Căn cứ vào so sánh lực lượng địch, ta trên chiến trường và khả năng triển vọng của cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng trong hội nghị toàn thể BCH lần thứ 13 (1/1967) đã đề ra chủ trương mở thêm mặt trận đấu tranh ngoại giao nhằm phối hợp đấu tranh quân sự, chính trị đang trên đà thắng lợi ở cả hai miền đất nước. Đấu tranh ngoại giao của ta trong chống Mỹ đã thành một mặt trận.
Hội nghị chủ trương cuộc tổng công kích tổng khởi nghĩa vào dịp tết Mậu Thân nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung ương đề ra, ở Phú Yên vì vấn đề giao thông trở ngại, Khu ủy Khu 5 đã tóm tắt tinh thần nghi quyết, điện mật vào cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết trước để chuẩn bị. Tháng 11/1967, Tỉnh ủy họp hội nghị tại suối Phẩn (huyện Tuy Hòa 1) có đại diện Phân khu Nam dự để nghiên cứu các nghi quyết của Trung ương và của Khu ủy Khu 5, chuẩn bị cho cao trào khởi nghĩa.
Cuối tháng 12/1967, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về phương hướng chiến lược mới. Hội nghị kiểm điểm đánh giá tình hình các mặt địch, ta trên chiến trường, bàn kế hoạch triển khai. Quyết tâm của Tỉnh ủy là: “Tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm thị xã, tiêu diệt một số mục tiêu quan trọng kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã, thực hiện phương châm công kích và khởi nghĩa giải phóng thị xã”.
Đối với các huyện, phối hợp đánh sâu vào quận lỵ, chi khu, căn cứ hậu cần của địch, đánh tan bộ máy ngụy quyền nông thôn, thực hiện công kích và khởi nghĩa giành chính quyền.
Trước tết Mậu Thân, trên chiến trường Phú Yên, quân Mỹ có Lữ đoàn 173, 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo, quân Nam Triều Tiên có 2 trung đoàn, quân chủ lực ngụy có Trung đoàn 47, quân địa phương có 28 đại đội Bảo an, 10 đại đội cảnh sát. Ngoài ra có các đội hải thuyền thường xuyên tuần tra trên mặt biển từ Sông Cầu vào Nam Tuy Hòa 1. Phía Bắc tỉnh (sát chân đèo Cù Mông) có sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên và quân đoàn 2 đóng ở Nha Trang có phương tiện cơ động, sát cạnh TX Tuy Hòa có sân bay Đông Tác và có kho dầu Vũng Rô.
TX Tuy Hòa là cầu nối đồng bằng với địa bàn chiến lược Tây Nguyên và 2 hậu phương lớn của địch ở Quy Nhơn (Bình Định) và Cam Ranh (Nha Trang). Vì vậy mà địch phòng thủ kiên cố.
Về phía ta, suốt 2 mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 liên tục đối phó các cuộc càn quét đánh lớn dài ngày của địch, chưa kịp củng cố và bổ sung thêm lực lượng, vùng giải phóng cũ do hậu quả của các cuộc càn quét đốt phá, tiềm lực của quần chúng bị khô kiệt, động viên đóng góp sức người, sức của phải dựa vào vùng sâu, sự chi viện của trên rất hạn chế, vận động khó khăn. Do yêu cầu chung của chiến trường, cuối tháng 1/1968, Quân khu điều vào 2 tiểu đoàn của trung đoàn chủ lực số 10 ra phía Bắc tỉnh để chi viện cho tỉnh Bình Định, lực lượng còn lại là Tiểu đoàn 12, Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 85 và củng cố các trung đội đặc công, công binh, trinh sát tỉnh. Mỗi huyện có 1 đại đội hoặc 1 trung đội tập trung, mỗi xã có đội công tác 4 đến 5 tay súng.
Thuận lợi cơ bản của ta lúc đó chính là khí thế đấu tranh của quần chúng, tinh thần phấn khởi của cán bộ, đảng viên và chiến sĩ. Đầu tháng 1/1968, Nghị quyết của Tỉnh ủy được phổ biến nhanh chóng xuống tận cơ sở. Từ miền núi đến đồng bằng bao trùm một không khí chuẩn bị khẩn trương, dù biết rằng phải hy sinh gian khổ nhưng người nào cũng muốn xông ra phía trước.
Ngày 20/1/1968, Tỉnh ủy họp lần cuối để kiểm tra công tác chuẩn bị, duyệt phương án tấn công và nổi dậy ở thị xã và các huyện. Chiến dịch tấn công và nổi dậy đợt đầu mang ký hiệu T.25, phân công các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các địa bàn và các khẩu.
Sử dụng Tiểu đoàn 85, Đại đội đặc công 202 của tỉnh, các đội công tác của thị xã, bộ đội địa phương Tuy Hòa 1, Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 10) do đồng chí Nguyễn Tất Liêu - Tỉnh đội trưởng, đồng chí Khánh - Chính trị viên, Ánh Hồng - Tham mưu trưởng Tỉnh đội chỉ huy, đánh trực tiếp vào thị xã. Tiểu đoàn 14 thuộc Trung đoàn 10 và Đại đội 377 của huyện Tuy Hòa 1 trực tiếp đánh vào quận lỵ Phú Lâm, sân bay Đông Tác… Các huyện sử dụng lực lượng hiện có của mình đánh trợ tích cực cho mục tiêu tấn công vào thị xã.
Đơn vị nào có điều kiện ăn tết trước lúc xuất quân, đơn vị nào chưa chuẩn bị kịp, đợi chiến thắng về ăn tết sau. Trung đoàn 10 chưa ăn tết kịp phải hành quân cấp tốc nhưng trong ruột nghé mỗi người chỉ có 2kg gạo, khi ra đến Đa Lộc (Xuân Lãnh) phải tạm dừng chân xin sắn đồng bào, nạo gói bánh tét mang theo.
Mỹ ngụy lúc này không phán đoán được hướng, quy mô và hình thức cuộc tấn công của ta nên chúng ra lệnh báo động toàn miền hủy bỏ lệnh ngừng bắn trong dịp tết, chứ chưa có sự chuẩn bị đối phó gì cụ thể, còn lạc quan về tình hình chiến sự ở miền Nam cũng như ở Phú Yên.
Mỹ điều quân đối phó với quân giải phóng - Ảnh: TL |
Cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta bất ngờ nổ ra khắp miền Nam. Phú Yên, vào lúc 0 giờ ngày 30/1/1968 (29 tết), bọn địch trong thị xã và thị trấn vẫn bắn pháo hoa và pháo sáng để đón giao thừa. Đúng vào lúc đó, đơn vị đặc công của Thị đội nổ súng tấn công vào khu huấn luyện trung đoàn bộ trung đoàn 47 ngụy, khu cố vấn Mỹ, Ty cảnh sát diệt và làm bị thương một số tên địch. Đến 3 giờ sáng, các chiến sĩ ta rút ra đứng chân tại khu vực Ninh Tịnh. Hướng tây bắc thị xã Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 10) sau khi nổ súng phá các lô cốt bảo vệ, cố vượt tuyến rào thép gai để lọt vào bên trong, nhưng không có kéo sắt cắt dây thép gai. Đồng chí Thái, trung đội trưởng trinh sát kịp thời nêu sáng kiến moi cát chui qua hàng rào. Đúng 3 giờ sáng, quân ta vượt khỏi hàng rào đột nhập đánh chiếm sân bay, trận địa pháo và tấn công khu nhà bằng, diệt 1 đại đội Bảo an, 1 đại đội lính Mỹ bảo vệ sân bay. Bọn địch ở hướng đông nam sân bay phản kích vào đội hình tiểu đoàn, các chiến sĩ đánh trả nhưng không phát triển được vào bên trong thị xã. Để bảo toàn lực lượng, tiểu đoàn rút đến xóm Đạo thì trời đã sáng. Đảng ủy và ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định trụ lại xóm Đạo.
Sáng mồng 1 tết, địch huy động lực lượng gồm xe M.113, pháo, máy bay mở hàng chục đợt phản kích vào trận địa của tiểu đoàn. Chiến sĩ tiểu đoàn 12 vẫn kiên cường bám trụ giữ vững trận địa chiến đấu đẩy lùi các đợt phản công của địch. Có lần một tiểu đội Mỹ thọc vào khu vực chỉ huy sở tiểu đoàn, đồng chí Dũng, chiến sĩ trinh sát lập tức nhảy lên công sự dùng súng AK quét những loạt đạn chính xác tiêu diệt cả tiểu đội Mỹ và đồng chí đã hy sinh anh dũng.
Đến 17 giờ ngày mồng 1 tết, chỉ còn 10 đồng chí của Tiểu đoàn 12 đã đánh bại một tiểu đoàn quân ngụy từ hướng Lù Trầm (Bình Kiến) tiến vào. Bộ đội địa phương Tuy Hòa 2 vượt quốc lộ 1 đột nhập khu vực tây bắc núi Nhạn rồi phát triển qua khu vực bắc xóm Đạo phối hợp với tiểu đoàn 12 bám đánh địch. Qua một đêm chiến đấu, Tiểu đoàn 12 loại khỏi vòng chiến đấu 190 tên địch, thu 4 trung liên, phá hủy 4 khẩu pháo, 4 xe M.113, 30 máy bay L.19, đốt cháy 1 kho đạn.
Đợt tấn công lần thứ hai vào thị xã đêm 4 rạng ngày 5/2/1968 (đêm mùng 5 rạng mùng 6 tết), bộ đội ta lại tấn công vào hướng Tây Nam. Tiểu đoàn 85 của tỉnh chia làm hai mũi, một mũi do đại đội 3 đảm nhận đánh vào khu Ga diệt 1 đại đội Bảo an, phá 3 lô cốt. Một mũi do đại đội 2 đánh vào khu vực nhà đèn, diệt một tiểu đội bảo vệ, phá hỏng một máy phát điện. Sau đó cả hai mũi cùng phối hợp tiến vào trung tâm thị xã, đánh vào các mục tiêu tỉnh đường, tiểu khu. Tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Bá - Ty trưởng cảnh sát Lê Pháp đã cải trang giả dạng thường dân trốn thoát sang Ngọc Lãng. Suốt ngày chống trả quyết liệt các đợt phản kích của địch, lực lượng của ta đã giành giữ từng khu phố, từng ngôi nhà, từng ngõ hẻm. Đạn ĐKZ của địch, từ các trận địa pháo Nhạn Tháp, Chóp Chài liên tục rót xuống chỗ quân ta. Máy bay trực thăng vũ trang rà sát nóc phố bắn xối xả vào trận địa. Tối đến, địch dự đoán quân ta sẽ rút khỏi thị xã, chúng bố trí thành nhiều mũi nhọn, bao vây chặt vòng ngoài, chận đường rút lui quân ta.
Vào được thị xã đã khó, khi rút ra lại càng khó khăn nguy hiểm hơn. Bộ đội ta phân tán thành từng mũi nhỏ luồn lách mở đường máu ra đứng chân tại Ninh Tịnh, Phước Hậu rồi trở về căn cứ. Kết quả trong đợt tấn công lần thứ 2 ngày 5/2/1968, ta diệt 164 tên địch.
Hợp đồng với mục tiêu chủ yếu của TX Tuy Hòa là huyện Tuy Hòa 1. Các Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 10) bộ đội đặc công, công binh tỉnh, Đại đội 377 của huyện cùng với dân quân du kích bộ đội địa phương tập kích vào sở chỉ huy Trung đoàn 28 “Bạch mã” Nam Triều Tiên, sân bay Đông Tác, trận địa pháo Hảo Sơn, đánh giao thông trên quốc lộ 1, cắt đứt nhiều đoạn đường từ Hảo Sơn đến chân Đèo Cả, loại khỏi vòng chiến đấu 551 tên địch, phá hủy 33 máy bay, 6 pháo 105 ly, 155 ly và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Huyện Tuy An sử dụng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương đột nhập vào quận lỵ Phú Tân diệt trung đội Bảo an, bắn bị thương tên quận trưởng. Du kích xã An Cư phục kích trên đoạn đường số 1, bắn hỏng 1 xe Jeep, diệt tên thiếu tá Mỹ, du kích mật các ấp Định Trung, Phong Hậu, Ngân Sơn, liên tiếp hoạt động vũ trang, tuyên truyền phát động quần chúng. Bọn ác ôn địa phương hoảng loạn tháo chạy. Số đông gia đình nông dân bị dồn từ trước đã tự động gánh gồng trở về làng cũ.
Ở Đồng Xuân, ta pháo kích vào quận lỵ La Hai, vào cứ điểm Đồng Tre (Xuân Phước), cắt đoạn đường số 6 La Hai đi Chí Thạnh, La Hai đi Gò Sạn, diệt ác ôn ấp Long Thăng.
Tại Sông Cầu, huyện ủy trực tiếp chỉ đạo các đội công tác cùng bộ đội địa phương huyện đánh tan bộ máy kìm kẹp của địch ở thôn Phước Lý mở rộng thêm thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh), Tuy Phong 7 (xã Xuân Hải), thôn Lệ Uyên, Trung Trinh (Sông Cầu), thôn Triều Sơn, Gành Đỏ (xã Xuân Thọ). Bọn ngụy quyền cơ sở tháo chạy, chèo thuyền ra biển trốn.
Ở Sơn Hòa và miền tây cũ, phối hợp với huyện Đồng Xuân phá khu dồn Gò Sạn, đưa đồng bào dân tộc trở về buôn làng, tập kích sân bay Củng Sơn, chi khu Phú Đức, lô cốt Cây Đu, phá khu dồn Sơn Hà, đánh địch ở thôn Bắc Lý, Xóm Mới, đánh tan hai trung đội lính Trường Sơn, đột nhập đồn Cà Lúi, đưa dân về làng cũ làm ăn sinh sống.
Hai tiểu đoàn 11, 13 (Trung đoàn 10) theo lệnh điều động của quân khu phối hợp với tỉnh Bình Định hỗ trợ cho TP Quy Nhơn, nhưng không bắt được liên lạc, thiếu lương thực, bộ đội bị đói phải chủ động chuyển hướng, đánh giao thông chặn địch từ Tuy Hòa ra Quy Nhơn và diệt gọn 52 xe quân sự chở đầy lính Nam Triều Tiên tại đèo Cù Mông hỗ trợ cho huyện Sông Cầu phát động phong trào quần chúng nổi dậy.
Sơ bộ đánh giá rút kinh nghiệm 2 đợt tấn công, đồng thời bàn chủ trương mở đợt tấn công thứ 3 theo chỉ thị của khu ủy, ngày 12/2/1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp tại Phong Cao (huyện Sơn Hòa) có đại diện Phân khu Nam, cán bộ các tiểu đoàn, trung đoàn, các đồng chí bí thư các huyện ủy về dự đông đủ. Cuộc họp diễn ra sôi nổi góp nhiều ý quan trọng cho hội nghị, trong đó nhấn mạnh: Yêu cầu hội nghị đánh giá địch, ta trong 2 đợt tấn công cho thật khách quan, ta “thắng hay huề”… địch có bất ngờ không? Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện Phân khu Nam đánh giá một cách sâu sắc, phân tích cụ thể thế địch, thế ta và thắng lợi to lớn trên chiến trường. Một số đồng chí tuy không phát biểu công khai nhưng đã biểu lộ cho người khác biết ý mình: “Tuy có thắng lợi nhưng ta hy sinh quá lớn. Nếu tấn công vào nội thị đợt thứ 3 nữa thì địch chẳng những không bất ngờ mà ta cũng khó bảo toàn được lực lượng”. Tuy vậy, với khí thế cách mạng chung trên toàn miền, với khí phách của người Cộng sản, với ý thức chấp hành mệnh lệnh, cán bộ và chiến sĩ quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ cấp trên.
Quân giải phóng hành quân ra trận |
Lực lượng tấn công vào thị xã lần thứ 3, được tăng cường thêm Tiểu đoàn 11, Tiểu đoàn 13 từ Bình Định trở về.
Các đồng chí Trác, Bảo - trưởng, phó ban an ninh tỉnh, đồng chí Liêu - Tỉnh đội trưởng, đồng chí Khánh - Chính trị viên phó, đồng chí Hồng - Tham mưu trưởng Tỉnh đội, đồng chí Hà Phùng - Bí thư, đồng chí Diệu - Phó bí thư Thị ủy, cùng với một số đồng chí Thường vụ Thị ủy đi theo bộ đội, trực tiếp vào nội thị chỉ đạo.
Cánh thứ nhất, Tiểu đoàn 85 và Đại đội đặc công 202 (Tỉnh đội) vượt qua thôn Phước Hậu đánh chiếm khu vực trung đoàn bộ Trung đoàn 47 ngụy và Sở Mỹ. Khi hành quân vừa sát tới hàng rào, địch phát hiện bắn ra, các chiến sĩ ta bắn trả, dùng kéo thép cắt hàng rào, vượt qua công sự đánh xáp lá cà với chúng. Trận đánh diễn ra ác liệt, đến 3 giờ sáng hôm đó, chiến sĩ ta rút về đứng chân tại xóm Chùa.
Cánh quân thứ hai, Tiểu đoàn 12 (Trung đoàn 10) vượt qua thôn Liên Trì, Ninh Tịnh, đánh ngay vào ty cảnh sát, bị lộ đành rút lại xóm Chùa cùng Tiểu đoàn 85 đánh địch suốt ngày 4/3/1968, đến tối rút ra hướng Long Thủy trở về căn cứ. Quân ta đã diệt và làm bị thương trên 200 tên địch, bắn cháy 4 xe M113, đốt 1 kho xăng.
Cánh thứ ba gồm các tiểu đoàn 11, 13 (Trung đoàn 10) bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa 2, theo kế hoạch được phân công đánh địch phía tây thị xã hỗ trợ cho cánh thứ nhất và cánh thứ hai. Do chưa thạo địa hình phải ở lại đánh địch trên trục đường xã Hòa Trị, Hòa Định, Hòa Thắng, hỗ trợ cho huyện phát động quần chúng nổi dậy truy lùng bọn ác ôn phá kìm kẹp.
Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 10), Đại đội 377 của huyện Tuy Hòa 1 đánh tan 1 đại đội Nam Triều Tiên tại thôn Phước Mỹ xã Hòa Bình, rạng ngày 4/3/1968, tấn công quận lỵ Phú Lâm diệt 1 trung đội nghĩa quân, 1 trung đội bảo an, giải tỏa khu chiêu hồi Đông Tác, diệt 11 tên ác ôn, pháo kích sân bay Thọ Lâm và trận địa pháo Trung đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên ở Hòa Hiệp, giải thoát một số đồng bào bị chúng giam giữ, tập kích thôn Phú Hiệp, phá hỏng 6 pháo 105 ly và diệt 40 lính Nam Triều Tiên. Thanh niên xã Hòa Xuân phối hợp với đội công tác diệt đoàn bình định ở Bàn Thạch.
Ở Tuy An đêm ngày 3 rạng sáng 4/3/1968, ta tập kích vào Hòa Đa diệt và làm bị thương 30 tên dân vệ, du kích An Chấn, đánh lui 1 trung đội Triều Tiên, phá hủy 7 xe M.113, diệt 20 tên dẫn đường càn vào xã.
Đêm 4/3/1968, quân dân Sơn Hòa tập kích vào chi khu, quận lỵ Củng Sơn, diệt và làm tan rã 1 trung đội bảo an đang bảo vệ quận lỵ, tập kích vào sân bay, khu dồn Sơn Hà diệt một trung đội lính Trường Sơn và 1 trung đội dân vệ.
Ở Sông Cầu và Đồng Xuân, quân ta pháo kích vào quận lỵ căn cứ hậu cần Đồng Đò, căn cứ biệt kích Đồng Tre diệt 1 trung đội dân vệ ở Phước Lộc.
Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 bắt đầu từ ngày 30/1 đến 4/3/1968, quân ta đánh 119 trận vào hầu hết các thị xã, thị trấn, quận lỵ, chi khu. Đánh vào các tuyến phòng thủ, sân bay, kho tàng… diệt 2.773 tên địch, trong đó có 598 tên Nam Triều Tiên, 317 tên Mỹ, 76 tên bình định nông thôn, 96 tên ác ôn; phá hủy và phá hỏng 11 khẩu pháo các loại, đốt cháy 77 xe quân sự, 42 máy bay, 4 kho nhiên liệu, 2 lần đánh hỏng đường ống dẫn dầu Vũng Rô - Đông Tác, làm cháy 5 triệu lít xăng, phá sập 29 lô cốt tháp canh và nhiều đoạn đường giao thông quan trọng. Hơn 500 thanh niên ra vùng giải phóng tham gia lực lượng vũ trang.
Thắng lợi Tết Mậu Thân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân dân ta đã làm thay đổi cơ bản về thế trận, đưa chiến tranh cách mạng vào tận hang ổ kẻ thù, làm chuyển biến nhanh chóng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường toàn miền nói chung, Phú Yên nói riêng, và tạo thế mới có lợi cho ta. Thắng lợi đó góp phần cùng toàn miền tạo nên thế chiến lược mới với khả năng mới, làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Mỹ phải tuyên bố xuống thang chiến tranh, chịu ngồi lại ở Hội nghị Pa-ri (25/10/1969).
(Hội Khoa học lịch sử Phú Yên)