Thứ Sáu, 29/11/2024 10:51 SA
Có một “già làng” Phú Yên ở chiến khu Miền Tây Thừa Thiên thời đầu kháng chiến chống Mỹ (Bài 3)
Thứ Tư, 11/09/2013 17:03 CH

(Tiếp theo kỳ trước)

Để đối phó với địch, Kôn Meo tích cực vận động tuyên truyền giác ngộ cách mạng, phát triển thực lực cách mạng, làm tốt công tác phát triển Đảng, chỉ trong một thời gian mấy năm xây dựng đến giữa năm 1958 được 15 chi bộ Đảng với 61 đảng viên (trong đó có 39 đảng viên dân tộc ít người, 22 đảng viên người Kinh).

 

truong-son-4130911.jpg

Cáng thương binh trên tuyến vận tải chiến lược Đông Trường Sơn ở Miền Tây Trị Thiên - Ảnh: Tư liệu

Là Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên, Kôn Meo có công rất lớn giữ vững tuyến giao liên đường dây thống nhất qua A Lưới nối liền với Hương Hóa (Quảng Trị) và vùng giới tuyến, bắt liên lạc với công an biên phòng giới tuyến Vĩnh Linh nhằm làm tốt công tác giao liên kết hợp vận chuyển một số hàng hóa bằng phương thức gùi thồ với phương châm giữ bí mật tuyệt đối “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

 

Đồng chí Dương Chưa (cán bộ tiền khởi nghĩa), lúc bây giờ là người phụ trách binh địch vận của Đồn công an biên phòng giới tuyến Vĩnh Linh (sau này là đại tá, hiện đang nghỉ hưu ở gần Đồn biên phòng 268 cảng Kỳ Hà, Khu công nghiệp Chu Lai tỉnh Quảng Nam) đã từng làm việc với Kôn Meo cùng phối hợp tổ chức đưa các già làng và học sinh ở Miền Tây Thừa Thiên theo đường dây Thống Nhất ra vùng giới tuyến để đưa ra miền Bắc. Sau khi có Nghị quyết 15, Quân đội được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ tổ chức đường dây vận tải quân sự đặc biệt 559 để đưa người và tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam. Lúc này ta đã có “đường dây Thống Nhất” của Trung ương đi qua Trị Thiên nối với Khu V. Đây là vùng căn cứ cách mạng khá vững chắc do Kôn Meo và tập thể Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên dày công xây dựng. Trước yêu cầu khẩn thiết phải có tuyến đường vận tải quân sự mới đáp ứng yêu cầu chi viện cho miền Nam, Trung ương chỉ đạo phải xoi đường vào Tây Trị - Thiên, bắt liên lạc với Khu V để mở đường tiếp vào sâu phía trong. Lúc này, Bí thư Đảng ủy Kôn Meo phụ trách địa bàn có cung đường chiến lược qua Miền Tây Thừa Thiên.

 

Ban cán sự Đảng tuyến đường 559 thường xuyên làm việc trực tiếp với bộ đội biên phòng giới tuyến, Đặc khu ủy Vĩnh Linh; Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên, Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên để triển khai xây dựng đường 559. Các buổi làm việc có đồng chí Võ Bẩm - Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559, đồng chí Quyết - Khu ủy viên Khu ủy 5, đồng chí Công - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng chí Hành (Lê San) - Phó Bí thư đặc trách khu bắc Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Vạn - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên phụ trách miền núi và đường hành lang chiến lược 559 và Kôn Meo - Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên trực tiếp tổ chức đường hành lang chiến lược qua Miền Tây Thừa Thiên.

 

Được sự chỉ đạo của Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Thừa Thiên, Kôn Meo tiên phong đi đầu cùng tập thể Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên huy động trên 500 thanh niên miền núi tham gia lực lượng mở đường Đoàn 559 và bổ sung lực lượng mở đường cho Khu ủy V. Hệ thống giao liên qua chiến khu A Lưới đã đưa đón hơn 1.000 cán bộ từ các tỉnh, Liên khu V ra Trung ương và từ Trung ương trở về miền Nam trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên gồm súng, đạn và cả công văn tài liệu mật đã đến Tà Riệp (A Lưới). Nhiều cán bộ được Kôn Meo dày công tổ chức, huấn luyện, đào tạo, sau này trưởng thành vượt bậc, trở thành anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam như Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ Dục, A Nun…

 

Trong các buôn làng ở Miền Tây Thừa Thiên, Kôn Meo vận động nhân dân xây dựng nhiều con đường nối buôn này với buôn khác, những con đường đi vào lòng dân nối liền buôn làng - sông suối - chợ trao đổi hàng hóa. Đó cũng là những con đường dành cho cán bộ, bộ đội lần theo dấu vết để đến với dân, gắn bó với dân, phát động nhân dân xây dựng cơ sở, đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, tiến đến đồng khởi để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đó cũng là con đường nghĩa Đảng - tình dân, là con đường nhân dân sử dụng đưa cơm nước, tin tức cho cán bộ cách mạng trụ bám ở chiến khu Miền Tây.

Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên do Kôn Meo lãnh đạo có nhiều sáng kiến xây dựng buôn làng, giữ vững vùng căn cứ, cải thiện đời sống nhân dân. Kôn Meo cùng với các đồng chí Cu Nô, Nhà Hoài, Quỳnh Trên,... vận động xóa bỏ những tập tục lạc hậu đối với sản xuất và đời sống, cử đảng viên “ba cùng” với đồng bào, cùng tăng gia sản xuất, phổ biến cho đồng bào Tà Ôi, Kờ Tu... kỹ thuật trồng lúa gối vụ một năm làm hai vụ, cắt lá rừng ủ phân xanh bón lúa, trồng hàng trăm vạn gốc sắn, bắp khắp các cánh rừng để tự túc lương thực ở vùng căn cứ và giúp đỡ cho cách mạng nuôi cán bộ, chiến sĩ trụ bám ở chiến khu. Anh em nam giới người dân tộc giác ngộ và loại bỏ thói kiêng cữ mang tính hủ tục, xung phong làm những việc nặng nhọc thay cho chị em phụ nữ. Đời sống các buôn làng dân tộc vùng căn cứ được cải thiện đáng kể. Kôn Meo chỉ đạo sâu sát cuộc vận động giữ gìn vệ sinh bản làng, ăn chín uống sôi, ốm đau uống thuốc chứ không mời thầy cúng. Nhiều hủ tục lạc hậu dần dần đều bị xóa bỏ như tục bán con gái, thực hiện nam nữ bình đẳng.

Kôn Meo tiên phong đi đầu trong phong trào học tiếng dân tộc Tà Ôi, Cờ Tu để cán bộ cách mạng “ba cùng” với nhân dân, vận động bà con dân tộc hướng về cách mạng bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ. Kôn Meo phân công đồng chí Cu Nô (cán bộ người Kinh, hoạt động nhiều năm ở A Lưới) phiên âm chữ Tà Ôi bằng mẫu tự La-tinh như chữ quốc ngữ để giảng dạy cho thanh thiếu niên dân tộc và phân công đồng chí Cu Đẫy (Đậu) quê Lộc An (Phú Lộc), đồng chí Cham Xang mở phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, loại bỏ hủ tục trong các buôn làng dân tộc Miền Tây Thừa Thiên.

Để đào tạo đội ngũ trí thức cho con em các dân tộc phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài, Bí thư Kôn Meo chủ trương chọn con em các dân tộc đã trải qua công tác, trung thành với cách mạng... gởi ra miền Bắc học tập. Năm 1957, Kôn Meo về từng buôn làng gặp gỡ phân tích với già làng và bà con buôn làng lợi ích của việc học văn hóa, cùng với già làng và cán bộ nòng cốt trong Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên trực tiếp chọn lựa con em đưa ra miền Bắc.

Đợt đầu, Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên chọn 14 thanh thiếu niên đã trải qua công tác thuộc các dân tộc Pa Kô, Pa Hy, Cơ Tu, trong đó có Hồ Văn Khôi, Lê Văn Rách, Lê Văn Giang (Yeh), Phi Đen, Mô Lô Cai, Hồ Văn Đớ, Hồ Bư, Lê Thế Khâm... Những năm sau đó, Kôn Meo tiếp tục tuyển chọn một số thiếu niên đưa tiếp ra miền Bắc học như Kan Vít, Kan Vor, A Rét Chuông, Pa Lơng Sok, Kar An Vel, Kan Nec...

Con em các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên được đưa ra miền Bắc học tập đều trở thành trí thức (kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, cán bộ kinh tế, cán bộ văn hóa...) trở về phục vụ quê hương. Hội học sinh miền Nam ở huyện A Lưới mãi mãi biết ơn Kôn Meo và các đồng chí của ông là những người thầy cách mạng thắp lên ngọn lửa ý chí niềm tin về lẽ tất thắng của cách mạng ở Miền Tây Thừa Thiên và tầm nhìn xa trông rộng của người cộng sản trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ kế tục để phục vụ cách mạng lâu dài.

Phong trào ca hát mang bản sắc các dân tộc được phát động khắp các buôn làng, lôi cuốn đông đảo nam nữ thanh niên hát các bài ca cách mạng ca ngợi Đảng, Bác Hồ và cuộc sống chiến khu xanh.

Là một cán bộ vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc dày dạn và có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, Kôn Meo đã dày công tổ chức cho chuyến đi của các già làng ở vùng chiến khu Miền Tây Trị Thiên ra Bắc gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ năm 1957. Sau chuyến đi, các già làng càng tin yêu Đảng, Bác Hồ, tích cực vận động buôn làng giúp đỡ cách mạng, giữ vững và phát triển chiến khu.

(Còn nữa)

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek