Thứ Bảy, 18/05/2024 02:13 SA
Hòa Quang - Đất và người
Thứ Sáu, 11/03/2016 11:26 SA

Núi Miếu - Ảnh: M.KÝ

Hòa Quang (nay là xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam) thuộc huyện Phú Hòa nằm dọc chân núi Trường Sơn hùng vĩ, cách bờ biển TP Tuy Hòa (tỉnh lỵ Phú Yên) 10 cây số về phía tây bắc, là một trong những xã đồng bằng trù phú của tả ngạn châu thổ sông Ba.

 

QUÁ KHỨ VẺ VANG

 

Phía bắc Hòa Quang (nay là Hòa Quang Bắc) giáp với doi núi Mò O, xã Hòa Kiến, phía nam giáp Hòa Định Đông và Hòa Thắng, phía đông giáp xã Hòa Trị, phía tây là chân núi Trường Sơn giáp với xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Là vùng đồng bằng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, Hòa Quang có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế, quốc phòng.

 

Trên bước đường mở nước vào phương Nam cuối thế kỷ XVI, ông cha ta tạo nên con đường thiên lý xuyên Việt theo chân núi Trường Sơn. Con đường thiên lý đó đi qua Hòa Quang vào Thành Hồ (Hòa Định), vượt sông Ba ở khúc bến đò Lò Giấy, qua Mỹ Thạnh, xã Hòa Phong, men theo Hòa Đồng, Hòa Mỹ rồi vượt dốc Mõ vào Nam. Hòa Quang trước đây có 13 làng, quần tụ theo thế liên hoàn, nằm ngay trên trục đường thiên lý - con đường mở nước của dân tộc. Hòa Quang cũng là một trong những địa điểm để ông cha ta Tây tiến lên Thủy Xá, Hỏa Xá (huyện Sơn Hòa và Tây Nguyên). Với vị trí địa lý thuận lợi, Hòa Quang là vùng căn cứ cách mạng vững chắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Hòa Quang có diện tích tự nhiên 88,3km2, có trên 2.000ha đất canh tác trải rộng trên 73 xứ đồng. Trước Cách mạng Tháng Tám, vùng đất Hòa Quang ngày nay thuộc tổng Hòa Tường phủ Tuy Hòa bao gồm 13 làng: Đại Bình, Đại Phú, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Trường Phú, Thường Thạnh, Tịnh Lâm, Mậu Lâm, Cẩm Sơn, Ngọc Lãnh, Đồng Hòa, Đồng Mỹ và Ngọc Sơn. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực hiện chủ trương chung, chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên bỏ cấp hành chính tổng, thành lập các xã.

 

Tại tổng Hòa Tường, các thôn Nho Lâm, Hạnh Lâm, Đại Bình, Đại Phú hợp nhất lấy tên là xã Trần Hào (một trong những Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám hy sinh anh dũng tại nhà lao Quy Nhơn năm 1944); các thôn Ngọc Sơn, Ngọc Lãnh, Cẩm Sơn, Đồng Mỹ, Đồng Hòa hợp nhất lấy tên là xã Ái Quốc. Các thôn Trường Phú, Thường Thạnh, Tịnh Lâm, Mậu Lâm hợp nhất lấy tên là xã Thắng Lợi.

 

Sau tổng tuyển cử năm 1946 bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền nhân dân các cấp được củng cố để phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc. Tháng 11/1947, huyện Tuy Hòa tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã và đổi tên các xã theo một chỉnh thể thống nhất có chữ Hòa đứng đầu. Thực hiện chủ trương này, xã Trần Hào đổi tên là xã Hòa Tường, xã Ái Quốc đổi tên là xã Hòa Hảo, xã Thắng Lợi đổi tên là xã Hòa Lợi. Cuối năm 1948, Khu ủy V và Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh, chủ trương xây dựng ở đồng bằng Tuy Hòa thành 15 xã mạnh, mỗi xã xấp xỉ một vạn dân. Thể theo nguyện vọng của hội nghị quân dân chính và các cụ thân hào nhân sĩ địa phương, 3 xã Hòa Tường, Hòa Hảo, Hòa Lợi hợp nhất thành xã Hòa Quang.

 

Năm 2003, xã Hòa Quang được chia thành 2 xã Hòa Quang Bắc (gồm 8 thôn: Cẩm Sơn, Đồng Lãnh, Đồng Mỹ, Hạnh Lâm, Mậu Lâm Bắc, Ngọc Sơn Đông, Ngọc Sơn Tây, Thạnh Lâm) và xã Hòa Quang Nam (gồm 6 thôn: Đại Bình, Đại Phú, Mậu Lâm Nam, Nho Lâm, Quang Hưng, Phú Thạnh).

 

Gần 7 thập kỷ qua đi, địa danh Hòa Quang trở thành máu thịt và niềm tự hào của các thế hệ người Hòa Quang sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, mảnh đất Hòa Quang đọng lại biết bao dấu ấn và chứng tích lịch sử oai hùng. Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập nước 2/9/1995 cho Đảng bộ và nhân dân Hòa Quang là phần thưởng vô cùng cao quý, là niềm tự hào chính đáng của các thế hệ người Hòa Quang đã vĩnh viễn nằm xuống quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, là sự bám trụ kiên cường của Đảng bộ và nhân dân trong những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh. Đó là di sản tinh thần vô giá cho thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

 

HIỆN TẠI XỨNG ĐÁNG

Trong 41 năm xây dựng hòa bình, 2 xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Dân cư Hòa Quang quần tụ trong nhiều xóm thôn trù phú dọc xã lộ, hương lộ bao bọc 73 xứ đồng lớn nhỏ với một hệ thống bờ vùng, bờ thửa dọc ngang liên hoàn rất thuận lợi cho giao thông nội đồng phục vụ dân sinh và phát triển nông nghiệp. Trong 73 xứ đồng, có hàng chục xứ đồng rộng hàng trăm hecta được các bậc tiền nhân khai khẩn và đặt tên từ nhiều thế kỷ trước như đồng Bầu Cỏ, đồng Bầu Ấu, đồng Chua Me, đồng Núi Đất, đồng Láng, đồng Đá, đồng Hóc Chai, đồng Hóc Gạo…

 

Năm 1932, sau 10 năm thi công, công trình thủy nông Đồng Cam hoàn thành đưa vào sử dụng. Sông Ba yêu thương đã dốc trọn lượng phù sa đậm đặc và dòng nước mát ân tình trải rộng màu xanh đôi bờ châu thổ. Dọc theo ven núi, kênh N1 hệ thống thủy nông Đồng Cam phía tả ngạn từ đèo Dinh Ông kéo dài đến tận kênh N3, từ Hòa Định kéo dài đến Hòa Trị, Hòa Kiến và nhờ trạm bơm Phú Vang đưa nguồn nước tưới ra Nam Tuy An. Ở cuối xã có mương N5 từ Đông Lộc, Hòa Thắng đến cuối xã Hòa Trị. Những kênh mương này cung cấp đầy đủ nước tưới cho đại bộ phận các xứ đồng Hòa Quang, góp phần đổi thay sâu sắc bộ mặt nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn xã có nhiều mương rút tự nhiên bắt nguồn từ suối Lụa, suối Ré, suối Đá Bàn đổ xuống đồng trong mùa lũ lụt, vừa chống ngập úng, vừa tạo điều kiện cho nông dân cản đập lấy nước tưới ruộng vào mùa khô hạn, vừa bồi bổ phù sa và khai thông một số bầu ao ngập nước quanh năm trở thành đồng ruộng hai vụ tươi tốt như bầu Dừa, bầu Chèo, bầu Hội Khách, bầu Bà Bông, bầu Ấu, bầu Cát…

 

Giữa đồng bằng Hòa Quang nhô lên nhiều đồi núi dưới 100 thước, tạo nên cảnh quan hữu tình mỹ lệ như núi Đất, núi Cam với chùa Long Sơn (Nho Lâm), núi Bà Khương với chùa Khương Sơn (Hạnh Lâm). Núi Miếu ở vị trí trung tâm xã là biểu tượng của xã Hòa Quang. Núi Miếu đi vào lịch sử với những chiến công hào hùng. Chiến thắng núi Miếu tháng 1/1963 diệt gọn một đại đội địch, phá tan “ấp chiến lược kiểu mẫu” của Mỹ, Diệm, mãi mãi là một trong những bản hùng ca chống Mỹ của Hòa Quang nói riêng và cả tỉnh Phú Yên nói chung.

 

Cụm Ngũ Đài Sơn gồm 5 hòn núi nối tiếp nhau (núi Tranh, núi Xoài, núi Cấm, núi Thơm, núi Đình) như một đài sen năm cánh, tô điểm cho cảnh quan Hòa Quang thêm kỳ vĩ. Ngũ Đài Sơn nằm giữa đồng rộng và con kênh dẫn thủy N1 của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Đứng trên Ngũ Đài Sơn hoặc núi Miếu, toàn bộ châu thổ tả ngạn sông Ba và TP Tuy Hòa trải rộng trong tầm mắt.

 

Giữa đồng Ngọc Lãnh có núi Bà Điểm, núi Bà Diếc. Bìa rừng Phú Thạnh có núi Chà Rang, bên cạnh có một nghĩa trang lớn - nơi yên nghỉ nghìn thu của những người quá cố, mà lúc sinh thời đã đổ nhiều mồ hôi công sức và cả máu nữa trên mảnh đất quê hương để góp phần tô điểm cho một Hòa Quang anh hùng hôm nay đang vững bước đi lên trên con đường xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc. Trên núi Chà Rang có hòn Đồn, hòn Cọc, hòn Bứa, hòn Tượng, hòn Én, hòn Sóng, hòn Gió với các con suối Cái, suối Lụa, suối Đá Bàn lượn quanh đồng ruộng Hòa Quang rồi đổ nước ra sông Đà Rằng (sông Ba).

 

Với cấu trúc địa hình gần giống như vùng bán sơn địa, phía tây Hòa Quang xen giữa những mỏm núi Trường Sơn có những bãi gò rộng hàng chục hecta như Gò Chợ, Gò Sân, Gò Tống Đạt, Gò Giếng Mạch, Động Bằng… rất có điều kiện chăn nuôi đại gia súc và trồng trọt hoa màu theo hướng chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng. Giữa dốc Gò Sân rẽ về bên trái chừng 100m có gộp Mòng Mòng phủ dày cây lá. Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ là nơi trú quân hàng tiểu đoàn, lập thế trận vững chắc giáng trả sự tiến công của các trung đoàn địch càn quét vùng căn cứ cách mạng.

 

Người dân đi núi hái củi, lấy cây, cũng như cán bộ trong kháng chiến trên đường đi công tác không một ai không ghé lại giếng Tiên nghỉ ngơi, uống một ngụm nước trong, xua tan cơn khát. Giếng Tiên là một cái giếng tự nhiên rất kỳ lạ nằm lưng chừng hòn Gió, chỉ vỏn vẹn múc được một chén nước nhưng múc hoài mà không bao giờ cạn. Đường từ Hòa Quang lên cao nguyên Vân Hòa qua khỏi dốc Lỗ Chài 12 cái quẹo, có một giếng mạch nằm sát cạnh đường, chỉ bằng cái nón mà đủ nước uống cho cả đàn bò hàng mấy chục con. Ngoài hai giếng trên, còn có mấy cái giếng tự nhiên như vậy như giếng Giàng, giếng Lầu…

 

Địa thế Hòa Quang mở ra khả năng giao lưu với các địa phương bạn còn được lưu truyền trong ca dao dân gian:

 

Dốc Dừng, dốc Lết phía nam

Đường lên suối Cái đốt than đẽo cày

Dốc Lỗ Chài, dốc Gò Sân

Giao lưu thơm mít với dân Vân Hòa

Đèo Cổ Mã, đèo Cẳng Cu

Xuyên qua Cẩm Tú, Thọ Bình, Trảng Sim.

Hoặc:

Bà Ngồi nhiều ổi lắm sim

Mua thơm, mua mít tít trên Vân Hòa

Dốc Lỗ Chài, anh đã qua

Mười hai cái quẹo thật là mỏi chân

 

Theo sử cũ năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào làm trấn biên quan khai khẩn đất Phú Yên. Vị khai quốc công thần của Phú Yên chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, hình thành làng mạc. Sau gần 30 năm trấn thủ, Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh qua đời. Thương tiếc vị tiền hiền có công lao khai quốc, nhân dân lập mộ và đền thờ ông tại thôn Phụng Nguyên, xã Hòa Trị bây giờ, gần chân núi Ễnh, xã Hòa Quang.

 

Cư dân Hòa Quang mang rất nhiều họ tộc, đông nhất là họ Nguyễn, họ Lương, họ Huỳnh, họ Võ, họ Lê, họ Trần, họ Trịnh. Trải qua nhiều đời, con cháu quây quần thành từng xóm với hàng trăm hộ và mang tên họ ấy như xóm Trương, xóm Trịnh, xóm Bùi, xóm Đặng, xóm Võ, xóm Phan… Lần giở lại lai lịch gốc, những cư dân đầu tiên hầu hết là dân nghèo phiêu tán từ Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, Trị, Thiên, Quảng Nam… theo tiếng gọi của cụ Lương Văn Chánh mở nước vào phương Nam xây dựng vùng đất mới. Và họ đã sinh cơ lập nghiệp trên dưới 400 năm. Đặc biệt, họ Lương không chỉ là họ tiền hiền của xã Hòa Trị mà các chi nhánh tỏa ra khắp vùng chung quanh và trong toàn tỉnh.

 

Hầu hết nhân dân Hòa Quang sống bằng nghề nông: trồng trọt, chăn nuôi. Thừa hưởng nền văn minh lúa nước mang đặc trưng châu thổ sông Ba, từ xưa, Hòa Quang cũng có một số ngành nghề truyền thống như nghề đan võng ở Thạnh Lâm, lò gốm ở Cẩm Sơn… Về tín ngưỡng, hầu hết nhân dân trong xã giữ vững truyền thống thờ cúng tổ tiên. Phật giáo phát triển khoảng vài trăm phật tử sinh hoạt tín ngưỡng ở các ngôi chùa trong xã như chùa Long Sơn, chùa Khương… Đạo Thiên chúa trên địa bàn xã có nhà thờ Hóc Gáo (Đồng Hòa) với khoảng trăm giáo dân… Các giáo dân, phật tử đều phát huy truyền thống “kính Chúa yêu nước”, “tốt đạo đẹp đời”, “phụng sự đạo pháp và dân tộc”, tuân thủ nghiêm túc pháp luật. Bà con lương, giáo đoàn kết thương yêu, chung sức chung lòng xây dựng quê hương.

 

Trong xây dựng hòa bình, Hòa Quang là xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng văn hóa mới cơ sở. Năm 1987, Bộ Văn hóa - Thông tin đã tổ chức một hội nghị xây dựng văn hóa cơ sở toàn quốc tại Hòa Quang do Thứ trưởng, GS-TS Đình Quang chủ trì. Hòa Quang cũng là địa phương đầu tiên sáng tạo sử dụng quỹ miễn thuế nông nghiệp một năm theo di chúc Bác Hồ vào năm 1990 để xây dựng mạng lưới điện, đạt yêu cầu điện khí hóa nông thôn đầu tiên của tỉnh Phú Yên.

 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhất là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hòa Quang đã dốc trọn sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Địa bàn xã là căn cứ địa vững chắc để cách mạng trụ bám đứng chân vững chắc tiến về đồng bằng và TX Tuy Hòa. Đảng bộ và nhân dân Hòa Quang chịu đựng nhiều gian khổ mất mát hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương.

 

Xin được trích hai câu kết bài ca dao từ thời kháng chiến chống Pháp để tự hào về mảnh đất và con người Hòa Quang trong cội nguồn thời gian, trong tầm cao và chiều sâu lịch sử. Mảnh đất anh hùng đang viết tiếp bài ca lao động hùng tráng xây dựng cuộc sống mới để xứng đáng với quá khứ hào hùng.

 

Có nơi đâu đẹp nên lời

Quê hương đổi mới của người Hòa Quang.

 

PHAN THANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòa Đồng - cảnh quan, con người
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:26 SA
Hòa Xuân trong mùa xuân 1954
Thứ Ba, 16/02/2016 00:00 SA
Đất và người Hòa Mỹ
Thứ Hai, 18/01/2016 09:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek