Phó Giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Khả, nguyên Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng - một trong những vị cách mạng lão thành hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945 vừa vĩnh biệt chúng ta, đại thọ 90 tuổi.
Phó Giáo sư Lê Văn Khả - Ảnh: KH |
Phó Giáo sư Lê Văn Khả sinh ngày 14/6/1927 tại thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa trong một gia đình nông dân, sớm giác ngộ cách mạng từ năm 18 tuổi.
Lê Văn Khả trưởng thành từ phong trào cách mạng tại quê nhà. Đầu năm 1945, thanh niên Lê Văn Khả tham gia phong trào Hội truyền bá quốc ngữ (tổ chức quần chúng do Đảng Cộng sản lãnh đạo), làm trưởng đoàn giáo viên tự nguyện dạy chữ quốc ngữ cho bà con mù chữ tại quê hương.
Tháng 8/1945, được sự dìu dắt của đồng chí Lê Thứ (người anh chú bác ruột) đồng chí Lê Văn Khả tham gia tổ chức Việt Minh, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Lê Văn Khả làm Bí thư Thanh niên cứu quốc xã Cẩm Phú (Cẩm Thạch - Phú Sen, nay là xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa). Cuối năm 1945 đến tháng 7/1947, đồng chí Lê Văn Khả làm Trưởng Ban Thông tin xã Cẩm Phú.
Tháng 8/1947, đồng chí Lê Văn Khả vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 11/1947, đồng chí Lê Văn Khả được Đảng phân công làm Thường vụ Việt Minh xã Cẩm Phú, quyền Bí thư Chi bộ xã Cẩm Phú. Khi thành lập xã Hòa Định (bao gồm Hòa Định Đông và Hòa Định Tây ngày nay), đồng chí Lê Văn Khả tiếp tục đảm nhiệm Thường vụ Việt Minh xã, Trưởng Ban Tuyên huấn xã Hòa Định, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa).
Năm 1950, tổ chức Đảng điều động đồng chí Lê Văn Khả về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên, là một trong những giảng viên phụ trách Trường Đảng tỉnh. Năm 1951-1952, do nhu cầu tăng cường cán bộ cho cơ sở, đồng chí Lê Văn Khả được Đảng phân công trở về làm Bí thư Chi bộ xã Hòa Định.
Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1953-1954, đồng chí Lê Văn Khả được Đảng điều động gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, làm cán bộ Ban Chính trị Tỉnh đội Phú Yên.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Lê Văn Khả công tác ở vùng tập kết 300 ngày của Liên khu V tại tỉnh Bình Định, được Đảng và quân đội giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở, bồi dưỡng cán bộ và quần chúng yêu nước phương pháp đấu tranh chính trị để thực hiện Hiệp định Giơnevơ, chờ đợi 2 năm tổng tuyển cử.
Tháng 5/1955, đồng chí Lê Văn Khả tập kết ra Bắc trong chuyến tàu cuối cùng tại cảng Quy Nhơn. Từ tháng 9/1955 đến năm 1960, đồng chí Lê Văn Khả được Đảng phân công làm cán bộ Tuyên huấn Ban Đón tiếp Việt kiều Trung ương. Với ý thức phấn đấu học tập để trở về phục vụ quê hương, đồng chí Lê Văn Khả trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa đầy danh giá, đồng chí Lê Văn Khả được phân công làm cán bộ giảng dạy bộ môn Kinh tế Chính trị học tại Trường Chính trị trực thuộc Bộ Giáo dục từ năm 1961 đến 1964. Trong thời gian này đồng chí Lê Văn Khả được cử đi học cao cấp lý luận chính trị của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và được cử đi học lý luận tại Liên Xô.
Trong những năm 1965-1970, đồng chí Lê Văn Khả đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Phòng Giáo dục chính trị Trường Chính trị Bộ Giáo dục.
Những năm 1971-1973, đồng chí Lê Văn Khả được điều động về Trường Nguyễn Ái Quốc 5 đảm nhiệm cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Trưởng khoa Kinh tế, sau đó được phân công làm Phó Trưởng khoa Lịch sử Đảng.
Đồng nghiệp chúc mừng Phó Giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Khả - Ảnh: K.H |
Năm 1974, Đảng điều động đồng chí Lê Văn Khả vào chiến trường miền Nam làm giảng viên phụ trách khoa Lịch sử Đảng Trường Đảng Khu ủy 5.
Sau ngày giải phóng đến tháng 3/1983, nhà giáo - đảng viên Lê Văn Khả được phân công làm Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khoa Lịch sử Đảng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 4.
Tháng 4/1983 đến năm 1988, đồng chí được phân công làm Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực 3, sau đó là Quyền Hiệu trưởng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực 3.
Từ năm 1989 đến 1995, Nhà giáo Lê Văn Khả là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực 3. Năm 1995, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực 3 đổi tên thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Phân viện Đà Nẵng, đồng chí Lê Văn Khả là Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc, nhà giáo Lê Văn Khả được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư (1995) và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, được Đảng tặng Huy hiệu 65 tuổi Đảng (2012).
Lúc còn làm Giám đốc học viện ở Đà Nẵng, nhà giáo Lê Văn Khả là tấm gương trong vắt về tinh thần chí công vô tư, được tập thể nhà trường và các thế hệ học viên vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ.
Về hưu, trở về sinh sống ở quê hương 20 năm qua (1996-2006), Phó Giáo sư Lê Văn Khả đóng góp nhiều tâm huyết, góp phần xây dựng các tập sách lịch sử Đảng bộ địa phương từ tỉnh đến cơ sở.
Thế hệ hậu sinh Phú Yên rất kính trọng và biết ơn Phó Giáo sư Lê Văn Khả đã tận tình hướng dẫn phương pháp biên soạn lịch sử Đảng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Tri thức uyên bác và tấm lòng rộng mở của ông đã cổ vũ động viên lớp trẻ làm khoa học phục vụ trực tiếp cho quê hương mình.
Người cách mạng từ lòng dân ra đi trở thành một trí thức lớn đã cống hiến trọn vẹn cho quê hương đất nước, để lại một tấm gương trong về trí tuệ, nhân cách cho hậu thế.
PHAN THANH