Thứ Sáu, 10/05/2024 16:12 CH
Công tác dân vận ở Phú Yên sau Hiệp định Paris
Thứ Sáu, 25/03/2016 09:32 SA

Đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên giai đoạn 1973-1975 về thăm gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân)

Hiệp định Paris (27/1/1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Mỹ phải rút hết quân Mỹ và chư hầu, phá các căn cứ quân sự, không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam.

 

Từ sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Phú Yên chưa có một ngày hòa bình, Mỹ ngụy ra sức phát triển ngụy quân bằng cách tiến hành đôn quân, bắt thanh niên đi lính, tiếp tục củng cố các đơn vị lính bảo an thành những đơn vị cơ động. Địch tập trung mọi lực lượng, mọi thủ đoạn chính trị, quân sự, kinh tế, lấn chiếm các vùng giải phóng, đánh phá các cửa khẩu mua bán, kiểm soát bao vây kinh tế vùng giải phóng. Ngoài ra, địch còn dùng lực lượng tề xã, ấp với hệ thống cảnh sát mật vụ kìm kẹp từng gia đình, thôn xóm.

 

Trong vùng địch kiểm soát, địch tiến hành thành lập và phát triển phòng vệ dân sự, tiến hành bắt lính, đôn quân, nhằm xây dựng nhanh chóng số lượng quân ngụy từ cơ sở lên. Đối với vùng nông thôn, đồng bằng ta đã giải phóng và làm chủ, địch thực hiện thủ đoạn đánh phá từng bước có trọng điểm. Ngoài ra, địch còn đưa đội quân chiến tranh tâm lý, cảnh sát, mật vụ, tề lưu vong về vùng nông thôn tiến hành bình định, cài cấy gián điệp - với chiến thuật “Tam giác chiến” được sử dụng với những thủ đoạn tinh vi thâm độc, nhằm vô hiệu hóa hạ tầng cơ sở của ta, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi quần chúng nhân dân. Địch đưa tề ngụy về lập ấp, kiện toàn bộ máy kìm kẹp ở nông thôn.

 

Đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công), Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ trên đường công tác vận động nhân dân huy động nhân tài vật lực phục vụ kháng chiến

Tình hình đó không phải do địch mạnh mà do ta sơ hở, mất cảnh giác trong đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, chưa chú trọng đẩy mạnh hoạt động công tác dân vận để đối phó với mọi hình thức “Tam giác chiến” của địch. Thực chất, các hình thức chiến tranh này đối với ta không mới, nhưng cách sử dụng của địch lần này tập trung đi vào chiều sâu, bám sát cơ sở, giống như “công tác dân vận” của ta, đều tập trung lấy cơ sở xã, ấp làm trận tuyến chung, để giải quyết một mục tiêu chiến lược khác là giành giật khối quần chúng nhân dân đông đảo. Địch có tham vọng lấy xã, ấp làm trận tuyến chính của cuộc giành dân chiếm đất, “chinh phục trái tim khối óc quần chúng”.

 

Có thể nói các hình thức “Tam giác chiến” của địch là chúng đã “hiểu” ta và “học” ta để chống lại ta. Với mỗi lực lượng quân sự, chính trị của ta, mỗi phương châm, phương thức hoạt động của ta - nhất là những lĩnh vực hoạt động dân vận - thì địch cũng cho xây dựng lực lượng tương ứng động hơn, hiện đại hơn hòng tạo ra ưu thế mạnh hơn. Địch muốn dùng cách thức tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân của ta ở cơ sở để đánh lại ta từ cơ sở. Chính sách “dân vận” của địch lúc này tập trung phá hoại các tổ chức quần chúng, cưỡng ép quần chúng phải ủng hộ cái gọi là “Chính phủ Việt Nam Cộng hòa”. Vì địch cho rằng, để chấm dứt cuộc nổi dậy của quần chúng ở nông thôn cần phải có “điều kiện quyết định” là tiêu diệt Đảng Nhân dân Cách mạng của ta ở miền Nam, làm cho Đảng không còn hy vọng phục hồi lại các cơ sở của mình trong quần chúng. Ngoài ra, cách tốt nhất đối với địch là dùng kinh tế mua chuộc, nhằm phá hoại tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang của ta, vì mục đích quân đội chiến đấu cũng phải tiến tới mục tiêu giành được dân.

 

Địch cũng dùng nhiều biện pháp “dân vận”, cố gắng tạo dựng cái gọi là một cuộc “chiến tranh nhân dân” để chống lại cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng của ta. Những sách lược “dân vận” của địch được thực hiện theo chiến lược của “một cuộc chiến tranh bền bỉ”, phối hợp với nhiều khía cạnh để đương đầu với những phương thức tương đương của cách mạng.

 

Trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, địch thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo”, trước hết giành lại các vùng giải phóng trong năm 1972, các trục giao thông chiến lược. Địch cắm thêm đồn bốt vào một số vùng quan trọng trong vùng căn cứ, vùng giải phóng ở Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, đồng thời thực hiện kế hoạch bình định mới, tăng cường kìm kẹp nhân dân vùng địch kiểm soát.

 

Cuộc chiến tranh giành dân, lấn đất của địch ở Phú Yên được tiến hành trên diện rộng, rất ác liệt, gây cho quân và dân Phú Yên nhiều tổn thất. Địch đốt 590 ngôi nhà dân, bắn chết và bị thương hơn 100 đồng bào. Ở vùng địch kiểm soát, địch ráo riết thực hiện kế hoạch bình định với khẩu hiệu “Cộng đồng tái thiết”, “Cộng đồng phát triển”, “Cách mạng hành chính từ cơ sở”. Chúng ra lệnh giới nghiêm, đàn áp những cuộc biểu tình mừng “Tết hòa bình”, “Tết hòa hợp dân tộc” của nhân dân Phú Yên. Địch mở hàng chục cuộc hành quân cảnh sát trong vùng tranh chấp và vùng chúng kiểm soát, “thanh lọc” hàng ngàn người, bắt giam, đánh đập hàng trăm người bị tình nghi là cơ sở cách mạng. Chúng quân sự hóa bộ máy hành chính cơ sở trong tỉnh, đưa sĩ quan ác ôn và cảnh sát về xã nắm bộ máy chính quyền, trang bị súng cho lực lượng phòng vệ dân sự, phát triển “Đảng Dân chủ”, tăng cường kìm kẹp nhân dân với chiêu bài “đoàn ngũ hóa, quân sự hóa, tình báo hóa” nhân dân.

 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (tháng 7/1973) về những vấn đề cơ bản trong đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới, Đảng bộ tỉnh Phú Yên tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh “nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”. Bên cạnh hoạt động vũ trang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác dân vận, thực hiện “bám trụ” - ba bám; xây dựng lực lượng cơ sở cách mạng; toàn dân tham gia chiến tranh du kích; diệt ác phá kèm, giành quyền làm chủ cho nhân dân…

 

Bám trụ là sự có mặt của lực lượng cách mạng và đẩy mạnh hoạt động chống phá bình định ở ngay trong địa bàn mà địch đang kiểm soát. Nhờ vậy, mặc dù địch cố gắng đánh phá, nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi dân và khỏi địa bàn xã, ấp, nhưng trong thực tế, cán bộ cách mạng vẫn bám địa bàn có dân để thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền, vận động cách mạng.

 

Bám trụ, là vấn đề sống còn của sự tồn tại phát triển phong trào cách mạng từ cơ sở. Nhờ kiên cường bám trụ, lực lượng cách mạng ở Phú Yên đã đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, giành lại toàn bộ vùng làm chủ và tranh chấp. Cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã tự nguyện đi đầu tuyến trước, tiến công địch rất dũng cảm ngoan cường, có nhiều đồng chí suốt cả tháng trời không rời trận địa.

 

Nhờ làm tốt công tác dân vận, cụ thể là đưa lực lượng cách mạng về bám trụ, xây dựng cơ sở, phát động chiến tranh du kích, tạo thế làm chủ cho nhân dân. Tại các vùng giải phóng, quần chúng cách mạng đã hăng hái tham gia công tác chiếm lĩnh, cắm cờ giữ đất giành dân; đấu tranh đòi địch phải thi hành hiệp định nổ ra khắp nơi. Lực lượng quần chúng cách mạng đã đấu tranh chống lại chính sách bắt lính, chống đi phòng vệ dân sự… diễn ra liên tục; bằng các hình thức như chống tập, bỏ gác; viện lý do đau bệnh, lo làm ăn để không tham gia vào phòng vệ dân sự.

 

Phong trào du kích chiến tranh ở Phú Yên, thực chất là một phong trào nhân dân, công tác dân vận giữ vai trò và vị trí then chốt. Vì trong phong trào du kích chiến tranh, không chỉ có lực lượng du kích chiến đấu đơn độc ở một số trận địa, mà còn có nhiều tầng lớp nhân dân đánh địch bằng ba mũi giáp công ở khắp mọi lúc, mọi nơi. Sức sáng tạo của phong trào du kích chiến tranh rất phong phú, thể hiện phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo trong công tác dân vận của Đảng. Giữa năm 1973, lực lượng du kích chỉ còn 900 người, các cấp ủy đảng đã phát động phong trào thanh niên chiến đấu, đến cuối năm có 1.594 người, chủ yếu là thanh niên các xã Xuân Sơn, Hòa Hiệp.

 

Kết hợp giữa phong trào du kích chiến tranh với diệt ác phá kèm, sau Hiệp định Paris, quân và dân Phú Yên đã liên tục tấn công và nổi dậy, giành quyền làm chủ. Các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 đã hỗ trợ đưa đồng bào về làng sản xuất, giữ vững vùng căn cứ. Đặc biệt, lực lượng du kích mật đã phát triển ngay trong nội thị, các khu ấp chiến lược, ngay trong hàng ngũ lực lượng phòng vệ dân sự… đã tổ chức diệt ác phá kèm, làm “đòn xeo” cho phong trào quần chúng nổi dậy.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vĩnh biệt Phó Giáo sư Lê Văn Khả
Thứ Năm, 17/03/2016 10:10 SA
Hòa Quang - Đất và người
Thứ Sáu, 11/03/2016 11:26 SA
Hòa Đồng - cảnh quan, con người
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:26 SA
Hòa Xuân trong mùa xuân 1954
Thứ Ba, 16/02/2016 00:00 SA
Đất và người Hòa Mỹ
Thứ Hai, 18/01/2016 09:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek