Thứ Sáu, 20/09/2024 10:50 SA
Mốc son lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ
Thứ Ba, 22/12/2015 11:06 SA

Trong kháng chiến chống Pháp, Phú Yên là tỉnh có phong trào kháng chiến mạnh của vùng tự do Khu V, nên ngay từ những ngày đầu tiếp quản, đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai đã gấp rút đánh phá phong trào cách mạng. Địch đã tiến hành nhiều vụ thảm sát đẫm máu, truy tróc đánh phá các tổ chức cơ sở đảng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Cán bộ, đảng viên còn lại đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để bám quần chúng lãnh đạo phong trào. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong từng thôn xóm. Chưa bao giờ cán bộ, đảng viên, đồng bào yêu nước lại hy sinh nhiều như lúc bấy giờ.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà trao bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Đồng khởi Hòa Thịnh” cho lãnh đạo huyện Tây Hòa và xã Hòa Thịnh ngày 22/12/2005

 

Trải qua một thời gian đấu tranh giữ gìn và bảo vệ lực lượng, đến giữa năm 1958, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên, tỉnh đã xây dựng được căn cứ ở Thồ Lồ, Ma Dú. Huyện Tuy Hòa 1 xây dựng được 3 căn cứ: miền Đông ở Bãi Xép, miền Trung ở Hóc Đá, miền Tây ở đồng Cỏ Ông, đồng Tàu, suối Phẩn.

 

Sang đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập, dân chủ và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”, khẳng định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương, phong trào cách mạng ở Phú Yên cũng như trên địa bàn huyện Tuy Hòa 1 chuyển sang giai đoạn mới. Dù Mỹ Diệm dốc sức vây ráp, truy lùng, bắt bớ lực lượng cách mạng nhưng chúng không sao ngăn được bước phát triển của phong trào cách mạng. Thanh niên thoát ly ra căn cứ gia nhập lực lượng cách mạng ngày càng đông, các tổ chức cơ sở cách mạng ở nhiều xã đã phát triển nhanh mạnh. Từ miền Tây đến miền Đông của huyện đều lập được căn cứ, giữ bàn đạp bám làng, bám dân, thúc đẩy phong trào tiến lên.

 

Sau đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (tháng 9/1960), Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1 (tháng 10/1960) đề ra nhiệm vụ trọng yếu trước mắt “ra sức xây dựng lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát triển Đội công tác và cơ sở cách mạng, xây dựng căn cứ miền núi, làm chỗ dựa để giải phóng đồng bằng, chuẩn bị mọi mặt tiến tới đồng khởi toàn huyện”.

 

Tranh sa bàn cuộc mittinh Đồng khởi Hòa Thịnh đêm 22/12/1960

 

Chỉ một thời gian ngắn sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, khi điều kiện đồng khởi đã hội đủ, ngày 22/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa 1, cuộc đồng khởi đã nổ ra tại Hòa Thịnh. Đội vũ trang công tác huyện đã tiến công lực lượng dân vệ của địch và chỗ ở của một số tên ngụy quyền đầu sỏ, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ trên địa bàn xã. Đồng khởi Hòa Thịnh đạt thắng lợi, hoàn thành được mục tiêu đề ra trong Hội nghị Huyện ủy ngày 17/12/1960 tại núi Hòn Ông (Hòa Thịnh).

 

Cùng với Bến Tre, Trà Bồng - Quảng Ngãi, Đồng khởi Hòa Thịnh đã đi vào lịch sử Phú Yên và lịch sử dân tộc với niềm tự hào lớn về truyền thống đấu tranh cách mạng, về tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của nhân dân Hòa Thịnh dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1 và Tỉnh ủy Phú Yên.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh là bước đầu quan trọng của phong trào cách mạng vùng nông thôn, đồng bằng tỉnh Phú Yên, chuyển phong trào cách mạng vùng nông thôn, đồng bằng Phú Yên từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tạo cơ sở cho nhân dân Phú Yên đẩy mạnh và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai ngụy quyền Sài Gòn.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh nổ ra trong thời điểm kẻ thù Mỹ Diệm đang thực hiện “Quốc sách tố cộng” với quy mô lớn, ác liệt và điên cuồng sát hại những người yêu nước bằng luật 10-59. Lúc chúng đang tiến hành nhiều cuộc đàn áp, khủng bố dã man; nhân dân phải vùng lên quyết chống lại áp bức, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra ở miền Tây Phú Yên cũng như nhiều nơi trong toàn miền Nam.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh nổ ra trong thời điểm nội bộ của Mỹ Diệm đang lục đục, ngày 11/11/1960 Mỹ xúi giục Nguyễn Chánh Thi, Phan Quang Đán làm cuộc đảo chánh lật đổ Diệm. Cuộc đảo chánh thất bại nhưng khủng hoảng trong nội bộ ngụy quyền đã tác động lớn đến tinh thần tay sai ngụy quyền ở Phú Yên.

 

Đồng khởi nổ ra trong lúc địch đang tập trung lực lượng để đối phó với phong trào cách mạng đang phát triển ở miền Tây Phú Yên; địa thế xã Hòa Thịnh sát núi, có sông ngăn cách, đường lầy lội đi lại khó khăn lại đang ở vào thời điểm còn mùa mưa, lực lượng địch có tại chỗ mỏng, khi có biến cố địch khó huy động lực lượng bằng cơ giới để ứng cứu.

 

Về phía ta, Trung ương vừa có Nghị quyết 15 (tháng 1/1959), tỉnh vừa Đại hội đại biểu Đảng bộ - đại hội đầu tiên của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (tháng 9/1960), Đảng bộ huyện Tuy Hòa 1 cũng vừa Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 1 (tháng 10/1960) xác định đường lối, phương pháp cách mạng, mở ra thời kỳ mới: “Thời kỳ đấu tranh chính trị có đấu tranh vũ trang hỗ trợ”; phong trào diệt ác phá kiềm đang mở ra trên địa bàn huyện đã làm rúng động bộ máy ngụy quyền, khí thế cách mạng của quần chúng ngày càng lên cao. Hòa Thịnh là xã đã xây dựng được lực lượng cách mạng, nhiều thôn có chi bộ Đảng, có chi đoàn thanh niên, thành lập được đội vũ trang giải phóng xã, tổ chức được nội tuyến trong hàng ngũ địch, có lực lượng quần chúng cốt cán.

 

Đấy là những điều kiện cần và đủ để Đảng bộ Tuy Hòa chọn Hòa Thịnh lãnh đạo, tổ chức đồng khởi.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh là cuộc khởi nghĩa từng phần, khởi nghĩa cục bộ lớn, đầu tiên ở một xã nông thôn, đồng bằng Phú Yên và Khu V. Đây là cuộc khởi nghĩa do lực lượng quần chúng nổi dậy có sự phối hợp tiến công quân sự tích cực của lực lượng vũ trang; vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang có binh địch vận làm tan rã ngụy quyền, dân vệ, thanh niên chiến đấu của địch, giành chính quyền ở cơ sở. Cuộc khởi nghĩa trở thành phong trào đồng khởi khi các cuộc khởi nghĩa tại các xã khác trong huyện, trong tỉnh tiếp sau đó đồng loạt nổ ra.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh góp phần đúc kết những bài học lớn về sức dân và lòng dân vĩ đại. Bài học ấy không chỉ tôn vinh quá khứ hào hùng mà còn tiếp sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay trên cơ sở huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Đồng khởi Hòa Thịnh là ngọn cờ tiêu biểu của phong trào đồng khởi đồng bằng khu V. Từ đây, phong trào nổi dậy của cả huyện Tuy Hòa 1, mở rộng vùng giải phóng tỉnh Phú Yên góp phần làm nên cao trào đồng khởi ở đồng bằng khu V và toàn miền Nam. Đồng khởi Hòa Thịnh đã mở ra thời kỳ đấu tranh giành chính quyền bằng kết hợp ba mũi giáp công, trong đó kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đã giành được thắng lợi mở ra cao trào mới để cách mạng tiến về đồng bằng, mở rộng vùng giải phóng.

 

NAM THÀNH

(Hội Khoa học Lịch sử Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek