Thứ Sáu, 20/09/2024 23:49 CH
Lòng dân và sức dân trong kháng chiến chống Mỹ
Thứ Sáu, 30/08/2013 09:00 SA

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trôi qua gần 4 thập kỷ nhưng luôn đánh thức hồi tưởng của mỗi chúng ta biết bao hình ảnh đẹp đẽ của cuộc chiến tranh nhân dân đầy khí phách anh hùng. Trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ địch có sức mạnh vượt trội gấp trăm lần, quân dân ta đã xả thân vì nghĩa lớn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong những năm đen tối nhất của cách mạng miền Nam từ năm 1954 đến năm 1960 bất chấp Mỹ Diệm lùng sục, khủng bố, bao vây phong tỏa, tra tấn tù đày, thủ tiêu ám muội, bất chấp sự khát máu điên cuồng của địch trong kế hoạch “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, nhân dân vẫn âm thầm, bí mật đóng góp sức người, sức của cho cách mạng để nuôi dưỡng phong trào.

Đồng bào các dân tộc thiểu số dành dụm từng củ sắn, củ khoai, hạt bắp, hạt gạo, từng hạt muối hiếm hoi cho bộ đội, cán bộ có ăn đánh giặc. Nghĩa nặng tình sâu của đồng bào Ba na, Ê đê, Chăm… cao ngất như núi La Hiên, lai láng như sông Ba - Đà Rằng tạo thành chỗ dựa vững chắc cho cách mạng tiến ra phía trước, mở rộng vùng căn cứ tiến xuống đồng bằng.

Khi đồng khởi Hòa Thịnh nổ ra, hàng trăm thanh niên đã hăng hái tòng quân gia nhập quân giải phóng (xây dựng Đại đội 375). Hàng chục tấn gạo, muối mắm, thuốc men đã được nhân dân đóng góp nuôi dưỡng phong trào giúp cho cách mạng bám trụ và mở rộng khắp đồng bằng rộng lớn. Cảm phục biết bao khi nhiều gia đình trong vùng địch tạm chiếm đào hầm bí mật che giấu nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bộ đội. Lo cho anh em từng bát cơm ngụm nước, viên thuốc trước nanh vuốt của kẻ địch mà không hề lo sợ dù phải hy sinh tính mạng.

Các cửa khẩu tiếp giáp với vùng tạm chiếm đêm đêm chèo ghe chở gạo từ Ngân Sơn ngược dòng sông Cái lên vùng căn cứ Xuân Quang, Xuân Phước. Mỗi lần cán bộ, bộ đội vào làng hoạt động, đồng bào biểu lộ tình thương với tấm lòng bao la. Nhiều bà má, bà thím, bà chị, người thì mang gạo, người mang cá, mắm, sữa, đường, thuốc lá, tiền cho bộ đội, cán bộ với tình cảm vô bờ.

Có những em bé mưu trí khôn ngoan dũng cảm bỏ gạo vào ấm nước, bỏ muối vào ống tre treo lủng lẳng trước cổ bò bình thản vượt qua trạm kiểm soát để cho các cô, các chú cách mạng có cái ăn để đánh giặc.

Cả vùng đồng bằng Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 rộng lớn đã xuất hiện hàng vạn hũ gạo kháng chiến, đêm đêm người và ngựa nườm nượp vận chuyển hàng vạn tấn lương thực lên nhập kho Suối Phẩn, Suối Muồng.

Khi phong trào cách mạng mở rộng, đồng bào trong các thị trấn, thị xã hướng về cách mạng với sự ủng hộ bằng tiền, vàng. Có những gia đình đóng góp hàng triệu đồng, hàng chục lượng vàng. Ngoài ra, người dân thường xuyên tổ chức lạc quyên, đảm phụ nuôi quân, hũ gạo tiết kiệm…

Hàng vạn dân công hỏa tuyến không tiếc xương máu công sức ngày đêm phục vụ chiến dịch lớn, tham gia bốc dỡ vũ khí ở bến Vũng Rô. Hàng vạn lượt người xuống đường đấu tranh chính trị, binh vận, đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi hòa hợp hòa giải dân tộc. Các đội quân tóc dài với trình độ điêu luyện đã nhiều lần xuống đường đấu tranh trực diện với địch, buộc địch phải dừng tay đẫm máu của chúng. Phong trào học sinh, sinh viên đô thị với hàng nghìn người xuống đường đấu tranh đốt phá chi cảnh sát ngụy quyền Sài Gòn.

Hàng vạn dân công được huy động để xây dựng trạm xá, kho hàng, trại thương binh, trại cải tạo, vận chuyển lương thực, vũ khí cho các chiến trường Đắk Lắk, Khánh Hòa đồng thời chuyển thương binh về tuyến sau. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hàng vạn người dân yêu nước đã tình nguyện làm dân công ngày đêm trèo đèo lội suối phục vụ chiến trường.

Nhiều gia đình bí mật đưa tiễn chồng con lên đường giết giặc. Nhiều gia đình có 3, 4 liệt sĩ, đặc biệt có gia đình có 5 liệt sĩ vẫn nén đau thương thành sức mạnh, vẫn hăng hái đi đầu vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Nói sao cho hết được công sức của nhân dân ngày đêm cõng gạo vượt qua dốc Mõ, vượt sông Ba, sông Krông Năng xuyên qua phía bắc Buôn Ma Thuột giáp đường Hồ Chí Minh. Nói sao cho hết công sức của bà con vùng đông Tuy Hòa vận chuyển cả 4 chuyến tàu vũ khí của hậu phương lớn cập bến cảng Vũng Rô. Đường vận chuyển vũ khí từ Cà Te khu 7 Gia Lai về Tân Lương, đường Trà Kê vào Cà Lúi vượt sông Ba, sông Krông Năng hoàn toàn được làm bằng sức người với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng…

Bên cạnh sản xuất tự túc của các đơn vị quân, dân, chính, đảng tại chiến trường, sự đóng góp sức của, sức người của nhân dân là vô cùng to lớn. Cùng với nhân dân miền Nam, hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã cung cấp cho cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng biết bao tài lực, vật lực. Biết bao người con ưu tú của mọi miền đất nước và tỉnh Hải Dương kết nghĩa đã cầm súng chiến đấu trên chiến trường Phú Yên sát cánh cùng đồng bào, đồng chí tỉnh nhà làm nên chiến thắng lịch sử ngày 1/4/1975.

NGUYỄN HỮU ÁI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
An Định, mảnh đất kiên trung
Thứ Sáu, 30/08/2013 10:46 SA
Phú Yên với những ngày tháng Tám
Thứ Sáu, 16/08/2013 08:25 SA
Nuôi quân phục vụ kháng chiến
Thứ Sáu, 16/08/2013 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek