Xã An Định, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nằm ở phía tây của huyện Tuy An. Xã An Định có đường sắt xuyên Việt ngang giữa xã và con đường số 6 (nay là ĐT 641), con đường huyết mạch nối từ thị trấn Chí Thạnh qua An Định đến La Hai (Đồng Xuân) và Vân Canh (Bình Định). Là một xã thuộc vùng bán sơn địa, địa hình không bằng phẳng, phần lớn diện tích nằm trong thung lũng sông Cái, núi đồi nhấp nhô. Dựa vào địa thế tương đối hiểm trở, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, An Định đã ghi vào lịch sử những nét son chói lọi…
Vùng giáp giới giữa xã An Định và xã An Nghiệp, nơi giặc Mỹ từng lập ấp chiến lược và đồn bót để đàn áp người dân địa phương - Ảnh: H.ANH
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là từ năm 1946 đến 1954, An Định đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Để bổ sung lực lượng cho các chiến trường của Phú Yên và khu V, xã An Định đã tích cực vận động thanh niên lên đường nhập ngũ. Công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên luôn được chi bộ Đảng đặt lên hàng đầu, thường xuyên phát động phong trào thanh niên tòng quân giết giặc cứu nước. Nhờ vậy, có nhiều thanh niên trong xã đã hăng hái lên đường tình nguyện gia nhập quân đội, sát cánh chiến đấu trong các đơn vị bộ đội bảo vệ quê hương, đất nước.
Thực hiện chủ trương của cấp trên, xã An Định đã tổ chức rất tốt các đoàn dân công hỏa tuyến tiếp vận lương thực, vũ khí, thuốc men cho bộ đội các chiến trường Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa. Tất cả công dân từ 18 đến 55 tuổi đều được huy động tham gia. Lực lượng dân công được huy động nhiều đợt, mỗi đợt có từ 20 đến 30 người tham gia. Hết đợt này đến đợt khác, quân số của xã An Định không hề thua kém đơn vị bạn. Trong số đó, có nhiều người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đường dây liên lạc, vận chuyển vũ khí, thuốc men đến tận chiến trường; có nhiều người bị giặc Pháp bắt làm tù binh phải chịu nhiều cực hình tra tấn dã man. Các phong trào yêu nước được nhân dân An Định hưởng ứng tích cực như “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”. Người dân An Định đã đóng góp theo khả năng của mình, có người khá giả đóng góp hàng triệu đồng phục vụ kháng chiến kiến quốc. Đầu năm 1947, thực hiện chủ trương Tiêu thổ kháng chiến để ngăn chặn bước tiến của giặc, xã đã vận động nhân dân chủ yếu là nông dân và thanh niên có tới hàng trăm người tham gia việc lấp đường ở eo đèo Thị. Đường số 6, đoạn từ chân đèo Thị đến giáp xã Xuân Sơn (Đồng Xuân) đã bị phá nhiều đoạn và đường ray xe lửa cũng được đào phá để cản bước tiến của địch nếu chúng tiến quân đến đây.
Tuy là vùng tự do nhưng xã An Định vẫn thường bị giặc Pháp đổ quân càn quét, cướp phá, địch còn dùng cả máy bay thả bom làm bị thương nhiều người, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn. Quân và dân An Định đã dựa vào địa thế tương đối hiểm trở dũng cảm đánh trả nhiều đợt càn quét, gây nhiều tổn thất lớn cho địch. Vào tháng 2/1954, giặc Pháp mở trận càn đi qua xã An Định, quân và dân An Định đã bố trí gài mìn ở các đường mòn trong rừng làm cho địch bị thương khá nhiều. Các bậc cao niên ở xã An Định hiện vẫn còn nhớ trận chiến đấu của một đại đội dân quân cùng 100 dân công xã kết hợp với Tiểu đoàn 375 chặn đánh đoàn xe của Pháp từ La Hai đi xuống Bầu Súc vào ngày 6/3/1954. Quân ta đã bố trí trận địa dọc theo đường sắt diệt gọn đoàn xe 26 chiếc và bắt sống được 5 tên giặc Pháp…
Tháng 7/1954, cùng với huyện Tuy An, xã An Định hoàn toàn giải phóng. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, với tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, nhân dân An Định đã vận dụng sáng tạo nhiều hình thức đánh giặc, sản xuất đóng góp nhiều của cải và xương máu để giải phóng quê hương. Phát huy truyền thống quý báu trong đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược, nhân dân An Định tiếp tục bước tiếp chặng đường dài hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
HÀ ANH