Thứ Ba, 30/04/2024 16:59 CH
Ngày đầu giải phóng, những kỷ niệm không quên
Thứ Sáu, 01/04/2016 10:32 SA

Lễ ra mắt Ủy ban Quân Chính tỉnh Phú Yên tại TX Tuy Hòa sau ngày giải phóng - Ảnh: Tư liệu

Đã mấy hôm, TX Tuy Hòa nháo nhào cả lên như ong vỡ tổ. Cũng không phải từ mấy hôm gần đây mà từ hôm được tin Buôn Ma Thuột thất thủ. Nhưng khi tiếng đại bác của giải phóng không còn là tiếng sấm xa âm vang trong lòng đất, mà đã nghe gần lắm thì mọi người dân trong thị xã, kể cả những anh lỳ lợm nhất cũng bị dựng dậy. Những vị tai to mặt lớn đã chuồn cả rồi. Những gia đình giàu có, gia đình các viên chức cao cấp trong bộ máy ngụy quyền tỉnh đã đi từ tuần trước. Cầu Sông Chùa, cầu Đà Rằng cả ngày lẫn đêm, người và xe cộ chen chúc nhau như đi xem hát.

 

Bọn chúng tôi, anh chị em công nhân Nhà đèn Tuy Hòa và cả các anh chị bên Trung tâm Điện lực (tỉnh Phú Yên cũ) gặp nhau bàn tính. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ một việc: Đi hay ở?

 

- Chuyện gì phải đi? Mình là công nhân, là dân kỹ thuật chứ có phải phường ác ôn, ác bá “Đá cá lăn dưa”, quấy nhiễu đồng bào như bọn nó đâu mà sợ.

 

- Mình mà đi, lúc đầu sợ nhà máy gặp trở ngại đó.

 

- Coi chừng tụi nó tung tin hù dọa, chứ mấy ông cách mạng đâu đến nỗi “Cứ gặp người nào dính líu tới chế độ cũ là bắn bỏ, tài sản cướp hết”. Không thấy hồi Tết Mậu Thân, quân Giải Phóng vào chiếm mấy dãy nhà ở đường Trần Hưng Đạo suốt một ngày, bánh trái cỗ bàn các gia đình tạm lánh đi còn đầy ụ lên đó. Lúc bước ra khỏi nhà, nhiều người còn dặn các chiến sĩ đang ở trong nhà: “Đồ ăn thức uống trong nhà mời các anh tự nhiên”. Vậy mà đến chiều, khi chủ nhà trở về, thấy có suy suyển chút nào đâu? Chỉ có tụi nó, cướp giật của dân rồi đổ vấy cho cách mạng thì có.

 

- Mà chạy đi đâu mới được chứ? Chạy theo ông Thiệu, ông Kỳ hả? Gần chục năm trời sống tủi, sống nhục dưới cái chế độ “quốc gia” của các ổng, không ớn thấy mồ rồi sao?

 

- Tuần trước, Buôn Ma Thuột thất thủ, tiếp tới Huế, Đà Nẵng... kiểu này mấy ông cách mạng dám lấy luôn Sài Gòn nay mai.

 

Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng chúng tôi thống nhất với nhau: Không đi đâu cả. Hơn thế, chúng tôi còn háo hức mong chờ cách mạng tới sớm hơn. Niềm vui như ánh mặt trời buổi sáng rực rỡ lóe lên ở chân trời. Trong số chúng tôi, nhiều anh chị còn có người thân đi tập kết ra Bắc, tham gia cách mạng, thực sự cảm nhận và mong chờ cháy dạ cái giờ phút sum họp gia đình đang đến gần.

 

Vậy mà tờ mờ sáng hôm đó, ngày 1/4/1975, khi đạn pháo của quân Giải Phóng đang dồn dập nã vào khu vực tỉnh đường, tiểu khu quân sự, trận địa pháo quân ngụy ở Nhạn Tháp... thì cả bọn chúng tôi bỏ nhà máy chạy hết. Chạy đi đâu, để làm gì, cũng chẳng ai rõ. Anh thì đùm túm vợ con dạt về các xã nông thôn ven thị. Anh thì cứ nhập vào đoàn người đang đổ về phía nam, về Phú Lâm, Bàn Thạch. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại cái cuộc chạy tán loạn ấy mà thấy ngượng ngùng, xấu hổ...

 

Trịnh Phúc dừng kể. Vẻ mặt trầm tư. Hai bàn tay khô ráp, dày cộm những vết chai, lóng ngóng quấn một điếu thuốc rê, bật mãi mà cái máy lửa không chịu cháy cho.

 

Tôi giúp anh bật lửa, đốt thuốc và xen vào câu chuyện:

 

- Trường hợp đó là bình thường thôi, có gì đáng xấu hổ hả anh? Trái lại, nghe các đồng chí lãnh đạo và bà con thị xã bảo là: Các anh đã bám trụ lại nhà máy, giữ gìn tài sản, không hư hỏng mất mát. Và tối 1/4, thị xã vẫn sáng bừng ánh điện.

 

- Các anh lãnh đạo và bà con thương thì nói vậy, chứ có điểm không thật đúng như vậy. Ví như cái chuyện “Bám trụ lại nhà máy” thì đâu có, anh vừa nghe đó. Cái giọng lưỡi tuyên truyền xuyên tạc của bọn địch cũng ác thật, làm cho bọn tui lúc đầu đã bỏ nhà máy chạy ráo.

 

- Khoảng tám hoặc chín giờ sáng gì đó. Không hẹn mà gặp, tôi, anh Quyền, anh Thứ đều có mặt ở nhà máy, trong lúc tình hình thị xã vẫn chưa thật yên, tiếng súng còn nổ ran ở nhiều nơi. Các anh An, Minh và các anh khác trong đoàn cán bộ vào thị xã đầu tiên, cũng đang trên đường đi tìm chúng tôi. Mừng quá! Mới tiếp xúc với các anh có mấy phút, bọn tôi đã vững dạ nhiều, những nỗi lo sợ vẩn vơ tiêu tan hết. Các ảnh nói vắn tắt: “Toàn thị xã đã được giải phóng, quân đội cách mạng tiếp tục tấn công, thực hiện cho kỳ được Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: Giải phóng toàn miền Nam. Các anh là những người công nhân đầu tiên của Nhà máy điện Tuy Hòa đến làm việc sau khi thị xã được giải phóng, cách mạng rất hoan nghênh. Các anh hãy giúp cách mạng giữ gìn nhà máy không bị hư hỏng, mất mát và tối nay thị xã phải có điện”.

 

Ba chúng tôi cùng lao vào thực hiện những nhiệm vụ đó. Thật may, lúc bấy giờ chúng tôi chỉ có 3 người, nhưng lại ở 3 bộ phận quan trọng, đủ để duy trì nhà máy hoạt động bình thường: Trịnh Phúc, công nhân sửa chữa. Nguyễn Văn Thứ, công nhân vận hành máy. Trần Quyền công nhân điện lưới đường dây. Chúng tôi kiểm tra lại máy móc, tra thêm dầu mỡ, chia nhau đi nối lại các đường dây bị đứt, sửa lại các trụ điện bị đổ do ta pháo kích buổi sáng. Chiều hôm đó, chúng tôi khởi động máy sớm. Trời vừa tối, cả thị xã đã sáng bừng ánh điện. Cũng là các bóng đèn mọi khi, nhưng sao hôm nay chúng tôi thấy nó như sáng hơn, rực rỡ hơn. Tiếng máy chạy cũng đều hơn, êm hơn, đĩnh đạc và tự tin hơn. Ba anh em chúng tôi cắp chiếu đến trải giữa nền nhà máy, đề phòng quân trộm cắp, phá hoại...

 

Thật khó trả lời với anh là vì sao chúng tôi sớm trở lại nhà máy. Chỉ biết là lúc gặp nhau, tôi, anh Quyền, anh Thứ đều có một lo lắng chung: Khi sáng, lúc ra đi vì vội quá chúng tôi chưa kịp “tốp” máy. Máy móc cần có người thợ, bỏ chúng sao nổi, lỡ xảy ra sự cố gì thì chúng tôi biết nương tựa vào ai? Máy móc cũng như con người vậy mà...

 

Từ cái tổ 3 người ban đầu ấy, hôm sau, rồi hôm sau nữa, các anh Ân (Giám đốc Trung tâm Điện lực tỉnh Phú Yên cũ), anh Thọ (phụ trách nhà máy) và nhiều anh chị em cán bộ kỹ thuật, nhân viên phục vụ, tất cả 26 người (trong tổng số 27 cán bộ, nhân viên) đã trở lại nhà máy làm việc. Kẻ trước người sau, kẻ tự mình đến, người còn chờ lời kêu gọi của chính quyền cách mạng, nhưng tất cả đều tự nguyện.

 

“Bỏ nhà máy sao nỡ”, điều mà giờ đây ta gọi là bản chất, là lương tâm, là ý thức làm chủ của giai cấp công nhân, của người thợ, thì từ lâu nó đã là một phần máu thịt của các anh. Lòng yêu nghề, yêu máy... cái vốn quý nhất, cái tiêu chuẩn số một của người thợ, như một tình yêu thiêng liêng đã giúp các anh có mặt trong ngày 1/4/1975 lịch sử...

 

Ánh điện không chỉ bừng sáng trong TX Tuy Hòa và một vài vùng lân cận như trước đây mà đến tận cả những vùng, miền xa xôi hẻo lánh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vĩnh biệt Phó Giáo sư Lê Văn Khả
Thứ Năm, 17/03/2016 10:10 SA
Hòa Quang - Đất và người
Thứ Sáu, 11/03/2016 11:26 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek