Chiều 25/3/1975, đường 5 hoàn toàn giải phóng, Ban Chỉ huy Tiền phương chỉ đạo cán bộ, bộ đội và nhân dân thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả trận địa. Đại đội công binh của sư đoàn và nhân dân Tuy Hòa tập trung sửa chữa đường sá. Địch dùng máy bay thả bom hủy diệt bãi xe và cầu để quân chủ lực tiến xuống đồng bằng. Đường số 5 trở thành mồ chôn quân giặc. Tại đây, chúng ta không chỉ đối phó hàng vạn tên giặc từ Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng với đầy đủ xe pháo, phương tiện chiến tranh hiện đại, mà từ Khánh Hòa chi viện ra (biệt động quân). Trong tám ngày đêm liên tục, kết hợp quân chủ lực, quân địa phương, nhân dân huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 đã tấn công và nổi dậy tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Chúng ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 20.000 quân địch, phá tan “âm mưu rút lui chiến lược về co cụm ở đồng bằng Liên Khu V” của Mỹ - Thiệu. Chiến thắng đường 5 mùa xuân năm 1975 được ghi vào lịch sử như một chiến công hiển hách của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên. Chiều 25/3/1975, tấm bản đồ chỉ đạo chiến dịch đường 5 được đồng chí Chín Cao, Tổng Chỉ huy chiến dịch, đánh dấu chấm dứt chiến tranh. Đồng chí Chín Cao xếp gọn lại, cất vào hành trang làm kỷ niệm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân và Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu trong ngày giải phóng Phú Yên 1/4/1975 - Ảnh: T.LIỆU |
Đó là kỷ niệm của một người chỉ huy tài tình, dũng cảm, dạn dày kinh nghiệm trận mạc. Cùng với chiến thắng đường số 5 là những thắng lợi liên tiếp mang tính chất quyết định ở TX Tuy Hòa. Cơ sở trong thị xã gửi thư ra báo cáo tình hình địch trong thị xã: “Mấy ngày qua địch chở thương binh, xác chết về đầy nhà xác bệnh viện, chúng phải lấy thêm công sở, trường học để đưa thương binh các nơi về nằm, số lính thoát chết các mặt trận chạy về, cùng với số ngụy quyền tại chỗ, dồn về thị xã. Gia đình binh lính đi tìm xác chồng con, kêu khóc náo động cả thị xã; số người giàu có chuẩn bị tài sản để tản cư vào Nha Trang, Sài Gòn. Binh lính hoang mang cực độ, đánh đá, cướp bóc lẫn nhau, gia đình vợ con bám theo bọn sĩ quan không cho chúng ra trận”.
Quân khu V và Bộ Tư lệnh điện vào Ban Chỉ huy Tiền phương: “Phối hợp cùng chủ lực đánh vào TX Tuy Hòa, giải phóng thị xã và đánh ra phía bắc tỉnh”.
Ngày 26 và 27/3/1975, Ban Chỉ huy Tiền phương tỉnh Phú Yên, triển khai điện của Bộ Tư lệnh. Kế hoạch đánh thẳng vào TX Tuy Hòa được Bộ Chỉ huy lên phương án cụ thể. Chúng ta huy động cán bộ, dân công, công binh, mở đường số 7 để xe, pháo của Sư đoàn 320 tiếp cận xuống Tuy Hòa 2. Thành lập Ban Quân quản thị xã do đồng chí Cao Kỳ Trí, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản. Trên 80 cán bộ các ngành, các đoàn thể của tỉnh cùng tham gia tiếp quản các công sở của địch, phổ biến chính sách của Đảng, công tác dân vận trong thị xã; phương án hiệp đồng tác chiến với các đơn vị chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương được bàn bạc cụ thể. Phía bắc thị xã do Trung đoàn 1 (Sư đoàn 320) đảm nhận hiệp đồng tác chiến với Tiểu đoàn 96 và bộ đội thị xã, chia làm ba mũi: Một mũi tấn công từ Ninh Tịnh vào, một mũi đánh vào xóm đạo, trại giam, ngã năm, núi Nhạn; một mũi vòng từ Long Thủy theo vườn dương đánh vào Trung đoàn bộ 47, tỉnh đường (Trung đoàn 2, Sư đoàn 320). Phía Tuy Hòa 1, Ban Chỉ huy Tiền phương sử dụng ba tiểu đoàn và đại đội đặc công chia làm ba mũi: Một mũi vòng xuống Lò Ba, Phú Hiệp đánh ra sân bay Đông Tác, Phú Lâm chặn đường không cho địch ra biển; một mũi đánh từ Hòa Vinh dọc theo đường số 1 đánh ra Phú Lâm; một mũi đánh từ Phú Thứ xuống Hòa Vinh, Hòa Thành, Phú Lễ, nam cầu Đà Rằng thọc đánh vào quận lỵ Phú Lâm do Trung đoàn 1, Sư đoàn 320 đảm nhận. Đơn vị công binh DKZ đánh cắt đường số 1 đoạn đèo Cả không cho địch chạy vào Nha Trang, cũng không cho địch từ Nha Trang chi viện ra. Riêng Đại đội Đặc công 201 và trinh sát Tỉnh đội đánh tiêu diệt tiểu đoàn biệt động quân từ Khánh Hòa ra đóng tại núi Một, Hòa Tân. Ban Chỉ huy Tiền phương đóng tại chợ Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ, tổ chức chỉ đạo các ngành, các xã, vừa huy động nhân tài, vật lực để phục vụ chiến trường, vừa sẵn sàng truy quét địch khi chúng tan rã. Tối 30/3/1975, tất cả các lực lượng hành quân chiếm lĩnh trận địa, bám theo mục tiêu đã được phân công. Đúng một giờ sáng ngày 1/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng. Ban Chỉ huy Tiền phương hành quân xuống Phú Diễn. 7 giờ sáng, Ban Chỉ huy Tiền phương đến Phú Thứ. Trinh sát phát hiện đơn vị đặc công 201 đánh núi Một, Hòa Tân chưa dứt điểm, địch đông và chúng chống cự lại; Ban Chỉ huy Tiền phương lệnh đơn vị đặc công 201 tiếp tục đánh ban ngày. Ban Chỉ huy Tiền phương tăng cường trung đội trinh sát Tiền phương tham gia. Lực lượng tăng cường bao vây giữ chúng tại chỗ, đánh đuổi chúng chạy ra đồng ruộng, ga Gò Mầm và tiêu diệt toàn bộ. Đến 9 giờ sáng, quân ta làm chủ núi Một. Ban Chỉ huy Tiền phương đóng tại thôn Mỹ Phong, gần ga Gò Mầm tổ chức trinh sát nắm tình hình phía TX Tuy Hòa và bắt liên lạc với Ban Quân quản. Lúc này, đồng chí Chín Cao nhận được báo cáo của đồng chí Cao Kỳ Trí:
“5 giờ sáng ngày 1/4/1975, Trung đoàn 2 nổ súng tấn công vào trận địa pháo của địch trên núi Nhạn Tháp. Xe tăng của ta xuất kích diệt địch đóng giữ cầu Ông Chừ, phát triển theo đường Trần Hưng Đạo, đánh thẳng xuống phía nam tỉnh đường của chính quyền ngụy.
7 giờ sáng ngày 1/4/1975, phía bắc thị xã, Trung đoàn 1 đánh sân bay Chóp Chài, sau đó phát triển theo đường Nguyễn Huệ, đánh Ty cảnh sát, Trung đoàn bộ 47, tỉnh đường. Ta làm chủ hoàn toàn núi Chóp Chài, đặt súng phòng không, khống chế bầu trời Tuy Hòa. Ở phía tây, bộ đội tỉnh đánh chiếm Long Tường, xóm Lẫm, Quy Hậu, Phước Hậu, Phước Khánh (xã Hòa Trị).
Ở Tuy Hòa, Trung đoàn 3 đặt trận địa pháo tại Lạc Nghiệp, bắn vào quân lỵ Phú Lâm, một cánh quân phát quân đánh Phú Lạc, một cánh đánh thẳng về Đông Tác, một cánh khác đánh giữ khu vực Đông Mỹ, các cầu Phú Khê, Thạch Tuân, bộ đội tỉnh đánh Phú Hiệp chặn không cho địch rút ra biển.
Cũng 7 giờ sáng 1/4/1975, Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 cùng bộ đội địa phương làm chủ thị xã. Địch dồn về phía đông nam tỉnh đường, ven biển Phú Câu, bị hỏa lực và bộ binh ta đánh tiêu diệt, một số nhảy xuống tàu bị đánh chìm, ta thu trên bãi cát Phú Câu hàng ngàn súng các loại.
Tiểu đoàn 96 từ khu vực Quy Hậu, Phước Khánh bắt sống hàng trăm tên địch, Trung đoàn 3 diệt và bắt toàn bộ địch ở Phú Lâm, Đông Tác, cầu Bàn Thạch, Đèo Cả, bắt sống tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy tại huyện Tuy Hòa. Tính đến ngày 1/4/1975, đây là tên tướng ngụy đầu tiên bị bắt sống.
9 giờ 30 ngày 1/4, ta làm chủ TX Tuy Hòa, cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhạn Tháp, bắn rơi một máy bay trực thăng.
Du kích và quần chúng các huyện nổi dậy bao vây, đánh địch, giải phóng quê hương.
Đúng 10 giờ ngày 1/4/1975, tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng.
NGUYỄN DUY LUÂN
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ