Để đẩy mạnh công tác binh vận, Tỉnh ủy chọn Tuy Hòa 2 làm địa bàn trọng điểm để điều tra, vận động gia đình tề ngụy. Từ năm 1969, Ban Binh vận huyện Tuy Hòa 2 thành lập tổ binh vận hợp pháp do chị Nguyễn Thị Giới (xã Hòa Trị), Lương Thị Hợi (xã Hòa Quang) phụ trách. Tổ binh vận hợp pháp được giao nhiệm vụ bám sát Chỉ huy sở Trung đoàn 47 ngụy. Qua một thời gian tiếp xúc, tuyên truyền giác ngộ, ta đã móc nối xây dựng thiếu úy Lê Hòa làm cơ sở nội tuyến cho ta. Qua anh Lê Hòa, ta nắm mọi hoạt động của trung tá, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 47 Vi Văn Bình (thông qua mối quan hệ với bác sĩ Giáo - vợ của Vi Văn Bình). Ta từng bước cảm hóa Vi Văn Bình nên trong thời gian đóng quân ở Phú Yên, ông ta nhiều lần án binh bất động. Khi buộc phải càn quét, ông ta yêu cầu binh sĩ dưới quyền không được cướp bóc, bắn phá bừa bãi.
Trong năm 1970, Tổ Binh vận xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) vận động một trung đội phòng vệ dân sự chủ động làm binh biến, mang 6 súng carbin nộp cho cách mạng, đồng thời trung đội tự giải tán và xóa phiên hiệu. Tổ Binh vận Xuân Phước đã vận động, xây dựng anh Minh là lính bảo an của Tiểu đoàn 238 thành cơ sở nội tuyến. Anh Minh đã dùng mìn hẹn giờ đánh vào kho xăng Xuân Phước làm cho kho xăng bị bốc cháy, toàn bộ xăng và kho vũ khí gần đó bị phá hủy. Tổ Binh vận thôn Long Hà, xã Xuân Lộc (Sông Cầu) vận động anh Nhã là y tá trung đội dân vệ đưa một tiểu đội dân vệ, một lính bảo an mang theo 6 súng về với cách mạng…
Trong năm 1971, lực lượng binh vận trong toàn tỉnh đã phân phát 116.000 tờ truyền đơn, trong đó có 35.000 tờ bằng tiếng Triều Tiên, 50.000 thư tranh thủ, 30.000 thư cảnh cáo và 225 lần gọi loa tuyên truyền. Ta xây dựng được 35 tổ binh vận hợp pháp, 141 cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch. Công tác binh vận đã tuyên truyền, giáo dục, vận động, cảm hóa 1 trung đội dân vệ, 1 trung đội biệt kích, 5 trung đội phòng vệ dân sự ra ngũ tập thể; hàng ngàn lính cộng hòa, bảo an, dân vệ rã ngũ lẻ tẻ.
Phát huy thành quả, năm 1972, lực lượng binh vận phân phát 138.000 tờ truyền đơn, 27.000 tờ chính sách mặt trận, 10.000 áp phích, 60 thư tranh thủ. Ta xây dựng được 1.961 cơ sở binh vận hợp pháp, 152 cơ sở nội tuyến. Vận động làm rã ngũ 1 trung đội cảnh sát, 27 lính cộng hòa, 613 lính bảo an, 471 lính dân vệ và hàng ngàn phòng vệ dân sự.
Công tác binh vận là một loại công tác dân vận vì các gia đình binh sĩ đều thuộc thành phần cơ bản, nhiều gia đình binh sĩ đã tham gia các cuộc đấu tranh chống bắt lính, đòi chồng con trở về với gia đình; nhiều gia đình binh sĩ ngụy đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh chính trị, góp phần đắc lực vào việc làm tan rã hàng ngũ địch.
Từ năm 1969 đến 1971, bọn lính Nam Triều Tiên vẫn còn hung hăng liên tiếp mở những trận càn dai dẳng vào các vùng căn cứ, vùng giải phóng, chốt giữ các trục hành lang ở đường số 6, đường số 1, số 7. Vì vậy, nhân dân không những đấu tranh với bọn ngụy mà xáp vào vận động bọn lính Nam Triều Tiên, như đưa phụ nữ và các cụ già vào đồn gặp sĩ quan chỉ huy, yêu cầu không bắn pháo vào làng, vào núi để nhân dân an toàn làm ăn.
Phong trào đấu tranh binh vận, tranh thủ lực lượng thứ ba với khẩu hiệu “Hòa hợp dân tộc” diễn ra rất sôi nổi. Những tấm gương dũng cảm mưu trí của hàng trăm chị em phụ nữ đấu tranh không cho dời chợ Phú Lâm, cản xe không cho địch mở đường, lực lượng du kích hợp pháp đặt mìn trong xe địch… Ở Sông Cầu, có nhiều chị em giật súng địch, đấu tranh không cho chúng ủi lề nhà dân. Hàng trăm người đấu tranh chặn xe chở thanh niên bị chúng bắt lính và giải thoát cho thanh niên. Các cuộc đấu tranh ở thị xã, thị trấn và vùng sâu đã kéo cả lực lượng thương phế binh tham gia. Những bài hát yêu nước thắm tình quê hương được đông đảo quần chúng nhân dân tiếp nhận và phổ biến rộng rãi. Phong trào học sinh chống quân sự hóa học đường, đấu tranh đuổi bọn mật thám đội lốt giáo viên ra khỏi học đường, đòi trừng trị bọn tham nhũng, đòi chấm dứt chiến tranh diễn ra sôi nổi ở các trường trung học.
VIỆT THÀNH