Thứ Sáu, 29/11/2024 09:31 SA
“Già làng” Kôn Meo (Phú Yên) ở chiến trường Thừa Thiên thời chống Mỹ qua ký ức đồng đội cùng hoạt động
Kôn Meo (Đào Tấn Ngoạn) tham gia mở đường Trường Sơn (bài cuối)
Thứ Hai, 16/09/2013 09:17 SA

(Tiếp theo và hết)

Vượt qua đường 9 cũng là một thử thách lớn. Mỗi người vượt qua đường đều mang theo tấm nilông, người đi trước rải nilông bước lên, người qua sau cùng cuộn lại mang theo. Lúc trời khô ráo thì đi dọc khe cạn, chui qua cống, qua gầm cầu bắc ngang các khe. Còn vượt sông Ba Lòng thì lội bộ, khi nước lớn thì dùng bè vượt sông.

Duong-chua-Ku-tong130916.jpg

Cán bộ tiền khởi nghĩa, đại tá Dương Chưa (phải) và con rể - đồng chí Ku Tông, nguyên Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, những đồng chí thân thiết của ông Kôn Meo

Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 đề ra đường lối cách mạng cả nước và của miền Nam trong giai đoạn mới.

Quân đội được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ tổ chức đường dây vận tải quân sự đặc biệt - đường 559 - để đưa người, tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam, tạo điều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 15, từng bước đưa cách mạng miền Nam phát triển. Lúc này ta đã có “đường dây Thống Nhất” của Trung ương đi qua Trị - Thiên vào đến Khu V. Đây là vùng căn cứ cách mạng khá vững chắc do đồng chí Kôn Meo và tập thể Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên dày công xây dựng. Nơi đây, các trạm giao liên Khu V và các tỉnh Trị - Thiên đã móc nối tổ chức các đường dây liên lạc thông suốt. Nay trước yêu cầu khẩn thiết của sự chuyển hướng nhiệm vụ chính trị mới, phải có tuyến đường vận tải quân sự mới đáp ứng yêu cầu chi viện cho miền Nam. Trong hai năm 1959-1960, phải xoi đường vào Trị - Thiên, từ đó bắt liên lạc với Khu V để mở đường tiếp vào sâu phía trong. Lúc này, đồng chí Kôn Meo phụ trách địa bàn có cung đường qua Miền Tây Thừa Thiên vô cùng quan trọng.

Ban cán sự Đảng tuyến đường 559 liên tục làm việc trực tiếp với bộ đội biên phòng giới tuyến, Đặc khu ủy Vĩnh Linh, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đảng ủy Miền Tây Trị Thiên để triển khai xây dựng đường 559. Tôi còn nhớ, các buổi làm việc có đồng chí Võ Bẩm - Tư lệnh kiêm Chính ủy đoàn 559, đồng chí Quyết - Khu ủy viên Khu ủy 5, đồng chí Công - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng chí Hành (Lê San) - Phó bí thư đặc trách khu bắc Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Vạn - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên phụ trách miền núi và đường hành lang chiến lược 559 và đồng chí Kôn Meo - Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên trực tiếp tổ chức đường hành lang chiến lược qua miền Tây Thừa Thiên. Các đồng chí Đoàn 559 và lãnh đạo địa phương thống nhất: “Trước mắt phải mở đường bí mật ở Đông Trường Sơn vào đến Tây Trị - Thiên, nối được với căn cứ Khu ủy V. Tổ chức đảm bảo cho các phân đội hành quân vào Nam. Dựa vào sức người là chính, tổ chức vận chuyển những mặt hàng thiết yếu cho chiến trường”.

Sau nhiều ngày khảo sát địa hình và theo dõi địch, lực lượng ta tìm được điểm vượt từ Rào Quán đến ngã ba sông Đắk Krông. Đoạn này núi rừng hiểm trở, vách đá dựng đứng, vực sâu, nước sông chảy xiết, địch ít chú ý. Từ nam đường 9 trở vào, qua khỏi sông Đắk Krông là rừng le xen cỏ tranh lúp xúp; đường bằng phẳng, đôi chỗ lầy lội, lau lách rậm rạp. Đoạn này kéo dài tới khu vực A Sầu, A Lưới thuộc địa bàn của Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên do đồng chí Kôn Meo làm Bí thư. Sau khi nghiên cứu kỹ mọi biện pháp vượt các điểm địch kiểm soát, lực lượng ta quyết định tổ chức đặt 9 trạm, gồm có 8 cung đường, mỗi cung đường cách nhau từ 15 đến 20km. Trạm đầu nhận hàng của hậu phương lớn miền Bắc do các đoàn xe của Tổng cục Hậu cần giao ở Khe Hó. Trạm cuối ở Tà Riệp, phụ trách giao hàng cho chiến trường.

truong-son-6130916.jpg

Đường Hồ Chí Minh B45 Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn - Ảnh: TƯ LIỆU

Đồng chí Kôn Meo cùng Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên đã huy động 500 thanh niên vùng giải phóng, chủ yếu là thanh niên các dân tộc Tà Ôi, Kà Tu... tham gia mở đường Đông Trường Sơn qua Miền Tây Thừa Thiên nối thông với Khu ủy V. Nhiều thanh niên mở đường lúc ấy sau trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun, Hồ Dục... (bà con các dân tộc lấy họ của Bác Hồ để tỏ rõ ý chí sắt đá quyết tâm theo Bác Hồ làm cách mạng).

Ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên gồm súng, đạn - trong đó có 5 khẩu trung liên và cả công văn tài liệu mật đã đến Tà Riệp (A Lưới) .

Cuối năm 1959, tuyến giao thông quân sự vận chuyển cho Khu V gồm 2000 súng các loại với đủ cơ số đạn, hàng trăm ký thuốc nổ. Riêng đối với các đoàn cán bộ và các đơn vị đi B tăng cường cho chiến trường miền Nam đã được nhận cấp phát từ miền Bắc, tổng cộng trên một ngàn khẩu súng và cơ số đạn đầy đủ. Riêng hai tỉnh Trị - Thiên, được Trung ương chi viện 30 tấn vũ khí đạn dược.

Đầu năm 1960, Trung ương chỉ thị Đoàn 559 phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và Liên Tỉnh ủy Trị - Thiên thành lập “Ban chỉ huy hành lang”. Đồng chí Kôn Meo được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo đồng khởi giải phóng Miền Tây Thừa Thiên, bảo vệ vững chắc chiến khu Tây Thừa Thiên, nơi có đường hành lang 559 đi qua, nối thông với Khu V.

Bí thư Kôn Meo cùng tập thể Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên đã lập công xuất sắc huy động lực lượng giải phóng một vùng rộng lớn, dựa vào bà con các dân tộc Tà Ôi, Kờ Tu... bảo đảm sự thông suốt của hành lang giao thông chiến lược 559, lập chân hàng vững chắc ở Tà Riệp chi viện vũ khí cho Khu V.

Cuối năm 1960, Khu ủy V điều động đồng chí Kôn Meo phụ trách B5 (gồm một phần Đắk Lắk, Đắk Nông Khu V và Lâm Đồng của Khu VI cũ). Lúc đó, nhu cầu mở tuyến hành lang chiến lược nối thông Khu 5 - Tây Nguyên - Khu 6 - Đông Nam Bộ - Chiến khu D... là nhu cầu bức thiết. Đồng chí Kôn Meo về chiến trường B5 Tây Nguyên chắc chắn phát huy kinh nghiệm phong phú ở Tây Thừa Thiên và góp công sức xây dựng hành lang chiến lược nối thông Tây Nguyên với Đông Nam Bộ.

Từ việc móc nối xây dựng đường dây Thống Nhất thời kỳ 1956-1959, cho đến việc tổ chức xoi đường vận chuyển quân sự 559 những năm 1959-1960 - những giai đoạn gian khó ác liệt nhất của tuyến đường Trường Sơn mang tên Bác - đã có sự đóng góp lớn của đồng chí Kôn Meo (Đào Tấn Ngoạn) trong vai trò Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên (và có lúc cả miền tây Trị - Thiên) thời ấy. Là một người bạn chiến đấu cũ cùng thời, tôi vẫn luôn quý trọng và tưởng nhớ đến anh. Tôi tin rằng ở cõi vĩnh hằng, anh cũng đang mong con đường bí mật “đi không dấu, nấu không khói” từ thuở ấy của chúng ta sớm trở thành tuyến đường Hồ Chí Minh hiện đại trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

Chu Lai, tháng 10 năm 2012.

 

DƯƠNG CHƯA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek