Thứ Sáu, 20/09/2024 23:40 CH
“Già làng” Kôn Meo (Phú Yên) ở chiến trường Thừa Thiên thời chống Mỹ qua ký ức đồng đội cùng hoạt động
Vẫn còn đó đồi Kôn Meo, dốc Kôn Meo
Thứ Tư, 18/09/2013 08:43 SA

Mỗi lần qua đồi Kôn Meo, dốc Kôn Meo - những địa danh gắn với những trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tôi đều bồi hồi tưởng nhớ đến lão đồng chí Kôn Meo - người Bí thư gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên trong những năm gian khổ nhất của cách mạng miền Nam. Đồng chí, đồng bào các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên đã lấy tên Kôn Meo - Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên - huyền thoại sống của phong trào cách mạng những năm 1956-1960 ở vùng đất này để đặt tên cho ngọn đồi, con dốc ở khu vực ông Kôn Meo thường đi lại, hoạt động.

 

ho-kan-lich130918.jpg

Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Kan Lịch

Bà con dân tộc Pa Kô ở xã Hồng Vân đều biết và tự hào về địa danh đồi Kôn Meo, dốc Kôn Meo như một sự biết ơn người lãnh đạo của mình. Kôn Meo đã hóa thân vào núi rừng A Lưới, là một phần máu thịt quan trọng của lịch sử A Lưới thời kháng chiến chống Mỹ. Công lao của Kôn Meo đối với A Lưới, Nam Đông nhiều không kể hết.

 

Hồi xưa vùng này rất lạc hậu, tất cả đều mù chữ, rất ít người nói được tiếng Kinh. Kôn Meo là người Kinh, sau này mới biết tên thật là Đào Tấn Ngoạn, được Đảng phân công về làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên những năm 1956-1960. Kôn Meo cà răng, căng tai, đóng khố, hút thuốc cuốn cái điếu như người dân tộc; để tóc dài cuốn búi như người dân tộc, ăn bốc như người dân tộc, Kôn Meo ăn sắn, ăn khoai, ăn môn voọc, môn thục như người dân tộc; không có muối, Kôn Meo ăn lạt như người dân tộc. Lúc Kôn Meo lên A Lưới, tôi còn là thiếu niên 13 tuổi. Các thế hệ trước tôi đều nhắc đến công lao của Kôn Meo cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, giáo dục bà con làm cách mạng, dẫn dắt bà con xóa bỏ thói quen hủ tục lạc hậu. Lúc ấy, bà con dân tộc có thói quen ăn uống rất mất vệ sinh, thịt tươi thì không ăn, phải để cho ươn thối mới ăn. Kôn Meo bảo rằng, trên núi cao không có thuốc men, phải vệ sinh để phòng bệnh, phải ăn chín uống sôi, phải tắm giặt sạch sẽ. Kôn Meo vận động bà con không đi ngoài từ nhà sàn thải xuống, không nuôi trâu bò dưới nhà sàn, xung quanh chỗ ở phải sạch, không có mùi hôi. Kôn Meo, Ăm Mật dạy dân trồng sắn chống đói, có lương thực dự trữ để nuôi gia đình và ủng hộ cho cách mạng.

 

Kôn Meo, Ku Nô... phiên âm chữ dân tộc thành chữ viết, dạy cho nhân dân biết chữ. Kôn Meo học được nhiều thứ tiếng dân tộc, hàng ngày nói với bà con bằng tiếng dân tộc, không nói tiếng Kinh. Hồi ấy tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng gặp Kôn Meo, lúc nào gặp ông cũng hỏi nghĩa vài tiếng dân tộc chưa biết và học rất nhanh. Lúc đầu gặp Kôn Meo là cán bộ lãnh đạo ai cũng e dè nhưng Kôn Meo rất hiền, dễ gần, ai cũng yêu mến. Không có Kôn Meo cùng các đồng chí trong Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên như Ăm Mật, Quỳnh Ra Đàng, Nhà Hoài, Kôn Phơi, Ku Nô... lãnh đạo bà con làm cách mạng, xây dựng nếp sống mới... thì Miền Tây Thừa Thiên mãi mãi lạc hậu, bị địch dụ dỗ, mua chuộc. Kôn Meo chọn họ của Bác Hồ đặt cho bà con dân tộc, tôi tự hào được mang họ Hồ: Hồ Kan Lịch.

 

A Lưới bây giờ tuy còn nhiều khó khăn nhưng bà con đã có nhà ở, nhà nào cũng có cơm ăn áo mặc, có người còn có nhà cao cửa rộng. Đó là nhờ công ơn của Đảng, của Kôn Meo, Ăm Mật... bà con rất là nhớ, rất biết ơn.

 

Những điều Kôn Meo nói cách đây 56 năm đều đã thành hiện thực; cách mạng đã thành công; núi rừng đã có đường, có điện, có trường học, có bệnh viện; bà con ăn no mặc ấm; ai làm ăn khá giả thì ăn ngon, mặc đẹp, có xe máy, ti vi, tủ lạnh...

Lúc Kôn Meo đến, tổ chức Đảng cả Miền Tây chỉ có mấy người. Khi Kôn Meo đi, Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên có 15 chi bộ. Cả Miền Tây Thừa Thiên theo Kôn Meo làm cách mạng.

Tôi được Kôn Meo giác ngộ, giáo dục, dìu dắt làm cách mạng khi tuổi còn rất trẻ. Ơn ấy tôi không bao giờ quên. Kôn Meo ở Miền Tây Thừa Thiên hơn 4 năm thôi nhưng bà con đều biết ơn, đều rất nhớ.

Nhờ Kôn Meo và các đồng chí của ông mà tôi trưởng thành, sau này trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang, được ra miền Bắc gặp Bác Hồ năm 1968.

Khi Kôn Meo rời Miền Tây Thừa Thiên chuyển sang địa phương khác công tác, tôi là du kích, phong trào du kích lúc ấy do Kôn Meo chỉ đạo, xây dựng, phát triển rất mạnh. Ngày 15/4/1963, tôi và chú tôi (Hồ Vai) chỉ huy du kích tập kích đồn A Lưới tiêu diệt 15 tên địch. Trận đánh thắng lợi giòn giã, tôi được cấp trên cử đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua của tỉnh Thừa Thiên và Quân khu năm 1963.

bac-ho130918.jpg

Nhân dịp dự Đại hội chiến sĩ thi đua năm 1969, Đoàn Dũng sĩ quân giải phóng miền Nam được vinh dự đến thăm, chúc thọ Bác Hồ (19/5/1969). Hồ Kan Lịch đội mũ tai bèo đứng phía sau lưng Bác (bên phải) - Ảnh: Tư liệu

Sau giải phóng, tôi rất vui mừng gặp lại bác Kôn Meo trong một hội nghị ở Huế năm 1976. Kôn Meo có nói: “Rất vui về Kan Lịch. Trước đây cách mạng gian khổ như vậy, Kan Lịch cực khổ như vậy nhưng đã tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên. Kan Lịch được phong Anh hùng là niềm tự hào chung của các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên”.

Năm 1993, ông về thăm đồng chí đồng bào A Lưới. Lúc ấy tôi có việc phải đi Hà Nội, trong lòng cứ tiếc mãi là không được gặp lại Kôn Meo ở chiến khu xưa A Lưới. Học tập Kôn Meo - người cách mạng hết lòng vì công việc chung và luôn giúp đỡ cho người khác - vợ chồng tôi ngoài hai đứa con ruột, khi về hưu lương rất ít vẫn cố gắng nuôi 9 đứa con nuôi có hoàn cảnh rất khó khăn, trong nhà có ba con nuôi bị mù.

Nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng một cựu chiến binh - Anh hùng Lao động, doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung - gần đây tôi xây được nhà ở khang trang. Hôm về nhà mới, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có gửi tặng 10 triệu đồng. Tôi cũng đã đầu tư 50 triệu đồng mua bò và cây giống để các con nuôi lao động sinh sống.

Tôi bày tỏ lòng biết ơn Bí thư Kôn Meo bằng cách học tập tấm gương Kôn Meo lúc ở Miền Tây Thừa Thiên hết lòng vì cách mạng, vì đồng bào... và sống mãi trong lòng đồng bào vì những việc làm có ích cho cộng đồng.

Đồi Kôn Meo, dốc Kôn Meo vẫn còn đó giữa quê hương A Lưới. Kôn Meo là một phần lịch sử hào hùng sống mãi cùng năm tháng, không thể nào quên.

A Lưới, tháng 12/2012 

HỒ KAN LỊCH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek