Thứ Hai, 20/05/2024 20:19 CH
Hòa Xuân trong mùa xuân 1954
Thứ Ba, 16/02/2016 00:00 SA

Di tích Núi Hiềm, xã Hòa Xuân Đông - Ảnh: Tư liệu

Ngày 11/1/1954, Tỉnh ủy Phú Yên họp hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vụ - Bí thư Tỉnh ủy, để quán triệt nghị quyết Liên khu ủy và thông qua kế hoạch chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương. Tỉnh ủy đề ra phương châm chung là tích cực, chủ động bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân. Về tác chiến, các lực lượng vũ trang địa phương và du kích phải triệt để vận dụng chiến thuật du kích với phương châm “tích cực, chủ động, linh hoạt”.

 

Trước ngày quân Pháp tiến ra khoảng 1 tháng, Chi bộ Đảng Hòa Xuân họp tại Phước Lương và nhận định tình hình, đề ra kế hoạch chống giữ khi có tình huống giặc Pháp tiến hành lấn chiếm. Cuộc họp này rất vinh dự được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Vụ về dự và chỉ đạo nhiều ý kiến quan trọng nhằm củng cố và bảo vệ vững chắc vùng tự do. Chi bộ kiểm điểm lại các công việc đã làm, chủ trương củng cố lại bộ máy chính quyền xã.

 

Ngày 20/1/1954, địch ồ ạt tiến quân. Một đơn vị lính dù đổ xuống TX Tuy Hòa. Sau đó, cánh quân đường biển chừng 1.000 tên đổ bộ lên thị xã. Ở phía nam, một cánh quân có cơ giới yểm trợ theo truông Gia Long vượt đèo Cả. Ở phía tây, một cánh quân của Pháp theo đường Cheo Reo tiến xuống Củng Sơn. Hòa Xuân nằm trên đường tiến quân từ đèo Cả ra của giặc Pháp. Sau đoàn quân Âu Phi, tiểu đoàn khinh quân 506 theo ra vào ngày 27 tháng Chạp (31/1/1954). Chúng theo đường Hảo Sơn lên suối Mây ra Đồng Nẩy tiến ra đóng đồn tại cầu Bàn Nham, chúng chốt tại Phú Khê một đại đội Nghĩa Dũng Đoàn. Du kích Bàn Thạch đã bắn tỉa đoàn quân Pháp di chuyển trên đường sắt, chúng phản pháo gây thiệt hại nhà cửa đồng bào tại xã. Dân quân du kích Bàn Nham chỉ 13 người với 2 khẩu súng đã kiềm chân Tiểu đoàn 506 quân ngụy Pháp, đến 2 ngày sau chúng mới ra được đến cầu Bàn Thạch.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo xã Hòa Xuân, nhiều dân quân và du kích tập trung như Lê Xuân, Huỳnh Diệu, Hà Cảnh, Phạm Hùng, Nguyễn Đình Trọng, Võ Mẹo, Huỳnh Xuân Cảnh, Lê Đức Hiền, Nguyễn Công Nhân, Nguyễn Khử, Nguyễn Công Khanh… và một số học sinh Lương Văn Chánh như Trương Minh, Nguyễn Thận, Nguyễn Đầm, Lê Đức Sung, Đàm Trọng… tự nguyện thoát ly gia đình, hình thành Trung đội tập trung 229 do đồng chí Lưu Yến (Xã đội phó Hòa Xuân) làm trung đội trưởng. Trung đội 229 tự túc tự cấp mọi nhu cầu sinh hoạt đóng quân trên một số hang núi ở Hóc Trùm, Hóc Cau… ban ngày làm nhiệm vụ chiến đấu, ban đêm bảo vệ cán bộ vào vùng địch kiểm soát, vận động nhân dân bất hợp tác với địch, ủng hộ kháng chiến.

 

Thực hiện chủ trương của cấp trên “Mở cuộc tấn công lên miền núi Tây Nguyên tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, đồng thời chế ngự địch từ Tây Nguyên không có điều kiện dòm ngó xuống đồng bằng Phú Yên” bằng chiến dịch Ai-nu. Huyện ủy Tuy Hòa chỉ thị cho hai xã Hòa Xuân và Hòa Tân phối hợp huy động tổ chức một đại đội thanh niên tự vệ làm nhiệm vụ tải thương và thu dọn chiến trường ở chiến trường Tây Nguyên. Đại đội thanh niên tự vệ có biên chế 60 người do đồng chí Nguyễn Đẩu (xã Hòa Tân) làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Cảnh (xã Hòa Tân) làm Đại đội phó, đồng chí Ngô Công Duy (xã Hòa Xuân) làm Chính trị viên. Trong chiến dịch tiến công giải phóng Tây Nguyên, đồn Ai-nu bị tiêu diệt gọn, quân ta bắt sống sĩ quan đồn trưởng và nhiều tù binh, thu toàn bộ chiến lợi phẩm, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn ở Tây Nguyên tiếp giáp với Phú Yên. Đại đội thanh niên tự vệ liên xã Hòa Xuân - Hòa Tân làm tốt nhiệm vụ được chỉ huy chiến dịch khen thưởng. Phát huy chiến thắng Ai-nu, Ban thông tin tuyên truyền Hòa Xuân tổ chức mít tinh nâng cao tinh thần tiến công địch tại địa phương. Trước tình hình Pháp tiến công vùng tự do Phú Yên, cấp trên chỉ đạo một bộ phận nhỏ chủ lực cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân có nhiệm vụ tích cực chuẩn bị đánh địch xâm phạm vùng tự do của ta”.

 

Chi bộ Đảng Hòa Xuân tập trung lực lượng cốt cán về Tuy Bình, mở hội nghị do đồng chí Lê Cầu chủ trì, phát động phong trào “giết giặc giữ làng”. Đồng chí Văn Gói, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa về dự cuộc họp này. Trong ý kiến chỉ đạo củng cố lực lượng, đồng chí Văn Gói bổ sung đồng chí Đỗ Thu (Hai Thơm) vào cấp ủy xã và phân công đồng chí Đỗ Thu cùng đồng chí Nguyễn Thị Hương và một cán bộ vũ trang về phụ trách hai thôn Phước Lương, Hiệp Đồng. Hội nghị có khoảng 30 người tham gia làm buổi lễ hạ quyết tâm bám trụ đánh Pháp giữ làng, dần dần móc nối lại các cơ sở, vận động nhân dân đang tản cư qua Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, hay đang lánh cư ở đồng Nẩy (Hóc Gạo, Hóc Trùm, Hóc Cau, Hóc Rong, Đồng Khôn, Rẫy Nhảy,…) về bám làng. Lực lượng ta từ đồng Lão, bám dọc xuống, ban đêm về khuấy rối binh địch vận, xây dựng cơ sở nội tuyến để nắm tình hình địch. Trong cuộc họp chi bộ Đảng tại núi Ré (Nam Bình), chi bộ đã phân công cán bộ về bám sát từng thôn. Cán bộ ở căn cứ tối về làng gặp dân tuyên truyền vận động để nhân dân yên tâm, ổn định tư tưởng, quyết tâm bám đất giữ làng, tăng gia sản xuất để bảo đảm cuộc sống và ủng hộ kháng chiến. Chính quyền xã mượn nhà của anh Dương Hoành ở thôn Tuy Bình để làm địa điểm tiếp dân và phân công đồng chí Đặng Văn Hà - Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã, phụ trách công tác vận động dân. Xã đội phân công hai đồng chí liên lạc thường xuyên truyền đạt chủ trương của chính quyền xã đến các thôn Thạch Chẩm, Nam Bình, Tuy Bình để tổ chức bố phòng, bảo đảm an toàn cho dân khi đến thôn Tuy Bình để tiếp xúc với chính quyền xã.

 

Hòa Xuân còn huy động đóng góp 3 tấn gạo nuôi quân (gạo dự trữ trong kho của xã ở thôn Phước Lạc) và huy động dân ngày đêm xay, giã và mua thêm để phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Chi bộ nhận định: Hòa Xuân có đường quốc lộ 1 và đường xe lửa đi ngang qua xã, do đó địch sẽ tăng cường kiểm soát gắt gao, sự liên lạc trong toàn xã sẽ rất khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chi bộ quyết định chia làm hai bộ phận. Phía tây Hòa Xuân do đồng chí Lê Cầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Thức làm Chủ tịch. Phía đông Hòa Xuân có Ban cán sự Đảng do đồng chí Ngô Công Duy phụ trách chung, đồng chí Đặng Văn Hà phó chủ tịch, đồng chí Võ Công Khải ủy viên Ban cán sự Đảng phụ trách. Đồng chí Bùi Cương, huyện ủy viên, phụ trách chung. Các lực lượng vũ trang tiếp tục hoạt đông mạnh. Chi bộ đông Hòa Xuân phân công đồng chí Nguyễn Mão vận động gia đình anh Nguyễn Tặng ở xóm tây Thạch Tuân tổ chức đám giỗ mời bọn ngụy quân Nghĩa Dũng Đoàn. Khi bọn địch hí hửng ăn uống, đồng chí Nguyễn Mão nằm trong hầm bật dậy hô xung phong. Tiểu đội Nghĩa Dũng Đoàn bỏ chạy tán loạn. Ta thu được 7 súng trường. Bọn địch tổ chức trả thù đốt nhà anh Nguyễn Tặng, cướp một đôi bò và trên một tấn lúa. Gia đình anh Nguyễn Tặng phải chạy ra vùng tự do. Ta đẩy mạnh công tác địch vận phát loa kêu gọi lính ngụy, vận động binh lính địch giác ngộ trở về hàng ngũ ta. Anh Võ Lược (Thạch Tuân) bị địch cưỡng bức bắt lính, anh phản đối gay gắt và bị giặc Pháp đưa ra tòa án binh xử tử. Đồng chí Đỗ Thu cán bộ xã và đồng chí Nguyễn Thị Hương về Hiệp Đồng xây dựng cơ sở bí mật tuyên truyền giác ngộ anh Trần Tre (lính Bang Tá đóng ở Lưới Gõ) và qua Trần Tre vận động 12 lính trong đồn Bang Tá.

 

Càng ngày chiến sự càng lan rộng và trở nên ác liệt hơn, dân quân đã đào giao thông hào có nắp đậy dọc theo các lũy tre làng để quần đánh địch. Ta tổ chức đào hầm chông, kết hợp đánh chim sẻ với công tác binh địch vận. Ta đẩy mạnh việc sản xuất ở hậu phương đồng Nẩy, lập “ban bảo vệ mùa màng” để ngăn chặn địch phá hoại kinh tế.

 

Giặc Pháp lập lại hệ thống tề điệp tại xã và các thôn, chúng cử đại biểu đi Huế để mị dân về cái gọi là Chính phủ Bảo Đại.

 

Tháng 3/1954, đại đội tập trung của xã được thành lập do đồng chí Lưu Yến làm Đại đội trưởng, Võ Công Khải làm Chính trị viên, Nguyễn Văn Thành làm Xã đội phó được phát triển thêm một số chiến sĩ là học sinh Trường trung học Lương Văn Chánh quê ở Hòa Xuân tham gia nhập ngũ như Nguyễn Thận, Nguyễn Đầm, Lê Đức Sung, Đàm Trọng… Sau đó, do yêu cầu chiến trường, Đại đội 229 được cấp trên bổ sung quân số từ lực lượng du kích các xã Hòa Vinh, Hòa Hiệp, Hòa Tân, Hòa Thành, Hòa Bình cùng một số cán bộ khung từ Đại đội 377, 392 hình thành Đại đội 393 thuộc Huyện đội Tuy Hòa. Lực lượng nòng cốt của đại đội du kích tập trung xã Hòa Xuân được đổi tên là Trung đội 1 (Đại đội 393) do đồng chí Nguyễn Phúc Ánh là Trung đội trưởng. Đồng chí Lưu Yến và Nguyễn Đình Trọng được tăng cường cho xã đội Hòa Xuân.

 

Đêm 19/4/1954, Trung đội 1 (Trung đội 220 cũ), Đại đội 393 phối hợp với Tiểu đoàn 365 do đồng chí Hà Vi Tùng chỉ huy và một đại đội thuộc Tiểu đoàn 375 mở đợt tiến công đồn cầu Bàn Nham. Chiều 19/4/1954, Tiểu đoàn 365 và hai đại đội 1 và 2 (Tiểu đoàn 375) làm lễ xuất quân. Đồng chí Đặng Văn Hà phụ trách bộ phận tiếp tế hậu cần và tải quân thương trong trận đánh này. Kế hoạch chiến đấu là mục tiêu cụm cứ điểm Bàn Nham, Bàn Thạch do Tiểu đoàn khinh quân ngụy 506 chiếm giữ do tên quan ba Trần Văn Sáu chỉ huy. Đồn Bàn Nham nằm ngay trên trục quốc lộ 1A phía nam đầu cầu Bàn Thạch, có nhiệm vụ bảo vệ cầu Bàn Thạch và chi viện cho các đồn bót trong vùng đồng bằng Tuy Hòa. Lực lượng quân địch đóng ở đây có một tiểu đoàn ngụy quân được trang bị vũ khí đầy đủ. Xung quanh đồn Bàn Nham có dây thép gai bao bọc, hệ thống giao thông hào nối liền các trại lính với các lô cốt bằng bê tông cốt sắt. Đồn Bàn Nham mang tính chiến lược của vùng, nó vừa phòng thủ vừa có nhiệm vụ tấn công và chi viện cho các căn cứ trong vùng. Tại đây, địch dự trữ quân nhu quân dụng và vũ khí đạn dược để tác chiến lâu dài. Phía nam có đồn Phú Khê, địch đóng quân một đại đội Nghĩa Dũng Đoàn, phía đông có bót cầu Lưới Gõ có lính khinh quân và lính Bang Tá. Vị trí đồn Bàn Nham khá hiểm trở, nằm trong một cứ điểm liên hoàn. Để bảo vệ cho đồn Bàn Nham, địch rải quân đóng dọc từ lẫm Bàn Nham ra tận đầu cầu. Bộ đội ta tập kết ở hướng tây, dùng thuyền chuyển quân cách cầu Bàn Thạch độ 800m. Sau đó, bí mật men theo bờ sông chia làm hai mũi, một mũi từ mé sông, một mũi theo hai bờ quốc lộ 1 từ phía nam để tạo thế bất ngờ. Bộ chỉ huy trận đánh đã luồn vào tận gò Mả Chợ (gần Trường THCS Hòa Xuân 2 hiện nay), bộ đội ta tổ chức đào công sự từ xẩm tối đến nửa đêm. Khi nổ pháo lệnh tấn công, hàng loạt đạn cối ĐKZ, Bajoka dội vào đồn giặc. Đồn Bàn Nham bốc cháy. Bọn địch từ trong các lô cốt bắn ra quyết liệt. Đại đội trợ chiến phóng ĐKZ, Bajoka tiêu diệt các ổ hỏa lực. Hai đại đội bộ binh nhanh chóng xung phong vào đồn đánh kho vũ khí quân dụng. Các đơn vị phối hợp chặn viện. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ ta đã diệt gọn lực lượng địch từ ngã 3 Thạch Chẩm - Bàn Nham xuống chợ Xéo. Trung đội lính Pháp còn sống sót ở mố cầu cầm cự đến sáng, gần sáng ta rút quân. Trong trận này, ta bắt sống 98 tên kể cả bọn tề điệp (trong đó có 74 tên lính), tiêu diệt gần trọn tiểu đoàn, chỉ còn 7 tên bám ở mố cầu còn sống sót. Ta thu trên 30 tấn đạn dược, quân trang quân dụng. Sau trận này ta phải huy động hàng ngàn dân công để thu dọn chiến lợi phẩm ngay trong đêm. Sáng hôm sau, bọn sĩ quan Pháp huy động lực lượng đến kiểm tra lại đồn, tận mắt chứng kiến những tổn thất quá lớn, địch buộc phải thu hẹp phạm vi đóng quân.

 

Đồng chí Đỗ Thu xin cấp trên hỗ trợ một tiểu đội về tại xóm Lưới Gõ (nhà anh Nghiêm) bắt liên lạc với anh Trần Tre đưa bộ đội vào nổ súng thu vũ khí, tài liệu và đưa 12 lính Bang Tá ra vùng giải phóng, trở về gia đình. Ta thu 13 súng, máy đánh chữ. Anh Trần Tre được bố trí làm cán bộ thôn Hiệp Đồng. Kết quả công tác binh vận địch đã giải thoát hai cán bộ của ta, đồng thời làm tan rã bộ phận Bang Tá địch ở xóm Lưới Gõ, Thạch Tuân.

 

Thất bại của giặc Pháp ở Bàn Nham, sau đó là Lưới Gõ, chứng tỏ địch không còn sức mở rộng phạm vi chiếm đóng nữa.

 

Nhân dân Hòa Xuân vừa đánh địch bảo vệ quê hương vừa ra sức phục vụ tiền tuyến. Hàng đoàn dân công len qua nhiều đồn bót của địch, gối đất nằm sương, gánh gạo muối, súng đạn đến tận chiến trường Tây Nguyên, Bắc Khánh.

 

Ngày 7/5/1954, quân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bọn Pháp ở Phú Yên hoang mang dao động, địch ở nhiều nơi phải co cụm lại bị quân ta tập kích đánh cho thiệt hại nặng nề. Ngày 25/6/1954, Tiểu đoàn 365 phối hợp với du kích Hòa Xuân đánh một đoàn xe chở vũ khí có 2 đại đội hộ tống trên đèo Cả. Qua 40 phút nổ súng, quân ta phá hủy 79 xe quân sự và hàng trăm tấn đạn dược, diệt và bắt sống 217 tên địch, thu 100 súng các loại. Toàn bộ chiến dịch Át - lăng của giặc Pháp trên đất Phú Yên bị thất bại, giặc Pháp chỉ còn lại trong TX Tuy Hòa và một vài đồn bót dọc tuyến giao thông ở Bàn Nham, Phú khê, cầu Lưới Gõ, ga Hảo Sơn.

 

Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Hòa Xuân đã trải qua 3 giai đoạn: Bị địch chiếm đóng, hoàn toàn tự do, rồi lại bị địch càn quét chiếm đóng. Mỗi giai đoạn một khó khăn riêng nhưng quân dân Hòa Xuân đã kiên cường vượt qua các khó khăn và đã giành thắng lợi. Trong 9 năm kháng chiến, Hòa Xuân là lũy thép vững chắc ngăn địch không cho chúng vượt qua sông Bàn Thạch, bảo vệ vững chắc vùng tự do Liên khu V và vựa lúa đồng bằng Tuy Hòa.

 

PHAN THANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek