Những ngày gần cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lịch sử dân tộc đặt lên vai nhân dân Phú Yên một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng rất vẻ vang: Tiêu diệt một cánh quân ngụy hàng vạn tên “Di tản chiến lược” từ Tây Nguyên xuống Phú Yên theo Đường 7.
TINH THẦN QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG
Tình thế lúc đó hết sức khó khăn, cấp bách, cùng với việc chi viện hàng chục tấn gạo và nhiều thực phẩm giúp đỡ tỉnh Khánh Hòa, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên được sự chi viện của cấp trên đã phấn khởi bắt tay vào công việc chuẩn bị; không kể ngày đêm, hàng ngàn dân công cùng xe đạp thồ, ngựa thồ rầm rập chuyển vũ khí từ Trung ương về. Các bệnh xá dã chiến, trại phẫu, trại tù hàng binh gấp rút dựng lên để kịp thời phục vụ chiến dịch; không khí chuẩn bị đánh địch và phục vụ chiến đấu vô cùng sôi nổi.
Chiều 17/3/1975, Sở chỉ huy tiền phương được điện thông báo cùng mệnh lệnh của Quân khu: Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên đang rút xuống Phú Yên theo Đường 7. Do nắm sát tình hình địch và địa bàn của tỉnh, Sở chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy chiến dịch nhận định quân địch sẽ vượt sông Ba qua Đường 5 xuống Phú Lâm chứ không tiếp tục đi theo Đường 7. Do bị thất bại tại chiến trường Tây Nguyên nên quân địch tuy số lượng đông, trang thiết bị, vũ khí, xe, pháo nhiều, nhưng là đội quân ô hợp, tinh thần rất hoang mang, dao động và hỗn loạn về tổ chức. Đây là thời cơ rất thuận lợi để các lực lượng của ta tiêu diệt quân địch giành thắng lợi hoàn toàn. Đêm 18 và ngày 19/3, các lực lượng vũ trang của ta đã đồng loạt tấn công và quét sạch lực lượng địch tại các chốt điểm, cứ điểm trên địa bàn các xã Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Phong…, tạo thế và lực mới cổ vũ quân và dân Phú Yên anh dũng xốc tới đạp bằng mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề của cấp trên giao phó là phải kiên quyết chặn đánh, tiêu diệt lực lượng địch rút từ Tây Nguyên xuống, không cho chúng co cụm, phản công…
Trưa 19/3/1975, hơn 2 vạn quân ngụy và hơn 2.000 xe quân sự từ Tây Nguyên theo Đường 7 kéo xuống quận lỵ Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Từ đây, địch không tiếp tục đi theo Đường 7 mà bắc cầu dã chiến vượt sông Ba qua Đường 5 để xuống thị trấn Phú Lâm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Phú Yên đoàn kết một lòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, với quyết tâm cao độ “Tất cả để đánh thắng quân thù”, đã tổ chức các trận đánh với quy mô vừa và lớn, vừa tiêu diệt các chốt điểm, vừa tạo ra các đoạn phục kích vừa đánh quân địch giải tỏa từ Phú Lâm, Tuy Hòa lên, vừa tiêu diệt quân địch từ Tây Nguyên rút xuống. Với số lượng quân đông, có máy bay, xe tăng, pháo binh chi viện, địch đã trút bom đạn vô cùng tàn khốc xuống các xã Hòa Phong, Hòa Đồng, Hòa Bình, Hòa Mỹ; hầu hết nhà cửa, tài sản của nhân dân đều bị bom pháo địch tàn phá. Mặc cho bom rơi, pháo nổ, gian nan, ác liệt, nhân dân Phú Yên vốn giàu lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc càng được tôi luyện trong thử thách. Mọi người đều hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù. Chỉ trên đoạn đường dài 6km (từ ga Gò Mầm, xã Hòa Bình 2 đến Hòn Kén, xã Sơn Thành Đông) và trong thời gian 7 ngày (từ 19-25/3/1975), lực lượng của ta đã tổ chức tiêu diệt từng bộ phận, tiến đến bằng một trận đánh quyết định, then chốt. Cuối cùng, ta đã diệt, bắt sống và làm tan rã trên 20.000 tên địch, thu và phá hủy trên 2.000 xe các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác, làm nên chiến thắng lịch sử Đường 5, đập tan ý đồ co cụm chiến lược đưa quân ngụy từ Tây Nguyên về giữ đồng bằng miền Trung; tiến đến giải phóng TX Tuy Hòa và giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975...
ƯỚC VỌNG TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG ĐƯỜNG 5
Chiến thắng lịch sử Đường 5 tỏ rõ tinh thần đấu tranh vô cùng anh dũng của quân dân Phú Yên. Chiến thắng thể hiện sức mạnh quật khởi của quần chúng, khẳng định một thực tế sinh động, chứng minh sức mạnh của khối đại đoàn kết trong chiến tranh nhân dân và bạo lực cách mạng của Đảng ta đề ra là hoàn toàn đúng đắn. Sau chiến thắng, hàng ngàn người dân Phú Yên đổ ra Đường 5, các mẹ, các chị mang quà bánh, nước uống đến từng công sự hỏi thăm bộ đội, có những cụ già 80 tuổi cũng chống gậy đến gặp các chiến sĩ để bày tỏ niềm vui trong lòng mình.
Chiến thắng lịch sử Đường 5 để lại kinh nghiệm vô cùng sinh động về sự chủ động, linh hoạt trong chớp thời cơ cách mạng; ghi mốc son chói lọi trong tiến trình phát triển của vùng đất có bề dày lịch sử trên 400 năm; đã đóng góp xứng đáng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Ngày 18/6/1997, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) có Quyết định 1593/1997/QĐ-VH công nhận Đường 5 (nay là quốc lộ 29) thuộc Phú Yên là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của lịch sử dân tộc với thành tích chiến đấu xuất sắc nhất, một trong những chiến công oanh liệt nhất của quân và dân Phú Yên trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
41 năm trôi qua, độ lùi của thời gian đã giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn tầm vóc và những giá trị lịch sử to lớn mà chiến thắng Đường 5 đóng góp cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm. Ngày nay, dấu vết của chiến tranh Đường 5 đã xóa dần theo năm tháng. Những mảnh đất dọc Đường 5 thân yêu từng bị bom cày, đạn xới trong chiến tranh đang hồi sinh trở lại, làng mạc trù phú, ruộng đồng tốt tươi, xanh vườn cây trái…
Để tỏ lòng ngưỡng vọng, tri ân, tưởng nhớ đến các liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh xương máu góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Đường 5, thiết nghĩ tỉnh cần sớm xây dựng tượng đài chiến thắng xứng tầm tại một địa điểm diễn ra trận quyết chiến trên Đường 5 lịch sử. Tượng đài Chiến thắng Đường 5 sẽ là một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Cần xây dựng tượng đài Chiến thắng Đường 5 tại ga Gò Mầm
Trận đánh Đường 5 là trận quyết chiến tiếp theo sau trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột, kết thúc số phận của hơn 2 vạn quân chủ lực ngụy, phá hủy và thu giữ hơn 2.000 xe quân sự các loại. Có thể nói, chiến thắng Đường 5 có ý nghĩa lịch sử to lớn, như một trận Bạch Đằng Giang trên cạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong quá trình diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên. Quân và dân Phú Yên đã viết nên bản hùng ca vang dội, góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa 41 năm nhưng hào khí Đường 5 vẫn còn vang vọng mãi. Phú Yên đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về xây dựng tượng đài Chiến thắng Đường 5 để ghi lại mốc son chói lọi của quân và dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được thực hiện. Tôi nghĩ, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần đôn đốc sớm đầu tư công trình này tại ga Gò Mầm, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa.
Đại tá TRẦN VĂN MƯỜI Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Phú Yên |
ThS NGUYỄN HOÀI SƠN