Thứ Sáu, 20/09/2024 10:48 SA
Chuyện về một liệt sĩ ngành Tài mậu
Thứ Sáu, 25/12/2015 10:46 SA

Năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Trung Bộ được đẩy mạnh, quân ta đánh mạnh lên Tây Nguyên. Hàng vạn dân công gánh gạo, chuyển súng đạn ra chiến trường. Nhiệm vụ của công tác tài chính lúc này là làm sao có tiền, có gạo để phục vụ kịp thời cho nhu cầu chiến đấu. Với trách nhiệm là Trưởng phòng Thuế của huyện Sơn Hòa, anh Lê Dước đã cố gắng tổ chức tốt công tác thu thuế công thương nghiệp, nông nghiệp.

 

Hàng ngày, anh Lê Dước đi vào thôn xóm, buôn làng tuyên truyền, vận động nhân dân làm nghĩa vụ đóng góp cho kháng chiến. Thu được đến đâu, anh chuyển kịp thời tiền thuế về cơ quan tài chính cấp trên để kịp chi viện cho chiến trường.

 

Một sáng tháng 5/1952, sau một đêm chuẩn bị, anh dậy sớm chào từ biệt vợ con rồi dắt ngựa ra đi. Anh ngồi trên lưng ngựa cùng với 2 sọt tiền giấy trên 2 triệu đồng tín phiếu, nặng trĩu. Đến dốc suối Đá Bàn, con ngựa bỗng vùng lên, hốt hoảng giật dây cương phóng chạy. Từ trong rừng, một con hổ lớn lao ra. Vừa lúc con hổ xông vào vồ anh, con ngựa lồng lên đánh mạnh về phía sau, hất anh ngã xuống đất bất tỉnh cùng 2 sọt tiền bị bật nắp với những bó tiền rơi ra; nhưng con hổ cũng bị ngựa đá đau, chạy mất không dám quay trở lại. Tiếng ngựa hí vang, tiếng chân ngựa dẫm xuống đất thình thịch làm anh tỉnh lại. Anh cảm thấy toàn thân đau đớn tột độ, máu chảy ướt đẫm quần áo. Chiếc áo bà ba rách toạc nhiều mảng sau lưng. Anh sờ thấy một số xương sườn lòi ra và hiểu rằng mình vừa bị hổ vồ. May mà hổ không ăn thịt anh. Anh nghĩ tới nhiệm vụ đưa tiền về tỉnh, nhưng đoạn đường còn quá xa, anh không thể tới đó được. Nhưng ở lại đây cũng không ổn, vì thường xuyên có bọn cướp đường, thợ sơn tràng đi qua, tiền thuế có thể bị cướp hết. Anh tự nhủ mình phải sống, phải giữ được tiền, vì đó là mồ hôi, nước mắt của nhân dân đóng góp cho kháng chiến. Anh cố gắng với sức tàn còn lại, chống lại nỗi đau đớn dữ dội, kéo ngựa lại nơi 2 sọt tiền bị đổ, cố nhặt cho hết các bó tiền vương vãi, cố lôi 2 sọt tiền đặt lên lưng ngựa, rồi hướng ngựa đi về hướng buôn Ê Đê cách đó vài cây số. Một gia đình Ê Đê đang làm nương trong nắng sớm phát hiện một hiện tượng kỳ lạ: Một con ngựa đang nặng nề bước đi tới phía họ, lưng chở 2 sọt to, một người đàn ông nằm vắt qua lưng ngựa, hai tay buông thõng. Họ chạy tới và nhận ra người quen - Trưởng phòng Thuế huyện, người thường đến buôn họ để thu thuế. Chủ nhà là già làng, lấy lá rừng rịt chặt vết thương, băng bó, cạy miệng đổ thuốc cho anh. Anh tỉnh và kể lại việc bị nạn, rồi nói vắn tắt yêu cầu của mình: Nhờ người đưa số tiền thuế nộp cho cơ quan huyện để huyện kịp nộp tỉnh và đưa anh đến bệnh viện rồi báo cho vợ anh biết.

 

Trưa hôm sau, người chị dâu với vẻ mặt bơ phờ và đôi mắt đỏ hoe đến nhà tôi để báo cho mẹ và cả nhà biết tin anh bị tai nạn, nhờ tôi cùng chị ra bệnh viện tỉnh ở Hà Bằng thăm anh. Hai chị em tôi vội vã lên đường. Con đường rất xa, dài gần 40km phải qua hai đèo lớn là Quán Cau, Chí Thạnh nên phải vừa đi vừa chạy, vừa nghe ngóng máy bay địch để kịp xuống hầm. Khi mặt trời vừa lặn, hai chị em tôi cũng vừa tới bệnh viện, đúng lúc đoàn mai táng anh tôi trở về. Sau khi ra mộ anh, chúng tôi trở về bệnh viện. Bác sĩ trực khoa kiêm Bí thư Chi bộ bệnh viện đến chia buồn với chúng tôi. Bác sĩ nói: Anh Dước bị thương rất nặng. Hổ đã móc gãy 8 xương sườn. Ba người Ê Đê đưa anh đến bệnh viện trong trạng thái mê man, bất tỉnh. Vết thương quá nặng, lại bị nhiễm trùng uốn ván nên chúng tôi không thể cứu. Bệnh viện đã cố làm hồi sức. Khi anh tỉnh lại, anh yêu cầu được gặp Bí thư Chi bộ bệnh viện. Thấy tôi đến, anh chảy nước mắt, cầm tay tôi rồi thều thào nói:

 

“Tôi biết mình không sống nổi, tôi chết mà ân hận chưa làm tròn trách nhiệm với dân, với nước. Mong đồng chí báo cáo lại với Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh rằng: Số tiền thuế tôi thu được là 5 triệu đồng. Vì để kịp đi họp, tôi tranh thủ chở đi một nửa để nộp, số còn lại để ở nhà, định sẽ thu tiếp rồi nộp dồn vào chuyến sau. Quyển sổ thuế tôi để ở nhà có ghi rõ danh sách người đã nộp, người chưa nộp. Đề nghị Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh cho người đến nhà nhận số tiền còn lại và quyển sổ thuế”.

 

- Anh có điều gì nhắn lại vợ con không?

 

Anh trả lời: “Việc riêng không có gì. Nhờ anh nhắn dùm vợ tôi nộp đủ số tiền còn lại và quyển sổ thuế để cơ quan tiện tra xét”. Nói đến đây anh trút hơi thở cuối cùng.

 

Sau khi hỏi thăm gia cảnh của anh chị tôi, Bí thư Chi bộ bệnh viện tỉnh nói tiếp:

 

Vết thương của anh rất nặng, lưng của anh bị bóc từng mảng thịt, xương sườn gãy lòi ra ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng nếu anh không có nghị lực mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm cao thì anh không thể tìm được ngựa, nhặt lại tiền và tìm đến buôn người dân tộc để gửi lại tiền thuế. Nhà anh chị rất nghèo, nếu anh không nói số tiền còn lại ở nhà thì cũng chẳng ai biết. Nhưng anh không hề tơ tưởng của công và còn thể hiện ý thức trách nhiệm cao đối với nhân dân trong việc báo cáo có quyển sổ thuế để cơ quan có căn cứ theo dõi, không để thiệt hại cho Nhà nước cũng như người đã nộp thuế. Anh xứng đáng là một cán bộ thuế cách mạng.

 

Anh Lê Dước hy sinh ở tuổi 38 tràn đầy sức sống, trong niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi và nước nhà sẽ đi lên con đường ấm no hạnh phúc. Chính phủ đã truy tặng cho anh liệt sĩ và Bằng Tổ quốc ghi công. Tấm gương của anh còn sống mãi trong lòng những người làm công tác tài chính.

 

XUÂN DIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek