Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, từ ngày 25-27/2/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp đề ra chủ trương: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, khắc phục mọi khó khăn, tập trung cao độ, giành thắng lợi lớn nhất trong năm 1975, nhằm góp phần với toàn miền tiến tới hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong một thời gian ngắn”.
CHUẨN BỊ TÁC CHIẾN
Để bảo đảm thắng lợi cho các hoạt động tác chiến, được Thường vụ Khu ủy đồng ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên lập 2 sở chỉ huy gồm: Sở chỉ huy cơ bản và Sở chỉ huy tiền phương. Sở chỉ huy cơ bản do đồng chí Nguyễn Hữu Ái - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND cách mạng, phụ trách chung; đồng chí Lê Bác - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội phụ trách về quân sự. Các cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND cách mạng, cơ quan Tỉnh đội, Văn phòng Mặt trận, các đoàn thể, các ngành, mỗi cơ quan phân công một số cán bộ thường trực, sẵn sàng, khi cần Sở chỉ huy cơ bản sẽ điều động phân công phục vụ cho phía trước.
Sở chỉ huy tiền phương do đồng chí Nguyễn Duy Luân - Bí thư Tỉnh ủy làm Chính trị viên, đồng chí Ông Văn Bưu - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng. Thành viên có các đồng chí: Bùi Tân - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận phụ trách đấu tranh chính trị, binh vận; Nguyễn Quyền (Mười Hòa) - Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1; Lưu Xem - Tham mưu trưởng Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Giúp việc cho Sở chỉ huy tiền phương có các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, Văn phòng Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Đồng chí Nguyễn Kim Anh - phái viên quân sự của Quân khu, trực tiếp theo dõi giúp đỡ Sở chỉ huy tiền phương.
Ban chỉ huy hướng thứ yếu huyện Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa do đồng chí Cao Kỳ Trí (Xuân Diệu) - Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách. Thành viên có các đồng chí Trịnh Tấn Lực - Bí thư TX Tuy Hòa, Nguyễn Văn Trúc - Bí thư huyện Tuy Hòa 2, Đặng Văn Nhơn - Tỉnh đội phó phụ trách quân sự, Lê Xưng - Tham mưu phó Tỉnh đội, Nguyễn Ngọc Khánh - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 96 và một số cán bộ các ngành, đoàn thể tỉnh, huyện.
ĐÁNH TAN CỨ ĐIỂM NÚI TRANH CỦA ĐỊCH
Ngày 10/3/1975, ta tấn công và giải phóng Buôn Ma Thuột, làm rung động toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Từ ngày 15-19/3/1975, địch thực hiện cuộc rút lui chiến lược. Để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, trên địa bàn Tuy Hòa 2, đêm 16/3/1975, ta tấn công quân địch đang chốt giữ ở cứ điểm Núi Tranh (Hòa Quang), tiêu diệt hoàn toàn sinh lực ở đây. Cứ điểm Núi Tranh là vị trí độc lập nằm ở trung tâm xã Hòa Quang - Tuy Hòa 2, xung quanh là đồng ruộng. Cứ điểm trước đây do quân Nam Triều Tiên xây dựng rất kiên cố. Năm 1973, quân Nam Triều Tiên rút về nước, bàn giao lại cho quân ngụy chốt giữ.
Chốt giữ tại cứ điểm Núi Tranh là Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn bảo an 220. Trang bị: một khẩu cối 60mm, ba khẩu đại liên, súng tiểu liên AR15 đầy đủ, ba máy thông tin PRC25 và các loại khí tài khác. Quy luật hoạt động: Ban ngày chúng cho từng tốp lính xuống làng lùng sục, thăm dò, phát hiện các hoạt động của ta, tuần tra cảnh giới xung quanh cứ điểm. Ban đêm, chúng tổ chức canh gác báo động liên tục cứ 5 đến 10 phút một lần, bắn súng, ném lựu đạn vào khu vực địch nghi ngờ.
Để tiêu diệt cứ điểm Núi Tranh, Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên giao nhiệm vụ cho Đại đội đặc công 202 tập kích cứ điểm. Núi Tranh làm ngòi pháo mở màn hoạt động tác chiến mùa xuân 1975 trên chiến trường Tuy Hòa 2; nghi binh đánh lạc hướng địch để hướng trọng điểm phát triển thuận lợi; diệt gọn quân địch trên cứ điểm, làm chủ trận địa.
15 giờ ngày 16/3/1975, đơn vị hành quân đến địa điểm tập kết tại suối Cái (xã Hòa Quang - Tuy Hòa 2). Đến 19 giờ theo nhiệm vụ đã phân công, các mũi, các hướng tiếp cận vào trận địa bí mật, bất ngờ, luồn sâu, ém sát các mục tiêu.
Đúng 0 giờ 45 ngày 17/3/1975, Đại đội trưởng phát lệnh nổ súng. Mũi chủ yếu đánh từ hướng đông dùng B41, B40 tiêu diệt mục tiêu lô cốt đầu cầu; mũi thứ yếu 1 đánh từ hướng bắc; mũi thứ yếu 2 đánh từ hướng tây nam đồng loạt dùng bộc phá B41, B40 mở cửa tiêu diệt các mục tiêu, các tổ phát triển thọc sâu vào bên trong, lần lượt tiêu diệt các mục tiêu được phân công, đánh nhanh, diệt gọn quân địch trên cứ điểm.
Đến 1 giờ 30, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tảo trừ, bắt tù binh, thu vũ khí… Sau đó, đơn vị tổ chức lui quân và bàn giao trận địa cho Đại đội 2 Tiểu đoàn 96 chốt giữ sẵn sàng đánh địch phản kích. Kết quả trận đánh, quân ta diệt gọn 2 trung đội và Ban chỉ huy Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn bảo an 220.
Trận tập kích cứ điểm Núi Tranh thắng lợi là ngòi pháo mở đầu hoạt động tác chiến xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên, góp phần quan trọng, tạo khí thế cho những trận đánh ở hướng trọng điểm phát triển thuận lợi và giành nhiều thắng lợi, nhất là chiến thắng Đường 5 lịch sử, tiến tới giải phóng TX Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975.
Áp giải tù binh ngụy ngày 1/4/1975 tại Hòa Kiến - Ảnh Tư liệu |
TỔNG TẤN CÔNG VÀ CHIẾN THẮNG VANG DỘI
Sau chiến thắng này, quân và dân các xã Hòa Định, Hòa Quang, Đồng Cam (Hòa Hội)… được huy động tăng cường bố phòng chết trên Đường 7 - đoạn từ Phú Sen đến suối Cau.
Ngày 17/3/1975, quân ta tổ chức vận động tiến công khu vực cầu Lò Giấy, Hòa Định. Cầu Lò Giấy nằm trên trục Đường 7 thuộc thôn Định Thọ, xã Hòa Định, cách TX Tuy Hòa 12km về phía tây. Cầu bắc qua mương dẫn thủy dài 7m, rộng 4m, bảo đảm đi lại cho nhân dân trong xã qua Đường 7 xuống xã Hòa Thắng và đi TX Tuy Hòa. Địch lợi dụng thành cầu làm vật che đỡ, kết hợp khu núi Đất, bờ Thành Hồ phía tây xóm Lò Giấy để tổ chức phòng thủ khu vực cầu Lò Giấy.
Địch bố trí ở xã Hòa Định, một đại đội bảo an thuộc Tiểu đoàn 220, trang bị vũ khí đầy đủ. Ban ngày địch bung ra lùng sục, kìm kẹp nhân dân, ngăn chặn không cho dân vào bìa núi chặt lấy củi, đề phòng mang lương thực tiếp tế cho ta. Ban đêm địch tổ chức từng tiểu đội, trung đội phục kích ở bầu Tròn, xóm Rộc và trên trục Đường 7 từ cầu Lò Giấy đến cầu Đúc, cầu Thưa. 16 giờ ngày 16/3/1975, tại phía đông núi Ông La, toàn bộ đội hình Tiểu đoàn 96 (Tỉnh đội Phú Yên) xuất phát hành quân về phía dãy núi Hương.
17 giờ ngày 17/3/1975, Đại đội 3 đã đến cách bìa làng 50m. Phát hiện địch ở cầu Lò Giấy, đại đội trưởng lệnh cho B40, B41, cối 60mm nổ súng bắn vào bìa làng, trục Đường 7, cầu Lò Giấy. Các trung đội nhanh chóng vận động vượt qua mương dẫn thủy chiếm hai bên Đường 7 cách cầu Lò Giấy khoảng 50-70m. Địch chống trả quyết liệt. Mũi thứ yếu phát triển theo phía bắc Đường 7 đánh xuống cầu Lò Giấy gặp địch ngăn chặn không phát triển được phải dừng lại yêu cầu tiểu đoàn chi viện.
Đến 17 giờ 30, Đại đội 2 phát triển dọc theo hai bên Đường 7 đánh vào phía đông cầu Lò Giấy để phối hợp với Đại đội 3 từ trên đánh xuống. Địch lợi dụng bờ mương, góc nhà, gốc cây chống trả quyết liệt, Đại đội 2 kiên quyết tiến công đánh chiếm phía đông cầu Lò Giấy, phối hợp với Đại đội 3 tiêu diệt địch. Đại đội 1 đánh vào xóm Bầu Tròn sau đó phát triển xuống xóm Rộc, hình thành hai mũi khép chặt vòng vây tiến công từ hướng bắc và hướng đông đánh vào các khu vực xung quanh cầu Lò Giấy.
Để chi viện cho Đại đội 1 phát triển qua cánh đồng trống vào xóm cầu Lò Giấy, tạo điều kiện cho Đại đội 2 và 3 phát triển, Tiểu đoàn trưởng lệnh cho ĐKZ, cối 82mm, 12,8mm, bắn chế áp địch sát bìa làng phía bắc xóm cầu Lò Giấy, tây núi Đất buộc địch phải co cụm sát mương và xung quanh cầu. Phần lớn địch bị diệt tại khu vực cầu Lò Giấy - Cồn Mô, chỉ còn một số tên sống sót bỏ chạy, bị tổ trinh sát của tỉnh và trinh sát tiểu đoàn diệt gọn. Một tiểu đội địch phục kích sát đèo Dinh Ông bị tổ trinh sát chốt tại núi Đất tiêu diệt gọn, chỉ còn 3 tên thoát chết chạy về Phong Niên - Hòa Thắng.
Đến 17 giờ 45 ngày 17/3/1975, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tảo từ, thu vũ khí, bắt tù binh và tổ chức lui quân về các vị trí chốt giữ tiếp tục đánh địch phản kích ban ngày.
Trận vận động tiến công khu vực cầu Lò Giấy giành thắng lợi, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho Tiểu đoàn bộ binh 96 cơ động lực lượng lên khu vực thôn Cẩm Thạch tiếp tục đánh đơn vị bảo an thuộc Tiểu đoàn 219 từ Hòa Phong - Tuy Hòa 1 vượt sông ở khu vực thôn Cẩm Thạch - Hòa Định nhằm phản kích giải tỏa chi viện cho Tiểu đoàn bảo an 220.
Kết quả trận đánh, ta diệt gọn một đại đội bảo an thuộc Tiểu đoàn 220 và một trung đội dân vệ. Địch bị chết 58 tên (có tên trung úy đại đội trưởng), bị thương 12, một tên bị bắt sống. Ta thu 20 khẩu súng cá nhân, một cối 60mm, một đại liên, hai súng ngắn, ba máy thông tin PRC25.
Trận vận động tiến công liên tục khu vực cầu Lò Giấy diệt gọn quân địch trên địa bàn xã Hòa Định, huyện Tuy Hòa 2 giành thắng lợi đã thực hiện đúng ý định chỉ đạo của Sở chỉ huy tiền phương, buộc địch bị động lúng túng, phán đoán sai hướng chủ yếu của hoạt động tác chiến trên chiến trường Phú Yên. Trận đánh thắng lợi, thực hiện được nhiệm vụ căng kéo địch, giữ vững địa bàn, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu phát triển thuận lợi, xây dựng được lòng tin cho bộ đội về chiến thuật vận động tiến công liên tục ở địa bàn nông thôn đồng bằng, giành quyền làm chủ và mở rộng vùng giải phóng.
Từ ngày 21-24/3/1975, các đơn vị bộ đội chủ lực tỉnh tổ chức phục kích đánh tiêu diệt lực lượng địch từ Tây Nguyên tháo chạy xuống Củng Sơn, đến Thạnh Hội, qua sông Ba xuống Đường 5 về đồng bằng Tuy Hòa. Đường 5 trở thành mồ chôn quân ngụy.
Tỉnh ủy tổ chức lực lượng, phối hợp giữa bộ đội chủ lực với địa phương tấn công giải phóng TX Tuy Hòa. Tuy Hòa 2 trở thành địa bàn trọng yếu, chuẩn bị chu đáo cho Sư đoàn chủ lực 320 tiến về phối hợp cùng bộ đội địa phương tiến đánh giải phóng TX Tuy Hòa. Huyện ủy Tuy Hòa 2 lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện thanh lọc địa bàn, tháo gỡ các phòng tuyến bố phòng. Nhân dân các xã ở Tuy Hòa 2 gấp rút chuẩn bị mọi mặt. Dù đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng với nhiệm vụ lớn lao, giữa thời điểm hừng hực khí thế cách mạng, mọi người đều hăng hái bắt tay vào chuẩn bị. Ngày đêm, cán bộ ngành, giới vận động nhân dân đóng góp lương thực, vận chuyển lương thực đến nơi quy định. Du kích và đội công tác giúp các đơn vị vũ trang chuẩn bị chiến trường, đặt trạm trung chuyển - đón tiếp ở các cửa khẩu, chuẩn bị chỗ giam tù binh…
Trên địa bàn Tuy Hòa 2, Ban chỉ huy tiền phương bố trí các cụm hỏa lực tại Thổ Gai (Hòa Định) và Gò Muỗi (Hòa Thắng). Lực lượng bộ binh Sư đoàn 320 ém quân từ Sơn Cẩm Thọ - Xuân Hòa xuống Tường Quang (Hòa Kiến). Xe tăng của bộ đội chủ lực theo Đường 7 xuống đóng chốt từ Hòa Thắng đến Hòa An. Ngày 30/3/1975, lực lượng Sư đoàn 320 cùng lực lượng vũ trang huyện Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa đã hoàn thành kế hoạch bố trí lực lượng.
5 giờ sáng 1/4/1975, quân ta từ các hướng đồng loạt nổ súng tấn công vào TX Tuy Hòa. Đại đội 204 (bộ đội huyện Tuy Hòa 2) phối hợp với Trung đoàn 2 (của Sư đoàn 320) từ Hòa Thắng, Quy Hậu, Phước Khánh (Hòa Trị) tiến về cầu Ông Chừ. Bộ đội thiết giáp của Sư đoàn 320 nhanh chóng chiếm lĩnh và làm chủ các vị trí: Núi Nhạn, phường 1, phường 2. Ta đặt súng phòng không trên đỉnh núi Nhạn khống chế quân địch.
Các mũi công của ta có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Trần Hưng Đạo đến cầu Vạn Kiếp đánh địch và tiến xuống Tỉnh đường. Huyện ủy Tuy Hòa 2 phân công 3 đồng chí Trần Thanh Quang, Nguyễn Hung, Võ Văn Giao dẫn đường hướng dẫn xe tăng tiến công vào thị xã. Cánh quân phía bắc từ Ninh Tịnh đánh thọc vào đường Nguyễn Huệ hình thành thế gọng kìm siết chặt Trung đoàn bộ 47. Quân và dân TX Tuy Hòa phối hợp cùng bộ đội chủ lực tấn công và nổi dậy, đánh chiếm khu cố vấn Mỹ, khu Tỉnh đoàn bảo an, kho hậu cần quân nhu quân khí của địch. Các cánh quân của ta ào lên chiếm lĩnh toàn bộ các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền ở Phú Yên.
Sáng 1/4/1975, TX Tuy Hòa hoàn toàn giải phóng. Cờ Mặt trận tung bay trên đỉnh núi Nhạn. Ta đã giải phóng TX Tuy Hòa - tỉnh lỵ Phú Yên - với mức tàn phá ít nhất, bảo vệ được tính mạng và của cải của nhân dân. Lực lượng vũ trang Tuy Hòa 2 cùng TX Tuy Hòa phối hợp với quần chúng truy bắt tù hàng binh, truy lùng ác ôn, vận chuyển chiến lợi phẩm về hậu cứ.
Chiến thắng giải phóng hoàn toàn huyện Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa đã góp phần thúc đẩy nhanh đà tan rã, sụp đổ của chế độ ngụy quyền miền Nam, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực để quân và dân ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam.
THÀNH VIỆT