Ông vốn chỉ đi lưới giăng bắt con tôm, con cá bên cửa đầm Ô Loan (huyện Tuy An) để đắp đổi qua ngày. Cuộc sống bấp bênh, ông đành dắt díu vợ con vào cư ngụ ở xứ Trầm Hương (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Rồi một ngày xuân của hơn 20 năm trước, ông phát khởi nghề ươm giống thủy sản bằng vốn vay mượn ở làng Cát Lợi, xã Vĩnh Lương. Rồi ông bén duyên với kỹ thuật ương giống cá chẽm (còn gọi là cá vược) cung cấp cho người nuôi trong cả nước. Bây giờ ông trở thành “vua” sản xuất giống cá chẽm mỗi năm thu hàng tỉ đồng. Ông là Lê Cương (sinh năm 1957), quê ở xã An Hải, huyện Tuy An.
ĐỔI ĐỜI TỪ CÁ CHẼM
Cá chẽm sống nhiều ở Việt Nam, Malaysia, Úc, Trung Quốc. Đặc biệt, đây là giống cá có thể sống trong môi trường nước mặn, nước ngọt và nước lợ. Cá chẽm là giống cá rộng muối, cá thịt nhóm A, thịt trắng. Bộ NN-PTNT đã đề xuất phát triển nuôi cá chẽm, nhằm đưa loài cá này thành một trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ chốt với kim ngạch đạt từ 300 đến 500 triệu USD vào năm 2015. |
Chiều Cát Lợi, nắng rây hạt trên dải cát biển trắng phau. Tàu thuyền neo đậu ken dày ở phía xa ghềnh đá. Ông Lê Cương hồ hởi cho biết: “Thủy sản ở đây đâu chỉ có những con tàu. Dưới mặt nước kia, bà con nuôi hàng vạn con tôm, con cá; còn ở trên bờ với những cơ ngơi rộng lớn sản xuất hàng triệu giống thủy sản, nhất là giống cá chẽm chất lượng thượng hạng bậc nhất ở miền Trung cung ứng cho cả nước!”. Và dưới những tán dừa xanh ngát xoãi bóng bên chân sóng, hai cơ sở của ông Cương với trên 180 bể ương khoảng 5 triệu con giống cá chẽm mỗi năm. Chúng tôi được tận mắt quan sát từng đàn cá chẽm nhỏ bằng ngón tay cái bơi lội tung tăng trong bể nước lăn tăn bọt khí. Ông Cương tự hào nói: “Tôi đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho công nghệ hiện đại sản xuất giống cá chẽm. Nhờ vậy, con giống luôn đạt chất lượng cao để thả nuôi ngoài ao hồ.
Để ương nuôi thành công cá chẽm với quy mô lớn như vậy là cả một quá trình kiên trì, vừa đầu tư ương nuôi, vừa rút ra bài học kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại. Ông Cương kể lại, ban đầu ông ương tôm sú giống thu lãi cao. Nhưng thời hoàng kim của nghề nuôi tôm dần thất bát và “đứng bánh” do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường tràn lan. Hàng vạn ao đìa bỏ hoang, không còn mấy người mua giống tôm, ông đành “ngồi chơi xơi nước” tính kế ương nuôi loại giống khác.
“Tôi “mê” chuyển đổi giống cá chẽm. Bởi hồi còn trẻ ở quê An Hải, tôi thường đánh bắt cá chẽm tự nhiên ở cửa đầm Ô Loan. Loại cá này rất ngon, bổ dưỡng nhưng sau này bị khai thác cạn kiệt. May mắn là năm 2005, tôi được tham gia lớp tập huấn ương nuôi cá chẽm do Trường đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức với sự tài trợ của hợp phần Suma thuộc chương trình FSPS. Từ đó, tôi tiên phong sản xuất giống cá này và gắn bó với nó đến nay”, ông Cương tâm sự.
Hiện cơ sở ương nuôi giống cá chẽm của ông Cương lớn nhất trong cả nước, cung ứng giống chất lượng cho người nuôi các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Huế, Quảng Bình và các tỉnh phía nam. Ông Cương đổi đời nhờ nguồn thu từ giống cá chẽm mỗi năm nhiều tỉ đồng. Mọi người yêu mến gọi ông là “vua” giống cá chẽm!
Cá chẽm thương phẩm |
CÁ CHẼM NUÔI CÔNG NGHIỆP - TẠI SAO KHÔNG?
Ông Cương cho biết, khi nghề nuôi tôm sú xuất khẩu gặp khó khăn thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi xuất khẩu trở nên cần thiết. Và cá chẽm là một đối tượng xuất khẩu có nhiều tiềm năng, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2009 đến nay. Nuôi công nghiệp có thể đạt 30 tấn/ha, với giá hiện nay dao động 80.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 2,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ mới có số ít doanh nghiệp trong nước nuôi cá chẽm công nghiệp, chưa có hộ dân nào tham gia mô hình này.
Theo ông Lưu Văn Tân - người nuôi cá chẽm 10 năm tại vịnh Xuân Đài (ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu), cá chẽm thay thế con tôm thả nuôi trong ao hồ vốn bỏ hoang, phát triển rất tốt. Nguồn giống được lấy từ cơ sở ông Cương có chất lượng cao, tỉ lệ hao hụt chỉ 10%. “Tôi đang thả 4 vạn cá chẽm sinh trưởng nhanh, khoảng 8 tháng là thu hoạch, chắc chắn đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tôi rất muốn nuôi cá công nghiệp nhưng chưa xoay xở được vốn!”, ông Tân nói.
Cá chẽm là món khoái khẩu của người dân miền Bắc, nên thị trường tiêu thụ trong nước khá ổn định. Hiện cá chẽm cũng đã xuất sang Thái Lan, Mỹ, Úc với số lượng lớn. Ông Cương hiến kế: “Để phát triển nuôi cá chẽm công nghiệp bền vững thì Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí, các doanh nghiệp liên kết với người dân để nuôi cá sạch và đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm. Đặc biệt mở rộng quy mô sản xuất giống sạch bệnh, cung ứng nuôi cá công nghiệp nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế rủi ro trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân”.
Ngày giáp tết, tôi cùng một số người bạn thưởng thức món cá chẽm hấp thơm lừng, vừa béo vừa ngon. Ông Cương cho hay, nếu thưởng thức món cá chẽm chiên kiểu Campuchia, cá chẽm nướng tương giấm và cá chẽm chiên kiểu Thái thì càng hấp dẫn hơn và “hút cơm”!.
Cá chẽm được người tiêu dùng rất quan tâm do chất lượng của nó cao; và cá chẽm được hy vọng là “ngôi sao” mới trong thị trường thủy sản!
Ông vốn chỉ đi lưới giăng bắt con tôm, con cá bên cửa đầm Ô Loan (huyện Tuy An) để đắp đổi qua ngày. Cuộc sống bấp bênh, ông đành dắt díu vợ con vào cư ngụ ở xứ Trầm Hương (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Rồi một ngày xuân của hơn 20 năm trước, ông phát khởi nghề ươm giống thủy sản bằng vốn vay mượn ở làng Cát Lợi, xã Vĩnh Lương. Rồi ông bén duyên với kỹ thuật ương giống cá chẽm (còn gọi là cá vược) cung cấp cho người nuôi trong cả nước. Bây giờ ông trở thành “vua” sản xuất giống cá chẽm mỗi năm thu hàng tỉ đồng. Ông là Lê Cương (sinh năm 1957), quê ở xã An Hải, huyện Tuy An.
NGUYÊN LƯU