Bước vào đầu năm 1961, “ấp chiến lược” núi Miếu đã được hoàn chỉnh kiên cố theo đúng kiểu mẫu của một loại trại giam trá hình. Ngụy quân và ngụy quyền trực tiếp ở Hòa Quang đã ra sức lùa dân của 6 thôn phía bắc vào trong “ấp” sống cảnh cá chậu chim lồng.
Để khuyếch trương công trạng với quan thầy và lừa bịp, hù dọa dân Hòa Quang, ngày 17/2/1961 địch tập trung 5.000 dân trong xã về dự cuộc mít tinh do chúng bày đặt để đón cấp trên về thị sát “ấp chiến lược kiểu mẫu”.
Tỉnh trưởng ngụy quyền Phú Yên Dương Thái Đồng đích thân đáp máy bay trực thăng đến tận “Ấp núi Miếu” thị sát và dự cuộc mít tinh long trọng do đàn em tổ chức để tâng công.
…Khi tỉnh trưởng vừa bước lên khán đài thì cụ Nguyễn Vỹ (dân làng Thạnh Lâm vẫn gọi cụ Hai Thàng, làm ăn sinh sống ở chân dốc Gò Sân, bị lùa về “ấp”) - cùng xăm xăm bước lên khán đài, tay cầm roi cày, đầu đội nón chụp đứng đối diện với tỉnh trưởng Dương Thái Đồng, đĩnh đạc tố cáo: “…Tỉnh trưởng về đây để chứng kiến cảnh “lập ấp dồn dân” chống cộng sản. Nhưng số tiền và đồ dùng cấp cho dân “ấp” mỗi hộ là 2.000 đồng, một thùng dầu lửa cùng gạo và nhiều thứ khác sao không đến tay dân mà lại rơi vào các tay các ông cán bộ “ấp”, “xã” chia nhau ăn hết?” Cụ Hai Thàng vừa nói vừa chỉ thẳng vào mặt Đặng Như Ý, Đặng Lưu trong ban đại diện xã, Trần Thế Hùng và cán bộ “ấp chiến lược”. Trước lời tố cáo xác thực và bất ngờ đó, bọn tay chân ấp úng câm họng, còn tên tỉnh trưởng thì lúng túng dùng những lời lẽ đường mật, ra vẻ hoan nghênh việc tố cáo thẳng thắn của cụ Vỹ và hứa hẹn sẽ đảm bảo đời sống đầy đủ cho dân trong ấp”…
Cảnh sống cơ cực “cá chậu chim lồng” của người dân Hòa Quang vốn yêu tự do trong “ấp chiến lược” quả là một nghịch cảnh. Hàng ngày, giờ ra khỏi “ấp” được quy định vào 7 giờ sáng và chỉ được đi lại làm ăn đến 4 giờ chiều phải trở về “ấp”. Chúng hạn chế việc đi lại thăm nom khi ốm đau giữa các gia đình. Đêm đêm chúng thường gõ mỏ báo động bất thường để tập hợp điểm danh, có đêm chúng báo động đến 2, 3 lần làm cho bà con mất ăn mất ngủ.
Các thôn khác còn lại ở phía nam xã Hòa Quang cũng bị rào kín khoanh từng xóm và bị kiểm soát ngặt nghèo. Đối với bọn ác ôn thì mỗi người dân Hòa Quang là một cộng sản và mỗi việc làm đều có thể bị nghi ngờ và bị vu oan là tiếp tay cho Việt cộng… Chúng lục soát tỉ mỉ, tịch thu cả những đồ ăn, thức uống của dân, có khi chỉ là một con cá hoặc một gói mắm nhỏ.
Đầu năm 1962, đồng chí Tám Tồn (Nguyễn Mạo) Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng phong trào cách mạng xã Hòa Quang làm bàn đạp xây dựng các xã lân cận với mật danh là C1 (Hòa Quang), C2 (Hòa Định), C3 (Hòa Trị), C4 (Hòa Kiến), C5 (Hòa Thắng), C6 (TX Tuy Hòa). Đồng chí Tám Tồn đánh giá đúng địa bàn xã Hòa Quang là địa bàn quan trọng có tính chiến lược mất còn đối với địch. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Tuy Hòa 2, Chi bộ xã Hòa Quang được củng cố vững mạnh. Huyện ủy điều động đồng chí Lê Văn Bình, Mũi trưởng kiêm Bí thư Chi bộ xã Hòa Quang về làm binh vận huyện và cử đồng chí Trần Quang Minh làm Bí thư Chi bộ xã. Khí thế cách mạng lên rất cao, nhân dân phấn khởi tin tưởng hướng về cách mạng.
Kế hoạch tấn công tiêu diệt đại đội Bảo an đóng chốt núi Miếu bảo vệ ấp chiến lược được chuẩn bị chu đáo. Đúng 4 giờ ngày 12 tháng Chạp năm Dần (ngày 6/1/1963) lực lượng vũ trang ta bất ngờ tập kích chốt điểm núi Miếu. Sau những loạt tiếng bộc phá nổ vang trời, tên thiếu úy Hoàng - đại đội trưởng (tên ác ôn khét tiếng đã từng cắt tai, xẻo mũi mổ bụng, moi gan móc mật bà con đồng bào ở xã Hòa Thịnh sau cuộc Đồng Khởi nổi dậy), cùng với 72 tên lính Bảo an đóng chốt bảo vệ ấp chiến lược núi Miếu đều phải đền tội. Lực lượng vũ trang ta diệt gọn một đại đội Bảo an chỉ trong 1 giờ đồng hồ không còn tên nào sống sót. Đồng bào ở thôn bị dồn vào ấp núi Miếu, reo mừng vùng dậy đốt phá toàn bộ ấp chiến lược núi Miếu, gánh gồng đưa gia đình về nhà cũ ở. Đúng 10 giờ trưa, bọn chỉ huy quận mới đưa quân đến ứng cứu. Quân ứng cứu dồn dập đến ngã ba Hạnh Lâm là tụ lại, không dám tiến qua cầu Bà Bông mặc dù bọn chỉ huy dùng vũ lực thúc đẩy cũng vẫn không dám bò lên. Mãi đến 12 giờ trưa, lực lượng vũ trang ta rút khỏi trận địa, chỉ còn số đồng bào được cách mạng cho phép thu gom xác chết của giặc khiêng xuống Hạnh Lâm thì lúc này bọn chúng mới tràn lên núi Miếu để nhận sự kinh hoàng mà tội ác của chúng gây ra, đã đến lúc phải trả. Bọn quân ứng cứu khiếp vía kinh hoàng với 72 xác chết của đồng bọn nằm la liệt ở ngã ba đường chợ Hạnh Lâm - phiên hiệu của đơn vị Bảo an này bị xóa sổ. Phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng vũ trang của ta, nhân dân Hòa Quang ở trong ấp đã đốt cháy toàn bộ 500 nóc nhà, đồng thời gồng gánh đồ đạc lùa trâu bò gia súc trở về làng cũ. Tiếng “Hoan hô Bộ đội Cụ Hồ”, “Hoan hô quân giải phóng” vang trời dậy đất. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên phất phới bay trên đỉnh ngọn đá chồng trên núi Miếu.
Trận tập kích diễn ra bất ngờ đến mức không những chính bọn địch chốt giữ ở đây không kịp trở tay, mà quân tiếp viện từ TX Tuy Hòa mãi đến 10 giờ trưa mới biết và kéo lên. Nhưng khi mới kéo tới Hạnh Lâm, quân lính đi cứu viện đã hồn bay phách lạc, mặc cho những lời chửi rủa đe dọa, mặc cho mọi mệnh lệnh của bọn chỉ huy thúc quân tấn công lên núi Miếu, cũng không một tên lính nào chấp hành. Bọn chỉ huy tức tối, phải dùng vũ lực thúc ép bằng đủ cách, mãi đến 12 giờ trưa lính cứu viện mới tới được trận địa để làm nhiệm vụ thu dọn xác đồng bọn đưa về tập trung tại ngã ba Hạnh Lâm, tấp lên xe chở đi…
Trận tập kích không đầy 1 tiếng đồng hồ của lực lượng vũ trang và nhân dân Hòa Quang tại núi Miếu đã làm tiêu tan cái gọi là “ấp chiến lược kiểu mẫu” quy mô nhất cùng với đại đội Bảo an đáng tin cậy của địch. Đây là trận thắng lớn nhất trong khu vực từ sau khi Đảng có chủ trương đưa đấu tranh võ trang lên ngang hàng với đấu tranh chính trị, cho phép thể hiện sức mạnh hợp đồng giữa bộ đội chủ lực, du kích địa phương và quần chúng cách mạng. Chiến thắng núi Miếu vang dội, khẳng định được thế đứng của ta, làm cho quần chúng vững tin vào cách mạng, sẵn sàng đóng góp sức người sức của vào sự nghiệp giải phóng, đồng thời làm cho kẻ thù hoang mang lo sợ. Tiếp đến tháng 3/1963, đồng bào theo đạo Thiên chúa trong ấp chiến lược nhà thờ Hóc Gáo cũng nổi dậy phá ấp chiến lược kéo về làng cũ.
Ngày 1/11/1963, đế quốc Mỹ buộc phải làm đảo chính lật đổ tập đoàn tay sai bán nước, gia đình trị của Ngô Đình Diệm, giết chết anh em Diệm - Nhu.
Đêm 4/11/1963, thừa thế làm chủ tình hình trong xã, đội công tác của xã Hòa Quang phối hợp với “B” tập trung của huyện và T2 của tỉnh tập kích núi Miếu. Đại đội Bảo an chốt giữ ở đây hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Đồng bào trong ấp ào ào nổi dậy, tiêu diệt ngay tên ấp trưởng có nhiều nợ máu. Cùng nhau đốt phá ấp, lửa cháy thành ngọn rực trời, tiếng reo hò dậy đất. Bà con phấn khởi, gồng gánh đồ đạc bồng bế con cái trở về làng cũ của mình.
Trước tình hình bị uy hiếp bởi sức mạnh của cách mạng và sự nổi dậy của quần chúng ở Hòa Quang. Địch cấp tốc điều động Tiểu đoàn 03 thuộc Trung đoàn 47 đến hòng càn quét, cứu vãn tình hình. Chúng đóng quân án ngữ tại núi Xoài (trong cụm Ngũ Đài Sơn), trấn án khu vực ấp Tân Sinh, núi Miếu chờ lệnh của nội các mới Sài Gòn. Để lập lại bộ máy ngụy quyền ở Hòa Quang, chúng đưa tên Lưu Hạn từ xã Hòa Trị sang làm đại diện xã, nhưng quần chúng tích cực phản đối. Chúng đành phải dựng tên Nguyễn Phàn, một tên ác ôn ở thôn Cẩm Sơn lên thay thế. Bọn tề xã mới dựa vào thế lực của Tiểu đoàn 03 lại càng hung hăng, tăng cường khủng bố các cơ sở cách mạng và đồng bào trong xã…
Về phía ta, phong trào cách mạng xã Hòa Quang được phát triển và củng cố. Đồng chí Trần Quang Minh, Bí thư Chi bộ xã được cấp trên điều động về tỉnh. Đồng chí Hà Văn Thu (Chín Long) Huyện ủy viên dự khuyết được cử làm Bí thư.
Tình hình ngụy quân ngụy quyền rệu rã, dao động. Huyện ủy chỉ đạo thừa thắng xông lên giải phóng nông thôn bao vây thị trấn, thị xã.
Ngày 24/2/1964, đội công tác tấn công vào Nho Hạnh Lâm, đột nhập trụ sở Hội đồng ngụy quyền xã thu toàn bộ tài liệu. Đồng thời để thực hiện một cách có hiệu quả thế đấu tranh, 3 mũi giáp công, huyện đã cử đồng chí Nguyễn Châu (là một giáo viên của Hòa Quang trong thời kỳ chống Pháp) vẽ lại sơ đồ địa bàn hoạt động của toàn xã cùng với nhiệm vụ xây dựng cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ binh lính địch. Các đơn vị lính bảo an, dân vệ đóng ở Hòa Quang có nhiều người là học trò cũ của thầy giáo Nguyễn Châu vì vậy việc tiếp xúc, vận động binh lính của đồng chí được tiến hành một cách thuận lợi. Đặc biệt trong số học trò cũ đó có Nguyễn Văn Cương, liên trung đội trưởng dân vệ xã (gia đình phía vợ Cương có người tham gia cách mạng).
Vào một đêm hạ tuần tháng Chạp năm Quý Mão (khoảng cuối tháng 1/1964) đồng chí Châu gửi thư hẹn gặp tại nhà mẹ vợ của anh Cương ở xóm cây Duối. Sau khi bàn bạc, anh Cương nhận làm nội ứng và thống nhất phương án tác chiến.
Đêm 26/2/1964, đúng như phương án đã vạch, tại Gò Mè, vào giờ G lực lượng võ trang của ta nổ súng bất ngờ vào đội hình địch đang ngủ say. Chỉ trong không đầy 30 phút cả hai trung đội dân vệ của xã Hòa Quang gồm 60 tên không hề chống cự, hốt hoảng vứt bỏ vũ khí tháo chạy. Lực lượng của ta nhanh chóng thu được khá nhiều vũ khí. Riêng anh Cương đã mang theo một khẩu trung liên và một súng ngắn theo về với cách mạng. Cương được đưa về căn cứ và trở thành một chiến sĩ của cách mạng (năm 1972, anh Cương hy sinh tại mặt trận Củng Sơn). Trong trận đánh Gò Mè đêm ấy, ta đã làm chủ địa bàn xã Hòa Quang trong 7 ngày liền.
THÀNH NAM