Thứ Sáu, 20/09/2024 19:38 CH
Tiếc thương đồng chí Võ Thị Hồng Giác
Thứ Sáu, 25/04/2014 11:00 SA

LTS: Võ Thị Hồng Giác (bí danh cô Thanh tân thời), người nữ tù chính trị kiên trung của tỉnh Phú Yên vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng. Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của nữ chiến sĩ cộng sản viết hoa theo đúng nghĩa của từ này có nhiều năm tháng trải dài sau song sắt của nhà tù chế độ cũ.

Võ Thị Hồng Giác là chiến sĩ cộng sản ở Phú Yên, lúc sinh thời, cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trân trọng gọi là “ân nhân”. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Hữu Châu (con trai trưởng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) và bà Nguyễn Thị Kim Hoa (Giám đốc Bảo tàng Phú Yên) như một nén nhang lòng thương tiếc một biểu tượng kiên trung bất khuất của cách mạng Phú Yên.

bagiac140425.jpg

Bà Võ Thị Hồng Giác, người đứng hàng đầu (bên trái) chụp hình lưu niệm với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tháng 3/1993 - Ảnh: M.KÝ

Tiếc thương cô Thanh tân thời

Ngày 29/3/2014, tôi nhận được tin đau buồn: Cô Thanh (Võ Thị Hồng Giác) đã đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày 22/2/2014, dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, cô Võ Thị Hồng Giác đã rất yếu nhưng vẫn mặc áo dài thắp hương tưởng niệm! Bây giờ cô đã được gặp lại bác Ba Thọ ở dưới suối vàng để lại niềm tiếc thương ngậm ngùi trong lòng nhiều thế hệ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, có 2 anh ruột là Võ Chẩn và Võ Kính tập kết ra Bắc, cô Thanh nhiệt tình tham gia các hoạt động cách mạng. Sau Hiệp định Giơnevơ, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí: Nguyễn Thế Vịnh, nguyên Trưởng ty Công an Phú Yên, Công Minh - Tỉnh ủy viên, cô Thanh bí mật tham gia nhiều hoạt động cách mạng trong lòng địch. Tháng 1/1958, cô Thanh bị kẻ thù bắt giam tại nhà lao Ngọc Lãng vì cơ sở ở TX Tuy Hòa bị vỡ. Kẻ thù cho rằng: Cô liên quan đến việc giải thoát Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài. Bọn chúng tra tấn cô hết sức dã man. Khi bị bắt, cô mới có người yêu. Hôm tiễn anh lên căn cứ, cô hẹn: em chờ anh tới ngày cách mạng thành công. Mọi người lo lắng khi cô bị bắt, có người suy nghĩ: Chẳng biết đầu xanh tuổi trẻ, đẹp đẽ như cô Thanh tân thời có chịu được đòn tra của kẻ thù hay không? Vừa trẻ người, non dạ, vừa xinh xắn, vừa ăn vận rất thời trang như thế thì khó bảo toàn lực lượng của ta lắm. Thực tế trả lời: Cô Thanh không một lời khai báo những bí mật của Đảng, của cách mạng. Hơn ai hết, cô là người biết cụ thể đường đi nước bước trong việc giải thoát Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài, cô là người hiểu biết rất rõ nội dung 6 chiếc ghe của các cơ sở cách mạng ở xã Hòa Trị đưa xuống để giải thoát Bí thư Tỉnh ủy. Những bí mật đó đã được cô Thanh cất giữ trong trái tim đầy nhiệt huyết cách mạng của mình. Kẻ thù nghi ngờ nhưng không có chứng cứ nên buộc phải thả cô ra khỏi nhà lao Ngọc Lãng vào tháng 2/1958.

Ra khỏi nhà lao, việc đầu tiên của cô Thanh là đi tìm cách mạng để tiếp tục nhận nhiệm vụ. Qua nhiều lần đi tìm, cô gặp được đồng chí Công Minh. Hiểu rõ tấm lòng kiên trung, bất khuất của cô Thanh ở trong tù, đồng chí Công Minh rất phấn khởi. Chốn lao tù không làm nhụt chí người con gái có vóc dáng mình hạc xương mai, đẹp cả người lẫn nết, trái lại còn hun đúc thêm lòng căm thù giặc sâu sắc của cô. Đồng chí Công Minh giới thiệu cô Thanh vào hoạt động trong đường dây do đồng chí Hà Thị Vận ở xã Hòa Trị phụ trách. Trong vai một phụ nữ tảo tần buôn bán hột vịt lộn, đồng chí Hà Thị Vận đi về giữa Hòa Trị và TX Tuy Hòa như con thoi. Các nhiệm vụ cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết 15 trên địa bàn tỉnh Phú Yên như: Lựa chọn những thanh niên có lý tưởng cách mạng, đạo đức tốt, tuyên truyền ra căn cứ để thành lập lực lượng vũ trang của tỉnh, vận động tài chính trong các cơ sở nội thành để mua máy ấn loát, thuốc, dụng cụ y tế, nuôi dấu cán bộ, tổ chức hội họp bí mật… đều được đồng chí Hà Thị Vận trao đổi cụ thể, giao nhiệm vụ rõ ràng cho cô Thanh. Gia đình cô Thanh ở phường 1, trong những năm 1958-1960, là một địa chỉ đáng tin cậy của Đảng bộ tỉnh Phú Yên. Các đồng chí Công Minh - Tỉnh ủy viên, Đặng Ngọc Anh, Hà Thị Vận (Hòa Trị), Phạm Thị Lành (An Lĩnh), Võ Đức Châu (Hòa Quang); Nguyễn Lầu (Dũng) (Hòa Kiến); Trần Thành Tâm, Phan Công Thanh (Nhỏ) đã từng họp tại nhà cô Thanh. Cũng có lúc vì nhiệm vụ, cô Thanh cải trang thành một phụ nữ duyên dáng, mặc áo dài tân thời, mang giỏ xách sang trọng nói với mọi người xung quanh là đi Sài Gòn đổi gió. Thực chất cô về Hòa Trị dự họp. Để tránh sự xoi mói của kẻ thù, đồng chí Hà Thị Vận thường chuẩn bị các loại trái cây ở Sài Gòn cho cô Thanh khi họp xong mang về. Chiều 3/9/1960, đồng chí Hà Thị Vận nói:

- Thanh à, em có biết chị Bỉnh (Phan Thị Bỉnh tức bà Thừa Hoàng) không?

- Dạ, trước khi bị bắt sang Ngọc Lãng, chị Bỉnh là cơ sở do em và chị Lành ở An Lĩnh gây dựng. Khi em ở bên Ngọc Lãng, em cũng có gặp chị Bỉnh.

- Như thế là ổn rồi, theo cơ sở báo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thường sang giếng nhà chị Bỉnh tắm. Em gặp chị Bỉnh nhờ chị thu xếp gặp luật sư ở nhà anh Sự. Nếu gặp được luật sư, em hỏi ý luật sư có ra vùng giải phóng không. Em đi ngay bây giờ đi, việc gấp lắm rồi.

Gặp đồng chí Bỉnh, cô Thanh được đồng chí Bỉnh hẹn 5 giờ chiều hôm sau gặp luật sư tại nhà đồng chí Nguyễn Sự. Đúng 17 giờ chiều 4/9/1960, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mặc bộ bà ba trắng đến nhà đồng chí Nguyễn Sự ở TX Tuy Hòa. Tại đây, cô Thanh mặc bộ áo dài trắng nói với luật sư ý của tổ chức. Luật sư trao đổi những ý nghĩ của mình với cô Thanh và đồng ý ra chiến khu.

Sau khi nghe ý kiến của luật sư, cô Thanh về báo cáo với đồng chí Hà Thị Vận. Tổ chức phân công đồng chí Trần Đức Châu tiếp tục tiếp cận với luật sư. Đóng vai một nông dân đi thưa kiện chuyện ruộng đất với bà Lê Thị Cụt, chị dâu cô Thanh, đồng chí Võ Đức Châu được cô Thanh đưa đến gặp luật sư.

Gặp đồng chí Võ Đức Châu, luật sư biểu hiện quyết tâm đi ra chiến khu. Theo kế hoạch, có 3 người trong nhóm Hòa Bình ra đi nhưng chỉ có 2 chiếc xe đạp nên luật sư nhờ đồng chí Nguyễn Sự ráp thêm một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp này, đồng chí Nguyễn Sự phân công cô Thanh ráp. Ngày 10/9/1960, cô Thanh chờ đồng chí Sự ở điểm hẹn rất lâu mà không thấy đồng chí Sự lên. Trong lúc ngồi chờ, ông Lê Văn Thọ là thợ sửa đồng hồ, cầm tờ báo “Tiến Thủ” đọc và nói với cô Thanh:

- Giác ơi, em xem này, Pháp chết nhiều quá!

Cử chỉ của ông Thọ bị bọn địch đưa vào tầm ngắm. Cô Thanh cũng không ngờ đường dây bị lộ, cô đang bị kẻ thù theo dõi. Chúng rình rập ở các cơ sở mà chúng nghi ngờ để bắt bớ các cán bộ hoạt động. Bọn cảnh sát chặn khắp các ngả, từ ga xe lửa đến cầu Ông Chừ. Linh tính mách bảo có chuyện không lành, đồng chí Nguyễn Sự dời thời gian đến điểm hẹn gặp cô Thanh để nghe ngóng tình hình. Đến hết buổi chiều, đồng chí Nguyễn Sự đi đến nhà cô Thanh. Đồng chí nói:

- Chẳng biết có chuyện gì mà đến giờ hẹn anh vẫn không thấy người của đồng chí Phan Thị Bỉnh đưa xe tới, lính rà soát dữ quá, anh không đến lấy xe chỗ em được. Mai em đi lên Quy Hậu hỏi ý kiến cấp trên ra sao, còn anh sẽ đi lên núi Sầm gặp anh Công Minh.

Sáng hôm sau cô Thanh đi Quy Hậu, đến Phước Khánh thì cô bị kẻ thù bắt. Kẻ thù đưa cô về đồn. Tại đây, cô mới biết rằng: đường dây đưa luật sư đi đã bị lộ, nguyên nhân là do cơ sở của đồng chí Phan Thị Bỉnh bị vỡ. Kẻ thù đánh đập đồng chí Nguyễn Sự chết đi sống lại, khi đồng chí Sự trả lời không biết các hoạt động của cộng sản, không biết Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là ai. Để khủng bố tinh thần của đồng chí Sự, kẻ thù còng tay kéo đồng chí Nguyễn Sự, bị chúng đánh tơi tả về nhà thương Tuy Hòa, ngay trước cửa phòng của luật sư. Đồng chí Sự ném đôi mắt hờn căm vào kẻ thù, nhìn luật sư dửng dưng rồi trả lời dõng dạc với những kẻ lòng lang dạ thú đang theo dõi từng ánh mắt, từng cử chỉ của luật sư và đồng chí Nguyễn Sự:

Tôi không biết, không thấy, không quen người này bao giờ.

Nghe đồng chí Nguyễn Sự nói vậy, kẻ thù tức tối, lồng lộn đánh đập đồng chí Nguyễn Sự. Cách trả lời dứt khoát, ánh nhìn vô cảm của đồng chí Nguyễn Sự đã cứu thoát Luật sư trong gang tấc. Cả bộ máy khổng lồ của chính quyền ngụy hậm hực. Bọn cảnh sát ngụy đề nghị tên tỉnh trưởng phải bắt ngay Luật sư và những người hòa bình ở tại nhà thương nhưng viên chánh án can ngăn: Các ông nên nhớ “ông ta” là Luật sư không có chứng cứ mà bắt cũng tạo cớ để Cộng sản làm loạn.

Đánh đập dã man đồng chí Nguyễn Sự không đạt được ý đồ, kẻ thù đưa cô Thanh tới đối chất với Phạm Trạch, Lê Thử, 2 cơ sở trong đường dây của đồng chí Phan Thị Bỉnh cùng với Lê Văn Thọ, thợ sửa đồng hồ ở gần nhà cô Thanh.

Nghe kẻ thù thẩm vấn, cô Thanh biết đường dây của mình chưa bị lộ. Rất mưu trí, cô dõng dạc:

- Tôi không biết anh Trạch hay anh Thử là ai cả. Tôi ở gần nhà anh Thọ, biết anh Thọ. Hai anh em ngồi nói chuyện chơi. Anh Thọ có đọc báo, tôi cũng không để ý tờ báo đó nói gì. Các ông phải thả tôi và anh Thọ ra, không được bắt người vô cớ.

Mặc dù không moi được tin tức gì ở cô Thanh, nhưng kẻ thù vẫn khép cô vào tội làm cộng sản, bắt cô ở tù tại nhà lao Tuy Hòa. Sau khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giải thoát, kẻ thù mới biết bắt Lê Văn Thọ là sai lầm. Bọn chúng tức tối giở lại hồ sơ, đày cô Thanh đi Phú Lợi vì tội: tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kẻ thù giam cô Thanh 3 năm (từ tháng 10/1960 đến tháng 12/1963).

Vào chốn lao tù rất nhiều lần, nhưng cô Thanh vẫn một lòng hướng về cách mạng. Ra khỏi lao tù là cô bắt liên lạc để hoạt động. Ngày lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh tháp Nhạn, cô Thanh tròn 45 tuổi. Người con trai trong buổi đưa tiễn lên chiến khu hẹn ước với cô đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường miền Tây Phú Yên. Hàng năm, cô Thanh về miền Tây thắp nhang cho người dưới mộ, tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương.

39 năm rồi sau giải phóng, cuộc sống có rất nhiều thay đổi nhưng trong thẳm sâu của mỗi người dân Phú Yên yêu nước, rất nhiều người quý trọng cô Thanh. Và hôm nay, cô Thanh tân thời đã vĩnh biệt tất cả chúng ta để đi về với bác Thọ, với người con trai ngày xưa cô đã từng hẹn ước. Vĩnh biệt cô Thanh chúng ta tiếc thương vô hạn, nữ đồng chí lão thành cách mạng mãi là tấm gương ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ con cháu noi theo.

Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cô Giác

NGUYỄN HỮU CHÂU (Trưởng nam của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ)

Tôi thật sự đau lòng khi hay tin cô Võ Thị Hồng Giác, ân nhân của cha tôi (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) đã vĩnh viễn ra đi. Chắc chắn rằng đồng bào Phú Yên và đồng đội đón tin này trong nỗi thắt lòng.

Lúc sinh thời, khi nói về Phú Yên thân yêu - quê hương thứ hai của mình, cha tôi không bao giờ không nhắc đến những ân nhân đã từng cưu mang, giúp đỡ mình trong suốt 7 năm trời bị địch quản thúc, giam cầm tại Phú Yên. Trong những ân nhân đó có cô Võ Thị Hồng Giác.

Nhắc đến cô Giác với tên Mười Giác trìu mến, ai cũng khâm phục lòng dũng cảm, kiên cường của cô. Dù bị địch tra tấn dã man, chết đi sống lại nhưng cô quyết không khai nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà Đảng và nhân dân giao phó. Đó là tham gia vào kế hoạch giải thoát luật sư khỏi nanh vuốt của kẻ thù ở Phú Yên với mật danh là “chị Nghĩa”, để cha tôi có thể gánh vác sứ mệnh mà lịch sử giao cho, đó là: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mặc dù vậy, cô vẫn bị địch giam cầm 3 năm trời. Nhưng đối với cô, dù có bị giam cầm thời gian lâu hơn nữa, dù có bị địch mổ bụng moi gan, điều đó không quan trọng. Vì cô thầm nghĩ: “Bây giờ chết cũng yên lòng, nhiệm vụ quan trọng do cấp trên giao không bị lộ”.

Sự kiện “cô Giác bị địch tra tấn dã man vẫn giữ khí tiết để bảo vệ bí mật của Đảng”, mặc dù diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng nó mãi mãi được khắc sâu trong tâm khảm của mọi người dân.

Sau ngày giải phóng, cô tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Cô không lập gia đình mà sống một cuộc đời trong sạch, giản dị, đầy tình đầy nghĩa với mọi người trong một căn nhà nhỏ tại TP Tuy Hòa.

Tôi có dịp đến thăm cô nhiều lần và lần cuối cùng vào tháng 8/2013.

Thay mặt gia đình cố Luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cô và kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt cô. Cô mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo “suốt đời một lòng vì Đảng, vì nước, vì dân”.

 

NGUYỄN THỊ KIM HOA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek