Thứ Sáu, 29/11/2024 11:38 SA
Có một “già làng” Phú Yên ở chiến khu Miền Tây Thừa Thiên thời đầu kháng chiến chống Mỹ (Bài 1)
Thứ Tư, 11/09/2013 16:27 CH

L.T.S: Đồng chí Đào Tấn Ngoạn (bí danh Tấn Trung, Kôn Meo - Quỳnh Meo - Ăm Meo, Ama Lộc - Ma Lộc), một trong những cán bộ lão thành tiền khởi nghĩa tỉnh Phú Yên, đã từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, Phú Hòa), Bí thư Chiến khu 2 - Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa năm 1947. Trong hai cuộc chiến tranh, đồng chí Đào Tấn Ngoạn hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên và Miền Tây Thừa Thiên - Huế. Những năm tháng hoạt động ở Miền Tây Thừa Thiên (6/1956-10/1960), đồng chí Đào Tấn Ngoạn được Khu ủy V tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên với Bí danh Kôn Meo và trở thành một “già làng” huyền thoại như hồi tưởng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Vai “Tôi vẫn nhớ như in bác Kôn Meo để tóc dài, cà răng, đóng khố, để râu dài, thông thạo tiếng dân tộc. Gặp bác vài lần, không ai biết bác là người Kinh vì sinh hoạt của bác không khác gì người dân tộc ở vùng này. Bà con các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên yêu quý Kôn Meo như già làng của các buôn làng.

 

Công lao của Bí thư Kôn Meo đối với bà con các dân tộc Miền Tây Thừa Thiên trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ là rất lớn. Từ một vùng đồng bào dân tộc đói cơm, đói muối, đói chữ, Kôn Meo đã góp phần quan trọng cùng Đảng ủy Miền Tây làm nên một A Lưới anh hùng, một huyền thoại “Pa Kô - con cháu Bác Hồ” tự hào cùng đất nước.

 

ong-ngoan130911.jpg

Ông Kôn Meo ở chiến khu A Lưới, miền Tây Thừa Thiên trong những năm 1956-1960

Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu những tư liệu quý về một trong những người con ưu tú của Phú Yên đã in đậm dấu ấn ở chiến khu Miền Tây Thừa Thiên thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ (6/1956-10/1960).

 

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, vào tháng 8/1954 Đào Tấn Ngoạn đang công tác ở Ban Chính trị Tỉnh ủy Đắk Lắk, được cấp trên bố trí về tỉnh Phú Yên thăm gia đình vài hôm, bởi theo tinh thần hiệp định từ ngày 1/9/1954, tỉnh tự do Phú Yên sẽ tạm bàn giao cho đối phương quản lý, chờ hai năm tổng tuyển cử.

 

Tháng 2/1955, Khu ủy V điều động Đào Tấn Ngoạn về vùng tập kết 300 ngày ở Bình Định và được bố trí tập kết ra miền Bắc chữa bệnh một thời gian, sau đó được Đảng phân công tham gia xây dựng Trường đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam trực thuộc Ban Dân tộc Trung ương. Với bề dày kinh nghiệm 5 năm hoạt động ở chiến trường Đắk Lắk, Đào Tấn Ngoạn đã đóng góp nhiều kinh nghiệm phong phú trong công tác chuẩn bị đào tạo cán bộ dân tộc, nhất là đội ngũ cán bộ dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn từ vĩ tuyến 17 trở vào. Qua các học viên là cán bộ các dân tộc thiểu số, ông đi sâu tìm hiểu thêm nhiều vấn đề về tâm tư nguyện vọng, về đoàn kết Kinh - Thượng, về phong tục tập quán của từng tộc người, sự gắn bó son sắt thủy chung của bà con các dân tộc với cách mạng trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp để bổ sung kiến thức vận động quần chúng các dân tộc.

 

Lúc này ở miền Nam, Mỹ - Diệm tổ chức các đợt tố cộng vô cùng khốc liệt, ngày đêm lùng sục bắt bớ giam cầm, tra tấn, thủ tiêu những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước. Mỹ - Diệm tiến hành cuộc chiến tranh một phía, khủng bố dã man, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Nhiều cán bộ, tổ chức bí mật được Đảng phân công ở lại hoạt động bị bắt, bị vỡ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Trước tình hình này, Trung ương Đảng đã chọn lựa những đảng viên trung kiên nhất, am hiểu sâu sắc về miền núi để phân công trở về miền Nam tăng cường lực lượng, xây dựng các chiến khu ở miền núi để cách mạng đứng chân gìn giữ lực lượng, bám chặt quần chúng để giữ vững và phát triển phong trào, thắp lên ngọn lửa niềm tin, ý chí về thế tất thắng của cách mạng trong lòng quần chúng. Cuối năm 1955, trước những khó khăn trong công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Miền Tây Thừa Thiên, đồng chí Võ Chí Công (lúc đó là Phó Bí thư Khu ủy V) giới thiệu Đào Tấn Ngoạn cho Tỉnh ủy Thừa Thiên để tham gia công tác Thượng du vận(1). Tháng 4/1956, Đào Tấn Ngoạn là một trong số ít cán bộ nguyên của Khu ủy V được Trung ương điều động trở về chiến trường miền Nam tăng cường lực lượng cho Khu ủy. Tháng 5/1956, Thường vụ Khu ủy V phân công Đào Tấn Ngoạn tăng cường cho Tỉnh ủy Thừa Thiên để xây dựng miền núi, củng cố chiến khu Miền Tây Thừa Thiên để cách mạng đứng chân, trụ bám, gìn giữ lực lượng và phát triển phong trào.

 

Tỉnh Thừa Thiên từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1955 trực thuộc Liên khu ủy IV. Để phù hợp với sự chỉ đạo của Đảng trong tình hình mới, tháng 5/1955 Trung ương nhập hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên vào Liên khu ủy V. Tình hình Thừa Thiên sau Hiệp định Giơ-ne-vơ có rất nhiều khó khăn. Ngày 24/8/1954, Tỉnh ủy Thừa Thiên triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại chiến khu Hòa Mỹ để bàn phương thức tổ chức lãnh đạo trong tình hình mới, củng cố tổ chức Đảng theo nguyên tắc tinh, gọn, bí mật. Tất cả cán bộ ngoài diện được phân công ở lại hoạt động bí mật và đi tập kết, số còn lại đều trở về làng sống hợp pháp, có nhiệm vụ tuyên truyền giải thích để nhân dân hiểu ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuẩn bị lực lượng để thực hiện tổng tuyển cử sau hai năm (20/7/1956). Tỉnh ủy bí mật rút vào vùng núi Phong Điền, xây dựng các tuyến giao thông liên lạc hợp pháp và bất hợp pháp nối với Khu V và vùng giới tuyến, bảo đảm đường dây giao liên thống nhất được thông suốt. Thế nhưng, ngay khi vừa tiếp quản tỉnh Thừa Thiên, địch điên cuồng tập trung lực lượng mở những cuộc hành quân càn quét vào chiến khu Hòa Mỹ, Dương Hòa, Truồi và các vùng căn cứ du kích từ Phong Điền đến Phú Lộc, bắn giết, bắt giam nhiều cán bộ kháng chiến và quần chúng yêu nước. Địch liên tiếp gây ra những vụ thảm sát đẫm máu ở Kim Đôi (Quảng Điền), Đông Lộc (Phú Vang), Vinh Hòa (Phú Lộc). Địch còn huênh hoang thành lập chiến khu chống cộng Mộc Đức ở Phú Vang, ngày đêm xua quân đi bắt bớ, giam cầm, hãm hiếp, cướp phá tài sản của dân. Nhân dân vô cùng căm phẫn, tố cáo vạch mặt chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, buộc Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến phải vào điều tra vụ thảm sát Kim Đôi. Bên cạnh đó, bọn phục thù giai cấp và đầu hàng phản bội đã dẫn đường cho quân ngụy càn vào các chiến khu kháng chiến, phá sạch dấu vết các căn cứ địa cách mạng, biến các vùng này thành các khu dinh điền nhằm ngăn chặn hoạt động của cách mạng giữa miền núi và đồng bằng.

Giữa năm 1956, do chế độ Diệm truy đuổi, tàn quân đảng Đại Việt phản động do Trần Bình cầm đầu tự xưng là trung tướng đã trốn lên A Lưới, Nam Đông lập căn cứ với danh nghĩa chống chế độ Diệm nhưng thực chất là trốn tránh sự truy lùng của Diệm. Trần Bình trước là cán bộ cách mạng, đã từng tham gia kháng chiến, về sau phản bội cách mạng đầu hàng Pháp. Với lực lượng tàn quân khoảng một tiểu đoàn, Trần Bình lập căn cứ ở A Lưới, tìm cách mua chuộc, dụ dỗ, lừa mị đồng bào các dân tộc, hô hào tổ chức lực lượng chống Diệm, đồng thời truy tìm tiêu diệt cán bộ Việt Minh được phân công ở lại hoạt động. Với bản chất phản bội, bán nước, Trần Bình sớm bộc lộ bộ mặt gian ác. Nhóm tàn quân đảng Đại Việt phản động do Trần Bình chỉ huy tàn ác như thổ phỉ, thường xuyên cướp bóc, ức hiếp, gây tội ác đối với dân làng. Bọn này đã gây tội ác man rợ với bà con các dân tộc ở thôn A Đăng (Tà Rụt), A Tao (Hồng Hạ) và A Lưới, điển hình là vụ giết hại dã man ông Mau ở thôn A Tia. (Trước sự căm thù tột độ của nhân dân, sau này Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên do Kôn Meo lãnh đạo đã vạch kế hoạch tiếp cận và tiêu diệt nhóm tàn quân phản động này. Tháng 5/1957, Đảng ủy Miền Tây phát động các buôn làng tổ chức lễ ăn thề quyết tâm tiêu diệt tên Trần Bình và đồng bọn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng cách mạng các dân tộc Tà Ôi, Cờ Tu đã nổi dậy tiêu diệt nhóm thổ phỉ này và trừng trị tên ác ôn Trần Bình tại thôn A-Riêu xã Phong Bình, nay là xã Hồng Thái).

(Còn nữa)

PHAN THANH

 

(1) Theo lời kể của đồng chí Lê Sáu, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, trực Đảng Tỉnh ủy Thừa Thiên thời chống Mỹ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
An Định, mảnh đất kiên trung
Thứ Sáu, 30/08/2013 10:46 SA
Phú Yên với những ngày tháng Tám
Thứ Sáu, 16/08/2013 08:25 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek