Thứ Tư, 27/11/2024 05:32 SA
Hòa Đồng - cảnh quan, con người
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:26 SA

Một góc quê hương Hòa Đồng thời đổi mới - Ảnh: T.LIỆU

Xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) là một vùng đất trù phú nằm phía tây nam đồng bằng Tuy Hòa. Ở phía nam, xã Hòa Đồng giáp xã Hòa Thịnh - một xã đồng bằng ven núi tiếp giáp với hòn Vọng Phu - một nhánh núi tách ra từ dãy Trường Sơn chạy xuống phía đông đến Vũng Rô - đèo Cả, tạo nên ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Phía tây, Hòa Đồng giáp xã Hòa Mỹ Đông; phía đông giáp xã Hòa Tân Tây; phía bắc giáp thị trấn Phú Thứ.

 

Trước những năm 20 của thế kỷ XX, khi hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, con đường thiên lý bắc - nam đã đi qua xã Hòa Đồng, qua hòn Vọng Phu, dốc Mõ, vào Vạn Ninh - Khánh Hòa. Đó là con đường mở đất của ông cha ta về phương Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trong lịch sử, Hòa Đồng là nơi dừng chân của nhiều đoàn thương lái xuôi ngược buôn bán với những bộ tộc người Ê Đê cư trú vùng phía đông Tây Nguyên (một số sử sách gọi là Thủy Xá) qua vùng Thạch Thành. Từ đây, cũng có thể xuôi về phía đông theo con sông Bàn Thạch (còn có tên khác là Bánh Lái, Đà Nông), đi qua Hòa Tân, Hòa Vinh, Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Tâm của huyện Đông Hòa, ra biển Đông.

 

Xã Hòa Đồng ngày nay có diện tích tự nhiên 25km2; diện tích đất canh tác 970ha, phần lớn là “thượng đẳng điền”. Số diện tích còn lại là đất thổ cư, gò đống, ao hồ, bãi cát ven sông, mương nước… Toàn xã có 7 thôn: Vinh Ba, Phú Diễn Trong, Phú Diễn Ngoài, Mỹ Thuận Trong, Mỹ Thuận Ngoài, Phú Mỹ, Phú Phong. Dân số khoảng 16.000 người.

 

Hòa Đồng là một vùng đất có lịch sử khai khẩn và hoàn thành cách ngày nay hơn 400 năm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, từ thế kỷ XVI, người Việt đã cư trú trên vùng đất Hòa Đồng ngày nay, với sự kiện vua Lê (Quang Hưng) cử ông Lương Văn Chánh chiêu tập lưu dân miền Thuận - Quảng vào đây khai hoang lập ấp năm 1578. Năm 1611 (năm Tân Hợi), người Chiêm xâm lấn biên giới phía nam của Đại Việt, Văn Phong mang quân đánh dẹp, gộp đất Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn thành phủ Phú Yên. Phủ Phú Yên được chia thành hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân. Vùng đất xã Hòa Đồng (ngày nay) thuộc huyện Tuy Hòa. Huyện lỵ đầu tiên của huyện Tuy Hòa đóng ở Phú Thứ, tiếp giáp với xã Hòa Đồng, đã tác động nhiều mặt đến sự phát triển của Hòa Đồng.

 

Theo địa bạ của Triều Nguyễn được lập trong những năm 1831-1832, vùng đất xã Hòa Đồng ngày nay thuộc hai tổng: Hòa Lạc (có Mỹ Thuận, Mỹ Phong) và Hòa Mỹ (có Phú Phong, Phú Diễn, Vinh Ba). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vùng đất Mỹ Thuận, Mỹ Phong được sáp nhập lại thành một xã có tên Phong Thuận, trực thuộc huyện Tuy Hòa. Vùng đất Phú Phong, Phú Diễn, Vinh Ba sáp nhập lại thành xã Phú Vinh, do Khu Đồng Bò quản lý. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ cấp tổng, sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn, nhập 2 làng Phú Diễn, Vinh Ba vào xã Phong Thuận và đổi tên xã này thành xã Hòa Ninh. Thành lập mới xã Hòa Nam, gồm các vùng đất Phú Phong, Mỹ Phong. Năm 1948, hợp nhất hai xã Hòa Nam và Hòa Ninh thành xã Hòa Đồng như ngày nay.

 

Từ lâu đời người dân Hòa Đồng - chủ yếu là người Việt - sống bằng nhiều nghề như làm ruộng, khai thác lâm sản, đan đát, dệt vải, làm gạch ngói, làm đồ gỗ, đồ gốm… Một số vùng trong xã có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng và có sự phân công lao động một cách tự nhiên, mà nhiều câu ca dao còn truyền tụng đến ngày nay:

 

Vinh Ba đan cót, đan gàu.

Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong.

Phú Thuận nghề vải trồng bông

Phú Nhiêu, Phú Thạnh, Ngọc Lâm chai đèn.

Mỹ Thành đánh để phá tranh

Ngó xuống Đồng Cọ, Bạch canh, Áo già.

 

Theo địa bạ triều Nguyễn, Vinh Ba nguyên là Vinh Hoa sơn cước thôn - một làng trù phú của huyện Tuy Hòa, hình thành từ thời mở đất khi Trấn biên quan Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào khẩn hoang vùng Đà Lãng (châu thổ sông Đà Rằng), có diện tích 44 mẫu. Đồng ruộng bát ngát với lũy tre xanh bao bọc quanh làng, tạo cho Vinh Ba một màu xanh đầy sức sống. Tre ở Vinh Ba có hai loại: tre gai và tre mỡ. Tre mỡ thân to rỗng ruột, lóng dài, dùng để đan đát rất tốt. Nguyên liệu sẵn có phong phú nên nông dân tận dụng thời gian nông nhàn đốn tre xây dựng nhà cửa, đan đát tạo ra các sản phẩm như cót, gàu… để kiếm thêm thu nhập. Nghề đan đát ở Vinh Ba có từ lâu đời, còn tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm cót và gàu của Vinh Ba nổi tiếng khắp vùng. Cót Vinh Ba có nhiều loại, từ cái bồ cót chứa hơn tạ thóc đến “bồ góc” - thường đặt ở góc nhà. Những gia đình khá giả còn đặt hàng “bồ cuốn” chồng hai, chồng ba (chồng hai, ba bồ cuốn lên nhau) để trữ lúa sau vụ gặt. Gàu ở Vinh Ba có nhiều loại: gàu dai, gàu sòng… để tát nước từ ao, mương vào ruộng. Có loại gàu xách nhỏ hơn để múc nước giếng, sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nghề đan đát ở Vinh Ba còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như: thúng, mủng, dừng, sàng, nong, nia, giỏ thưa, giỏ dày, giỏ cần xé, nừng, lờ, đơm, đó, đụt, ống trúm… Nghề đan đát đã bổ sung một nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Hòa Đồng lúc nông nhàn.

 

Nếu Vinh Ba nổi danh với nghề đan đát, thì Phú Diễn nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh với nghề chằm nón. Nón Phú Diễn có hai loại rất nổi tiếng: nón sạp và nón chớp. Nón sạp Phú Diễn nhẹ, thanh, bền, đẹp…, trước đây được chuyển theo đường ghe bầu vào Nam Bộ tiêu thụ khá mạnh. Nón chóp dày và chắc, các cụ già rất ưa dùng. Ngày xưa, triều đình còn đặt mua hàng loạt để trang bị cho quân lính. Nghề chằm áo tơi mưa ở Phú Diễn cũng được hình thành lâu đời. Những chiếc lá nón già không chằm được nón thì tận dụng chằm áo tơi đi mưa. Nón lá, áo tơi của Phú Diễn một thời được dùng rộng rãi trong vùng nông thôn Phú Yên và miền Nam; cách đây vài chục năm còn sử dụng rất phổ biến.

 

Nghề dệt vải bắn bông là một nghề truyền thống của Mỹ Thuận. Đất thổ cư của Mỹ Thuận rất phù hợp với nghề trồng bông. Do đó, nghề dệt có điều kiện hình thành sớm và ngày càng phát triển. Sản phẩm bông vải Mỹ Thuận một thời vang bóng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nghề bắn bông dệt vải của Mỹ Thuận phát triển mạnh, nổi tiếng trong cả tỉnh, góp phần dệt những bộ quân phục xi-ta trang bị cho các chiến sĩ vệ quốc quân Nam tiến và các đơn vị khác đóng ở vùng Nam Trung Bộ.

 

Hòa Đồng còn là vùng trồng cau nổi tiếng của đất Phú Yên xưa. Cây cau Hòa Đồng đã đi vào ca dao:

 

Phú Phong, Mỹ Thuận, Vinh Ba

Phú Diễn, Phú Mỹ thật là nhiều cau.

 

Ngoài ra, ở Hòa Đồng còn nổi tiếng với nghề làm mía, nấu đường, góp thêm một phần đáng kể vào nghề truyền thống và hương sắc Phú Yên xưa: “mía Triệu Tường, đường Phú Yên”.

 

Trước khi hệ thống thủy nông Đồng Cam hoàn thành và đưa vào sử dụng (trước năm 1938), việc sản xuất nông nghiệp ở Hòa Đồng cũng như nhiều vùng khác ở huyện Tuy Hòa chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, ruộng lúa chỉ sản xuất một vụ, vụ còn lại trồng hoa màu. Nhiều vùng đất, gò, đồi… thích hợp cho việc trồng mía.

 

Từ sau năm 1938, khi hệ thống thủy lợi kênh Nam đập Đồng Cam hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng, đồng lúa Hòa Đồng được nâng lên hai vụ. Hiệu quả từ đồng lúa Hòa Đồng đã góp phần làm cho vùng lúa Tuy Hòa nổi tiếng trong cả nước.

 

Hòa Đồng lắm lúa nhiều bông

Em về đây kết ngãi cho thong dong nghĩa tình

 

Nằm ở vị trí trung tâm vùng đất phía tây của đồng bằng Tuy Hòa, có hệ thống giao thông đường bộ phát triển, có những con đường liên xã chạy từ thôn này sang thôn khác, nối với đường 5, Hòa Đồng có điều kiện giao lưu thuận tiện với các xã trong vùng và TP Tuy Hòa, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

 

Về văn hóa, cũng như nhiều địa phương khác cư trú vùng phía nam sông Đà Rằng, qua quá trình định cư trên đất Hòa Đồng, người Việt ở đây đã tạo nên đời sống văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc.

 

Trong quá trình phát triển, người dân Hòa Đồng đã tạo được một nền văn nghệ dân gian độc đáo, có nhiều nghệ nhân biết và hò khoan rất hay. Ở đây là nơi sớm phát triển sân khấu bài chòi, sân khấu hát bội ở Phú Yên. Hát bội là sân khấu chuyên nghiệp, nhưng ở Hòa Đồng, nó đã “bị” dân gian hóa rõ rệt và sâu sắc. Hiện tượng dân gian hóa biểu hiện trong nhiều mặt: sân khấu, diễn viên và tính chất diễn xướng.

 

Nổi bật và đặc sắc hơn cả trong văn nghệ dân gian Hòa Đồng là sáng tác văn học. Văn học dân gian ở Hòa Đồng có 4 mảng chủ yếu: những sáng tác thuộc lời ăn tiếng nói của nhân dân, các tác phẩm tự sự, các tác phẩm trữ tình và sân khấu dân gian. Nền văn nghệ dân gian ở đây có nội dung sâu sắc và nghệ thuật đặc sắc. Nó là tấm gương phản ánh chân thật về thiên nhiên, xã hội và con người. Nội dung của nó dễ dàng bắt gặp trong lời hò khoan đối đáp, bóng gió tỏ tình:

 

Ai là vợ Lục Vân Tiên

Xin cho tôi biết kết nguyền chị dâu

Còn ai chiếc cánh lẻ đâu (đôi)

Xin cho đây biết trao câu ân tình.

 

Sống lâu đời trên vùng đồng bằng Tuy Hòa, người dân Hòa Đồng mang đầy đủ những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách của người Phú Yên và cả người Việt Nam nói chung: giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; giàu tình yêu thương, đoàn kết, đùm bọc trong hoàn cảnh khó khăn, thù ghét những bất công, gian ác. Điểm nổi bật trong tính cách ấy là sự hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. Người Hòa Đồng giao lưu, tiếp xúc với nhau rất cởi mở, thường chú trọng đến cái tình, sự yên vui và đoàn kết. Vì thế, con người nơi đây rất đôn hậu, giàu tinh thần tương thân, tương trợ.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek