Thứ Sáu, 20/09/2024 15:56 CH
Vùng đất dưới chân Chóp Chài mùa xuân 1975
Thứ Sáu, 13/02/2015 10:07 SA

Tù binh ngụy bị quân và dân ta bắt sống tại Tuy Hòa, bị dẫn đi dưới chân núi Chóp Chài tháng 4/1975 - Ảnh: Tư liệu

Liên tiếp nhiều đêm cuối năm 1974, pháo binh của ta dùng cối 82 ly đặt từ Phước Hậu rót đạn vào Chi khu Quân sự Tuy Hòa.

 

Trên đồng cát Ninh Tịnh, ta kéo từ hầm lên nhiều khẩu H12 nã đạn vào Tỉnh đường ngụy. Vành đai du kích hai xã Bình Phú, Hòa Kiến ngày càng siết chặt vào TX Tuy Hòa. Chúng vội vã cho xây cơ quan quận lỵ và Cơ quan Quân sự Chi khu Tuy Hòa nống ra gò Cổ Chi giữa thôn Phước Hậu, hòng nới rộng vành đai phòng thủ của chúng, khống chế cả phía bắc Phước Hậu và Thanh - Minh - Ngọc. Lực lượng đặc công TX Tuy Hòa đã tập kích đánh sập lần đầu trong lúc chúng đang xây dựng. Nhưng địch vẫn cố sống chết giữ bằng được gò cát này; chúng tiếp tục xây dựng để thực hiện âm mưu lấn chiếm. Đêm 10/2/1975, trước giờ chúng tổ chức khánh thành và đưa lực lượng ra đóng chốt thì lực lượng ta đã kịp thời tiến công, đánh bật trung đội phòng vệ dân sự canh giữ, đánh thủ pháo sập toàn bộ công trình chúng vừa xây xong. Bọn hành chính và chi khu quân sự của địch “hú hồn”, nhiều tên mừng thầm nhắn lời cảm ơn cách mạng, nhờ đánh phá tan hoang mà chúng khỏi lạnh lưng ở cửa “tử thần”.

 

Những hoạt động cách mạng sôi động dưới chân núi Chóp Chài đã thúc đẩy phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong thị xã đứng lên chống Mỹ - Thiệu. Ở đâu người ta cũng bàn tán xôn xao về đấu tranh chống tham nhũng, đòi hòa giải hòa hợp dân tộc.

 

Đa số bà con trong thị xã, trong các vùng địch còn tạm thời kiểm soát đều ngã hẳn theo xu thế tất thắng của cách mạng. Các cuộc đấu tranh chống bắt lính, đôn quân với quy mô nhỏ đều khắp diễn ra hàng ngày. Tinh thần ngụy quyền, ngụy quân sa sút dao động mạnh. Phong trào đào rã ngũ, lính kiểng, lính ma phổ biến khắp các cơ quan đơn vị của địch. Mâu thuẫn nội bộ của chúng trở nên gay gắt.

 

Tháng 2/1975, Huyện ủy Tuy Hòa 2 và TX Tuy Hòa triển khai tinh thần nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về “động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khắc phục mọi khó khăn, tập trung cao độ giành thắng lợi lớn nhất trong năm 1975, nhằm góp phần cùng toàn miền tiến tới hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong thời gian ngắn nhất”.

 

Quyết tâm chiến lược của toàn Đảng đã truyền cho mỗi đảng viên một nguồn sinh lực mới. Các đồng chí cán bộ xã, cán bộ các mũi công tác được phân công từng bộ phận, bám vào dân, trụ luôn cả ngày đêm từng thôn xóm, chuẩn bị mọi điều kiện lãnh đạo lực lượng quần chúng toàn xã vùng lên giải phóng quê hương.

 

Tỉnh đường ngụy tại Tuy Hòa bị quân và dân ta tấn công trong chiến dịch xuân 1975 - Ảnh: Tư liệu

 

Ngày 11/3/1975, hòa nhịp với quân dân Tây Nguyên nổ súng tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, trận mở màn then chốt của chiến dịch mùa xuân 1975, quân dân các huyện ở Phú Yên đồng loạt nổ súng tấn công vào các cứ điểm địch, cắt đứt các đường giao thông, bao vây tiêu diệt các chi khu, yếu khu quân sự địch.

 

Đêm 16/3/1975, ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Núi Tranh (xã Hòa Quang) tấn công hai đại đội bảo an ở Hòa Định Đông. Đêm 17/3/1975, bộ đội ta đánh địch tại Hòa Thắng. Tại Bình Phú, Hòa Kiến từ ngày 11 đến 16/3, các mũi công tác của lực lượng vũ trang thị xã phối hợp với du kích địa phương tấn công các trung đội nghĩa quân, hoàn toàn làm chủ tình hình cả ngày đêm ở Thanh - Minh - Ngọc. Lực lượng phòng vệ dân sự của địch ở hai xã vội vã giấu vũ khí trốn về nhà. Nghĩa quân, dân vệ phần đông đã rã ngũ, số còn lại chui sâu vào thị xã. Ban đêm, các mũi công tác thị xã hoàn toàn làm chủ tình hình, ngay cả các vùng sâu nhất như phường 2, Ninh Tịnh, Phước Hậu và các ô, ấp dồn dân. Bọn ngụy quyền, tề điệp khiếp sợ, tìm chỗ ẩn trốn không dám về. Có nhiều tên đã bỏ việc đưa cả gia đình chạy vào Sài Gòn lánh nạn. Đêm đêm, tiếng súng tấn công địch xen lẫn tiếng pháo nã đạn vào các căn cứ địch trong nội thị.

 

Trên các đồi cao vang vọng tiếng loa truyền 10 điều chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lời kêu gọi của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Không khí quanh vùng thị xã náo động, sôi sục thao thức, mong chờ. Ban đêm, trên quốc lộ 1, từng đoàn xe chật ních người và đồ đạc chen nhau đổ vào Nam. Trên các ngả đường vắng bóng bọn quân cảnh, cảnh sát rình rập lục xét bắt người như trước. Phố xá các nhà hai bên đường đóng kín cửa. Bọn tàn quân di tản từ Tây Nguyên xuống, đổ ra đường, ra chợ cướp giật bắn giết hỗn loạn.

 

Ngày 30/3/1975, một trung đoàn thuộc Sư đoàn 320 cùng toàn bộ cán bộ, chuẩn bị giải phóng gồm có Ủy ban Quân quản tỉnh Phú Yên do đồng chí Cao Kỳ Trí (Ba Điệu), Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Quân quản TX Tuy Hòa, cùng lực lượng Ban Quân quản xã Hòa Kiến và xã Bình Phú hình thành lực lượng tổng hợp mục tiêu đánh vào tỉnh lỵ Phú Yên, hang ổ cuối cùng của địch. Cuộc hành quân xuất phát từ suối Đá Bàn (Cẩm Tú). Tối 31/3, bộ phận lãnh đạo trụ tại Minh Ngọc chuẩn bị tiến vào tiếp quản TX Tuy Hòa mà toàn Đảng, toàn dân hai xã Hòa Kiến, Bình Phú làm nòng cốt. Chiều 31/3, phát hiện chủ lực của ta xuất hiện, bọn địch cảnh giới trên đỉnh Chóp Chài nằm im không dám đốt đèn.

 

Tối 31/3, hành lang từ Thanh - Minh - Ngọc xuống cây số 3 Phước Hậu, lực lượng ta đã chốt chặt.

 

5 giờ sáng 1/4/1975, trong lúc quân ta tiến vào TX Tuy Hòa đánh chiếm Chi khu, Tiểu khu, Ty cảnh sát, Tỉnh đường ngụy tại Tuy Hòa thì các mũi công tác lãnh đạo nhân dân nổi dậy truy bắt bọn tề điệp thôn xã, giải phóng hoàn toàn hai xã Hòa Kiến, Bình Phú.

 

Cán bộ và nhân dân hai xã Hòa Kiến, Bình Phú là đội quân hậu cần phục vụ chiến trường, hỗ trợ cho cán bộ, bộ đội tiếp quản TX Tuy Hòa. Chị em phụ nữ từ các thôn Xuân - Quang - Tường, Thanh - Minh - Ngọc, Phước Hậu, Liên Trì đã cung cấp kịp thời cho bộ đội 2.000 vắt cơm. Lực lượng du kích và cơ sở thanh niên được huy động thường trực nhiều ngày đêm cùng lực lượng bộ đội canh gác bảo vệ các trục đường giao thông, các trụ sở làm việc của các ban quân quản, truy bắt bọn tù hàng binh. Lực lượng nông dân làm dân công đã vận chuyển hàng trăm tấn chiến lợi phẩm quan trọng đưa về hậu cứ.

 

Chiều 1/4/1975, tất cả ngụy quân, ngụy quyền xã lần lượt ra trình diện và giao nộp vũ khí cho các ban quân quản xã Bình Phú, Hòa Kiến. Trên trục đường quốc lộ 1 và những bãi cát dài giáp biển của thôn Liên Trì, Ninh Tịnh, ngổn ngang áo quần, giày vớ, ba lô, mũ sắt, súng đạn của bộ binh thuộc Sư đoàn 22 ngụy ở Bình Định chạy vào từ ngày hôm trước trút bỏ bừa bãi trên các lề đường. Hàng ngàn tên ngụy khiếp đảm tan rã. Một cảnh tượng tan nát, thảm bại của bọn đánh thuê giết mướn, của những gì phi chính nghĩa, phi đạo lý đã phơi bày nhan nhản.

 

Nhân dân ta hả lòng hả dạ, ngày đêm không ngớt vẫy tay chào những đoàn xe pháo của quân giải phóng nối đuôi nhau hùng dũng như thác lũ, cuồn cuộn đổ vào Nam.

 

Các ban nhân dân các thôn được thành lập. Chiều 10/4/1975, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các xã ra mắt nhân dân trong cuộc mít tinh lớn chào mừng xã nhà được hoàn toàn giải phóng. Đó là ngày lịch sử của xã, đánh dấu quyền làm chủ quê hương thuộc về nhân dân.

 

Tại xã Bình Phú, đồng chí Phạm Khía được cử làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Tại xã Hòa Kiến, đồng chí Thái Thị Chính được cử làm Chủ tịch. Đồng bào còn lại ở các khu dồn trong xã như ô Phú Cần, Thọ Vức, Thượng Phú như được chắp cánh bay, tháo củi lồng, phá ô dỡ trại, gồng gánh đồ đạc vui vẻ kéo nhau về quê cũ. Chính quyền cách mạng xã nhà nhanh chóng khôi phục, sinh hoạt bình thường cho nhân dân, các chợ vẫn họp mua bán. Con em nô nức cắp sách đến trường. Bệnh viện, bệnh xá chăm lo sức khỏe cho nhân dân…

 

Trong không khí tràn đầy phấn khởi tin tưởng, hàng trăm thanh niên tự nguyện lên đường gia nhập quân giải phóng. Các trung đội du kích thôn, xã được tăng cường cả người lẫn vũ khí. Bộ máy công an nhân dân được hình thành từ cơ sở thôn xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn xóm. Bà con hồ hởi tăng gia sản xuất, tất cả đều tự nguyện ghi tên vào sổ vàng đóng góp hàng trăm tấn lúa, hàng triệu đồng vào quỹ nuôi quân. Tất cả để giải phóng Sài Gòn.

 

THÀNH VIỆT 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết ở Vũng Rô 50 năm trước
Thứ Sáu, 20/02/2015 09:00 SA
Mong được góp sức xây dựng quê hương
Thứ Sáu, 20/02/2015 07:00 SA
La Hai - "miền gái đẹp"
Thứ Năm, 19/02/2015 13:00 CH
Tỉ phú giống cá chẽm
Thứ Tư, 18/02/2015 14:00 CH
Mùa xuân 1954 ở bắc sông Đà Rằng
Thứ Sáu, 30/01/2015 14:00 CH
Quà quê Phú Yên giữa đất Sài Gòn
Thứ Sáu, 23/01/2015 15:29 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek