đất cũ, mua sắm trâu bò nông cụ, lương thực để sống bước đầu. Các vùng giáp ranh, vùng ven đô thị, đất đai phần lớn bị hoang hóa. Hàng ngàn bãi mìn chưa tháo gỡ, hàng triệu hố bom loang lổ khắp nơi. Đối với thanh thiếu niên, chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ còn để lại những hậu quả nặng nề về nạn mù chữ, nạn xì ke, ma túy, mại dâm, lưu manh trộm cướp, thất nghiệp tràn lan…

 

Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo các đoàn thể, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân giải phóng, tổ chức tuần tra, canh gác, truy lùng tàn binh địch, giữ gìn trật tự trị an, củng cố các chốt, điểm phòng thủ, sẵn sàng đập tan âm mưu tái chiếm của kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng; thu gom vũ khí đạn dược, bom mìn, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, đầu thú, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp.

 

Các đoàn thể phụ nữ, nông dân, thanh niên nhanh chóng tập hợp các tầng lớp nhân dân vào các tổ chức, huy động lực lượng tham gia đội tự vệ; bài trừ văn hóa nô dịch, trụy lạc của địch, xây dựng cuộc sống mới vui tươi, lành mạnh; xây dựng tủ sách, mở các cửa hàng dịch vụ bán sách, báo cách mạng; tổ chức các đội văn nghệ nghiệp dư của các cơ quan đơn vị… Những bài hát lành mạnh, phong phú ngay từ những ngày đầu mới giải phóng đã chinh phục được trái tim của bao người, tạo nên không khí vui tươi trong đời sống, làm cho văn hóa cách mạng được phát huy tác dụng và mang tính chiến đấu cao.

 

Do chiến tranh kéo dài, đời sống kinh tế của đồng bào ở các huyện miền Tây Sơn Hòa (nay là huyện Sơn Hòa), huyện Tây Nam (nay là huyện Sông Hinh), huyện Đồng Xuân, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa) và vùng phía tây của các huyện Tuy Hòa, Tuy An… hết sức cơ cực; xóm làng bị tàn phá tan ho­ang; hàng chục vạn đồng bào tản cư trở về làng cũ, không có nhà cửa, nông cụ, lương thực… Để góp phần giải quyết tình hình trên, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các đoàn thể trong tỉnh tổ chức những đợt công tác xã hội giúp đồng bào các khu dồn trở về quê cũ khai hoang phục hóa, xây dựng lại quê hương; góp phần ổn định trật tự trị an ở thị xã, thị trấn và các vùng đông dân cư, khôi phục và phát triển sản xuất. Tháng 5/1975, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng tỉnh tổ chức khai hoang ở xã An Hòa với sự tham gia của hàng ngàn học sinh Trường trung học Nguyễn Huệ. Tháng 8/1975, chính quyền tỉnh tổ chức trồng phi lao chắn cát ven biển, trồng rừng phòng hộ từ TX Tuy Hòa đến Long Thủy với sự tham gia của hàng vạn học sinh và thanh niên các xã, phường.

 

Thực hiện Nghị quyết 19/1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, hợp nhất một số tỉnh miền Nam, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện nghị quyết của Trung ương, tiến hành hợp nhất.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek