Thứ Ba, 21/05/2024 00:12 SA
Đất và người Hòa Mỹ
Thứ Hai, 18/01/2016 09:53 SA

Chùa Hương Tích - Ảnh: M.KÝ

Hòa Mỹ bao gồm 2 xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây ngày nay, nằm ở phía tây nam huyện Tây Hòa, là một trong những vùng đất sơn thủy hữu tình tựa lưng vào một nhánh Trường Sơn hùng vĩ trên đà chồm xuống tả ngạn sông Ba rộng lớn. Dãy núi này đã bao bọc lấy hai phía tây, nam của xã. Còn lại phía bắc Hòa Mỹ giáp với Hòa Đồng và Hòa Phong, phía đông giáp với Hòa Đồng và Hòa Thịnh.

 

Hòa Mỹ nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam xưa, là bàn đạp vượt qua Dốc Mõ, Dốc Chùa trên đường Nam tiến của cha ông. Từ đây, còn có thể dễ dàng ngược lên vùng núi tây nam Phú Yên, rồi lên tiếp Tây Nguyên hoặc có thể xuôi theo dòng Bánh Lái, một con sông phát nguyên từ núi Hòn Trống, Hòn Chảo để xuôi xuống vùng đông nam huyện Tây Hòa. Với vị thế đặc biệt của mình, Hòa Mỹ là một trong những căn cứ địa cách mạng vững chắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Hòa Mỹ là vùng đất được khai khẩn và hình thành làng mạc khá sớm ở Phú Yên. Năm Mậu Dần (1578), vua Lê Quang Hưng cử ông Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan chiêu mộ lưu dân vùng Thuận Quảng vào khẩn hoang lập dinh Trấn Biên (tức Phú Yên ngày nay). Ba nơi được nhận khai phá đầu tiên lúc bấy giờ là: chân núi Cù Mông, chân núi Bá Đài và vùng đất bên sông Đà Lãng (Đà Rằng) ở thôn Phú Thứ ngày nay (gần vùng đất Hòa Mỹ). Đến năm Tân Hợi (1611), hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa được thành lập. Huyện lỵ đầu tiên được đặt ở Phú Thứ đã tác động mạnh mẽ đến việc phát triển làng mạc quanh vùng, trong đó có Hòa Mỹ - vùng đất màu mỡ ở phía nam.

 

Địa danh Hòa Mỹ được chính thức ghi trên bản đồ hành chính đất nước vào năm 1832. Đó là năm vua Minh Mạng cho chia lại đơn vị hành chính cả nước. Đó cũng là năm phủ Phú Yên được thăng cấp thành tỉnh Phú Yên lần đầu. Như vậy, tên Hòa Mỹ chính thức ra đời và lần đầu tiên Phú Yên được nâng lên thành tỉnh.

 

Trong lần chia lại đơn vị hành chính ấy, huyện Tuy Hòa được chia thành 4 tổng: Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc và Hòa Đa. Tổng Hòa Mỹ lúc đó gồm 15 làng: Cảnh Tĩnh (Tịnh), Đức Mỹ, Mỹ Phú, Ngọc Lâm, Phú Diễn, Phú Đăng, Phú Mỹ, Phú Nhiêu, Phú Nhuận, Phú Thọ, Quảng Tường, Thạnh Phú, Vạn Lộc, Vinh Ba, Xuân Mỹ (cơ bản thuộc 3 xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng và Hòa Thịnh sau này).

 

Đến năm Thành Thái thứ 11 (1899), huyện Tuy Hòa được đổi thành phủ có 6 tổng. Ngoài tổng cũ có thêm 2 tổng Hòa Bình và Sơn Tường (tổng Sơn Tường sau đổi tên thành Hòa Tường). Năm 1907, phủ Tuy Hòa lập thêm tổng thứ 7 là tổng Hòa Lộc. Dù phủ Tuy Hòa có thêm các tổng mới nhưng trong nhiều lần thay đổi các tổng xung quanh, tổng Hòa Mỹ vẫn được giữ nguyên. Tính từ khi thành lập đến Cách mạng Tháng Tám (1832-1945), tổng Hòa Mỹ có 113 năm tồn tại, là một trong những địa danh có bề dày lịch sử lâu đời nhất của Phú Yên.

 

Đến trước Cách mạng Tháng Tám, tổng Hòa Mỹ có 2 xã là Phú Nhiêu và Phú Phong gồm 17 thôn là: Vạn Lộc, Phú Nhuận, Vinh Ba, Phú Diễn, Phú Hữu, Phú Thọ, Mỹ Hòa, Mỹ Xuân, Mỹ Trung, Mỹ Phú, Cạnh Tịnh, Thạnh Phú, Quảng Phú, Quảng Tường, Ngọc Lâm, Xuân Mỹ, Lạc Chỉ. Ước tính dân số Hòa Mỹ (chỉ tính 12 thôn, tính cả hai thôn Mỹ Thành và Mỹ Tường của tổng Hòa Lộc, hợp thành xã Hòa Mỹ sau này) lúc bấy giờ khoảng 5.000 người.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, theo chủ trương xóa bỏ cấp tổng, phủ, hợp các thôn thành xã. Xã Quảng Thạnh có 2 thôn: Thạnh Phú, Quảng Phú. Xã Ngọc Sơn có 7 thôn: Ngọc Lâm, Mỹ Thành, Quảng Tường, Mỹ Tường, Xuân Mỹ, Lạc Chỉ, Phú Thọ. Xã Nguyên Chi (Nguyễn Chi là tên một sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân ở Phú Nhiêu) có 3 thôn: Phú Nhiêu, Vạn Lộc, Phú Thọ. Đến năm 1947, 3 xã Quảng Thạnh, Ngọc Sơn, Nguyên Chi hợp thành xã Hòa Mỹ gồm 12 thôn. Sau 1975 sát nhập thôn Mỹ Tường, Quảng Tường và Quảng Phú thành hai thôn Quảng Mỹ và Mỹ Phú. Xã Hòa Mỹ có 11 thôn.

 

Năm 1981, 6 năm sau ngày thống nhất đất nước, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xã Hòa Mỹ được chia làm 2 xã là: Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây. Hòa Mỹ Đông gồm 6 thôn Phú Nhiêu, Phú Thuận, Vạn Lộc, Xuân Mỹ, Lạc Chỉ, Phú Thọ. Hòa Mỹ Tây gồm 5 thôn: Quảng Mỹ, Thạnh Phú, Mỹ Phú, Ngọc Lâm, Mỹ Thành. Hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, dù trải qua bao biến thiên lịch sử, dù đơn vị hành chính thay đổi nhiều lần, song tên gọi Hòa Mỹ vẫn không thay đổi như sự bền vững, kiên trung của mảnh đất này.

 

Hòa Mỹ Đông hiện nay có diện tích tự nhiên 5.891ha, dân số 12.536 người. Hòa Mỹ Tây có diện tích tự nhiên 12.857ha, dân số 7.000 người. Từ xa xưa, Hòa Mỹ nổi tiếng là một vùng cảnh quan tươi đẹp có dáng núi, hình sông khá đặc biệt. Dãy núi hùng vĩ án ngự phía nam Hòa Mỹ có những ngọn núi cao trên 100m như hòn Nhọn, hòn Ông, hòn Chảo (còn gọi là núi Đá Đen). Đây là vùng núi có nhiều gỗ và lâm sản quý của huyện Tuy Hòa. Phía tây, núi giăng chập chùng, có dãy hòn Đắng, hòn Trống, Kỳ Đà chạy giáp sông Chống Gậy (xã Sơn Thành) và dãy Mật Cật nhỏ hơn chạy từ truông Lành Ngạnh (Mỹ Thành) ăn sâu xuống đồng bằng, ngoạn mục hơn là nó đã tạo nên ranh giới tự nhiên giữa hai xã Hòa Phong và Hòa Mỹ. Núi Hương cao độ 200m. Uốn lượn dưới chân núi Hương là bàu Hương có đoạn rộng trên 500m, quanh năm nước trong xanh như mặt hồ. Đây là nơi chứa đựng nhiều nguồn thủy sản nước ngọt cho nhân dân đánh bắt suốt bốn mùa, như: tôm, cá chép, cua đinh… Cùng với núi Hương, bàu Hương làm nên một danh thắng trên đất Hòa Mỹ. Cảnh đẹp - người đẹp nơi đây từng lưu truyền trong dân gian: “Trai Ngũ Thạch, gái Bàu Hương”. Chùa Hương cảnh quan diễm lệ, trầm mặc, là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của Phú Yên.

 

Núi không chỉ giăng thành dãy, mà giữa đồng bằng Hòa Mỹ, còn có nhiều đồi núi nhỏ như những hòn non bộ nổi lên giữa biển lúa, làng mạc như: núi Lá (Xuân Mỹ), hòn Sặc (Quảng Phú), hòn Đình (Thạnh Phú), hòn Mài (Vạn Lộc), gò Lây (Vạn Lộc). Trong đó, núi Lá cao hơn cả, với 300m. Đứng trên núi Lá có thể thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh quan của xã.

 

Phía nam Hòa Mỹ có dòng Bánh Lái như một dải lụa mềm vắt ngang qua xã. Con sông này bắt nguồn từ hòn Chảo, hòn Trống qua Hòa Mỹ, xuống Hòa Thịnh, Hòa Tân. Đến Hòa Xuân, sông Bánh Lái được gọi là sông Bàn Thạch, rồi đổ ra biển qua cửa Đà Nông. Trước đây, dòng sông này là con đường thủy giao thương trao đổi hàng hóa giữa Hòa Mỹ với miền biển. Vào mùa mưa nước sông dâng cao, thuyền bè xuôi ngược trên sông khá nhộn nhịp. Từ xa xưa, ngư dân miền biển đã ngược dòng sông lên thượng nguồn lấy gỗ chò cổ thụ để làm bánh lái đóng thuyền nên sông được gọi là sông Bánh Lái.

 

Ngược lên đầu sông Bánh Lái có thác nước cao trên 8m tuôn xuống hai bờ vai núi rất kỳ vĩ. Thác tuôn rất mạnh, nước phun lên li ti nên từ xa xưa được gọi là Vực Phun. Thác trắng xóa reo ầm ào giữa rừng xanh hoang sơ đã mời gọi nhiều du khách không ngại đường xa đến thưởng lãm. Ngoài giá trị du lịch lý thú, Vực Phun còn có tiềm năng thủy điện. Hiện nay, nơi đây được khảo sát làm thủy điện (được gọi là thủy điện Đá Đen), khảo sát trước thủy điện Sông Hinh.

 

Ở vùng rừng núi Hòa Mỹ còn có nhiều suối nhỏ. Đáng kể hơn cả là suối Phướn chảy từ vai hòn Ông xuống bìa rừng. Mùa mưa, nhìn lên núi Hòn Ông thấy suối đổ thành thác trắng xóa dài như một lá phướn, nước trong, len qua nhưng bãi đá dài rất đẹp, đôi bờ suối có cây cối hoa rừng xinh tươi, nên cũng là nơi du lịch hấp dẫn.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển Hòa Mỹ, Phú Nhiêu luôn là trung tâm của xã. Chợ Phú Nhiêu là chợ lớn trong vùng, là nơi buôn bán hàng hóa nhộn nhịp. Phú Nhiêu cũng là làng hát bội nổi tiếng từ xưa. Sự phát triển hát bội ở đây gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Bá Tịnh (Hộ Tịnh). Ông Nguyễn Bá Tịnh nổi tiếng nhất Hòa Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Trong dân gian còn lưu truyền câu:

 

“Tiếng đồn Hộ Tịnh giàu lâu

Gả con Thông Lý đưa dâu bằng bò”

 

Ông Nguyễn Bá Tịnh là người giàu có, đã đóng góp một khoản tiền lớn cho triều đình nên được sắc phong Bá Hộ. Ông Hộ Tịnh cho con ra Bình Định học nghề hát bội từ con cháu nhà hát tuồng Đào Tấn nổi tiếng, rồi trở về lập gánh hát. Gánh hát ông Hộ Tịnh quy tụ nhiều đào kép tài sắc đi lưu diễn khắp nơi, là gánh hát nổi tiếng ở Phú Yên bấy giờ.

 

Trong những người con của ông Hộ Tịnh, có ông Nguyễn Chi là người học rộng, sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ của phong trào Duy Tân. Ông Nguyễn Chi là một trong những sĩ phu lãnh đạo phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Phú Yên.

 

Trong truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, nhân dân Hòa Mỹ đã để lại những trang sử hào hùng.

 

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Năm 1884, triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng thực dân Pháp, gây ra sự phẫn uất cực độ trong nhân dân cả nước. Tháng 7/1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân giúp vua cứu nước. Ở Phú Yên, ông Lê Thành Phương quê làng Mỹ Phú (xã An Hiệp ngày nay) phất cờ khởi nghĩa.

 

Vùng đất Hòa Mỹ với địa thế đặc biệt đã trở thành hậu cứ quan trọng đóng góp nhân tài vật lực cho cuộc khởi nghĩa. Ở Vườn Xá, thôn Phú Thuận có thành lập quân giới sản xuất vũ khí chế tạo được súng thần công (đại bác) dùng để công phá thành quách. Nghĩa quân đã đắp một ụ đất giữa đồng nằm giữa ranh giới thôn Phú Thuận và Phú Diễn (hiện nay vẫn còn di tích) để làm bia thử súng. Tại vùng căn cứ Hòa Mỹ - bản doanh đặt tại miếu thờ Bà Quả dưới gốc cây đa cổ thụ tại Vườn Xá có thao trường luyện tập nghĩa quân, có nơi nuôi ngựa (có bến tắm ngựa là bến Chớp và rộc Bầu Cỏ để cho ngựa ăn). Chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, nghĩa quân khai khẩn ruộng đồng ở Phú Thọ, Lạc Chỉ để sản xuất lương thực gọi là cánh đồng Quan Trại.

 

Năm 1887, cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương thất bại. Hay tin lãnh tụ bị giết, không để vũ khí rơi vào tay giặc, nhân dân đã khiêng súng thần công vứt xuống bàu Hương.

 

Đầu thế kỷ XX, sau thất bại của phong trào Cần Vương, một số sĩ phu yêu nước đã tiếp thu tư tưởng mới theo xu hướng dân chủ tư sản đã mở ra con đường mới tiếp tục sự nghiệp chống Pháp. Năm 1908, phong trào Duy Tân chống sưu cao, thuế nặng bùng lên mạnh mẽ ở Phú Yên. Ở tổng Hòa Mỹ bấy giờ có ông Nguyễn Chi là sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân nên phong trào chống sưu thuế được phát động rất mạnh mẽ. Tổng Hòa Mỹ có những đội tuyên truyền cắt tóc ngắn chống sưu cao thuế nặng, tổ chức thành những đoàn người mang theo cơm nắm, bắp rang, chiếu, chăn… xuống phủ đòi giảm thuế.

 

Từ ngày 11-15/5, nhân dân tổng Hòa Mỹ cùng các tổng trong phủ Tuy Hòa do ông Nguyễn Hữu Dực cùng các ông Lê Hanh, Nguyễn Chi, Trương Trọng Cầu lãnh đạo, tổ chức biểu tình chống sưu thuế và bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt.

 

Hòa Mỹ là vùng đất sơn thủy hữu tình, được thiên nhiên ưu đãi. Hòa Mỹ có ruộng đồng phì nhiêu thẳng cánh cò bay, tiếp giáp với núi rừng bạt ngàn, là một trong những cửa ngõ phía nam tỉnh tiếp giáp với Khánh Hòa. Hòa Mỹ có sông Bánh Lái, có bàu Hương, có Vực Phun… càng tăng vẻ duyên dáng, diễm lệ, thế núi hình sông. Hòa Mỹ có vị trí chiến lược, vùng trọng yếu của đồng bằng Tuy Hòa.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek