Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Thực dân Pháp và các nước tham dự hội nghị phải công nhận hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Tuy chưa thực sự phản ánh đúng lực lượng và xu thế của ta sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn là thắng lợi to lớn của nhân dân ta sau 9 năm kháng chiến đầy gian khổ và hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây, nước ta tạm thời chia làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, có điều kiện đi lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tạm thời do đối phương quản lý làm nơi tập kết quân. Sau 2 năm, cả nước sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do, dân chủ, thống nhất nước nhà. Song, trái hẳn với những điều quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã vội vàng nhảy vào thay thế thực dân Pháp, hòng thống trị lâu dài miền Nam nước ta. Chúng tiến hành đàn áp, khủng bố vô cùng dã man khắp nơi. Niềm vui của nhân dân ta chưa được bao lâu đã bị dập tắt. Tình hình miền Nam vô cùng căng thẳng, so sánh lực lượng tại chỗ không cân sức. Nhân dân ta từ chỗ có chính quyền, quân đội và có Đảng lãnh đạo; sau hiệp định, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, quân đội tập kết ra miền Bắc, chính quyền tự giải thể. Trong khi đó, Mỹ - Diệm ngang nhiên vi phạm hiệp định, ngay từ đầu đã dùng bạo lực tấn công nhân dân miền Nam tay không có vũ khí. Chúng đã gây ra biết bao vụ thảm sát đẫm máu, đặc biệt là ở những vùng căn cứ Nam Bộ và vùng tự do Liên khu 5.
Phú Yên vốn là tỉnh nằm trong vùng tự do Liên khu 5, là hậu phương trực tiếp của chiến trường Khánh Hòa và Nam Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Nhân dân Phú Yên đã được hưởng quyền lợi về ruộng đất và tự do dân chủ. Tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở đây được xây dựng vững mạnh, hoạt động công khai; trình độ giác ngộ cách mạng của quần chúng rất cao. Trước ngày đình chiến, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Phú Yên đã đánh bại chiến dịch Át-lăng của địch nhằm chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5. Vì vậy, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Phú Yên là vùng trọng điểm, đánh phá của Mỹ - Diệm. Chúng đã gây ra những vụ thảm sát đẫm máu ở Ngân Sơn, Chí Thạnh và khắp nơi trong tỉnh để đàn áp, trả thù những người kháng chiến cũ. Chỉ trong tháng 9 và 10/1954, chúng đã giết hại, bắt bớ 721 cán bộ đảng viên và nhân dân.
Nhà lao Ngọc Lãng và nhà lao Sân bay TX Tuy Hòa giam giữ hàng ngàn người, ngày đêm bị tra tấn vô cùng dã man. Phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Tuy Hòa trong giai đoạn 1945-1954 phát triển mạnh mẽ. Do Tuy Hòa là vùng tự do nên Mỹ - Diệm tập trung đánh phá. Tình hình Tuy Hòa sau Hiệp định Giơ-ne-vơ rất phức tạp và căng thẳng sau thất bại của chiến dịch Át-lăng. Nhiều đảng phái phản động đội lốt tôn giáo, bọn địa chủ, lưu manh côn đồ và một số phần tử đầu hàng phản bội, nhân cơ hội này nổi dậy tiếp tay cho Mỹ - Diệm đánh phá cách mạng. Trong khi đó, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, ta phải bàn giao TX Tuy Hòa cho đối phương trước ngày 30/8/1954. Trong tình hình địch đánh phá ác liệt, mọi công việc về tổ chức, sắp xếp lực lượng cách mạng của ta lại phải tiến hành trong thời gian ngắn.
Trong lúc ta đang chuẩn bị giải quyết những công việc khẩn trương, lợi dụng lúc giao thời, bọn Đại Việt, Quốc Dân Đảng, bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo, Cao Đài cùng bọn địa chủ và bọn lưu manh côn đồ ngóc đầu dậy liên kết với nhau thành “Mặt trận Việt Nam phục quốc” để đàn áp, trả thù cách mạng.
Tháng 8/1954, Trương Thị Thỉnh (con gái Trương Bội Hoàng, người cầm đầu Đảng Đại Việt) bí mật triệu tập bọn phản động tiến hành cuộc họp tại TX Tuy Hòa để bàn âm mưu tổ chức ngụy quyền cấp huyện và cơ sở, tổ chức đoàn hành chánh lưu động và lực lượng vũ trang, chờ thời cơ khi ta bàn giao cho đối phương thì chúng nổi dậy lập bộ máy chính quyền phản động. Chúng tăng cường quân số cho lực lượng bảo an, thành lập trung đoàn Lê Lợi do Trương Tử Anh chỉ huy làm lực lượng xung kích đàn áp, khủng bố nhân dân, truy lùng cán bộ và các tổ chức cơ sở Đảng.
Sau khi ta chuyển quân tập kết, tình hình khủng bố của địch càng trở nên ác liệt. Các đoàn hành chính lưu động của địch được vũ trang vào những nơi chúng tiếp quản. Chúng vừa truy tìm tài liệu, vũ khí, tiền bạc, lương thực của cách mạng để lại trong nhân dân, vừa tiến hành những đợt khủng bố tàn sát hết sức tàn bạo bằng những hình thức man rợ. Hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng ở Tuy Hòa bị địch giết hại. Tại xã Hòa Trị, chúng thủ tiêu các đồng chí Lê Thanh Hương, Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Sinh Phò, Nguyễn Công, Trần Anh Tôn, Nguyễn Sinh Thịnh. Ở xã Hòa Kiến, các đồng chí Trần Thành, Trần Hiệp và nhiều người khác bị giết hại. Đồng chí Nguyễn Chưng và một số cán bộ, đảng viên, nhân dân ở TX Tuy Hòa, huyện Tuy Hòa 2 bị bắt bớ, tù đày và bị thủ tiêu.
Ngày 5/9/1954, Bộ chỉ huy Trung Việt của quân ngụy ra lệnh cho các đơn vị tiếp quản Phú Yên tăng cường “đàn áp các cuộc biểu tình, tiến hành bắt cán bộ cộng sản, đồng thời chuẩn bị tiến công ra Bắc đánh Việt Minh”. Chúng còn ra lệnh phải lập danh sách phân loại cán bộ đảng viên ta thành 3 loại để khủng bố. Loại thứ nhất là cán bộ quan trọng chỉ đạo từ cấp xã trở lên, sau khi tra tấn rồi thủ tiêu. Loại thứ hai là chi ủy viên, tổ trưởng, chiến sĩ thi đua, cá nhân xuất sắc, sau khi khai thác tội nặng thì đưa lên hạng trên, tội nhẹ thì đưa đi hành dịch hoặc an trí. Loại ba là đảng viên và quần chúng tích cực thì bắt làm giấy quy thuận rồi đưa về quản thúc tại địa phương. Khẩu hiệu của địch là “Diệt cán, càn thanh, dựng tề”. Chúng còn treo giải thưởng từ 3.000-5.000 đồng cho những ai bắt được cán bộ đảng viên nằm vùng.
Đêm 21/9/1954, chúng bắt đồng chí Lê Vân Thành, nguyên Tỉnh đoàn trưởng Phú Yên, tại nhà ở TX Tuy Hòa đem đến lô cốt phường 4 tra tấn rồi thủ tiêu. Ngày 28/9/1954, chúng bắt một lúc 19 cán bộ ở 2 thôn Long Tường, Phụng Tường (xã Hòa Trị) đưa về giam ở núi Sầm. Mỗi khi bắt được cán bộ, đảng viên, địch dùng những cực hình tra tấn hết sức dã man như chặt đầu, mổ bụng, moi gan, chôn sống, cho uống nước vôi, nước xà phòng rồi đạp lên bụng cho nước phọt ra hậu môn. Nhiều người bị chúng treo ngược lên để quay điện hoặc lấy vỏ lựu đạn, búa đánh vào đầu và hai bàn tay. Chúng còn thả người vào thùng nước rồi dùng vồ nện xung quanh cho sức ép chảy máu miệng, máu mũi hoặc treo người vào lạt giang rồi cho tuột từ trên cao xuống. Những thủ đoạn tra tấn man rợ của địch làm cho nhiều người chết hoặc bị tàn phế suốt đời. Đây chính là hành động trả thù giai cấp của bọn phản động. Chúng còn bắt ép cán bộ, đảng viên và quần chúng phải tự nhận là có giữ vàng, tài sản của cách mạng. Từng toán cảnh sát, hội đồng hương chánh ngày đêm rình rập, lùng sục trong thôn xóm, trong từng nhà, thậm chí đón đường, đón chợ để bắt bớ, giết hại cán bộ bất cứ lúc nào. Trong từng xã, chúng bắt một lúc từ 20-30 người đem đi tra tấn rồi thủ tiêu.
Sự khủng bố tàn bạo của Mỹ - Diệm và bọn phản động tay sai sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đã làm cho tình hình ở TX Tuy Hòa vô cùng căng thẳng. Hầu hết tổ chức Đảng ở cơ sở bị đổ vỡ. Nhiều nơi không còn sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, hoạt động của Đảng bộ vô cùng khó khăn. Tuy tổn thất và đau thương, nhưng đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng vẫn không chịu khuất phục, vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng. Tuy nhiên, một số người không chịu nổi cực hình tra tấn đã đầu hàng khai báo. Một số người dao động nằm im hoặc bỏ đi nơi khác làm ăn. Nhằm tăng cường hệ thống kìm kẹp ở cơ sở, địch tiến hành thanh lọc, tổ chức chặt chẽ từ hội đồng xã, thôn, ấp, liên gia. Mạng lưới công an mật vụ chỉ điểm chúng rải ra dày đặc, ngày đêm rình rập theo dõi từng gia đình, từng người. Bọn công dân vụ về tận thôn, xóm vừa tuyên truyền xuyên tạc hòng lung lạc quần chúng bằng chiến tranh tâm lý, vừa theo dõi đôn đốc bọn ngụy quyền thực hiện kế hoạch “tố cộng, diệt cộng”.
Với hệ thống kìm kẹp của địch, nhà tù mọc lên như nấm khắp nơi trong thị xã, nhà tù tỉnh, nhà tù huyện, nhà tù xã. Ngoài ra, địch còn dùng thủ đoạn gây nghi ngờ, chia rẽ trong quần chúng và ngay trong gia đình để mọi người không tin nhau.
Đây là những thử thách quyết liệt của Đảng bộ và nhân dân TX Tuy Hòa thời kỳ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954.
THÀNH VIỆT