Đã 92 tuổi, tôi vẫn nhớ như in từng quãng đời hoạt động gian khổ khó khăn trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là thời gian phụ trách biên phòng ở giới tuyến tạm thời Vĩnh Linh gần sáu thập kỷ trước.
Ths Phan Thanh Bình làm việc với đại tá Dương Chưa tại Chu Lai (Quảng Nam) tìm hiểu về đường dây Thống Nhất và tuyến giao thông chiến lược Đông Trường Sơn những năm 1954-1960 |
Trưởng nữ của tôi - nhà giáo Dương Hồng Phê - giáo viên Trường trung học Hai Bà Trưng, thành phố Huế (trước Cách mạng Tháng Tám là Trường nữ sinh Đồng Khánh) lập gia đình năm 1968 trên đất Bắc. Rể quý của tôi là Ku Tông (tên thật là Đoàn Văn Dương) - Tỉnh ủy viên Thừa Thiên, từng là Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên. Sau ngày nghỉ hưu, cha con có nhiều thời giờ hàn huyên, tôi có hỏi thăm về người bạn chiến đấu cũ là đồng chí Kôn Meo (còn gọi là Quỳnh Meo, Ăm Meo, Ama Lộc, tên thật là Đào Tấn Ngoạn) - Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên những năm 1956-1960, người từng có công lao lớn góp phần nối thông đường dây thống nhất từ Khu V ra miền Bắc trong những năm 1956-1959 và xây dựng tuyến giao thông chiến lược Đông Trường Sơn ở A Sầu, A Lưới trong thời kỳ đầu vào năm 1959-1960. Lúc ấy tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị trực thuộc Liên Khu ủy V. Có lúc đồng chí Kôn Meo còn được Khu ủy V phân công phụ trách cả Miền Tây Trị - Thiên giáp với vùng giới tuyến tạm thời. Là người phụ trách công tác binh địch vận của công an biên phòng vùng giới tuyến Vĩnh Linh lúc ấy, tôi có nhiều dịp làm việc với đồng chí Kôn Meo về công tác đưa đón cán bộ từ chiến khu miền Tây Trị - Thiên ra Bắc theo đường dây Thống Nhất và sau này là huy động, tiếp nhận lực lượng dân công mở đường Trường Sơn từ vùng giới tuyến đến A Sầu, A Lưới, Nam Đông nối thông với căn cứ Liên khu ủy Liên khu V.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đường giao liên xuyên Trường Sơn nối các tỉnh Liên khu V với miền Bắc được gọi là đường dây Thống nhất. Địch đóng đồn bót khá dày, tăng cường càn quét lùng sục vùng giáp ranh, vùng núi từ Tây Quảng Nam đến Tây Trị - Thiên giáp với vùng giới tuyến. Ta vẫn dựa vào đường dây Thống Nhất để đưa đón cán bộ vào ra, mỗi một chuyến đi phải tổ chức móc nối rất công phu. Từ Khu ủy V ra miền Bắc, chỉ duy nhất dựa vào đường dây Thống Nhất qua Tây Quảng Nam đến Nam Đông, A Sầu, A Lưới (Tây Thừa Thiên), vượt Tây Quảng Trị, đường quốc lộ 9 và điểm cuối cùng là qua làng Ho - điểm nối chuyên trách đưa cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại.
Đường Trường Sơn - đường dây Thống Nhất là con đường đặc biệt, là con đường khắc sâu vào ký ức của cán bộ, chiến sĩ đã từng một lần đi qua. Nói là đường nhưng thật ra không có con đường. Con đường này chỉ dựa vào cơ sở quần chúng, bí mật đi trong dân, chủ yếu chỉ đưa đón cán bộ, chuyển công văn tài liệu. Phương châm hoạt động phải “tuyệt đối bí mật, an toàn”, không những phải triệt để tránh địch, mà cả với ta, ai không có nhiệm vụ thì không được biết. Địch phát hiện những dấu vết khả nghi trên “đường dây Thống Nhất” nên chúng tăng cường càn quét, ngăn chặn, đóng đồn bót dày đặc từ Cam Lộ, Lao Bảo (Quảng Trị) đến A Sầu, A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên). Địch tăng quân đóng đồn Rào Quán, đồn Làng Miệt, đồn Khe Sanh, đồn ngã tư Đá Bàn, đồn Cù Bạch (Quảng Trị), tăng cường sục sạo phía nam quốc lộ 9 theo dọc các triền núi thấp. Muốn liên lạc với vùng căn cứ miền núi Tây Thừa Thiên phải xoi đường ở những đoạn vách núi cao, rất gian nan.
Lúc này dọc vùng giới tuyến ở bờ bắc sông Bến Hải có 6 trạm kiểm soát của công an biên phòng, mỗi trạm cách nhau từ 10 đến 15km. Đó là các đồn vùng bắc Bến Hải, vùng Bến Quang, vùng Làng Mít, khu vực Cù Bai (giáp biên giới Việt Lào) và hai đồn phụ ở Tà Ôi và Cửa Tùng.
Bộ đội biên phòng nắm chắc địa bàn, đứng chân tại Khe Hó - vị trí tốt nhất cho công tác hoạt động bí mật. Từ Khe Hó, lực lượng ta khảo sát và cắm chốt hàng chục hang động trong dãy núi đá dưới chân dải Trường Sơn như Động Em (gần Bến Quang), Động Nóc, Động Chân, Động Vành Vành, ngược suối A Choóc đến chân động Voi Mẹp nằm ngang đỉnh cao 1701. Vị trí này rất thuận tiện cho việc tập kết, tiếp cận khu vực Hướng Hóa dọc đường 9 để nối thông với chiến khu Miền Tây Trị Thiên.
Trường Sơn xẻ dọc rọc ngang Xẻng, tay mà viết nên trang sử hồng (Tố Hữu) - Ảnh: Tư liệu
Con suối Cù Bai chạy quanh co dọc biên giới Việt - Lào nằm về phía tây - bắc huyện Hướng Hóa. Thượng nguồn vắt qua đèo Lao Bảo, chảy qua những triền núi đá vôi cao. Địa hình khu vực này rất hiểm trở, ít người qua lại. Người dân qua khu vực này phải đi ra phía đường 9 bằng cách vòng xuống phía Rào Quán hoặc đi ngược lên hướng làng Vây, Khe Sanh. Vùng này gọi là khe Hó, đi tiếp thì gặp động Bô Hô Xư cao ngất; đường 9 chạy dọc con sông Ba Làng ở dưới chân núi. Đồn Cù Bai của ta ở phía bắc giới tuyến quân sự tạm thời, địch đóng đồn đối diện ở bờ nam. Địch rất ngán ngại vùng này. Lực lượng ta thì dựa vào sông suối, luồn sâu vào vùng địch tạm kiểm soát, dựa vào dân để nắm tình hình, đặt trạm liên lạc ngay dưới chân đồn giặc.
Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên do đồng chí Kôn Meo làm Bí thư mấy lần tổ chức đưa già làng ra miền Bắc gặp Trung ương và Bác Hồ, đưa các cháu học sinh dân tộc gửi ra miền Bắc đào tạo trong những năm 1956-1959 đều phải vượt đỉnh 1701, qua Động Voi Mẹp (còn gọi là Động Hàm Nghi - căn cứ chống Pháp của các sĩ phu yêu nước phong trào Cần Vương năm 1885). Động này rất cao, đi trên Động Voi Mẹp thấy mây bay lang thang dưới chân mình.
Địa bàn ở đây khá hiểm trở, có những vách đá dựng như thành, cao ba bốn chục mét. Từ Khe Hó vào đến A Sầu có 4 trạm giao liên. Cán bộ, chiến sĩ qua đây phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, không được đi dép cao su để lại dấu vết. Đôi dép cao su phải luồn vào thắt lưng để giữ cho chắc phục vụ đi rừng lâu dài; có đi bộ nhiều trên rừng núi thì mới biết đôi dép cao su quý hơn vàng. Các chỗ trú quân phải dựa vào thiên nhiên hiểm trở, gần nguồn nước, có chỗ mắc võng, có chỗ thổi cơm. Phải tuyệt đối không để lộ dấu vết đi lại, không được để rơi vãi bất cứ thứ gì, dù là một hạt gạo, để địch không phát hiện có người qua lại. Trên hành lang Thống Nhất, lực lượng ta phải hết sức tránh địch, lỡ gặp địch cũng tìm cách tránh, không được nổ súng... để bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối cho đường dây hoạt động lâu dài. Vượt giới tuyến qua sông Bến Hải chủ yếu dùng thuyền độc mộc của dân làng Ho, mỗi đêm thuyền có thể qua lại 10 chuyến, mỗi chuyến đi được 3 người. Cơ sở cách mạng làng Ho phải dậy sớm kiểm tra và xóa bỏ các dấu vết, đề phòng địch phát hiện.
(Còn nữa)
______________
(*) Đồng chí Dương Chưa sinh năm 1920, cán bộ tiền khởi nghĩa, Đại tá, nguyên là cán bộ phụ trách Binh địch vận thuộc Công an vũ trang giới tuyến Vĩnh Linh những năm 1954-1960, hiện đã nghỉ hưu tại Quảng Nam.
DƯƠNG CHƯA (*)