(Tiếp theo kỳ trước)
Tháng 5/1955, địch tổ chức chiến dịch tố cộng vô cùng khốc liệt, tập trung trọng điểm là vùng căn cứ kháng chiến cũ, giết hại hàng trăm cán bộ đảng viên, bắt giam hàng ngàn cán bộ kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước giam ở địa ngục trần gian “trại Chín Hầm” (do hung thần Ngô Đình Cẩn đích thân xây dựng), lao Thừa phủ (Huế) và các nhà tù khác trên khắp miền Nam. Đào Tấn Ngoạn được Khu ủy V tăng cường về tỉnh Thừa Thiên trong tình hình rất khó khăn. Qua các đợt tố cộng khốc liệt của địch, lực lượng cách mạng bị tổn thất hết sức nặng nề. Toàn tỉnh sau tập kết còn lại 300 đảng viên, đến năm 1956 chỉ còn 20 đảng viên và một chi bộ miền núi 5 đồng chí. Tỉnh ủy chỉ còn lại bốn đồng chí (Lê Cương, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn và đồng chí Hinh). Thường vụ Khu ủy V chỉ định đồng chí Lê Cương làm quyền Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Cương đã tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy tại thôn Áp Rùng, xã Thượng Long, miền tây huyện Phú Lộc nhận định tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, thế và lực của cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên trong thời điểm ấy và quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên thành căn cứ địa cách mạng, sử dụng và phát huy địa bàn miền núi đối với phong trào cách mạng toàn tỉnh. Tỉnh ủy xác định nội dung chủ yếu là phát động lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với đồng bào các dân tộc, Đảng bám rễ vững chắc trong lòng dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng tỉnh Thừa Thiên.
Tuyến giao thông chiến lược 559, nay là đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện A Lưới, giao nhau với đường Ăm Mật (tên một bạn chiến đấu thân thiết của đồng chí Kôn Meo) - Ảnh: Tư liệu
Tháng 6-1956, Tỉnh ủy Thừa Thiên thành lập Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên gồm Kôn Meo (Đào Tấn Ngoạn) và các đồng chí Kôn Mật, Nhà Hoài, Quỳnh Ra Đàng, Kôn Phơi, trong đó Kôn Meo được cử làm Bí thư. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong những năm tháng hoạt động ở Tây Nguyên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con các dân tộc cộng với kiến thức vận động quần chúng các dân tộc tiếp thu được ở Trường đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam, Kôn Meo cùng tập thể Đảng ủy khẩn trương xây dựng lực lượng nòng cốt tại chỗ, vận động giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong cuộc sống của bà con dân tộc, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch. Từ thực tiễn từng trải trong những năm tháng hoạt động ở vùng địch hậu Tây Nguyên, trên cương vị Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên, Kôn Meo đề cao chính sách bình đẳng dân tộc, đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết Kinh - Thượng; chú trọng đúng mức công tác xây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ tại chỗ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân, giác ngộ bà con các dân tộc tin tưởng vào thế tất thắng của cách mạng, sẵn sàng nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, sẵn sàng tham gia công tác khi cách mạng yêu cầu. Kôn Meo chủ trương ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con các dân tộc, ngày đêm lăn lộn với phong trào, bám sát cơ sở, được cán bộ đảng viên và quần chúng rất tin yêu, nể phục.
Bí danh Kôn Meo của ông gắn với một kỷ niệm đẹp về nghĩa Đảng tình dân. Một già làng Tà Ôi có uy tín tên là Kôn Beo rất yêu quý người cộng sản Đào Tấn Ngoạn đã cà răng, căng tai, đóng khố, “ba cùng” với đồng bào các dân tộc, nên kết nghĩa anh em và đặt tên dân tộc là Kôn Meo. Bà con dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều gọi Đào Tấn Ngoạn là Kôn Meo, còn bà con dân tộc Kờ Tu gọi là Ăm Meo (có lúc gọi là Ama Lộc theo yêu cầu của Đào Tấn Ngoạn để nhớ về người con trai duy nhất trong vùng địch tạm chiếm ở quê nhà). Cán bộ người Kinh thì gọi Đào Tấn Ngoạn là Quỳnh Meo. Trong bút ký “Chim Phượng Hoàng” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (đạt giải A cuộc thi do Bộ Lâm nghiệp và Hội Nhà văn tổ chức năm 1982) có nhắc đến một nhân vật là một cụ già người dân tộc Kờ Tu ở vùng núi A Sầu, A Lưới đã vinh danh và ngưỡng mộ người cộng sản Kôn Meo bằng một ví von tương phản đầy ấn tượng: “...Mỹ, Diệm là con công, không bầu cho nó đâu. Ông Kôn Meo ở trong vùng sâu kia là con chim triêng (phượng hoàng) đấy. Kôn Meo cà răng, mặc khố với người dân tộc, ăn củ rừng, củ mài để làm cách mạng, nhân dân nuôi ông trong hang đá. Người ta không hát bài của Mỹ Diệm; người ta hát “Ơ con triêng bay cao bay xa...”. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận đầy trang trọng và tự hào: “Tỉnh ủy đã tập trung một số cán bộ, đảng viên từ các huyện đồng bằng vừa lên giáp ranh miền núi, cùng với số cán bộ được bố trí ở lại từ trước, học tập Nghị quyết Tỉnh ủy, học tập chính sách dân tộc và phân công các đồng chí về bám từng thôn, xã. Cán bộ, đảng viên được phân công đã thực sự quần chúng hóa để vận động quần chúng. Có đồng chí tự nguyện để tóc dài, đóng khố, cà răng, căng tai, học tiếng địa phương, đi chân đất để che mắt địch, đến từng bếp, sống hòa vào quần chúng, phát động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng. Tiêu biểu cho công tác “quần chúng hóa” là đồng chí Kôn Meo (tức Đào Tấn Ngoạn), cán bộ của Khu ủy V tăng cường cho Thừa Thiên...”(2 ).
Đường dây Thống Nhất qua Trị Thiên, sau này là tuyến vận tải chiến lược Đông Trường Sơn - Ảnh: Tư liệu
Kôn Meo cùng Đảng ủy Miền Tây đứng chân ở vùng cao thung lũng A Lưới, cách thành Huế 75km, có độ cao 700 mét so với mực nước biển. Cả vùng A Lưới là một lòng chảo dài 40km, chiều rộng trung bình 5km, phía tây giáp nước bạn Lào, phía đông giáp vùng cao các huyện Phong Điền, Hương Trà, phía nam giáp huyện miền núi Hiên Giằng (Quảng Nam), phía bắc giáp huyện Hương Hóa (Quảng Trị) nối thông với giới tuyến tạm thời. Núi rừng A Lưới chập chùng hùng vĩ với núi Đồng Nai ở phía bắc cao gần 4.000 mét so với mặt biển; các dãy núi phía đông như A Lau, A Ló, Cô Pung, Ta Lang Ai, phía tây bắc như A Nong Công, A Túc, A Bia, phía tây có dãy Trường Sơn giáp nước bạn Lào bao bọc. A Lưới là nơi phát nguyên của sông Bồ, sông Hương và các con sông A Sap, Đắk Krông. A Lưới là một cung đường quan trọng trong hệ thống đường dây thống nhất nối liền Khu V với miền Bắc. Các dân tộc ít người sinh sống ở vùng A Lưới có dân tộc Tà Ôi (sau này còn gọi là Pa Kô và Pa Hi), dân tộc Cờ Tu...
Bám rễ sâu trong lòng dân, dựa vào núi rừng A Lưới hiểm trở, Bí thư Đảng ủy Kôn Meo đã cùng các đồng chí của ông xây dựng Miền Tây Thừa Thiên thành một căn cứ địa vững chắc liên hoàn bao gồm vùng A So, A Lưới, Nam Đông (giáp với biên giới nước bạn Lào) đến miền tây các huyện Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, nối thông với miền tây Quảng Trị ở phía bắc và cả miền tây Quảng Nam ở phía nam.
Để đánh phá vùng căn cứ miền Tây Thừa Thiên trong những năm 1955-1956, Mỹ - ngụy xây dựng con đường 12 lên A Lưới để phục vụ các cuộc hành quân lùng sục đánh phá cách mạng, khống chế bà con các dân tộc.
Những năm 1957-1958, địch tăng cường lực lượng đóng nhiều đồn bót lớn ở A Lưới, như A Bia, Đồi Bec, Ma Mưng, A Túc hòng ngăn chặn tuyến giao liên của đường dây thống nhất nối liền Khu ủy V với miền Bắc và đánh phá lực lượng cách mạng đang trụ bám tại địa bàn. (Còn nữa)
(2) Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1995), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, tr.38.
PHAN THANH