Thứ Sáu, 20/09/2024 23:45 CH
“Già làng” Kôn Meo (Phú Yên) ở chiến trường Thừa Thiên thời chống Mỹ qua ký ức đồng đội cùng hoạt động:
Kôn Meo - Đào Tấn Ngoạn, người anh lớn của tôi
Thứ Sáu, 13/09/2013 08:10 SA

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, có rất nhiều kỷ niệm của từng chặng đường, từng thời kỳ, gắn bó sâu sắc với từng vùng đất, từng con người.

 

dak-lak-4130914.jpg

Hang đá ba tầng (căn cứ B5), nơi diễn ra nhiều trận đánh giữa lực lượng vũ trang ta với địch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ảnh tư liệu)

Cả nước biết đến chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa ngút ngàn trong kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, vĩ tuyến 17 dọc dòng sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến tạm thời hai miền Nam Bắc, chiến trường Trị Thiên giáp với vùng giới tuyến là trọng điểm đánh phá điên cuồng của kẻ thù với âm mưu quét sạch cộng sản, làm bàn đạp Bắc tiến.

 

Mỹ - Diệm và bọn phục thù giai cấp đảng Đại Việt phản động vừa kình chống nhau vừa ra sức truy lùng gắt gao, khủng bố những đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước. Những cuộc tố cộng khốc liệt của địch gây tổn thất rất lớn cho phong trào cách mạng Thừa Thiên trong những năm 1954-1956. Hàng loạt cán bộ đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch truy bắt bỏ tù ở lao Thừa Phủ, trại Chín Hầm và khắp các nhà tù ở miền Nam. Mỹ - Diệm hèn hạ thủ tiêu nhiều cán bộ đảng viên trung kiên, xác người bập bềnh trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... gieo căm hờn trong lòng quần chúng yêu nước.

 

Lực lượng cách mạng tổn thất rất lớn, từ 300 đảng viên được tổ chức bố trí ở lại hoạt động công khai và bí mật, qua các đợt tố cộng của địch, lực lượng cách mạng chỉ còn vỏn vẹn 20 đảng viên và một chi bộ miền núi 5 đồng chí. Để phù hợp với sự chỉ đạo của Đảng trong giai đoạn mới, Trung ương quyết định nhập hai tỉnh phía nam giới tuyến tạm thời vào Liên khu ủy V. Lúc này, Tỉnh ủy Thừa Thiên chỉ còn lại 4 đồng chí. Khu ủy V chỉ định đồng chí Lê Cương làm Quyền Bí thư và chỉ đạo Tỉnh ủy xây dựng miền núi Thừa Thiên thành căn cứ địa cách mạng, vừa bảo toàn và phát triển lực lượng, vừa sử dụng và phát huy địa bàn miền núi đối với phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.

 

Tháng 6/1956, Khu ủy V điều động đồng chí Đào Tấn Ngoạn tăng cường về Tỉnh ủy Thừa Thiên và được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên với bí danh Kôn Meo (Quỳnh Meo, Ăm Meo). Các đồng chí trong Đảng ủy Miền Tây thời ấy đều lấy bí danh như Kôn Mật (còn gọi là Ăm Mật), Nhà Hoài, Quỳnh Ra Đàng, Kôn Phơi,...

 

Ngoài 5 đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Miền Tây, Ban Miền Tây được Tỉnh ủy tăng cường 20 đồng chí đều là người Kinh (trong đó có tôi - Ku Tông), tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai có kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng ở vùng bà con các dân tộc.

 

Những cán bộ trẻ như chúng tôi vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ Bí thư Kôn Meo, coi ông như bậc cha chú. Ông để râu dài, cà răng, căng tai, đóng khố, ở trần cho người đen nhẻm, học tiếng các dân tộc... trông giống như một già làng Pa Kô hay Kà Tu. Chúng tôi gọi ông bằng chú nhưng ông không đồng ý và yêu cầu chỉ gọi ông bằng anh bởi đi làm cách mạng cần bình đẳng, không xưng hô theo kiểu gia đình. Nói vậy, mà không phải vậy. Trong tâm tưởng, chúng tôi nhận thấy Kôn Meo rất già dặn cả về tuổi tác và kinh nghiệm thực tiễn công tác rất độc đáo, phong phú xứng đáng bậc cha chú của mình, mãi sau này mới biết ông đóng vai người già nhưng thực tế ông chỉ lớn hơn tôi 9 tuổi nên không để gọi ông bằng chú.

 

Hồi ấy, Miền Tây Thừa Thiên rất rộng, từ núi Bạch Mã phía nam giáp với Quảng Nam đến vùng Hương Hóa miền tây Quảng Trị và miền tây các huyện Hương Trà, Hương Điền, Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên. Đó là địa bàn trọng yếu có đường dây Thống Nhất đi qua nối Liên khu ủy V đến vùng giới tuyến và nối thông với Miền Bắc. Năm 1959, Khu ủy V còn giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên phụ trách địa bàn bao gồm cả Miền Tây tỉnh Quảng Trị đến vùng giới tuyến tạm thời. Chỉ có 25 con người nhưng phải đảm nhận một địa bàn Miền Tây hiểm trở mênh mông, công việc vô cùng hiểm nguy phức tạp do kẻ thù càn quét ruồng bố liên miên, phục kích như cơm bữa. Lúc ấy chúng tôi có một phương châm “Bác Kôn Meo làm răng chúng tôi làm rứa”, tin tưởng và chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh và sự phân công của Bí thư Đảng ủy. Việc đầu tiên trên cương vị Bí thư Đảng ủy Miền Tây là đặt bí danh bằng tên dân tộc cho tất cả cán bộ Kinh. Tôi là Đoàn Văn Dương, quê chính ở huyện Phong Điền, được đặt tên là Ku Tông, anh Trần Liêm được đặt bí danh là Quỳnh Ra Đàng... còn cái tên Kôn Meo của anh cũng là một điều đặc biệt. Trong quá trình ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), bám trụ và bám rễ trong các buôn làng dân tộc, anh Đào Tấn Ngoạn kết nghĩa anh em với già làng Tà Ôi tên là Kôn Beo và được vị già làng rất có uy tín này đặt tên là Kôn Meo. Bà con Kà Tu gọi anh Ngoạn là Ăm Meo, có lúc anh Ngoạn đề nghị gọi là Ama Lộc để nhớ về người con trai bé bỏng (Đào Tấn Lộc) đang ở cùng mẹ ở quê nhà (vùng tạm chiếm huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Cán bộ người Kinh thì hay gọi đồng chí Ngoạn là Quỳnh Meo. Nhiều đồng chí khác cũng được gọi tên bắt đầu bằng chữ Quỳnh như Quỳnh Trên, Quỳnh Ra Đàng... Dân tộc Tà Ôi là tên gọi chính thức, sau này còn có tên là Pa Kô. Sở dĩ có tên gọi Pa Kô cũng có lý do khá thú vị. Khi đưa các già làng trưởng bản ra Bắc gặp Trung ương và Bác Hồ, các già làng có nói rằng dân tộc Tà Ôi ở trên vùng núi cao gọi là Pơ Kóh, ở vùng dưới thấp gọi là Pờ Ho’h. Các già làng tiêu biểu đều ở vùng cao (Pơ Kóh), lâu ngày quen tên, được biến âm là Pa Kô, còn vùng thấp Pờ Ho’h được biến âm là Pa Hi. Sau này các anh hùng dũng sĩ người Tà Ôi ra thăm miền Bắc, được gặp Trung ương và Bác Hồ, tên Pa Kô ngày càng sáng danh, đi vào thơ ca, nhạc, họa... trong kháng chiến chống Mỹ. Còn dân tộc Kà Tu (do phiên âm ghi nhiều cách nên cũng có người gọi là Cờ Tu, K’tu, Cà Tu). Theo cách giải nghĩa của đồng bào dân Kà Tu, Tu có nghĩa là người sống ở đầu ngọn nước, trên vùng rẻo cao. Cũng giống như dân tộc Tà Ôi, người Kà Tu sống ở vùng núi cao được gọi là Pơ Phương dal (đất cao) như các xã Thượng Long, Hương Hữu, Hương Sơn; cư trú ở vùng đất thấp gọi là Pơ Phương ếp như các xã Thượng Nhật, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Nguyên, Hương Lâm... Sau khi đặt bí danh cho tất cả các thành viên trong cơ quan Đảng ủy Miền Tây, anh Đào Tấn Ngoạn hướng dẫn chu đáo về cách vận động bà con các dân tộc thiểu số, yêu cầu anh em tìm hiểu về phong tục, tập quán của bà con Tà Ôi, Vân Kiều... học tiếng nói thông thạo để giao tiếp; cà răng, căng tai, đóng khố, làm cho người đen... để sống hòa nhập với bà con như người dân tộc thực thụ. Bản thân anh là một tấm gương sống động trong việc làm những điều trên; riêng việc học tiếng các dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều, Kà Tu, anh rất kiên trì nên chỉ sau một thời gian ngắn là sử dụng khá thành thạo trong giao tiếp với đồng bào. Theo anh có như vậy mới gắn bó với bà con như anh em một nhà, từ đó mới tuyên truyền, giác ngộ bà con ủng hộ cách mạng, hết lòng giúp đỡ cách mạng. Anh Ngoạn yêu cầu tất cả các đồng chí trong cơ quan yêu quý bà con dân tộc như người thân ruột thịt trong gia đình, vui buồn sướng khổ hoạn nạn có nhau.

 

Địa bàn Miền Tây Thừa Thiên rộng lớn bao la, nằm trong vùng núi cao hiểm trở, phía nam là dãy núi Bạch Mã (giáp với huyện Hiên Giằng - Quảng Nam và huyện Hòa Vang TP Đà Nẵng) dãy núi Truồi với những núi cao trùng điệp như núi Mang (1.712 mét), A Te (1.298 mét), động Rạp Cao (1.184 mét), Bạch Mã (1.444 mét). Vùng núi phía nam Thừa Thiên có các sông lớn như Ba Sang (Khe Tre), Nam Đông và các suối lớn như Ma Rai, La Vân, A Cà, Cha Măng, A Tin và hàng trăm suối nhỏ. Hệ thống sông suối cũng là tuyến giao thông quan trọng nối chiến khu Dương Hòa (Hương Thủy) lên Nam Đông. Về đường bộ, vùng núi phía nam Thừa Thiên có tỉnh lộ 14B được xây dựng từ thời Pháp thuộc nối với quốc lộ 1A từ La Sơn (cách Huế 25km về phía nam) xuyên qua vùng đồi núi La Hy, Khe Tre vào Đe Bay đi Bà Nà (Đà Nẵng) lên Tây Nguyên. Đây là một trong những cung đường trọng yếu của đường dây Thống Nhất nối liền Khu ủy V đến vùng giới tuyến, thông ra miền Bắc. Từ Khe Prếc (nam Bốt Đỏ - A Lưới) men theo dãy núi A So về phía nam đến đỉnh Ata (giáp biên giới Việt Lào) và giáp huyện Hiên Giằng (Quảng Nam) là cung đường vô cùng hiểm trở. Từ đó, quanh về sườn tây dãy Bạch Mã, núi Truồi, vượt đèo La Hy nối thông với chiến khu Dương Hòa thuộc huyện Hướng Thủy.

 

Phía tây và tây nam Miền Tây Thừa Thiên là một hệ thống núi non hùng vĩ như núi Đông Nài cao gần 4.000 mét. Chung quanh thung lũng A Sao, A Lưới là các dãy núi như A Lau, A Ló, Kôpung, Ta Lang Ai, A Nang, Ta Kông, A Túc, A Bia và dãy Trường Sơn tiếp giáp nước bạn Lào. Một loạt các con sông ở vùng này đi vào sử sách như sông A Sáp, sông Bồ, đầu nguồn sông Hương, sông Đắk Krông, sông A Lin và hàng trăm con suối lớn nhỏ, tạo thành thế liên hoàn tự nhiên “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, là căn cứ địa vững chắc để cách mạng đứng chân trụ bám xây dựng và phát triển phong trào. Ngoài con đường 12 do Mỹ ngụy xây dựng năm 1955-1956 để áp đặt ách thống trị các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên, cách mạng đã xây dựng những con đường đi vào lòng dân nối thông với Khu V, nước bạn Lào; xẻ các trục ngang từ xã Hồng Vân qua dốc Chè về Phong Điền, qua Hồng Hà về Huế; từ Hương Lâm qua A Roàng, Hương Nguyên về Khe Tre nối với Nam Đông và Phú Lộc. Những con đường trong đường dây Thống Nhất do bác Ngoạn cùng tập thể cơ quan Đảng ủy Miền Tây xây dựng trong những năm 1956-1960 sau này phát triển thành đường mòn Hồ Chí Minh (nay là quốc lộ IB - đường Hồ Chí Minh), đường nối A Lưới đông Trường Sơn với nước bạn Lào tây Trường Sơn (nay là quốc lộ 49B nối Huế - A Lưới và nước bạn Lào).       

 

Là người ở nơi khác đến nhưng chỉ trong một thời gian ngắn gắn bó mật thiết và được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc, đồng chí Đào Tấn Ngoạn đã thông thạo địa bàn Miền Tây Thừa Thiên như trong lòng bàn tay. Đồng chí trực tiếp phụ trách xây dựng phong trào ở các xã miền núi phía tây các huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc. Các đồng chí trong Đảng ủy và cán bộ trong Đảng ủy Miền Tây tuy đã kinh qua công tác thực tiễn ở cơ sở đồng bằng nhưng chưa có kinh nghiệm xây dựng phong trào ở miền núi đều rất lúng túng và được đồng chí Ngoạn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. Anh vừa là người lãnh đạo, vừa là người anh lớn trong gia đình, được anh em ngưỡng mộ, kính phục, tin yêu. Anh Ngoạn phân công anh Nhà Hoài phụ trách Ban cán sự Miền Tây Phú Lộc, anh Quỳnh Ra Đàng phụ trách Ban cán sự miền Tây Hương Trà, anh Ăm Mật phụ trách Ban cán sự miền Tây Hương Điền. Còn tôi (Ku Tông) được anh phân công vận động quần chúng, xây dựng phong trào ở các buôn dân tộc vùng biên giới Việt - Lào, một tháng về họp với anh Ngoạn một lần, báo cáo tình hình công tác. Tôi luôn được anh ân cần dặn dò, chỉ bảo giải quyết nhiều tình huống phát sinh trong thực tiễn và từng bước dày dạn, trưởng thành.

Kon-meo130913.jpg

Kôn Meo (Đào Tấn Ngoạn, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm năm 1993 với đồng chí Ku Tông (ngoài cùng bên trái) và đồng chí Lê Văn Đung (được Kôn Meo tuyển chọn tham gia làm đường chiến lược 559), Lê Văn Đăng (người được Kôn Meo đào tạo để dạy chữ dân tộc phục vụ công tác tuyên truyền vận động quần chúng)

Sau khi bám rễ, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc, thông thuộc từng buôn làng, anh Ngoạn phát động phong trào xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ nhân dân, xóa bỏ mọi hiềm khích trong tranh chấp đất đầu nguồn giữa buôn này với buôn khác, xóa hủ tục gả bán phụ nữ và các hủ tục gọi hồn, cầu cúng... thắt chặt đoàn kết Kinh - Thượng, tin tưởng vào cách mạng; giúp đỡ tham gia các phong trào cách mạng do Đảng ủy tổ chức. Qua đồng chí Ngoạn (Kôn Meo), các già làng trưởng bản rất yêu quý, tin tưởng cán bộ cách mạng, hết lòng hết sức giúp đỡ cách mạng.

Khi Ngô Đình Diệm tổ chức gặp gỡ các già làng ở các thôn buôn dân tộc khắp miền Nam để mị dân, tách dân với cách mạng, anh Ngoạn đã cùng Đảng ủy Miền Tây đề xuất với cấp trên tổ chức một đoàn già làng ra thăm miền Bắc, gặp gỡ Trung ương và Bác Hồ. Anh Ngoạn đã dùng họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt tên cho các thanh niên ưu tú như Hồ Vai, Hồ Dục, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun... (sau này trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Khi các già làng và bà con các dân tộc tuyệt đối tin tưởng Bác Hồ và cách mạng. Anh Ngoạn cùng anh Kôn Mật báo cáo anh Nguyễn Vạn (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên phụ trách miền núi) tổ chức Đại hội thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc Miền Tây Thừa Thiên ở Cu Trưa, làng Pu Ây, xã Phong Điền bên bờ sông A Sáp. Trong điều kiện rất khó khăn nhưng vẫn tổ chức đón tiếp gần 100 đại biểu, tổ chức lễ đâm trâu ăn thề, nguyện một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ; đoàn kết Kinh - Thượng, đoàn kết các dân tộc, chung sức chung lòng đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Anh giới thiệu đồng chí Kôn Mật (người dân tộc Pa Hy) làm Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết dân tộc Miền Tây Thừa Thiên, Nhà Hoài (dân tộc Kinh) Phó chủ tịch và các ủy viên Võ Ác (dân tộc Tà Ôi), Kôn Khoai (Tà Ôi), Vược Thu (Ka Tu), Nhà Giời (Ka Tu), Quỳnh Ráp (Ka Tu)...

Anh Ngoạn đi đầu trong phong trào phát triển sản xuất, bảo đảm cho dân đủ ăn và giúp đỡ lương thực cho cách mạng. Anh Ngoạn phân tích thuyết phục loại bỏ các tập tục lạc hậu có hại cho sản xuất như nam giới không dọn rẫy, không làm cỏ, không tuốt lúa, không nấu ăn. Mọi việc đều đổ lên vai phụ nữ. Anh Ngoạn cùng các đồng chí Cu Nô, Nhà Hoài, Quỳnh Trên... phổ biến cho đồng bào kỹ thuật trồng lúa gối vụ (một năm làm hai vụ), dùng lá rừng ủ phân xanh bón lúa, trồng hàng vạn gốc sắn, bắp, giải quyết triệt để nạn đói giáp hạt. Anh Ngoạn am hiểu nhiều tiếng dân tộc và yêu cầu anh em cũng thông thạo để giao tiếp với dân. Anh giao nhiệm vụ cho anh Ku Nô (cán bộ Kinh) phiên âm tiếng Tà Ôi giảng dạy cho thanh thiếu niên, tổ chức phong trào ca hát các bài ca cách mạng, vận động thanh niên vào Đoàn Thanh niên giải phóng. Ngay từ năm 1957, anh Ngoạn lựa chọn gởi ra miền Bắc đào tạo nhiều thanh niên ưu tú để tạo nguồn cán bộ lâu dài. Nhiều người trở thành kỹ sư, bác sĩ như Khâm, Phi Đen, Mô Lô Cai, A Rét Chuông... và nhiều đồng chí khác. Đây là cống hiến đặc sắc của anh Ngoạn - người đứng đầu Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên trong hoàn cảnh cách mạng miền Nam còn rất khó khăn, thời điểm trước khi có Nghị quyết 15 và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chưa ra đời.

 

Khi Trung ương có Nghị quyết 15, anh Ngoạn được Khu ủy (trực tiếp là đồng chí Lê Minh - Ủy viên Thường vụ Khu ủy V phụ trách Trị Thiên) và Tỉnh ủy Thừa Thiên (trực tiếp là đồng chí Nguyễn Vạn - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách miền núi) giao nhiệm vụ huy động lực lượng xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh phía đông Trường Sơn đi qua Miền Tây Thừa Thiên và cả Miền Tây Quảng Trị nối thông với vùng giới tuyến. Anh thường xuyên phối hợp công tác với cán bộ chỉ huy xây dựng đường Trường Sơn (Đoàn 559) và Công an biên phòng giới tuyến. Anh Ngoạn đi đầu cùng các đồng chí trong Đảng ủy Miền Tây tuyên truyền, giác ngộ, vận động và huy động lực lượng trên 500 thanh niên tham gia mở đường đông Trường Sơn ở Tây Quảng Trị, Tây Thừa Thiên giáp với Bắc Quảng Nam. Nhiều đồng chí hăng hái mang vác hàng tạ, trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng như A Nun, Hồ Dục; các đồng chí khác như Hồ Vai, Hồ Kan Lịch... qua chiến đấu, trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Cùng với việc phát triển thực lực cách mạng, đồng chí Ngoạn lãnh đạo xây dựng làng chiến đấu chống Mỹ Diệm càn quét, cơ bản làm chủ miền núi, xây dựng căn cứ địa cách mạng Miền Tây Thừa Thiên vững chắc.

Những năm 1959-1960, tất cả các buôn làng đều tổ chức lực lượng dân quân du kích, trang bị vũ khí tự tạo như chông, ná bắn tên... Nhiều chiến công của du kích trở thành huyền thoại sống như bốn nữ thanh niên làng A Đụt do Kan Kổm chỉ huy dùng tay không mưu trí bắt sống 4 tên địch tuần tiễu quanh đồn A Lưới, thu 4 súng. Cụ già Kôn Mia làng Ba Rinh dùng ná bắn tên có thuốc độc diệt một tên thiếu tá ở làng A Rọm. Dân làng A Ninh gài bẫy diệt 1 tên ác ôn cấp quận...

Đến năm 1960, đồng chí Ngoạn chỉ đạo xây dựng các Trung đội du kích tập trung. Tiêu biểu có trung đội du kích Hương Lâm do đồng chí Hồ A Tum làm Trung đội trưởng, Trung đội du kích xã Hồng Bắc do đồng chí Hồ Vai làm Trung đội trưởng.

Khi thực hiện lệnh của Khu ủy V và Tỉnh ủy Thừa Thiên phát động phong trào đồng khởi giải phóng Miền Tây Thừa Thiên năm 1960, đồng chí Đào Tấn Ngoạn (Kôn Meo) trực tiếp chỉ đạo đột phá hai xã điểm Hương Lâm và Phong Lâm nằm giữa hai căn cứ lớn của địch ở A Lưới, A So.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy Miền Tây Kôn Meo cùng các đồng chí Kôn Mật, Nhà Hoài về bám trụ chỉ đạo chi bộ Hương Lâm do đồng chí Quỳnh Trên làm Bí thư bố trí du kích diệt bọn ác ôn cùng trung đội địch ở làng Bà Lạch, huy động 2.000 đồng bào dự mít tinh tố cáo tội ác Mỹ ngụy, xử tội các tên phản động. Sau đó, đồng chí Kôn Meo cùng đồng chí Kôn Mật về bám trụ, chỉ đạo chi bộ xã Phong Lâm do đồng chí Ka Lom và Ku Tich phụ trách, bố trí du kích bắt các tên phản động, tổ chức mít tinh với sự tham dự cả ngàn quần chúng ở Căm Tôm để xử tội ác ôn, mở phong trào. Sau hai xã điểm, phong trào đồng khởi Miền Tây dâng cao như nước vỡ bờ, các xã đều phát động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, thiết lập chính quyền cách mạng tự quản, Miền Tây Thừa Thiên căn bản được giải phóng, bảo đảm sự an toàn thông suốt của tuyến hành lang chiến lược đông Trường Sơn đi qua đất Thừa Thiên.

Là Bí thư Đảng ủy Miền Tây, đồng chí Kôn Meo - Đào Tấn Ngoạn có công lớn trong công tác xây dựng Đảng, nỗ lực phát triển đảng viên từ những nhân tố tích cực nhất trong quần chúng được tôi luyện qua thử thách. Từ 6 đảng viên, chỉ trong 3 năm (6/1956 đến 1959), Đảng bộ Miền Tây Thừa Thiên phát triển được 15 chi bộ với 100 đảng viên, phân bố đều khắp các địa bàn. Sau đó, xây dựng được 2 chi bộ giao thông, nâng tổng số đảng viên lên 150 đồng chí. Đồng chí Kôn Meo dày công xây dựng Mặt trận và các đoàn thể như Đoàn Thanh niên giải phóng, Phụ nữ giải phóng, tạo nguồn lực vững chắc cho cách mạng phát triển.

Tháng 10/1960, sau khi giải phóng Miền Tây Thừa Thiên, Khu ủy V điều động đồng chí Đào Tấn Ngoạn tăng cường cho chiến trường B5 nam Tây Nguyên. Đồng chí Ăm Mật, người đồng chí anh em thân thiết của đồng chí Kôn Meo được cử làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây, được bầu vào Tỉnh ủy. Tôi (Ku Tông) và đồng chí Nhà Hoài, Quỳnh Trên cùng nhiều đồng chí khác là những người đồng chí chiến đấu, người em gần gũi với đồng chí Kôn Meo đều lần lượt trưởng thành là Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy, kế tục trách nhiệm của đồng chí Kôn Meo trên các chặng đường lịch sử kế tiếp trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong phong trào cách mạng rộng lớn ở Miền Tây Thừa Thiên trong những năm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam, Bí thư Kôn Meo để lại tấm gương sáng về sự tận tụy quên mình vì việc chung, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng. Đồng chí đã nhiều lần gặp hiểm nguy và bình tĩnh dựa vào sự chở che của bà con dân tộc, thoát khỏi sự vây ráp của kẻ thù.

Các thế hệ cách mạng nối tiếp được ông dìu dắt giúp đỡ đều trưởng thành vượt bậc trong công tác, có bốn đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân (Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ Dục, A Nun). Nhiều đồng chí được ông chọn lựa đưa ra Bắc đào tạo trở thành những trí thức xã hội chủ nghĩa có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.

Bài học vận động quần chúng, đoàn kết các dân tộc, xây dựng miền núi... của Kôn Meo gần 60 năm trước vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong công cuộc đổi mới hôm nay. Kôn Meo - Đào Tấn Ngoạn, vị đàn anh cách mạng vô cùng đáng kính luôn sống mãi trong tôi cùng các đồng chí một thời gian khổ được công tác cùng ông. Trong lòng đồng bào A Sao, A Lưới, Nam Đông... luôn khắc ghi hình ảnh của ông - người Cộng sản gắn bó với nhân dân, sống mãi trong lòng dân. Ông thật sự là cánh chim phượng hoàng của Miền Tây Thừa Thiên những năm 1956-1960 và của Trường Sơn - Tây Nguyên những năm đánh Mỹ. Chúng tôi, lớp đàn em của ông, nay đã bước qua tuổi 80 và vẫn luôn nhớ về ông - một người anh lớn.

Thừa Thiên Huế, tháng 4 năm 2012

KU TÔNG (Đoàn Văn Dương) (1) 

 

(1) Nguyên cán bộ Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên thời kỳ 1956-1960, nguyên Bí thư Đảng ủy Miền Tây, Tỉnh ủy viên,Trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek