Thứ Sáu, 29/11/2024 07:55 SA
“Già làng” Kôn Meo (Phú Yên) ở chiến trường Thừa Thiên thời chống Mỹ qua ký ức đồng đội cùng hoạt động
Bí thư Kôn Meo, mình nhớ lắm...
Thứ Ba, 17/09/2013 09:38 SA

Kôn Meo, mình nhớ chứ, mình nhớ lắm... Mỗi lần có ai hỏi, tôi đều nói như thế. Trong lòng tôi, bác Kôn Meo mãi mãi là người thầy cách mạng, là người có uy tín nhất, là linh hồn của phong trào cách mạng Miền Tây Thừa Thiên những năm 1956-1960.

 

ba-ho-voi-ho-vai130917.jpg

Anh hùng Hồ Vai chụp ảnh với Bác Hồ năm 1965, Hồ Vai đứng bên phải Bác (Ảnh tư liệu)

Tôi sinh năm 1941, mùa xuân này đã bước vào tuổi 72. Tôi vẫn nhớ như in về bác Kôn Meo để tóc dài, cà răng, đóng khố, để râu dài, thông thạo tiếng dân tộc. Gặp ông vài lần, không ai biết ông là người Kinh vì ông sinh hoạt không khác gì người dân tộc ở vùng này. Bà con các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên thì yêu quý Kôn Meo như già làng của các buôn làng.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi còn nhỏ lắm, mới 13 tuổi. Khi Kôn Meo có mặt ở Miền Tây Thừa Thiên, tôi 15 tuổi. Lúc này Mỹ - Diệm tăng cường lực lượng xây dựng bộ máy cai trị của chúng ở miền núi. Tại A Lưới, địch xây dựng nhiều đồn bốt lớn, có cả hệ thống sân bay, và có đồn A So (Hương Lâm). Địch mở những chiến dịch vây ráp, càn quét tập trung dân vào ấp chiến lược, xung quanh đồn A So, A Lưới... Địch chiếm đóng đồi A Bia, đồi Béc, Ma Mưng, A Túc... kềm kẹp đồng bào các dân tộc.

 

Bác Kôn Meo được Đảng phân công làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên, đã tổ chức thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi để phát động phong trào đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở, tiến đến giải phóng Miền Tây.

 

Tôi được bác Kôn Meo và các đồng chí trong Đảng ủy Miền Tây giáo dục, giác ngộ cách mạng, chính thức tham gia công tác năm 17 tuổi, bắt đầu công việc cách mạng là làm cán bộ cơ sở thôn Lê Lộc xã Thượng Ninh (nay là 3 xã Hồng Bắc, Hồng Trung, Hồng Nam), sau đó được kết nạp Đảng năm 1959. Lúc ấy kết nạp Đảng rất bí mật, chỉ tổ chức Đảng mới biết đảng viên, quần chúng chỉ biết là cán bộ của cách mạng thôi.

 

Hôm tôi được kết nạp Đảng, Bí thư Kôn Meo có dự và phát biểu phân tích tình hình thế và lực cách mạng ở miền Nam, về đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam theo tinh thần Nghị quyết 15. Tôi nhớ Kôn Meo có nói: Trong vòng 5 năm, miền Nam sẽ được giải phóng. Sau này nghĩ lại, quả thật nếu Mỹ không nhảy vào cứu ngụy, thì sau 5 năm ta giải phóng miền Nam rồi.

 

Từ khi được Đảng dẫn đường chỉ lối (mà Đảng ở Miền Tây Thừa Thiên cũng chính là Kôn Meo - Bí thư Đảng ủy Miền Tây, cùng các đồng chí trong Đảng ủy), đồng bào các dân tộc thiểu số chúng tôi một lòng một dạ đi theo cách mạng. Kôn Meo giao nhiệm vụ cho tôi vận động bà con tham gia mở đường chiến lược 559 Đông Trường Sơn đoạn qua A Lưới. Để tránh địch truy lùng, phát hiện, ta phải huy động bà con làm đường ẩn dưới các khe suối, dấu đường trong rừng men theo các khe suối. Tôi cũng được Bí thư Kôn Meo tin tưởng giao nhiệm vụ làm công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia công tác cách mạng như vót chông, đào hầm, rào làng chiến đấu, tăng gia sản xuất, trồng cây lương thực để ăn, phục vụ cho kháng chiến... việc nào tôi cũng tham gia hăng hái. Tôi tự hào được cùng với bà con mình làm cách mạng để giải phóng quê hương. Tôi và bà con các dân tộc luôn biết ơn Kôn Meo đã lãnh đạo và sát cánh cùng chúng tôi trong một giai đoạn ác liệt gian khổ nhất.

 

Tôi nhớ mãi có lần Kôn Meo lâm vào tình thế rất nguy hiểm. Ngày 10/10/1959, Mỹ - Diệm tổ chức càn quét, lùng sục Miền Tây Thừa Thiên để truy bắt Việt Cộng. Địch ập đến khá bất ngờ, lúc ấy Kôn Meo đang ở trong nhà tôi, bị địch vây 4 phía, không thể nào chạy thoát ra rừng. Trong tình thế ngặt nghèo nhưng Kôn Meo vẫn bình tĩnh ứng phó, mặc cái váy người dân tộc, độn vào bụng cho cơi lên, nằm xuống chiếc giường của tôi, giả vờ rên hừ hừ như phụ nữ sắp đẻ. Địch vào nhà khám xét, nhìn thấy Kôn Meo quằn quại đau đớn như đang trở dạ, chúng không chút nghi ngờ, cười đùa hô hố và bỏ đi sang nhà khác. Cả nhà tôi hú vía, mừmg Kôn Meo thoát nạn.

 

Khi đồng chí Kôn Meo lãnh đạo đồng khởi giải phóng Miền Tây Thừa Thiên, năm 1960, tôi chỉ huy tiểu đội du kích chặn đánh cánh quân địch từ đồn A Lưới qua Hồng Bắc càn quét. Khi quân địch vượt qua đông Ta Rênh, du kích ta chặn đánh. Ta tiêu diệt 12 tên, làm bị thương 10 tên, thu một số vũ khí. Bí thư Kôn Meo biểu dương thắng lợi của du kích xã Hồng Bắc đã tạo dấu ấn chuyển biến phong trào chiến tranh du kích vũ trang tiêu diệt địch, góp phần làm cho bọn địch ở các đồn bắt đầu co lại, không còn hung hăng lùng sục vào các buôn làng. Ông có đánh giá đây là trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang Miền Tây Thừa Thiên, chỉ với trang bị thô sơ, cung tên bằng tre nứa nhưng đã dám vùng lên đương đầu với kẻ thù có vũ khí hiện đại, mở đầu cho phong trào vũ trang diệt địch, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ miền Tây.

 

Ho-vai-va-Phan-Thanh-Binh.jpg

Anh hùng Hồ Vai (trái) với ThS. Phan Thanh Bình tại nhà riêng (huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế)

Tôi trưởng thành từ phong trào cách mạng tại quê nhà. Cuộc đời chiến đấu của tôi có vinh dự 5 lần được bầu là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và quân khu. Ngày 5/5/1965, tôi vinh dự được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất và được Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được ra miền Bắc gặp Bác Hồ, được Bác tặng thưởng một cái đài Hitachi. Những vinh dự ấy đều khởi nguồn từ sự giáo dục, giúp đỡ của Bí thư Kôn Meo và các đồng chí trong Đảng ủy Miền Tây. Thời điểm Kôn Meo làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên, ông luôn tuyên truyền về những lời dạy, những bài thơ chúc Tết của Bác Hồ. Những gì gần gũi nhất, thân thương nhất đều được Kôn Meo gắn với công đức Bác Hồ như Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ Cụ Hồ, muối Bác Hồ, vải Bác Hồ, rựa Bác Hồ, chữ Bác Hồ. Khi ông tổ chức đưa con em các dân tộc vùng này ra miền Bắc học tập đợt đầu năm 1957 và những đợt sau đó, qua giáo dục của Kôn Meo, nhiều người tự nguyện lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình. Bí thư Kôn Meo đã tạo cho đồng bào các dân tộc niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ; đã thổi vào trái tim, khối óc người dân tộc chúng tôi một tình cảm sâu nặng đối với Bác Hồ kính yêu. Từ tình cảm thiêng liêng đó, sau này khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Khu ủy và quân dân Trị - Thiên tổ chức lễ truy điệu ngày 5/9/1969; trong buổi lễ truy điệu ấy, nhiều cán bộ và nhân dân các dân tộc đã tự nguyện mang họ của Bác Hồ làm họ của mình.

 

Tôi nghĩ rằng, việc mang họ Bác Hồ là một việc làm độc đáo có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc của dân tộc chúng tôi, chẳng những trong quá khứ anh hùng mà cả trong giai đoạn hiện nay, góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Tôi có tên là A Vai, nhưng rất tự hào được mang tên Hồ Vai, Hồ Đức Vai, được làm con cháu Bác Hồ từ những năm tháng được Bí thư Kôn Meo dẫn dắt. Lúc Ban quân sự Miền Tây được thành lập, cả 3 người chỉ huy đều mang họ Hồ. Đồng chí Hồ Văn Pang - chỉ huy trưởng, đồng chí Hồ Lợi - chính trị viên và tôi - Hồ Đức Vai, Ủy viên ban quân sự.

 

Sau ngày giải phóng, tôi được Đảng và quân đội phân công làm Huyện đội trưởng A Lưới một thời gian. Tôi luôn nhớ những bài học vận động quần chúng của đồng chí Kôn Meo ngày ấy nên đã đề đạt nguyện vọng với cấp trên, xin được chuyển ngành để làm công tác Mặt trận và được phân công làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới 4 nhiệm kỳ (20 năm), cho đến lúc nghỉ hưu.

 

Công lao của Bí thư Kôn Meo đối với bà con các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ là quá lớn. Từ một vùng đồng bào dân tộc đói cơm, đói muối, đói chữ, ông đã góp phần quan trọng cùng Đảng ủy Miền Tây làm nên một A Lưới anh hùng, một huyền thoại “Pa Kô - con cháu Bác Hồ” tự hào cùng đất nước.

 

Mình vẫn nhớ lắm đó, Bí thư Kôn Meo kính mến!

A Lưới, tháng 12/2012

 

(*) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

 

HỒ VAI(*)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek