Thứ Sáu, 29/11/2024 10:39 SA
Có một “già làng” Phú Yên ở chiến khu Miền Tây Thừa Thiên thời đầu kháng chiến chống Mỹ (Bài 4)
Thứ Tư, 11/09/2013 17:05 CH

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

 

Nhờ “ba cùng” gắn bó với bà con các dân tộc, được bà con che chở nên Kôn Meo đã mấy lần thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Lần thứ nhất vào tháng 6-1958, trong một chuyến công tác, Kôn Meo đang ở nhà dân ở buôn Cần Tôm (xã Hồng Thượng, A Lưới) thì bọn biệt kích ngụy xộc vào khám xét, ông bình tĩnh cùng già trẻ trong nhà ngồi bệt xuống nhà sàn, cởi tà lệt (túi ba lô nhỏ đan bằng mây, giữa có ngăn to, hai bên có túi nhỏ; tà lệt còn được gọi là cùi, chè lệt). Trước đó, ông đã thực hiện búi tóc, để râu dài, cà răng, căng tai, phơi nắng làm cho người đen giống hệt bà con dân tộc và nói thông thạo tiếng nói dân tộc nên bọn địch cứ ngỡ là một già làng không phát hiện được. Ông đã thoát khỏi sự vây ráp của địch một cách nhẹ nhàng, còn đồng đội thì lo sốt vó cho ông và mừng hú vía khi ông bình an trở về. Lần thứ hai vào tháng 10/1959, tại nhà của Hồ Vai (sau này là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) ở xã Thượng Ninh, ông cũng thoát hiểm trong một tình huống nguy hiểm tương tự.

 

a-luoi-ngay-nay130911.jpg

Thị trấn A Lưới ngày nay - Ảnh: Tư liệu

Một cống hiến đặc sắc của Kôn Meo trên cương vị Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên là phát động đấu tranh vũ trang tự vệ, lãnh đạo nhân dân diệt ác, phá kèm, giữ vững căn cứ. Tháng 10-1959, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Vạn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách miền núi, để củng cố khối đoàn kết đồng bào các dân tộc, Kôn Meo cùng đồng chí Kôn Mật tổ chức Đại hội đoàn kết dân tộc ở chòi Cu Trưa, làng Pu Ây, xã Phong Bình bên bờ sông A Sáp với sự tham gia của các già làng trưởng bản, Đảng ủy Miền Tây, cán bộ chủ chốt các xã vùng căn cứ, đại diện cán bộ đường Trường Sơn (đoàn 559)...

 

Đại hội tổ chức lễ đâm trâu ăn thề, nguyện một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, trung thành với cách mạng, đoàn kết đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Đại hội thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc Miền Tây Thừa Thiên, tập hợp đông đảo các già làng đại diện cho các dân tộc cùng kề vai sát cánh với cách mạng bảo vệ chiến khu, bảo vệ buôn làng.

 

Trước sự lớn mạnh của phong trào Miền Tây Thừa Thiên do Kôn Meo làm Bí thư, Tỉnh ủy chủ trương phát động khởi nghĩa làm chủ miền núi, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc để cách mạng đứng chân tiến về đồng bằng.

 

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 15, từ ngày 1/7 đến 30/7/1959, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh có 25 đồng chí tham dự tại thôn Ca-Chê, xã Hương Sơn (Miền Tây Thừa Thiên) gồm các đồng chí Tỉnh ủy viên, cán bộ cốt cán các huyện, Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên và các đồng chí phụ trách các bộ phận công tác của Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Sáu - nguyên Ủy viên Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên trong kháng chiến chống Mỹ cho biết, tại Hội nghị này báo cáo của đồng chí Kôn Meo - Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên được Tỉnh ủy sử dụng làm phần báo cáo của Nghị quyết Tỉnh ủy về phong trào giải phóng miền núi, xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc, đặc biệt là công tác phát triển Đảng. Miền núi Thừa Thiên trước khi Kôn Meo về nhận nhiệm vụ Bí thư chỉ có vài đảng viên người Kinh, sau 3 năm phát triển được 15 chi bộ và hai chi bộ giao thông với tổng số 150 đảng viên, tạo thế và lực cho phong trào cách mạng Miền Tây Thừa Thiên phát triển vững chắc.

 

Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Minh, Ủy viên Thường vụ Khu ủy V, Bí thư Liên tỉnh ủy Trị -Thiên thay mặt Khu ủy truyền đạt Nghị quyết Khu ủy. Đồng chí Lê Minh giao trách nhiệm cho Kôn Meo xây dựng phong trào miền núi cả hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên trải dài từ núi Bạch Mã đến giới tuyến tạm thời.

Thực hiện chủ trương này, Bí thư Kôn Meo cùng tập thể Đảng ủy Miền Tây lãnh đạo bà con các dân tộc vùng căn cứ A Lưới, A Sao và phía tây Hưng Hóa chuẩn bị đồng khởi vũ trang giải phóng Miền Tây Trị Thiên, phát động phong trào thanh niên làm chông bẫy, tích cực tập luyện quân sự; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ xã đội, thôn đội, mở lớp huấn luyện phát động quần chúng nổi dậy cho cán bộ chủ chốt. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng dân quân du kích được tổ chức ở hầu hết các buôn, làng trong vùng.

Lực lượng dân quân du kích do Bí thư Kôn Meo chỉ đạo xây dựng đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần chặn đứng âm mưu càn quét vùng căn cứ của quân ngụy. Phong trào diệt ác phá kèm nở rộ khắp Miền Tây Trị Thiên. Bốn nữ thanh niên làng La Đụt do Kan Kim chỉ huy đã dùng tay không bắt sống lính ngụy, thu 4 súng khi chúng tuần tiễu quanh đồi gần làng. Du kích Kôn Mia ở làng Ba Rinh dùng ná bắn tên có tẩm thuốc độc tiêu diệt tên thiếu tá ngụy chỉ huy càn quét ở làng A Rum. Du kích làng Lê Ninh gài bẫy diệt một tên ác ôn cấp quận. Bà con Ba Đa - Khe Tre (vùng núi Phong Điền) phá trại tập trung trở về làng cũ.

Trước sự lớn mạnh của lực lượng du kích Miền Tây, Bí thư Kôn Meo chỉ đạo thành lập Trung đội du kích tập trung đầu năm 1960 do đồng chí Hồ A Tum làm Trung đội trưởng, Hồ A Bông làm Trung đội phó.

Ngày 13-9-1960, xã đội Hồng Bắc bố trí một tiểu đội du kích do đồng chí Hồ Vai chỉ huy chặn đánh địch từ đồn A Lưới càn quét ở vùng Hồng Bắc. Khi địch vượt qua vùng đông Ta Rênh, du kích đồng loạt tập kích bằng vũ khí thô sơ, tiêu diệt 12 tên, làm bị thương 10 tên, thu một số súng đạn. Thắng lợi này mở ra phong trào du kích chiến tranh vũ trang tiêu diệt địch trong toàn Miền Tây Thừa Thiên. Tháng 10-1960, thực hiện chủ trương của Liên khu ủy V phát động đồng khởi ở miền núi, Kôn Meo cùng các đồng chí Kôn Mật, Nhà Hoài (Đảng ủy viên Miền Tây) trực tiếp chỉ đạo chi bộ Hương Lâm do đồng chí Quỳnh Trên làm Bí thư, bố trí du kích diệt gọn bọn ác ôn và đánh tan trung đội địch ở Bà Lạch. Hơn 2.000 đồng bào Hương Lâm tổ chức mít tinh tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy, nghiêm trị tên Quỳnh Chàng theo luật tục dân tộc Kờ Tu. Kôn Meo phân công các đồng chí Kà Lom, Cu Tích chỉ huy du kích truy bắt các tên phản động ác ôn ở xã Phong Lâm và nghiêm trị theo luật tục Tà Ôi.

Phát huy thắng lợi của hai xã điểm Hương Lâm, Phong Lâm, Kôn Meo chỉ đạo phát động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, thiết lập chính quyền cách mạng tự quản, phát động phong trào toàn dân đánh giặc, bao vây bứt rút 15 đồn bót của địch, làm cho địch chỉ còn đủ sức co cụm lẻ loi ở các cứ điểm kiên cố như A So, A Lưới, Nam Đông, Khe Tre. Miền Tây Thừa Thiên cơ bản được giải phóng, hình thành vùng căn cứ địa liên hoàn, bảo đảm thông suốt tuyến hành lang chiến lược đi qua Miền Tây Thừa Thiên.

Địch điên cuồng tập trung lực lượng phản kích, sử dụng nhà thờ Tin lành ở Khe Tranh gom dân vào các cứ điểm A Lưới, A So, Khe Tre, Nam Đông, Khe Tranh. Địch hung hăng huy động 3 tiểu đoàn càn quét triệt hạ các buôn làng, chặt đầu đồng chí A Vần, một thanh niên dân tộc kiên trung bị địch bắt đã dũng cảm đánh lại chúng (đồng chí A Vần được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang tháng 12/1994).

Kôn Meo cùng Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên đã lãnh đạo quân dân kiên cường chống trả, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Đêm 18/10/1960 dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Miền Tây, 15.000 đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Kờ Tu, Vân Kiều đã đồng loạt nổi dậy giải phóng Miền Tây. Cách mạng đã đứng chân vững chắc và tiến về đồng bằng.

Trước yêu cầu phát triển mới của cách mạng miền Nam, Đào Tấn Ngoạn (Kôn Meo) sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên, được Khu ủy V điều động lên Tây Nguyên cuối tháng 10-1960 đảm nhiệm trọng trách Bí thư B ủy B5 (một phần Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông hiện nay) để xây dựng phong trào cách mạng và góp phần quan trọng xây dựng tuyến đường Trường Sơn nối liền Khu V, Khu VI với Trung ương Cục miền Nam.

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek